Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

Tam nông lại “cứu” nền kinh tế

Tam nông lại “cứu” nền kinh tế

(Dân Việt) - Cứ mỗi lần đất nước gặp tác động bất ổn từ bên ngoài (khủng hoảng tài chính, suy thoái của khu vực, của thế giới), hoặc sự suy giảm tăng trưởng, mất hoặc thiếu việc làm ở khu vực thành thị, ở các nhóm ngành khác, thì nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) lại góp phần "cứu" nền kinh tế. Năm 2011 vừa qua, một lần nữa, tam nông lại "cứu" nền kinh tế bằng những kết quả tích cực của mình.

Kết quả tích cực nhất của tam nông là vượt qua khó khăn, thách thức và đạt kỷ lục về sản lượng của nhiều cây, con. Thiên tai, dịch bệnh xảy ra, gây nhiều thiệt hại về người và của, trước hết là đối với khu vực tam nông. Giá nhập khẩu nhiều loại nguyên, vật liệu sử dụng cho nông nghiệp tăng... Trong bối cảnh đó, lần đầu tiên sản lượng lương thực có hạt vượt qua mốc 46 triệu tấn (lúa vượt mốc 41 triệu tấn, ngô vượt qua 5 triệu tấn). Sản lượng rau quả, cà phê, hạt tiêu, cao su... đạt kỷ lục mới. Số lượng gia cầm, sản lượng thuỷ sản tăng khá...
Một kết quả tích cực khác của tam nông là xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt quy mô lớn và tăng trưởng cao. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản chiếm trên một phần tư tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng xấp xỉ 30% so với năm trước. Chỉ riêng các mặt hàng nông, lâm- thuỷ sản chủ yếu, mức kim ngạch tuyệt đối tăng so với năm trước đã lên đến khoảng trên 5 tỷ USD. Có 6 mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD (5 mặt hàng đạt trên 2,5 tỷ USD), đặc biệt có 3 mặt hàng đạt trên 3,5 tỷ USD (thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ, gạo).
Đáng lưu ý, cân đối giữa kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản với các nguyên, vật liệu sử dụng cho nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, thì nhóm ngành này đã xuất siêu khoảng 8 tỷ USD, góp phần kiềm chế nhập siêu của cả nước còn 10 tỷ USD - thấp nhất so với 4 năm trước đó và giảm tới 2,6 tỷ USD so với năm trước!
Một kết quả không kém phần quan trọng là tam nông đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động tăng thêm của khu vực này, giải quyết công ăn việc làm cho số lao động bị mất hay thiếu việc làm của các làng nghề, của các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành công nghiệp- xây dựng...

Theo báo cáo sơ bộ, số lao động đang làm việc trong nhóm ngành công nghiệp- xây dựng năm 2011 so với năm 2010 đã giảm cả về số lượng tuyệt đối (từ 10,991 triệu người năm 2010 xuống còn 10,6 triệu người năm 2011, trong khi bình quân 5 năm trước đã tăng 641.000 người/năm); cả về tỷ trọng trong tổng số lao động đang làm việc của cả nước (từ 22,4% xuống còn 21%).
Trong khi đó, số lao động đang làm việc trong nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản năm 2011 đã tăng cả về số lượng tuyệt đối (từ 23,71 triệu người lên 24,8 triệu người), cả về tỷ trọng (từ 48,2% lên 49%).
Ngay lạm phát cao, tuy giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao hơn tốc độ chung, nhưng có một số điểm đáng lưu ý. Chủ yếu do khâu tăng giá từ mua của người sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng và xuất khẩu. Giá lương thực tăng thấp hơn tốc độ chung. Giá thực phẩm tăng cao hơn có một phần do các doanh nghiệp nước ngoài vào mua làm tăng giá. Giá lương thực, thực phẩm tăng nhưng nông dân vẫn bị thiệt thòi do giá đầu vào tăng cao, nhất là giá thức ăn chăn nuôi, phân bón...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét