Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

Xúc động đầu năm: Thiếp chúc mừng năm mới của blog Trandangtuan

Xúc động đầu năm: 
Thiếp chức mừng năm mới của blog Trandangtuan

Chúc mừng năm mới 2012 ! Happy new Year ! 
Chúc mừng năm mới 2012 ! Happy New Year !  
Chúc mừng năm mới 2012 ! Happy New Year !

Đoàn cơm có thịt và áo ấm đến Điện Biên.
Chủ Blog này tiếc là không có thời gian cùng đi với đoàn.
Do đó đăng bài của Blog Trandangtuan để cùng đọc vậy:

Những dặm đường Điện Biên : Bụi đường cay lòng mắt ….

Ấn tượng đầu tiên khi đến các trường Mầm Non trên đất Điện Biên là đường bụi quá. Tình cờ thế nào mà các tuyến đường chúng tôi đi, dù lên A Pa Chải của Mường Nhé, hay lên những xã xa như Mường Lói của huyện Điện Biên, đều đang xây dựng mới hoặc làm lại. Bụi mù mịt, đỏ quạch, nhiều lúc xe phải dừng lại vì không nhìn rõ nữa. Có những đoạn các cô giáo trẻ đi xe máy dẫn đến các điểm trường, nhìn các cô mặc bộ quần áo  đi mưa, nhưng kín mít, như thể của lính tránh bão cát trong cuộc chiến trên sa mạc vậy, có anh nói đùa : Như thế này thì xinh hay không cũng chẳng ai biết !

Cầu đẹp, nhưng xe không qua được, từ đây phải mang quà đi bộ trèo lên lớp học thôi !

Điểm trường nhỏ chỉ có gần hai chục trẻ Mầm Non, lánh vào chỗ xa đường cái nên bụi không đến được
Điểm trường Bản Ban của Mường Nhà là hình ảnh điển hình của một điểm mầm non ở bản xa. Điều nhận ra ngay là cho dù nhà tranh vách gỗ, các cô vẫn cố gắng để sân trường vẫn có chỗ chơi, có hoa lá. Dù là một khuôn viên tý tẹo, một mái nhà chẳng khác gì bất cứ mái nhà nghèo nào ta thường gặp ở vùng hẻo lánh, nhưng vẫn toát lên ngay cái trong trẻ của một lớp mầm non.

Đơn giản thôi, nhưng là công sức nhiều lắm của các cô giáo đấy !

Những mái lớp như thế này ấp ủ những đứa trẻ vùng cao
Trẻ con ở các điểm trường xa này nhút nhát hơn các cháu ở trường chính (trường chính ở ngay trung tâm xã). Ví dụ ở Bản Ban, mỗi đứa được ông già Noel phát một chiếc áo, một đôi tất, cái xúc xích…Chúng cầm những thứ ấy trên tay, cũng có đứa đút tất và xúc xích vào túi.. Có một đứa không thấy cầm tất mới, hỏi nó : “ Cháu có tất chưa ?” Nó lí nhí : “ Có ạ ”. Mình nghi nó chưa có, hỏi lại mấy lần : “ Thế tất đâu?” . Cuối cùng nó bảo : “ Ở nhà ạ !”. Thấy thương : Nó thấy các bạn đều cầm tất mới xung quanh, riêng mình chưa có, mà chẳng nói năng gì.  Lên gặp trẻ vùng cao, bạn phải chú ý điều này : Nếu có đứa nào thiếu quà, chúng không tự nói đâu. Cũng không hẳn chỉ vì rụt rè, mà từ bé chúng đã có thói quen ấy, chắc do núi rừng dạy : Ai cho thì mới cầm, chứ không xin quà.

Nổi và mạnh dạn nhất lớp !

Ai còn chưa có quà ?
Điểm trường Pa Bông nằm giữa bản Hà Nhì. Khi chúng tôi đến các em bắt đầu giở cơm nắm ra ăn. Nắm cơm đứa nào mang đi đứa ấy ăn. Chủ yếu là nếp nương, khá ngon và… rất nhiều. Thôi thì ít ra không lo chuyện thiếu cơm. Còn thức ăn thì nhìn chung là không có.
Ở Dền Thàng, đã thấy các cháu nhỏ ăn đến 3,4 lần xới cơm. Nhưng ở đây, nhìn nắm cơm chúng nó ăn, phát hoảng. Nắm cơm to hơn người ! Trộm vía, thôi thì nhà nghèo nhưng hay ăn mau lớn là được.
Thấy ở  góc trong cuối bàn, một cậu rất khôi ngô ( Ông già Noel Tiến rất thích) ngồi im lặng, không có gói cơm như các bạn. Chẳng nói năng gì. Cô giáo nói hôm nay hai bé không có cơm mang đến từ nhà. Cô nhẹ nhàng xin của mấy bé có nắm cơm to nhất, đưa vào tay hai bé này. Ông Noel ưu tiên đưa thêm mấy cái xúc xích, lên xe vẫn còn vân vi mãi vì đưa bé đi học không có cơm mang theo. Cũng không muốn hỏi vì sao bố mẹ sáng đưa con đến lại không gửi cơm. Đẻ con ra mà không lo được một miếng cơm cho nó, thì là cùng quẫn, hay đã sa vào hoàn cảnh không cứu vãn nổi rồi. Cũng không muốn hỏi kỹ thêm cô giáo vì sao ngày nào ( như cô nói) cũng có đứa không có suất ăn trưa mang theo. Lý do gì thì biết cũng thêm buồn thôi, chẳng ích gì.

Dưới là gạo, trên áo quần, chỉ còn cách ngồi...thiền, mà xe thì xóc , đầu sưng lên vì đập vào thành, vào nóc xe

Xe dừng rồi, nhưng chưa xuống được : Hai chân tê dại hết rồi.

Chui vào bếp mới ( chưa nổi lửa lần nào) để hóa thân

Trộm vía ! Nắm cơm thế này mà ăn hết mới tài chứ !

Nắm cơm nào cũng to !

Cô ơi, con cho bạn ăn cùng được mà !

Cơn cho con đây, ăn đi con !

Cô nhón cơm của bạn, chia cho...

Lớp nhà trẻ : Thấy Ông Noel vào thì... sợ !

Nắm chặt qùa xúc xích trong tay, khóc thật to !

Mặc xong áo mới, cả lớp sáng hẳn lên

Tạm biệt nhau ngày cuối năm
Điểm trường Na San 1 và Na San 2 đều nằm trong các bản người gốc Lào. Khác với bản người Mông, nhà này thường cách rất xa nhà kia, những ngôi nhà sàn của người Lào lại ở quây quần bên nhau. Vì thế chỉ thoáng thôi là xung quanh lớp đã có bao người xúm đến xem ” Ông áo đỏ quần đỏ râu trắng” phát quà, mặc áo cho  con cháu mình. Cả Trưởng Bản cũng đến. Nhìn là thấy họ vui còn hơn bọn trẻ. Thế mới biết, cùng nhau đem lại một niềm vui cho mọi người có lẽ cũng đơn giản thôi, vậy mà sao trên đời người ta khó có niềm vui đến thế !
Cũng có một hai đứa biết đây là " Ông Nô-eng.." Chúng bảo : Vì Cô giáo kể chuyện và cho xem tranh.
Có một đứa reo : " Ông No- eng....". Hóa ra đã được Cô cho xem tranh.

Còn món quà ..xúc xích này thì chúng chẳng hiểu là dùng vào...việc gì !

Bữa ăn trưa mang đến lớp. Chưa kịp ăn thì ông Noel đến, thế là quên..

Thế này thì người ấm quá rồi !

Chân thì ..chẳng sao, quen lạnh rồi !

Ô ! Có ông gì đến lớp chúng nó kìa !

Ô ! Em mình được mặc áo mới !

Nhà bà có hai đứa , nhà tôi có mỗi một đứa ở lớp này !

Bố Mẹ nhìn này , con mặc áo đẹp không ?
Xuống dưới đường, có cô bé (mà không bé lắm đâu) người Lào đi xe máy lên dốc, mang lồng chim xanh rất đẹp. Gặp ô tô thì dừng lại cười, không biết làm sao lùi xe được. Hỏi chim gì – ” Không biết đâu… Họ bay ở trong rừng, bố lấy cái lưới, bố bắt họ đấy. Đem họ xuống dưới kia bán,không có người mua, bố bảo đem họ về…”. Hỏi bán bao nhiêu lồng chim này – ” Không biết đâu, hỏi bố mới biết”. Rồi cười tít mắt, giá có thả cả lồng chim bay đi cũng chẳng biết…

Để hỏi bố bán Họ lấy mấy tiền !

Họ bay trong rừng, bố bắt được Họ !

Em học lớp 9 , nhưng em nghỉ học rồi !
Ở Điểm Trường Bản Xẻ, Điểm trường Pa Kín khi phát áo cho lũ trẻ, nhiều phụ huynh đến xem. Có cô rất trẻ địu con cứ nấp sau bức tường gỗ, thấy máy ảnh là chạy. Hóa ra ngoài đứa bé trên lưng, còn đứa khác ngồi trong lớp. Những phụ huynh khác ở nhà bên ngồi sơ chế những cái rễ cây gì đó, nói là bán cho người ta làm thuốc chữa ho, 20 ngàn một yến. Có thể đó cũng là nguồn thu nhập đáng kể cho họ. Trẻ em rất xinh, nhưng nói thật là có lẽ chúng ít được tắm rửa, và đa số rất gày gò, bế nhẹ như cầm búp bê bằng vải bông vậy.

Khác với nhiều nơi khác, điểm trường này là nhà xây.

Trẻ con ở đây nhỏ so với tuổi

Chúng rất xinh, nhất là khi được mặc quần áo mới, sạch

Địu con nấp sau tường lán gỗ , đợi xem đứa lớn trong lớp nhận quà

Không phải là học sinh, nhưng cũng có áo mặc cho giống chị trong lớp

Cùng bà đến xem các em nhỏ, cũng có quà là áo mới

Nhiều người mẹ làm ruộng ngay trước cổng trường

Hoặc trong lán chế biến rễ cây làm thuốc. VNPT cũng đã đến được tận nơi đây !

Hai mươi ngàn một yến rễ cây làm thuốc
Ở lớp Pa kín, Ông già Noel lúc phát quà rất vui. Nhưng rồi gặp một bé, nằm trong xe, dị tật bẩm sinh. Các cô nói bé rất ngoan, cũng hiểu được khi có người trò chuyện, nhưng rất chóng mệt và không nói được gì. Lúc trẻ con vui chơi, Ông Noel cứ bần thần ngồi với bé. Lên xe đi nhiều chục km rồi lại thốt lên ” Đứa bé mặt xinh quá !”
Cũng có chút ấm lòng, là dẫu còn nhiều thiếu thốn, nhưng hiện thực là những lớp Mẫu Giáo, Mầm Non, cái nhà xây, cái thưng gỗ, liếp, vẫn có ở từng bản, từng thôn. Và không có đứa trẻ nào không được đón nhận, chăm sóc, bằng sự chắt chiu của các cô giáo trẻ. Nhiều cô nhà ở rất xa, có cô phải để con lại với người nhà, lên đây cắm bản suốt tuần. Có những cô chưa chồng, không biết bao giờ mới có tấm chồng, và khi chăm sóc con của những người khác, họ hình như với mãi không tới được cái hạnh phúc có đứa con của chính mình.Những điều này thật lớn lao. Và nó là điều có thật. Nhìn và cảm nhận thấy điều có thật ấy qua những chuyến đi, những người tham gia chương trình này, bởi lẽ trên, không muốn nhuốm tất cả mọi chuyện trong cái màu cay cực, mà muốn lặng lẽ chung tay với những người mà nhờ họ, cái thiếu thốn không trở thành cay cực ở những nơi hẻo lánh xa xôi.

Ông già Noel hùng dũng tiến vào điểm trường Pa Kín.

Mầm non Pa Kín

Theo tớ, nên bóc nó ra như thế này thì ăn được !

Các cháu ra sân múa hát, nhưng Ông Noel..

..đang lúc bùi ngùi
Ở xã Mường Nhé, vượt qua suối lởm chởm đá hộc, xe vào đến một điểm trường. Trong đoàn có hai đứa trẻ, lời đầu tiên của chúng là : ” Đây là lớp học hả bố ? ” ” Đây là lớp hả mẹ ?”. Thì đúng, đây là lớp học cho 136 đứa trẻ Mầm non. Ở Hà Nội, hai cậu bé kia hàng ngày đi qua các trường Mẫu Giáo, Nhà Trẻ mà từ các bức tường đã rạng rỡ mọi màu sắc sáng tươi, chúng làm sao nghĩ đây cũng vẫn là lớp học

Mẹ ơi, đây là lớp học ?

Bố ơi, đây là lớp học, hả bố ?

Là lớp học, dẫu không giống như ở Hà Nội

Nhưng có lẽ cũng giống lớp học trường Quốc tế ở Hà Nội đấy chứ !

Hôm nay có áo mới rồi... Lúc nào đó các bạn sẽ có lớp mới !
Điểm trường chính của  Mầm Non xã Mường Lói là một khu trường lớp đẹp, kể cả theo tiêu chuẩn ở thành phố. Học sinh rất mạnh dạn, hiếu động. Cực kỳ gây ấn tượng là một cậu bé  . Khi chụp ảnh, mình ” xui” đúng một lần ” Thơm bạn đi nào”. Lập tức cậu hôn lấy hôn để bạn gái bên canh. Rồi cứ mỗi lần mình giơ máy ảnh lên, cu cậu lại chộp lấy bất cứ cô bạn nào trong lớp mà nhiệt tình hôn, hết bạn này đến bạn khác. Ngồi cũng hôn, mà đứng xếp hàng cũng hôn.

Bên người đẹp, mình vừa gợi ý " Thơm bạn đi..."

.. Là làm ngay tút xuỵt !

Rồi "chuyển phỏm " ngay sang bên...

Làm tới...

Nhân áo mới, hôn tiếp...

Tranh thủ lúc xếp hàng..

Hôn méo cả mặt bạn ra, chưa thôi....
Tại đây, tôi được nhiều người kể chuyện này : Có một người lãnh đạo ở xã đã kiên quyết thu hồi một khoảnh ruộng để mở rộng trường Mầm non của xã. Kể cả ở miền núi, việc này không đơn giản đâu, vì chính trên vùng cao đất ruộng rất hiếm. Bị phản đối nhiều, nhưng ông vẫn làm kỳ được việc đó ngay trước dịp bầu cử ở xã. Cũng nhiều người dân chưa hiểu ông, bực bội vì ” mất” ruộng, và kết quả là Trường Mầm Non nay rộng gấp đôi trước, nhưng trong Đại hội ở Xã ông cán bộ này ” mất ” nhiều phiếu bầu. Cũng có người nói khác. Nhưng tôi không tiện đi sâu hỏi han việc này, mà tin vào những gì các thày cô giáo kể. Tôi đã không có thời gian lưu lại để gặp ông cán bộ xã đó. Nếu gặp, tôi không chia nỗi buồn mất phiếu ( !), mà sẽ nắm tay ông để nói lời chúc mừng ông ! Mà đúng hơn, nhất định phải uống rượu rồi mới bắt tay, như phong tục trên này !

Ngôi trường bây giờ : Khu nhà ở giữa, hai dãy hai bên. Trước kia, chỉ có khu ở giữa và dãy bên phải

Dãy nhà này làm thêm sau khi mở rộng đất của trường.

Sau dãy lớp học làm thêm đó, còn xây được cả khu nhà cho giáo viên

Và sau nữa, là vườn rau cho cô cháu, có cả khu phụ nữa.

Phải thu hồi mảnh ruộng khá to để thêm nửa này của Trường. Cùng với nó là ...mất phiếu dịp bầu cử .
Trên những dặm đường Điện Biên, không ít lần cay mắt. Không chỉ vì bụi đường. Có thể sau này các con đường sẽ làm xong, và khi đó đến với các điểm trường vùng cao, xe sẽ chạy giữa  xanh trong đất trời, suối rừng Tây Bắc. Mong đến ngày đó, nhưng vẫn  hạnh phúc là đã đi hôm nay.
 Buổi sáng thức dậy, nhìn thấy chiếc xe mình mượn để chở đồ, chở người lên Điện Biên đỗ trong sân, bụi đường chưa hết, chợt hiểu rằng: Có lẽ khi  trên áo chúng ta, và trên chiếc xe chúng ta đi  bụi càng bám dày, thì  hồn chúng ta đỡ đi nhiều bụi bặm.  Xét cho cùng, cũng là cho chúng ta thôi.
Đầu năm mới 2012
T.Đ.T

2 nhận xét:

  1. Chúc Mừng Năm Mới

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn a nhiều. Chúc anh luôn vui, trẻ, khỏe và hạnh phúc, công việc thuận lợi. Cảm phục về những việc làm của anh cho thế hệ mầm non.

    Trả lờiXóa