Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

Khuôn mặt mới từ hoang tàn cộng sản

Lưu để nhớ những ngày lang thang ở Sân vận 
động Mười Năm tại thủ đô Warsaw của Ba Lan:

Khuôn mặt mới từ hoang tàn cộng sản 
 
Lê Diễn Đức


Sân vận động Quốc gia Ba Lan mọc lên từ chợ trời cũ

Dù đã hơn 20 năm trôi qua kể từ khi chế độ cộng sản Ba Lan sụp đổ vào năm 1989, nhiều sự kiện xảy ra ở Ba Lan vẫn đan kết với quá khứ trong tâm lý của dân bản xứ, cũng như với người Việt, nhất là những người trực tiếp chứng kiến tiến tình thay đổi trên đất nước này.

Sự kiện mà tôi trình bày trong bài viết này có ấn tượng sâu sắc, thú vị, liên quan tới cuộc sống của hàng ngàn, nếu không nói là hàng chục ngàn người Việt, đã và đang sinh sống tại Ba Lan.

Sân vân động Mười Năm

Sân vận động Muời Năm gọi tắt từ tên đầy đủ: “Sân vận động Mười Năm của Tuyên ngôn Tháng Bảy”.

Tuyên ngôn Tháng Bảy là hiệp ước giữa Ba Lan và Liên Xô được Stalin phê chuẩn tại Moscow ngày 20 tháng 7 năm 1944, kêu gọi chống xâm lược Đức, thành lập Hội đồng Dân tộc như là đại diện duy nhất của Ba Lan, bác bỏ Chính phủ Ba Lan hợp pháp lưu vong tại London, thành lập Công an nhân dân, quốc hữu đất đai và các ngành công nghiệp, giáo dục miễn phí, hồi hương người Ba Lan…

Thực chất Tuyên ngôn Tháng Bảy là nền tảng kiến tạo thể chế cộng sản tại Ba Lan trong hệ thống do Liên Xô đứng đầu sau Chiến tranh Thế giới II.

Sân vận động Mười Năm được xây dựng trên bờ sông Vistuyn, cách trung tâm thủ đô Warsaw khoảng 10-15 phút đi xe hơi, cho mục tiêu phục vụ Olimpic tương lai.

Theo thiết kế, sân vận động này chứa được trên 70 ngàn người, có sân bóng đá với tiêu chuẩn quốc tế, 8 làn đua dài 400 mét dành cho thi đấu điền kinh, xe đạp, mô-tô, một bãi đậu xe 900 chiếc, cùng nhiều công trình phụ khác.

Mặc dù một số chuyên gia đương thời đề nghị sửa đổi khi nhìn thấy khiếm khuyết trong thiết kế, nhưng đã không được đồng ý. Bắt đầu xây dựng từ tháng 8/1954, người ta đã cố gắng hoàn thành trong một thời gian kỷ lục (với một công trình có quy mô lớn như thế), cốt để kịp khánh thành đúng vào ngày kỷ niệm quốc khánh Ba Lan, 22/07/1955, và Tuyên ngôn Tháng Bảy.

Sau một thời gian sử dụng, đã cho thấy một số nhu cầu cơ bản không đáp ứng, ví dụ hệ thống vệ sinh công cộng không đủ cho lượng khán giả, tính toán sai khoảng cách từ sân chơi tới phòng thay quần áo của cầu thủ. Theo quy định, cầu thủ phải được nghỉ 10 phút, nhưng quãng đường đi chiếm mất 9-10 phút, nên giờ giải lao giữa hai trận đấu phải kéo dài 30 phút!

Sân vận động Mười Năm đã không khai thác sử dụng hết tiềm năng, bị bỏ trống dần, và đến năm 1983 bị hư hỏng nặng, kinh phí sửa chữa quá lớn không thích hợp với tình trạng kinh tế đang tuột dốc, vào lúc chế độ cộng sản sụp đổ năm 1989, trở thành bãi hoang phế.

Trong một giai đoạn dài thời cộng sản, nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện thể thao lớn nhất của Ba Lan và cũng là nơi nhà chức trách sử dụng cho mục đích chính trị như tổ chức các lễ kỷ niệm nhà nước quan trọng, các hội diễn, mit tinh, có lúc tới 100 ngàn người dự.

Tự thiêu phản đối chế độ

Từ những trường hợp tự thiêu phản đối chính quyền tại Trung Quốc và Việt Nam có người cho rằng, “tự thiêu là hình thức đấu tranh lạ lùng chỉ phổ biến ở Việt Nam và vài nước châu Á”. Điều này không đúng.

44 nămtrước đây tại Ba Lan, ông Ryszard Siwiec, đã tự thiêu trên Sân vận động Mười Năm vào ngày 8/09/1968, để phản đối sự can thiệp quân sự của Liên Xô và các nước thành viên Hiệp ước Warsaw vào Tiệp Khắc (cũ) trong mùa Xuân 1968.

Các hành động tự phát tuy giống nhau, nhưng cách chọn vị trí và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Ryszard Siewiec đã gây tiếng vang lớn, tác động mạnh lên dư luận xã hội.

R. Siwiec sinh ngày 7/03/1909, tốt nghiệp khoa triết học tại Đại học Lvov, tham gia quân đội Ba Lan trong chiến tranh, nhưng thời hậu chiến ông khước từ làm việc cho chính quyền cộng sản, sống giản dị bằng nghề kế toán, nuôi gia cầm và làm vườn. Ông có 5 người con.

Lên thủ đô Warsaw chấp nhận cái chết, R. Siwiec đã viết thư để lại cho vợ. Lá thư bị an ninh thu giữ và 22 năm sau mới được công bố, trong đó có đoạn:

“Marysia thân yêu, em đừng khóc, có hại cho sức khoẻ, điều rất cần thiết cho em. Anh chắc chắn đã sống 60 năm nay để dành cho giây phút này, không còn cách nào khác. Anh chết để sự thật không chết, chết cho nhân cách và tự do, điều này ít tệ hại hơn là cái chết của hàng triệu người. Em đừng đi lên Warsaw nữa, không ai giúp được anh đâu. Anh đang viết trên tàu nên chữ xiêu vẹo. Anh cảm thấy bình an nội tâm hơn bao giờ hết“.

Ngày 8/09/1968, trong buổi lễ hội quốc gia trên Sân vận động Mười Năm, trước sự hiện diện của những người đứng đầu của đảng và nhà nước cộng sản Ba Lan, các đoàn ngoại giao và 100 ngàn khán giả, ông tẩm xăng vào người, tung tờ rơi và châm lửa tự thiêu. Ông đã la hét phản đối khi an ninh xông vào che chắn và dập lửa.

Trong tờ rơi ông viết:

“Các bạn, những người trong lòng vẫn còn âm ỉ ngọn lửa của nhân tính, của tình cảm con người, hãy nhớ! Hãy nhớ tiếng thét của tôi, tiếng thét của một người già, bình thường, một người con của dân tộc yêu tự do của mình và của người khác trên tất cả, trên cả mạng sống!”.

R. Siwiec qua đời 4 ngày sau đó do bị bỏng hơn 85% bề mặt cơ thể. Các phương tiện truyền thông chính thức đã im lặng hoàn toàn về sự kiện này, còn an ninh thì tung tin ông bị bệnh tâm thần, tương tự như với Phạm Thành Sơn tự thiêu hồi tháng 2/2011 trước Uỷ ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, hay ông Nguyễn Văn Đương trong một vụ cưỡng chế ở Hưng Yên tháng 7/2009.

Khoảng nửa năm sau, ngày 16/01/1969, với cùng một lý do, sinh viên Tiệp Khắc Jan Palach cũng tự thiêu tại Praha để phản đối can thiệp quân sự của Liên Xô vào Tiệp Khắc. Palach có thể không biết những gì đã xảy ra ở Ba Lan, vì tới tháng 4/1969 Radio Free Europe là cơ quan truyền thông phát đi thông tin đầu tiên về cái chết của R. Siwiec.

Sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, chính quyền Lan Ba dân chủ đã vinh danh R. Siwiec. Tên ông được đặt cho một chiếc cầu tại quê nhà và câu chuyện về ông được đạo diễn Ba Lan M. Drygas dựng thành phim trong năm 1991. Tên ông cũng được nhà nước CH Czech đặt cho một đường phố của Praha và dựng bia tưởng nhớ ông trước Viện Nghiên Cứu Các Chế độ Toàn trị. Năm 2001, Tổng thống CH Czech bấy giờ là Vaclav Havel đã truy tặng ông Huân chương Tomas Masaryk hạng nhất. 
 



Ryszard Siwiec tự thiêu ngày 8/9/1968 - Ảnh: L. Lozynski

Chợ trời lớn nhất châu Âu

Năm 1990, trong ngổn ngang của khó khăn tài chính từ chế độ cộng sản để lại, chính quyền thủ đô Warsaw đã cho một công ty thương mại thuê Sân vận động Mười Năm, sử dụng cho mục đích xây dựng chợ buôn bán sỉ.

Với tên gọi “Jarmark Europa”, Sân vận động Mười Năm nhanh chóng trở thành một trong những chợ trời lớn nhất tại châu Âu với sự tham gia của hơn 5 ngàn doanh nghiệp, chủ yếu của người Ba Lan, của dân đến từ các nước cựu cộng sản, Trung Quốc, Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Pakistan… có doanh thu hàng năm ước tính khoảng 4 tỷ USD (số liệu năm 2001).

Theo cảnh sát Ba Lan, nơi đây cũng là trung tâm trốn thuế, bán buôn nhu liệu tin học bất hợp pháp, vũ khí, rượu và thuốc lá lậu. Trong giai đoạn 1995-2001, cảnh sát Ba Lan đã thực hiện hơn 25 nghìn đợt kiểm tra, tịch thu khoảng 10 triệu đĩa CD, DVD và vô số hàng hoá khác không chứng minh được xuất xứ.

Thương mại bất hợp pháp, đặc biệt là vũ khí, đã được nhà văn Ba Lan Jacek King dành riêng một số chương trong cuốn tiểu thuyết giật gân có tựa đề “Quốc tế Ca Lần Thứ 5”.

Vào năm 1989, cả Ba Lan chỉ có khoảng 500 người Việt ở rải rác khắp nơi, bao gồm cán bộ nhân viên đại sứ quán, thực tập sinh, nghiên cứu sinh, một ít sinh viên du học và những người Việt trốn ở lại Ba Lan đã có quy chế định cư.

Ba Lan là nước cộng sản không có công nhân Việt Nam làm việc theo diện xuất khẩu lao động, ngoại trừ khoảng 300 công nhân mỏ than duy nhất, kết thúc hợp đồng vào nửa sau của thập niên 70, nhưng trở về nước đã phải đi trại cải tạo giáo dục với cáo buộc bị ảnh hưởng văn hoá đồi trụy phương Tây, mặc quần ống loe, để tóc dài.

Cộng đồng người Việt ở Ba Lan ngày mỗi đông lên với tốc độ phi mã, chủ yếu do bị cuốn hút chuyện làm ăn từ Sân vận động Mười Năm. Đất lành chim đậu. Người Việt lũ lượt lôi kéo nhau từ Việt Nam, Nga, Bulgaria, Đông Đức cũ… đổ về thủ đô Warsaw bằng mọi con đường, hợp pháp có, mà bất hợp pháp thì nhiều gấp bội. Chỉ vài năm sau, số người Việt ở Ba Lan đã lên tới 40 đến 60 ngàn, trong đó 50-70% cư ngụ bất hợp pháp.

Khu vực vành đai phía trên của Sân vận động Mười Năm dường như dành riêng cho người Ba Lan, không hẳn có phân biệt, nhưng vì họ đến sớm nhất và giá thành thuê cao hơn. Người Việt lập đại bản doanh ở khu vực dưới quanh sân vận động, chia thành nhiều khu với các tên gọi không biết do ai đặt: khu Chuồng Chó, khu Nhà Trắng, khu Đường Tàu, khu PKS…

Nằm trên trục giao thông thuận tiện, trong suốt nhiều năm Sân vận động Mười Năm lúc nào cũng sầm uất, tấp nập suốt từ tờ mờ sáng, góp quan trọng vào trận mưa hàng hoá rẻ tiền trên sa mạc thiếu thốn vào những năm đầu tiên hậu cộng sản tại châu Âu. Khách hàng đông nhất từ các tỉnh của Ba Lan và từ Nga, Ukraine, Belarus… qua Ba Lan bằng tàu hoả, xe bus, vào thời kỳ đỉnh tới hàng trăm chiếc mỗi ngày.

Có từ 5 đến 7 ngàn người Việt buôn bán ở đây. Hàng hoá chủ yếu gồm quần áo may sẵn, giày dép và các đồ dùng sinh hoạt nhập khẩu từ Việt Nam, Thái Lan, Hongkong, Trung Quốc, Nam Triều Tiên, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ…

Đồng hành với buôn bán, các dịch vụ phục vụ người Việt và dân chợ cũng phát triển nhịp nhàng, mạnh mẽ: làm giấy tờ cư trú, môi giới tìm vợ chồng giả, chuyển người vượt biên, rửa tiền, phiên dịch, kế toán, khuân vác, chuyên chở hàng, kho bãi, tuyển người làm thuê, cửa hàng ăn uống, cung cấp văn hoá phẩm, rau quả, thực phẩm châu Á, chùa chiền, v.v…

Trong cộng đồng ở Ba Lan ít ai mà không có liên hệ đời sống với chợ trời này, nếu không trực tiếp thì cũng gián tiếp. Nhờ nó, rất nhiều người Việt đã thành đạt, trở nên giàu có, nhưng cũng lắm kẻ tan gia bại sản, thậm chí mất mạng.

Những niềm vui sướng, hạnh phúc, cũng như đau thương, mất mát, bị lừa gạt, trấn lột, ăn cắp, cười ra nước mắt… của người Việt trên Sân vận động Mười Năm có thể viết ra hàng tá sách nhưng cũng khó mà kể hết.

Nhịp độ và lợi nhuận buôn bán suy giảm dần theo thời gian do cung nhiều hơn cầu và từ khi Ba Lan gia nhập Liên minh châu Âu vào năm 2005, luật pháp ngày một xiết chặt. Giai đoạn vàng son nhất với người Việt ở Ba Lan chấm dứt khi thành phố quyết định đóng cửa để triển khai xây dựng sân vận động phục vụ Giải Vô địch Bóng đá châu Âu năm 2012, do Ba Lan và Ukraine đồng tổ chức. 
 



Tác giả bên những quầy hàng cuối cùng trên chợ của người Việt, Warsaw 2010 - Ảnh: Lê Diễn Đức

Công trình của niềm tự hào

Trên đất của Sân vận động Mười Năm đã mọc lên một công trình khác: Sân vận động Quốc gia do các kiến trúc sư của Đức và Ba Lan hợp tác thiết kế.

Để người buôn bán có thời gian chuẩn bị di dời, chính quyền Ba Lan thực hiện phương thức cuốn chiếu, làm tới đâu giải toả tới đó, đồng thời cấp cho họ đất xây dựng chợ mới.

Ngay từ năm 2004, khi biết được ý định của thành phố sẽ đóng cửa chợ, người Việt, Trung Quốc, Thổ Nhĩ kỳ… đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, xây dựng những trung tâm buôn bán khang trang, hiện đại thay thế, cách trung tâm Warsaw khoảng 25 km.

Toàn bộ thời gian xây dựng Sân vận động Quốc gia kể từ thiết kế, chọn thầu, tới lúc hoàn thành mất 4 năm (2007 – 2011), với giá trị đầu tư xấp xỉ 400 triệu USD. Đây là một công trình hiện đại, đạt 4 hạng cao nhất của Liên đoàn Bóng đá Âu châu EUFA.

Sân vận động Quốc gia có 58 ngàn chỗ ngồi, 50 chỗ dành cho người tàng tật với các trang thiết bị chuyên dụng cho người điếc, khiếm thị và mái che bằng hợp chất dẻo có thể đóng, mở trong 20 phút, cùng tổ hợp các công trình phụ đa chức năng thể thao, khách sạn, nơi vui chơi giải trí…

Tối ngày 29/1/2012 vừa qua, khoảng 75 ngàn người Ba Lan đã tham dự lễ khánh thành chính thức Sân vận động Quốc gia với các màn trình diễn ca nhạc và bắn pháo hoa trong không khí vui mừng, tự hào.

Một tấm bảng tưởng nhớ công dân Ba Lan R. Siwiec đã tự thiêu 44 năm trước được gắn trang trọng trên tường lối ra vào của Sân vận động Quốc gia. 
 



Bên trong của Sân vận động Quốc gia - Ảnh: pl.wikipedia

Kết

Hơn 20 năm qua, Ba Lan được xem là quốc gia cựu cộng sản dẫn đầu về phát triển kinh tế, giữ được tăng trưởng và ổn định suốt thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu, với GDP đứng vị trí thứ 20 của các nền kinh tế thế giới (năm 2010) và một xã hội dân chủ đã trưởng thành.

Trong hàng loạt các công trình xây dựng phục vụ Euro Cup 2012, Sân vân động Quốc gia có thể xem là biểu tượng của sự lột xác từ hoang tàn cộng sản, từ những khó khăn phức tạp của thời kỳ chuyển hoá thể chế, để mang một bộ mặt hoàn toàn mới.

Hai màu đỏ và trắng của sân vận động quốc gia, hai màu của quốc kỳ Ba Lan, mang đậm ý nghĩa này!

© 2012 Lê Diễn Đức – RFA Blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét