Chính sách tiền tệ cần linh hoạt hơn
“Hoạt động ngân hàng cũng chưa tôn trọng luật pháp, khi mà luật Dân sự vẫn còn hiệu lực quy định. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố” nhưng luật này đang bị “phớt lờ” đi. Bên cạnh đó, việc lách luật, lách trần lãi suất, lách các quy định của NHNN vẫn diễn ra phổ biến, trong khi đó, các hình phạt thích đáng không được bao nhiêu. Từ chỗ thiếu tôn trọng pháp luật dẫn tới hoạt động tài chính tiền tệ trong nước có phần hỗn loạn. Phải đến cuối năm 2011, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cố gắng đem lại một phần nào trật tự và đang có những kết quả ban đầu” - chuyên gia Bùi Kiến Thành nhận định.
Cũng theo ông Bùi Kiến Thành, suốt năm 2011, vấn đề lãi suất đã không được quản lý tốt, phải đến những tháng cuối năm có một phần tín hiệu khả quan hơn. Thống đốc NHNN muốn đưa lãi suất cho vay ở 17% - 18% và lãi suất huy động ở 14%, nhưng đến nay, mới chỉ khống chế được một cách tương đối lãi suất huy động còn lãi suất cho vay chưa thực hiện được. Hệ quả là các doanh nghiệp vô cùng khó khăn, thu hẹp đầu tự, nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất... Nguyên nhân có một phần từ khách quan tình hình thế giới, phần lớn là do nguyên nhân chủ quan về quản lý, chính sách. Do vậy, việc quản lý thị trường tiền tệ trong năm 2012, rất cần sự minh bạch, chặt chẽ, trật tự và thông thoáng hơn.
Riêng về hoạt động ngân hàng, chuyên gia kinh tế – tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng, ngân hàng không phải chỉ có dịch vụ cho vay mà cón nhiều dịch vụ khác, trong đó, lớn nhất là dịch vụ tư vấn cho khách hàng của mình đầu tư có hiệu quả trong các sự án sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, dịch vụ này nhiều ngân hàng của chúng ta không làm, vì họ không có đủ nhân sự, khả năng để làm. Nếu chỉ cho vay không thì không phải là ngân hàng, mà chỉ có thể gọi là tiệm cầm đồ.
Nhà nước nên thanh tra kiểm tra, xem đâu là ngân hàng thực sự làm nhiệm vụ theo luật về tổ chức tín dụng, ngân hàng nào chỉ đi làm nhiệm vụ cho vay như tiệm cầm đồ, không có đủ năng lực, nhân sự để phát triển nên có cách xử lý, giải quyết, không để làm nhiễu cả hệ thống.
“Một vấn đề cần quan tâm đó là hiện nay chúng ta đang có tình trạng các ngân hàng quốc doanh do Nhà nước tạo ra trước đây, đang không đi đúng nhiệm vụ ban đầu của mình” - ông Thành cho biết.
Ví dụ như ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiệm là đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì nay không chỉ làm nhiệm vụ đó nữa mà làm đủ thứ chuyện khác. Ngân hàng ngoại thương hay Ngân hàng công thương cũng vậy đang làm nhiều chức năng khác như một ngân hàng thương mại thông thường. Hiện nay, tôi cho rằng, không có lý do gì mà Nhà nước có đến 4 – 5 ngân hàng thương mại cổ phần cạnh tranh nhau.
Chuyên gia Bùi Kiến Thành cũng cho biết: “Nói rằng ngân hàng lớn cần phải hiểu là chỉ lớn ở trong nước, chứ so với quốc tế, các ngân hàng của chúng ta chưa có gì là lớn. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có mong muốn xây dựng hai ngân hàng có tầm vóc khu vực, đó là điều đúng. Nhưng tôi cho rằng, Thống đốc cũng cần lưu ý thêm rằng chính sách tiền tệ cần nhắm vào mục đích chính trị và mục đích kinh tế. Chính sách lớn nhất của chúng ta hiện nay là phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn với 70% dân số. Do đó, cần tăng thêm vai trò của ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn”.
Về cách điều hành thị trường tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong năm tới, theo ông Bùi Kiến Thành ưu tiên hàng đầu là làm sao tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, phát triển để nền kinh tế có thể ổn định bền vững và tăng trưởng. Cần phải cung ứng đầy đủ nguồn tín dụng với lãi suất hợp lý để doanh nghiệp hoạt động. Chỉ có nền kinh tế phát triển mạnh và doanh nghiệp phát triển mạnh thì mới giải quyết được các vấn đề nội tại khác một cách ổn thỏa từ đó mới có uy tín trên trường quốc tế. Lãi suất cần được hạ về ít nhất dưới 10% để các doanh nghiệp có thể vay mà sản xuất.
“NHNN cũng cần lưu ý, điều hàng chính sách tiền tệ theo tinh thần Nghị quyết 11 ban hành tháng 2/2011 là chặt chẽ, linh hoạt và lưu ý rằng chặt chẽ không có nghĩa là thắt chặt. Chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, biết nền kinh tế cần gì để đáp ứng đầy đủ cho kinh tế phát triển” - vị chuyên gia này cho biết.
Nhận định về mục tiêu năm 2012, đưa lạm phát xuống còn một con số và tăng trưởng từ 6 – 6,5%. Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành: “Con số này khả thi với điều kiện doanh nghiệp phát triển tốt, nền kinh tế tăng trưởng tốt trong điều kiện lãi suất thấp, giá cả không tăng. Muốn vậy, cần có chính sách phù hợp tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Còn nếu như những chính sách không có gì thay đổi, vẫn như hiện nay thì con số này là không thể thực hiện được”.
Dương Hưng (ghi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét