Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Chơi xuân “nhà hàng xóm” (1)

Thăm Campuchia:

Chơi xuân “nhà hàng xóm” (1)

KHÁNH TRÂM

Khánh Trâm - Thái Lan 2012

Bài viết này mình sẽ kể chuyện “Dế mèn phưu lưu ký ”. Năm nay chú dế mèn không ăn tết ở quê nhà mà chú lại lảng vảng sang nhà hàng xóm xem bên ấy có gì vui? Hàng xóm của chú là hai người bạn láng giềng Campuchia và Thái Lan. Trong du lịch, người ta thường ví von rằng Thái Lan là một trong những gã khổng lồ của khu vực ASEAN còn Campuchia là nàng chim ruồi bé nhỏ xinh xinh…Nhưng đối với mình mảnh đất nào cũng có nền văn hóa, lối sống, và những di sản văn hóa đặc thù.
1. Tạm biệt quê hương: Trước tết khoảng 20 ngày, mình đến công ty SAPACO để mua vé xe đò đi Phnom Penh, giá vé khá rẻ 200.000 đ một người. Tổng cộng hết 800.000 đ mà lại được ra nước ngoài. Vì mua vé sớm nên gia đình mình ngồi bốn ghế hàng đầu ngay sau bác tài. Vị trí này tha hồ quan sát và chụp ảnh. 
Năm nay được nghỉ tết dài ngày, từ 21/1/2012 – 29/1/2012 ( tức 27AL– 7 Tết ). Ngày 28 AL mình bắt đầu khởi hành. Chuyến xe 9h:00 xuất phát từ bến Phạm Ngũ Lão đến trạm Cộng Hòa rước thêm khách rồi lên đường lúc 9h:45. Hành khách lên xe ngồi đúng số ghế. Phụ lái đi thu passport/ hộ chiếu. Chuyến xe kín chỗ. Có nhiều khách phương tây cùng gia đình đi du lịch, họ đem theo cả trẻ nhỏ. Tiếng Anh, tiếng Đức của những thiên thần bé nhỏ cứ ríu rít như chim. Mình ngồi lặng lẽ quan sát. Dọc đường Trường Chinh, bên ngoài sân bay, hè phố rộng nơi tập trung nhiều đại lý cây cảnh. Nhiều nhất là mai vàng, thứ đặc sản của đất Nam Bộ. Mai nở rực trời thu hết nắng phương nam vào những cánh hoa mỏng và mềm của mình. Con đường này nối với quốc lộ 22 để đi cửa khẩu Mộc Bài, giáp với biên giới Campuchia. Từ đây xe chạy khoảng 1h:30 phút nữa là mình sẽ tạm biệt quê hương ViệtNam. Năm nay lại ăn tết xa nhà. Hôm qua 27ALmình đã làm cỗ và hương khói các cụ đầy đủ nên cũng yên tâm ra đi. Sáng nay Hải, ông xã mình lại thắp hương lần nữa. 

Trên đường mọi người vẫn hối hả. Sài Gòn vẫn đông người. Các chiến sĩ công an giao thông vẫn chăm chỉ đứng chốt. Trước mặt mình là hai chú đồng phục màu vàng. Nhoằng một cái, chú hơi cao và gầy bước ra. Một cái ngoắc gậy là chàng trai đi xe Mercedes/mẹc trắng dừng lại. Cũng thỉnh thoảng cầm lái nhưng sự việc diễn ra nhanh quá mình chưa hiểu anh ta phạm lỗi gì rồi thấy anh vội vàng bước ra khỏi xe, tay cầm giấy tờ ( và gì nữa thì không biết) chỉ thấy gương mặt còn trẻ đầy âu lo. Xe vẫn tiếp tục đi. Qua ngã tư, bác tài dừng lại đưa một bịch nylon rất to đựng toàn bánh tét cho  người quen. Những cái bánh tét vẫn còn nóng bốc hơi mùi nếp. Có lẽ loại dịch vụ vận chuyển rất “ năng động ” này chỉ có ở Việt nam. Việc công xen việc tư rất nhịp nhàng. Các bạn tây trên xe có mà chết thèm. Mình nghe họ thốt lên: “Oh ”, “ well ”…
SAPACO là công ty du lịch kiêm dịch vụ vận chuyển có kinh nghiệm. Mảng du lịch thì mình không rõ nhưng mảng vận chuyển thì mình đã đi với họ nhiều lần và khá hài lòng. Giờ là lúc hai chàng phụ lái đang lấy hộ chiếu của khách điền vô các tờ khai, nhờ vậy mà khi đến cửa khẩu các quý khách sẽ không phải chờ đợi nhiều. Nhà xe và công an cửa khẩu làm việc cũng “nhịp nhàng”. Qua khỏi cầu An Hạ, lúc này là 10h: 10 phút. Liếc xuống nhánh sông Vàm Cỏ Đông chỉ thấy lục bình trôi, không thấy những chiếc ghe chất đầy chậu kiểng như mọi khi. Ngày còn đi tour, có một lần mình dừng lại cho khách chụp hình những chiếc ghe này ( những chiếc ghe có mắt ở mũi thuyền rất đẹp và lạ) nhân tiện mua một cặp chậu to về trồng hai khóm trúc đùi gà.
Quốc lộ 22 hôm nay cứ như được khoác chiếc áo mới. Dọc hai bên đường nhiều nhà trưng hoa kiểng. Đa số là mai, mào gà, cúc mâm xôi, cúc đại đóa, bông giấy…Có chậu bông giấy ghép đủ bốn màu: Đỏ, trắng, cam, hồng. Nhìn những màu hoa kia mình chợt nghĩ chỉ  thiếu màu lam nữa thôi là đủ bảy sắc cầu vồng và câu thơ “ những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa” lại vụt hiện lên trong đầu mình. Ôi, thích quá! 10h: 35 phút thấy biển báo hết địa phận TP HCM, bước vô đất Tây Ninh. Từ đây đến cửa khẩu Mộc Bài còn 27 km nữa. Lại thấy công an, cũng vẫn hai anh. Phụ lái điện thoại cho người quen: “ Em đang ở đâu vậy? Em chạy qua Ngã ba mũi tầu luôn đi, hiện nay công an nó chặn không cho rẽ vô chợ. Ừ, em qua luôn đi rồi lấy bịch đồ về cho má”. Đến Ngã ba mũi tầu chưa thấy người cần gặp, bác tài dừng xe ít phút. Mình ngó lại phía những hàng ghế sau, các khách tây thì mở mắt ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì, các khách ta thì nhắm mắt. Có vị ngáy khá to. May quá đúng ba phút, xe lại lăn bánh. Cuộc trao đổi đã xong.
Đi gần đến biên giới lại thấy sông Vàm Cỏ Đông. Thảo nào ruộng vườn cây cối xanh mướt mắt. Những cánh đồng lúa non màu mạ vừa cấy trải rộng đến sát chân núi Bà Đen. Lại thêm một vựa hoa Tết. Vựa này khá to chắc ven sông nên vận chuyển dễ dàng. Cảnh thì đẹp mà xe thì lại chạy nhanh. Còn 3 km nữa là đến Mộc Bài. Thế là sắp đến giờ tạm biệt đây. 11h: 20 phút, phụ lái thông báo: “ Xin mời quý khách xuống xe, không cần mang theo hành lý.” Ai nấy mong chóng dời chỗ ngồi. Gia đình mình chụp một kiểu ảnh bên cửa khẩu biên giới ngay dưới hàng chữ “ Exit ” rồi vô làm thủ tục. Nhờ có nhà xe chuẩn bị, kê khai trước nên công việc xuất cảnh diễn ra rất nhanh, chỉ khoảng 20 phút cho cả đoàn. 
2.Vô xứ Chùa Tháp: Lúc này đã gần sang giờ ngọ. 11h:45 bắt đầu check in/ nhập cảnh. Mọi người xếp hàng thứ tự. Có bốn dẫy cả thảy. Mình chọn dãy sát tường vì vắng hơn. Các biển hướng dẫn thủ tục ghi bằng ba thứ tiếng: Khơ me, Anh, Việt và các hình vẽ hướng dẫn cách đặt để lấy vân tay. Bé Linh còn nhỏ ( 10 tuổi) không cần thủ tục này. Cô công an cửa khẩu người Campuchia khá trẻ, nói tiếng Việt rành rọt với khách Việt Nam: “ Bốn ngón phải ”, “ ngón cái tay phải ”, “ bốn ngón trái ”, “ ngón cái tay trái ”. Nhận lại passport mình cảm ơn cô và thầm nghĩ cách phục vụ này khá hay- ngôn ngữ Việt cho người Việt. Tiếp đó là qua kiểm tra sức khỏe ( tức lấy nhiệt độ). Cô nhân viên cầm cái máy để sát vào tai mình, tai con gái mình rồi gật đầu nói: “ Ok ”.
Quang cảnh nơi nhập cảnh khá sạch và đẹp. Trên nóc các công trình đều thấy họa tiết trang trí bằng hoa văn Khơ me. Trong lúc ngồi chờ mọi người khác còn đang làm thủ tục, mình ra xe. Có một ông Philippine cỡ trung niên lên xe xin tài xế cho quá giang đếnPhnom Penh. Bác tài bảo hết chỗ rồi. Ông tự nguyện xin ngồi lối đi và trả 8 usd. Cả hai cùng vui vẻ, thế rồi may cho ông xe chạy sau còn chỗ nên ông không phải ngồi bệt nữa. Xe lăn bánh khoảng 10 phút, bỏ lại đằng sau nhiều khách sạn sang trọng và các casino nằm sát biên giới. Chẳng còn gì để bận tâm, bụng cũng vừa đói. 12h: 30 dừng ăn trưa 30 phút. Nhà xe xếp đặt lịch trình đâu ra đó.
Hôm nay trời nắng chang chang. 13h:00 lại càng nắng. Đường sá ở đây rất vắng vẻ. Phía trước có chiếc xe chở chuối chất cao có ngọn vậy mà hai thanh niên ngồi chồm chỗm trên đó. Đường trống nên chiếc xe cứ lao vun vút nhìn hãi quá. Họ vừa chở chuối, vừa chở theo hai mạng người kia…ôi, mình không dám liên tưởng gì nữa. Từ đây đến thủ đô Phnompenh theo quốc lộ 1 còn 170 km. Ước gì đường sá bên nhà cũng vắng như thế này nhỉ. So sánh để mà so sánh thôi. Dân số toàn Campuchia có 14 triệu người sống trên 24 tỉnh thành còn Việt Nam mình thì xếp xỉ 90 triệu rồi. Diện tích thì bằng 2/3 nước ta. Con đường này mình đã đi lại nhiều lần nên khá thân quen. Đường thì tốt, không có ổ gà, xe chạy bon bon. Hai bên đường lưa thưa nhà dân. Đất rộng và bỏ không nhiều. Người Khơ me chỉ trồng lúa có một vụ. Loại lúa dài ngày ( 6 tháng) nên gạo ăn rất ngon. Lần đi theo tour của Việt Travel Tết 2009 qua đây, anh bạn hướng dẫn địa phương tên Vibol nói tiếng Việt sành sỏi cho biết người Khơ me không xây nhà to nhưng xây chùa thì rất hoành tráng. Có hơn 5000 ngôi chùa được xây dựng ở Campuchia trong vòng 30 năm nay. Người dân làm quanh năm chỉ để cúng chùa. Ngôi chùa đầy gắn bó với cuộc đời bởi khi mất người ta không chôn cất mà đem thiêu xác, sau đó đưa tro/cốt lên chùa, đặt trong các tháp (có thể hiểu ngôi chùa còn có chức năng như một nghĩa trang). Con trai muốn được xã hội nể trọng thì trong đời phải có ít nhất một lần vô chùa tu. Bạn còn quả quyết: “Bằng bác sỹ có thể mua được nhưng bằng đi tu thì không thể mua được”…Mới có nghe chuyện ngôi chùa mà đã thấy văn hóa, lối sống khác biệt với người Việt mình. Lại còn chuyện này nữa: Chuyện ngôi nhà, nơi cư ngụ hàng ngày. Hai bên đường thỉnh thoảng thấy những ngôi nhà sàn be bé. Vibol bảo: “Nếu thấy nhà nào che màn mầu hồng ở cửa chính thì gia đình đó có con gái đến tuổi lấy chồng ”. Hôm nay mình cứ dán mắt vào để xem có ngôi nhà nào che rèm mầu hồng không, rồi chợt nhớ đến Vibol khi bạn kể: “Nhiều bà 50, 60 tuổi chưa chồng vẫn treo màu hồng. Có anh ở xa không biết, đến léng phéng thế là bắt cưới phải cưới”. (phong tục này mà xuất khẩu sang ViệtNamthì sẽ cứu nguy cho ối chị em ta nhỉ? He, he…).
Quốc lộ 1 nối tỉnh Svey Rieng với biên giới Việt Nam ở tỉnh Tây Ninh đạt chuẩn văn minh với các biển báo đầy đủ: Chợ, trường học, tốc độ cho phép, nơi có thú/ gia súc hay qua đường, giảm tốc độ ( bằng hai thứ tiếng Khơ me, Anh) ngoài ra còn có biển của các đảng phái chính trị: Cambodian People’s Party/ Đảng nhân dân Campuchia, Funcinpec’s Party/ Đảng Funcinpec…Nhìn đồng hồ, 13h:40 qua khỏi Svey Rieng để vô địa phận Prey Vieng. Từ đây đến Pnom Penh phải qua một con phà (người nam gọi phà là “bắc”). Địa phận này có nhiều cây thốt nốt, một thứ cây đặc thù mọc nhiều ở Campuchia nhìn xa trông giống cây cọ. Loại cây này rất khó trồng và 40 năm mới được thu hoạch, nghĩa là “cha trồng con hưởng”. Dân không được chặt cây và tính trung bình ở Campuchia mỗi đầu dân đội 6 cây thốt nốt, loại cây tượng trưng cho quốc gia. Thốt nốt cũng có cây đực, cây cái. Cây đực có bông, cây cái có quả. Một cây cho khoảng 4 lít nước một ngày, uống mát, thơm, hơi ngọt. Thứ nước này sau 5h sẽ lên men thành rượu thốt nốt. Người ta cũng dùng nước để nấu thành đường dùng quanh năm. Một kg đường cần 8 lít nước (tức 2 cây thốt nốt).  Loại đường này có màu vàng hơi nâu và được coi là đặc sản của Campuchia.
Mải nghĩ về loại cây và đường thốt nốt xe đến phà Neak Leung lúc nào không hay. Cũng giống như bắc Mỹ Thuận, bắc Cần Thơ trước đây ở ĐBSCL, ở con phà này có rất nhiều người bán rong. Hàng hóa được bày trên chiếc mẹt và đội trên đầu. Người ta bán đủ thứ có thể ăn ngay hoặc mua làm quà: Trứng cút luộc, hột vịt, xoài, tép rang, cá kết, cơm lam, trái keo (trông giống như trái me)…Sông Mekong ở khúc này không rộng lắm nên phà chạy chừng 10 phút là sang đến bờ bên kia. Xe chạy đúng 1h:20 phút là đếnPhnom Penh. Lúc này là 15h:30. Mình vô văn phòng SAPACO nhận vé điBangkokchuyến 21h:00 đã đặt trước (25 usd/ người), gửi hành lý ở đây rồi đi chợ Olympic chơi. Sang đường, đi gần hết phố, qua khỏi ngôi chùa là đến chợ. Chợ to nhưng sạch sẽ, ít người ăn xin, không ép khách mua hàng, nói thách ít, nhiều quầy bán đúng giá. Hàng hóa có rất nhiều hàng nhập khẩu khắp nơi trên thế giới, trong đó có cả đồ hộp như bánh kẹo, sữa từ ViệtNam. Ở Campuchia kể từ ngày hòa bình (sau nạn diệt chủng) từ 1998 cho đến nay, hàng hóa sản xuất nội địa rất ít, 80% là hàng nhập khẩu. Người Campuchia xài tiền riel và USD, không nhận tiền VND. Một vài năm trước mình dùng tiền VND nhưng nay họ không nhận nữa. Tỷ giá cho ngày hôm nay 1 usd đổi được 4.100 riel. Giá cả không rẻ: 1 hột vịt lộn có giá 1.200 R (6000 đ), 1 gói bánh quy 2.5 usd, 1kg sầu riêng hạt lép 15.000 R (3.7 usd) có trái 4kg hoặc 5kg…Một điều khá lạ là mới 16h:00 mà nhiều sạp đã chuẩn bị dọn dẹp để đóng cửa thế là mình đi bộ đến siêu thị City Mall cách đó vài phố.
Đường sá thủ đô Phnom Penhthông thoáng. Nhiều xe hơi cao cấp nhất là xe Lexus. Phụ nữ cầm lái khá nhiều. Dân chúng và khách du lịch hay đi xe tuk tuk. Một cuốc xe thường có giá 2usd (khá rẻ). Thành phố này nhỏ nhiều so với Sài Gòn. Diện tích 290 km2, dân số 2 triệu người. Hè phố rộng, nhiều cây xanh. Nhà cửa mang kiến trúc Pháp rất đẹp. Người ta không trổ cửa hay đục đẽo, cơi nới làm phá hỏng cảnh quan đô thị. Nhìn ngắmPhnom Penh mình nhớ về Hà Nội trước 1986. Ngày ấy Hà Nội nghèo nhưng thanh bình, đẹp và an ninh. Với mình, ngày ấy “ một thời để nhớ ” với đúng nghĩa của nó. Lang thang trên đường phố mình còn nhớ đến những di sản văn hóa Khơ me nổi tiếng của xứ này mà mình được chiêm ngưỡng trong những lần thăm viếng trước đây: Cung điện Hoàng gia, Chùa vàng, Chùa bạc, Bảo tàng Quốc gia, chùa Wat Phnom. (Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng mình cũng dám đi xem nhưng không thể kể là “di sản văn hóa”).
Trời chạng vạng tối, sải bộ trên hè phố thêm nửa giờ nữa rồi cả nhà dừng chân ăn phở ở quán 375-372 trên đại lộ Sihanouk. Phở bò viên khá ngon, giá 6.500 R/ tô. Chủ quán đã đứng tuổi, chị là người Hoa gốc từ Sài Gòn qua, trước ở đường Minh Phụng Q.11 sang Campuchia từ nhỏ. Sợi phở mềm và to nấu theo phong cách Hoa nên có vị hơi ngọt. Ăn xong có trà uống. Trên bàn thấy để cả đường, ai thích thì cho vô ly mình. Chị cho biết quán chỉ mở bán hàng buổi chiều, từ 13h đến 20h:30. Mình nhìn thấy đông khách, chắc tiệm cũng có tiếng. Rời quán mới hơn 19h:00 mà đường phố đã thưa thớt hẳn. Giao thông ở đây thật văn minh kể cả lúc đông cũng chạy xe thứ tự, không xô bồ, đến lượt ai nấy đi. Mình không thấy người ta bấm còi inh ỏi và rất có cảm tình với xe tuk tuk. Loại xe này dùng honda để kéo, phía sau là thùng xe, có thể chở được bốn người. Hai người một ngồi đối diện nhau. Khách du lịch dùng loại xe này rất tiện. Các bác tài chào mời nhưng không chèo kéo, không nài nỉ, không xin tiền típ, ai cho thì nhận. Quan sát nhiều lần mình không thấy đám tuk tuk chửi thề, họ cũng không dành khách của nhau, ai mời cũng được. Họ không to tiếng, cãi cọ. Cái này người Việt mình thua xa. Các bác xe ôm ở bên nhà khi thấy xe chuẩn bị cập bến là xí phần từ xa: “Áo đỏ của tao”, “ông già của tao ”…Viết những dòng này là cả sự trải nghiệm bản thân sau 5 lần đến Phnom Penh kể từ 2009 đến nay.
Đúng 20h:30 nhà xe điều tuk tuk đến đón về văn phòng du lịch Virak Buntham Express Tour and Travel để lên xe buýt đi cửa khẩu Poipet giáp biên giới Thái Lan. Chuyến này cũng đầy khách. Rất nhiều tây balo cùng hành trình như mình. Cô nhân viên nhà xe rất modern, bạn mặc jupe đen, tóc nhuộm vàng xoăn tít và nói tiếng Anh khá trôi chảy, hướng dẫn khách ngồi đúng số ghế ghi trên vé. 21h:10 xe lăn bánh. Chạy khoảng 15 phút lại dừng ở một tiệm bánh mỳ cho khách mua bánh. Một ổ baguet nhỏ nhân mặn giá 2000 R. Đây là chặng đường đi đêm đầu tiên của cuộc hành trình. Đoạn đường Phnom Penh- Poipet dài hơn 400 km. Suốt đêm ba lão ngườiHungarynói chuyện rất to và non stop. Không biết các lão nói chuyện gì nhưng chắc vấn đề gay cấn cần tranh luận vì nhiều lúc cả ba cái mồm thi nhau nói, không ai chịu ai. Đoạn đường này hơi xấu, ba lão lại may mắn ngồi ba ghế đầu ngay trên ghế mình thế là cả đêm mình “được” thưởng thức tiếng Hung…Ố, la la!
Suốt đoạn đường đi mình để ý thấy có nhiều nơi người ta chăng đèn neon, phía dưới đặt chậu nước. Trời tối dế bay đến phía đèn sáng thế là rớt xuống nước, người ta vớt lên đem chiên. Nói về ẩm thực ở đây không thể quên món côn trùng chiên dòn. Lần trước, trong chuyến dừng chân ở ngã ba Skul, chặng từ Xiêm Riệp về Phnom Penh bé Linh ăn thử khen ngon (1000R được 4 con dế). Vùng này dân được hưởng nguồn lợi từ thiên nhiên cũng đáng kể. Có đêm một gia đình bắt được hàng chục ký côn trùng, chứng tỏ đồng ruộng ít hoặc không sử dụng thuốc trừ sâu…  Trời lờ mờ sáng. 5h:00 đã đến Poipet. Đúng 7h:00 cửa khẩu làm việc. Lại điền vô tờ khai để xuất cảnh rồi xếp hàng. Anh công an nhìn passport rồi nhìn con gái mình, không hỏi gì chỉ buông một câu có liên quan đến tiền (mà lại là ngoại tệ của Thái): 100 baht/ bạt. Mình đứng ngay lên chất vấn: “ Do we have to pay?/ chúng tôi phải trả tiền sao?” Nghe vậy anh không nói gì và đưa trả passport cho Khánh Ly.
3. Thái Lan – Venise phương đông: Trong du lịch, người Thái rất biết cách quảng bá hình ảnh của xứ sở mình như “ Thái Lan- xứ sở nụ cười ” hay “ Thái Lan, làm bạn kinh ngạc ”…Đặt chân lên đất Thái lần này là lần thứ ba, mình rất muốn kiểm nghiệm những điều được nghe quảng cáo ấy ở nhiều địa danh khác nhau. Nhưng với con số 15 triệu du khách năm 2011 thì phần nào đã chứng tỏ điều này.
Cửa khẩu phía Thái Lan sáng nay 22/1/2012 khá vắng vẻ. Cả đoàn đi bụi chỉ có gia đình mình là người Việt còn lại là các bạn da trắng tóc vàng. Xếp hàng một tý là đến lượt. Vừa mới bị làm tiền hụt ở bên kia, sang đây đã thấy khác. Ấn tượng đầu tiên là nhân viên niềm nở. Ông chief/ sếp cửa khẩu ( hình như thế) đứng nói chuyện với bé Linh bằng tiếng Anh, hỏi cháu tên gì? Bao nhiêu tuổi, học lớp mấy? Ông vừa hỏi chuyện, vừa cười. Thấy ông đeo cái gì ở bên hông, mình cứ tưởng là khẩu súng hóa ra không phải. Nhìn kỹ thì ra ông đeo con dấu. Kể cũng tiện thật. Cần thì cộp luôn.
Ấn tượng 2: Qua khỏi khu vực nhập cảnh, đến lượt kiểm tra hải quan. Đi qua một dãy bàn có bốn nhân viên kiểm tra hàng hóa. Họ hỏi mình vài câu, bảo là người ViệtNam. Liếc liếc không thấy gì khả nghi họ cho cả nhà qua luôn, cũng không xem passport nữa. Từ đây vềBangkokđi xe mini bus 15 chỗ ngồi. Trước khi lên xe, mình chụp ngay một kiểu ảnh cửa khẩu làm tư liệu.
8h:10 khởi hành một ngày mới. 14 người bước lên xe. Quốc lộ ở tỉnh Arangnya Prathet sát biên giới Campuchia với hai chiều xe chạy, giữa là một dãy cây xanh, có đoạn xen kẽ cây và hoa. Cây nhô cao, phía dưới là bông giấy các màu cam, trắng, đỏ. Từ đây vềBangkokkhoảng 270 km, xe chạy khoảng 4 h. Đường sá rất tốt. Thái Lan trước là thuộc địa của Anh nên giao thông thuận tay trái, xe hơi tay lái nghịch. Mình để ý thấy đa số là xe Châu âu và xe Nhật, ít thấy xe Nam Triều Tiên. Đi được 30 phút thì có trạm kiểm tra. Bác tài dừng xe để mọi người trình passport (theo quy định) nhưng mấy anh nhìn vô xe rồi ngoắc tay cho đi. Sáng nay mát trời chứ không nắng gắt như hôm qua. Xe cứ bon bon chạy, hai bên đường là rừng cao su. Thái cũng là nước nổi tiếng làm nông nghiệp giỏi.Vùng này trồng miá và chuối khá nhiều, chốc chốc lại có vài xe tải chở đầy miá hoặc chuối chạy qua. Đi chừng khoảng 1 h thấy dọc bên đường là các lán bán dưa hấu. Nhìn thấy cũng giống thứ dưa bên nhà. Đoạn này biển chỉ dẫn chỉ thấy ghi bằng tiếng Thái. 10h :30 dừng ở trạm xăng 15 phút, đủ thời gian đi toilet, mua nước uống, trái cây, snack…Hầu hết các trạm xăng ở Thái Lan ( cũng như ở Campuchia đều có convenience store/ cửa hàng tiện lợi). Xăng 35.5 baht/ lít, ổi 20 baht/ trái, xoài 20 baht/ trái. Chính quyền kiểm soát tiền tệ bằng chính sách chỉ sử dụng đồng nội tệ, không ở đâu nhận USD, du khách phải đổi sang đồng baht và các quầy exchange ở khắp mọi nơi ( kể cả ở cây xăng). Hôm nay tỷ giá 1usd/ 31.040 baht.
Đúng 15 phút sau lên đường. Bịch sữa tươi, gói snack và ít trái cây cung cấp cho ta đủ năng lượng để tiến về Bangkok. Lúc này mới thấy trời nắng nóng. Phía trước là cầu vượt. Đoạn gần lên cầu theo hướng về Bangkok (bắt đầu từ đây các biển chỉ dẫn có ghi thêm tiếng Anh), bác tài gặp rắc rối ngay chân cầu. Đang chạy thấy bác phải dừng lại, một ông cảnh sát giao thông tiến đến. Hai người nói chuyện với hai gương mặt cùng vui vẻ (mình nhìn qua cửa kính) nhưng rồi bác tài vẫn phải đưa giấy tờ xe cho người kia xem rồi ký vô giấy phạt và nộp tiền tại chỗ. Không xin xỏ gì được. Lên xe thấy bác điện thoại chia sẻ nỗi buồn cho bạn đồng nghiệp thì phải nhưng mình chỉ lạ là mất tiền phạt có gì vui đâu mà bác vừa nói vừa cười….
Qua khỏi cầu là trạm thu phí rẽ vào đường cao tốc. 30baht cho xe 15 chỗ ngồi. Đường cao tốc ở Thái rất rộng với 7 làn xe chạy. Bác tài đạp ga 120km/ h. Thủ đô Bangkok náo nhiệt và hiện đại với nhiều đường tầng, tàu điện trên không đã hiện ra trước mắt. Gần 12h :00 bác tài trả khách. Nơi này rất gần phố Khao San, con phố đã nổi tiếng với nhận xét « cả thế giới đổ về đây ». Lúc này đang là mùa cao điểm của du lịch ( từ tháng 10 đến hết tháng 3 năm sau). Mình kiếm phòng loanh quanh mất 1h và rất hài lòng với nhà nghỉ này. Phòng gia đình, ba giường, rộng vừa phải, sạch sẽ, trang trí phong cách Thái, đủ tiện nghi giá 1.100 baht/35 usd/ đêm. Ngay bên lối vào là khu vườn nhỏ nơi đặt bàn thờ thiêng. Ở các quốc gia ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ như Thái Lan, Lào và Campuchia bàn thờ thiêng rất đẹp, trang trí màu sắc rực rỡ, hoa văn cầu kỳ…nói chung là rất ấn tượng.
Mấy ngày ở Bangkok cứ « bận rộn » từ sáng sớm đến tối mịt. Bận đi chơi, tìm hiểu đủ thứ : Từ lối sống, sinh hoạt, ẩm thực, văn hóa, nghệ thuật, cách thức người Thái làm du lịch, văn hóa ứng xử với du khách… Bangkok là thành phố lớn thứ 21 trên thế giới, là thủ đô của Thái Lan từ năm 1782. Diện tích :1600 kmdân số : 10.000.000 người, đông nhưng không thấy kẹt xe kể cả giờ cao điểm. Môi trường được cải thiện vì xe chở khách đời mới cũng như  xe tuk tuk đều chạy bằng ga. Khác với Campuchia, xe tuk tuk ở đây là loại xe ba bánh, chỉ có một băng ghế chính ngồi được ba người, ghế phụ rất hẹp, kê sát bên hông. Bé Linh thường ngồi vị trí này. Ai đã đến Bangkok chắc chắn không thể quên loại phương tiện đặc thù này. Giao thông ở Thành phố nhộn nhịp cả trên không lẫn lòng đất. Có nơi hai, ba đường tầng với đầy đủ bản chỉ dẫn rõ ràng cho những đoạn đường có thu phí (nếu muốn đi tắt).
Lần đến Bangkok năm 2008 mình đã viếng thăm nhiều địa chỉ: Cung điện Hoàng Gia (và được nghe nói tiền thu từ bán vé nhà vua sử dụng cho việc tài trợ cho các trường học, hay giải tỏa dân ở các khu ổ chuột), chùa Wat Phra Kaeo còn gọi là chùa ngọc bích, nơi có bức tượng Phật bằng ngọc quý giá, khu siêu thị cao cấp Siam Paragon, chợ Bô Bê bán buôn, chợ cuối tuần Chatuchak, khách du lịch gọi là Sunday market (mình đã được thấy hàng nghìn sản phẩm địa phương như đồ thủ công, quần áo truyền thống, rau quả tươi, đồ ăn thức uống…và đặc biệt có khu bán hàng second hand và không thể quên chuyện con gái mình mua một chiếc quần sọc bằng kaki đỏ, về đến Sài Gòn trước khi đem giặt móc trong túi thấy 10.000 won tiền Nam Triều Tiên. Sướng bất ngờ !) và khu giải trí Safari World sau đó đi Pataya…Lần này mình sẽ dành ưu tiên cho những quan tâm khác.
Thái Lan là một quốc gia mà 95% dân số theo Phật giáo tiểu thừa dòng Theravara với cái đích mong muốn là cõi Niết Bàn, chấm dứt nỗi khổ bằng cách xóa bỏ tham, sân, si. Toàn quốc có khoảng 32.000 tu viện ( riêng Bangkok có hơn 400 và khoảng 200.000 nhà sư). Sáng sáng ta rất hay thấy cảnh các nhà sư mặc áo vàng đi khất thực trên các phố và mình chứng kiến người dân thật kính trọng các sư sãi. Nhìn thấy sư có người còn quỳ sạp xuống lậy. Ở bên nhà mình chưa từng bắt gặp hình ảnh này. Với con số 400 tu viện và Hội Phật giáo thế giới đặt văn phòng tại Bangkok đủ nói lên đây là thành phố của sự tôn kính. Ngay sát đường Soi Rambutri nơi mình ở, có ngôi chùa rất to mang tên Wat Chanasongkhram, và cũng là một tu viện. Sáng 23/1/2012 ( mùng 1 Tết) mình ghé thăm. Hôm nay là chủ nhật. Trong chánh điện sư đang giảng kinh và rất đông phật tử ngồi nghe. Tu viện nằm trên một khu đất lớn, có nhiều cửa thông ra các phố. Mình đếm có đến hàng chục công trình. Tu viện rộng, sạch sẽ, ẩn mình trong những hàng thông Ấn Độ xanh sẫm mọc từng hàng dọc các lối đi. Ngay cổng chính người ta bày bán các vật cúng : Xôi, trái cây, bánh kẹo, ảnh đức Phật ( loại ảnh nổi lồng trong khung kính). Phật tử đến cúng chùa, nghe kinh mặc dù đông người nhưng không thấy ồn ào.
 Buổi sáng nay mình còn đi được ba ngôi chùa nữa. Đi bằng xe tuk tuk. Trên đường đi bác tài dừng ở một ngôi chùa, mình không lựa chọn địa chỉ này, đọc cũng không thấy ghi trong guide book, nhìn từ ngoài không mấy ấn tượng về kiến trúc và độ hoành tráng nhưng bác tuk tuk cứ ép vào. Mình cũng gật. Vô đây gặp một tay tự xưng là Thái Kiều ( người Thái sống ở Mỹ, về thăm quê đi cúng chùa) ra làm quen và vợ chồng mình bị một cú lừa ngoạn mục. Ai bảo ở chùa là an toàn nhỉ ? Hai ngôi chùa còn lại thì phải khen thôi. Chùa Wat Benjamabophit nơi trước đây vua Rama V vẫn đến cầu nguyện, cách khu vực nơi vua Bhumibol Adulyadej đang ở chỉ một bước chân. Ngay trong chánh điện có đặt cả ghế của nhà vua. Ngay lối vào ở giữa là tượng Phật, hai bên là cây có kẹp tiền cúng. Phía cuối phòng là bức tượng Phật lớn sáng rực màu vàng. Ngoài sân, ngay sát cổng chùa người ta bán các con vật dành để phóng sinh : Rùa, lươn nhỏ, cá trê, cá rô. Giá 100 baht/bịch, đếm thấy 9 con các loại. Gần 12h :00 mình đến chùa Wat Intharawiharn, người địa phương còn gọi là chùa Phật đứng. Mới bước vào đã thấy đông người. Có dãy bàn dành cho ghi công đức, có nhà để chiếc thuyền rồng trên chở hình đức Phật, có khu vực bán đồ cúng, đồ lưu niệm, sách Phật…Lần đầu mình nhìn thấy bức tượng Phật đứng to cao thế này, ước chừng gần 20 m. Xung quanh tượng Phật là các phật tử tay cầm lễ vật và hương hoa. Mình bỏ tiền vô thùng công đức rồi chắp tay lậy, xong sờ vào chân Phật…cầu may. Với mình đây là một buổi sáng năm mới nhiều kỷ niệm và thú vị. Vi hành bằng thứ phương tiện đặc trưng của Bangkok là xe tuk tuk, viếng những ngôi chùa của đất nước Phật giáo và thưởng thức cách người Thái đi chùa cúng Phật. Họ đông nhưng lặng lẽ, không nói to, không ồn ào hay gọi nhau í ới. Họ khấn thầm nên không thấy tiếng ồn, và không biết ai cầu gì, nói gì. Đông nhưng cũng thật trật tự. Ai đến trước quỳ trước, ai đến sau quỳ sau. Nhìn các phật tử mình thấy hiện lên cuộc sống đầy văn hóa và an lành ở mảnh đất này. 
Trong và ngoài chùa không thấy ai bán bông/ hoa, nhang/ hương nhưng phật tử vẫn có để dâng cúng bằng cách trước khi lấy tự nguyện bỏ tiền vô thùng công đức rồi tự lấy bông, lấy nhang ra thắp và dâng Phật. Bông được kết thành từng bó nhỏ, nhiều loại. Thấy có cúc vàng, phong lan tím, cúc trắng, nhài trắng….Nhang cũng được cột thành bó gồm 3 cây cộng thêm một cây nến nhỏ. Phật tử lấy bao nhiêu tùy tâm. Không thấy ai nhắc nhở hay kiểm soát việc bỏ tiền. Chỉ có một người ( thường là nữ giới) ngồi cạnh để giữ thùng công đức chăng ? Mình thầm phục nét văn hóa này hay quá. Con người ta một khi có niềm tin thì hành động cao đẹp và chân thiện. Có lẽ ở đây không ai lợi dụng tín ngưỡng để làm giàu theo kiểu « kinh tế thị trường » vẫn thấy ở một số ngôi chùa trên đất Việt : Cứ đến ngày sóc, vọng là hoa mắc, hương mắc. Họ bán một đi đôi, đi ba…thậm chí có ông sư còn nhắc phật tử « thành tâm đi » khi chưa thấy bỏ tiền vô đĩa cúng. 
Khí hậu ở Bangkok cũng nắng nóng như Sài Gòn. Các buổi chiều trốn nắng bằng cách ẩn mình trong những trung tâm thương mại với hệ thống máy lạnh, sạch mát là lý tưởng. Mình thật sự không có ý định mua sắm gì vì đi bụi gọn nhẹ là tốt nhất và kế hoạch tiếp theo là đi xe buýt đến Chiang Mai, Chiang Rai miền bắc Thái Lan nữa. Vé đã mua chiều qua  22/1/2012 tức 29 Al, ngay sau khi tìm được nhà nghỉ. Năm nay tháng thiếu, 29AL cũng là 30 tết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét