Bài 1: Xuân sớm Hồng Ngài |
Xuân sớm Hồng Ngài
Khi tôi quyết định về Hồng Ngài, nhiều đồng nghiệp ái ngại vì chặng đường khá gian nan mà tôi sắp đối mặt. Huyện lỵ Bắc Yên (thời Pháp thuộc là Phù Yên) cách thành phố Sơn La chừng 100km, nằm trên tuyến đường QL 37. Từ khi tuyến đường số 6 cũ nối liền Hòa Bình - Hà Nội trở thành tuyến giao thông chính, huyện lỵ Bắc Yên vì thế đã ít tấp nập hơn. Hồng Ngài, ngoài dấn ấn về miền đất "Vợ chồng A Phủ”, đây còn là quê hương cách mạng, đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang thời chống Pháp. Và đặc biệt hơn bởi truyền thống hiếu khách, còn nguyên sơ đậm nét văn hoá của người Mông vùng Tây Bắc.
Những bản làng nơi đây nằm cheo leo lưng chừng núi hình yên ngựa, ẩn khuất giữa mây mù, dốc ngược. Hồng Ngài không còn cảnh ngựa thồ, đường vào trung tâm xã đang được san ủi chờ rải nhựa, hứa hẹn một sự đổi thay kỳ diệu trên vùng đất anh hùng. Tuy nhiên, để vượt qua hơn 10km ngầu bụi đỏ, hết vắt qua núi, lại chúi xuống thung sâu, chúng tôi phải mất gần một giờ đồng hồ đánh vật cùng chiếc xe máy mới vào được trung tâm xã. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Ngài Giàng A Tủa, đồng bào Mông vùng Tây Bắc có tới hai lần ăn Tết trong năm. Lớn nhất là Tết Độc lập diễn ra vào Lễ Quốc Khánh (ngày 2-9), hàng vạn đồng bào Mông ở các tỉnh Tây Bắc đều đổ về cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) vui đón tết. Tiếp theo là dịp Tết xuân diễn ra trong khoảng từ mười ngày đến nửa tháng bắt đầu từ đầu tháng Chạp hàng năm. Đó là nét đặc thù của người Mông tại Sơn La, nơi có cao nguyên Mộc Châu vốn được xem là "thủ phủ” cộng đồng người Mông Tây Bắc. Còn tại các tỉnh khác, Tết xuân người Mông sẽ sớm hơn Tết Nguyên đán của người Kinh vài ngày. Tôi đến Hồng Ngài cũng vì lẽ đó. Tết này, lần đầu tiên Hồng Ngài đổi mới phong tục, tổ chức ăn Tết chung cho cả bản tại nhà văn hóa, gồm đủ cả các trò chơi: thi đánh tulu, ném pao, múa khèn, thi giã bánh dày truyền thống.
Tết người Mông, ngoài tiếng khèn bè, sáo, kèn môi giao duyên dập dìu, ngoài những trái pao gửi gắm niềm yêu, thì đặc biệt hơn cả phải kể đến tục giã bánh dày. Bánh được làm từ những hạt nếp nương bản địa, dẻo thơm dư vị nắng gió vùng cao. Nếp đồ chín, đổ ra cối làm từ nửa thân cây, nom như chiếc thuyền độc mộc. Công đoạn giã bánh khó nhất, phải lựa chọn những người đàn ông lực lưỡng, vung chày nom tựa chiếc vồ, giã thật lực. Khâu cắt lá chuối, gói bánh thuộc về phụ nữ vì cần độ tinh tế, mềm mại. Bánh để cúng tổ tiên thì to bằng nửa chiếc mâm, gọi là Pá ua chá. Bánh nhỏ (Pá ua nao) bọc lá chuối tươi, to chừng hai bàn tay, chỉ làm vào dịp Tết, lễ đặt tên cho con và biếu khách quý. Người Mông vốn coi khách như người nhà thì mới biếu bánh dày, mời rượu và giữ lại ở qua đêm.
Những chiếc bánh dày biểu trưng cho sự đủ đầy được gia chủ chọn cái đầu tiên biếu khách quý
Nơi núi rừng không cô quạnh
Nét xuân nơi đây luôn rộn ràng, ấm áp bởi những tấm lòng mến khách, nhưng tất cả vẫn không giấu được sự ẩn khuất của cái nghèo luôn thường trực. Xã Hồng Ngài có 8 bản, gồm 630 hộ và hơn 3.000 dân. Canh tác chủ yếu từ ngô và lúa, nhưng thường xuyên mất mùa do hạn hán, gió Lào. Mùa giáp hạt, ít gia đình nào không thiếu ăn hoặc vay mượn. Suối Háo là một trong những bản nghèo nhất tại Hồng Ngài với 122 hộ sống rải rác quanh các triền núi. Trưởng bản Thào A Su cho biết, cả bản có tới 107 hộ nghèo, tương đối nhiều hộ đói theo đúng nghĩa, tức thường xuyên đứt bữa.
Chúng tôi có mặt trong căn nhà mới của gia đình anh Sồng A Phềnh. Năm nay, nhà anh Phềnh và chị Mo được đón cái Tết đầu tiên trong căn nhà mới được hỗ trợ bởi Chương trình 30a của Chính phủ. Khó có thể diễn tả hết niềm vui của gia đình nghèo này bởi khi cơm ăn chẳng đủ no, những đứa trẻ trong nhà đã lâu chưa biết đến miếng thịt, thì ngôi nhà khang trang quả là giấc mơ trong cổ tích. Tuy nhiên, số vốn hỗ trợ từ đề án vỏn vẹn khoảng 7-12 triệu đồng (tùy mức hỗ trợ thêm từ nguồn vốn khác của mỗi địa phương), tức là chỉ đủ mua tấm lợp phibro-ximăng và vì kèo gỗ, số còn lại là đóng góp của bà con trong bản từ miếng ván đến ngày công. Trị giá căn nhà hoàn thiện lên tới 50 - 60 triệu đồng, những bản làng nằm sâu trên núi, có thể lên tới gần trăm triệu. Toàn xã Hồng Ngài đã có trên 200 gia đình nghèo được hỗ trợ nhà theo Chương trình 30a, nhà Đại đoàn kết đầy nghĩa tình như vậy.
Theo Phó Chủ tịch xã Giàng A Tủa thì thói quen, cái lệ người Mông vốn vững như đá núi, không đổi được. Nhưng chính nhờ sự nỗ lực vận động không ngừng của lớp cán bộ trẻ, và nói như A Tủa là nhờ "đường lối của Đảng, Nhà nước”, Hồng Ngài đã ngày một đổi thay. Đơn cử là tục "bắt vợ” hay "cướp vợ” vốn nổi tiếng tại Hồng Ngài đã bị xóa bỏ. Nhiều năm qua, phát hiện việc "bắt vợ” - mà nạn nhân thường là những cô gái đang độ tuổi học sinh - xã liền có biện pháp can thiệp, thuyết phục vận động "hôn nhân tiến bộ phải thuận tình, không ép buộc, không tảo hôn”. Vậy là nhiều sơn nữ lẽ ra phải chấm dứt tuổi học sinh để sớm làm vợ, ngày ngày địu con lên rẫy, đã tiếp tục được đến trường. Tục "bắt vợ” giờ chỉ đơn thuần là yêu nhau thì nắm tay "dắt” về nhà. Năm nay, toàn xã chỉ còn 8 học sinh bỏ học để lấy chồng, đi nương. Đáng mừng hơn, hiện toàn xã có tới 4 học sinh nữ đã lấy chồng, có em mang bầu nhưng vẫn tiếp tục đi học. So với trước, con số này đã là một kỳ tích trong vận động giáo dục ở Hồng Ngài. Khó khăn nhất tại đây là mức sống quá thấp, giao thông cách trở. Hiện cả xã chỉ mới có 1 bác sĩ. Đã có trường hợp người bệnh ở mãi bản Lung Tang, lúc khiêng ra đến trạm xá thì đã quá muộn, gia đình lặng lẽ đưa về làm hậu sự. Ngân sách thu trên địa bàn xã mỗi năm chưa bao giờ đạt con số 4 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người mỗi năm chỉ đạt 400 ngàn đồng. Tôi giật mình, mức thu nhập trên đầu người ấy chỉ bằng một bữa bia bình dân nào đó nơi phố xá!
Niềm vui khôn tả của gia đình anh Sồng A Phềnh được ăn Tết ở căn nhà mới
Trong dư vị lâng lâng của mem rượu ngô cay nồng, tôi như cảm nhận quá nhiều sự đổi thay đang diễn ra hằng ngày trên quê hương Hồng Ngài. Trong tiếng trẻ cười đùa, tiếng khèn Mông dập dìu gọi bạn, còn vẳng lên những tiếng chày giã bánh thậm thịch. Đó chính là biểu trưng của sự no đủ, ước vọng ngày mùa xóa đi cái nghèo, dù đôi khi vẫn chỉ là khát vọng.
Giã biệt Hồng Ngài khi những nhành ban đón xuân còn chưa kịp nở, chúng tôi tiếp tục hành hương lên đỉnh Tà Xùa. Đó là vùng đất cao nhất Sơn La, quanh năm ẩn khuất trong mây mù và lưu giữ nhiều huyền thoại về những mảnh đời mưu sinh, bám núi.
Hoàng Anh Thắng |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét