Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

Tủi phận một bà sống giữa chục ông

Thương quá, sống trong thời buổi
mạnh ai nấy sống, đồng tiền là tất cả:


 Tủi phận một bà sống giữa chục ông



Ba năm ngược xuôi cùng những công trình quẩn quanh với những vôi vữa xi măng, gạch, đá… là biết bao những buồn vui, vất vả với cả những khoảng lặng không lời. Đời nữ phu hồ có những chuyện nhiều người không biết bây giờ mới kể…

Một bà sống giữa chục ông và chuyện chờ tắm

Trong ngôi nhà 4 tầng vẫn còn đang ngổn ngang sắt thép, cát, gạch, chưa được chát vôi vữa, không quần áo bảo hộ, mặt lúc nào cũng trùm khăn kín mít, tóc búi cao, dáng người đậm, thấp thoáng trong bóng dáng của gần 20 người đàn ông không mấy người để ý và nhận ra chị là phụ nữ. Ba năm ngược xuôi cùng những công trình theo chủ thầu là ba năm chị ngược xuôi dong duổi với cả chục người đàn ông như thế.

Tháo bỏ chiếc áo ngoài dính đầy bụi cát, xi măng, chị lại vội vàng chuẩn bị bữa cơm trưa cho thợ. Đôi bàn tay thoăn thoắt hết nhặt rau rồi thái thịt chị bảo: “Cả công trình như thế này có gần 20 người đàn ông người trẻ nhất cũng mới chỉ 16 tuổi, người già nhất cũng đến cả 50 mà chỉ có mình mình là phụ nữ. Vì đây vốn dĩ là công việc của đàn ông, họ thuê mình là phụ nữ ăn lương phu hồ nhưng cốt là để có người nấu nướng cho công thợ của họ. Nhưng sống giữa cả chục những người đàn ông như thế cũng có biết bao nhiêu chuyện khó nói”.

"Mình chỉ đi làm ở những công trình nhỏ xây nhà dân nên cũng không thể so được điều kiện ở những công trình lớn”

Những câu chuyện vui buồn của cảnh “một bà sống giữa chục ông” có những tình huống đến khóc dở, mếu dở nhưng đằng sau những tiếng khóc cười ấy là biết bao những tâm sự mà nhiều khi những người phụ nữ như chị vẫn phải cam chịu không biết tâm sự cùng ai trên con  đường mưu sinh đầy khó khăn vất vả.

Chị chia sẻ: Lao động chân tay, ăn nói bỗ bã nhiều khi tục tằn, những câu chửi thề, những lời nói tục đi tới đâu trong công trình cũng nghe thấy, ban đầu nghe thấy không quen, khó chịu lắm  nhưng rồi sống lâu rồi cũng thành bình thường.

Nhưng không những phải nói chuyện bằng những lời khó nghe tục tĩu mà còn bị họ khinh thường quát mắng này nọ bằng những lời xúc phạm tục như thế.

Ngắt quãng câu nói, chị cười mà nụ cười như méo xệch đi: “Khi làm việc họ coi chúng tôi cũng không khác gì những người đàn ông. Có những lúc xúc vữa hay đánh bê tông chậm là họ nổi cáu rồi chửi bới thô lỗ không tiếc lời. Nhưng 3 năm đi làm dân phu hồ,  tôi rất hiểu thực ra họ có nói, có chửi thì cũng chỉ là trong lúc tức giận lao động vất vả nhiều khi bức xúc thì thôi”.

Rồi cả chuyện sinh hoạt cũng gặp không ít những khó khăn bất tiện. Vừa nói chị vừa chỉ vào góc nhỏ của mình. Trên sàn nhà chưa lát gạch vẫn còn trắng xóa từng lớp xi măng, một chiếc chiếc trải cách hẳn với mấy chiếc chiếu dành cho thợ, chiếc chăn, cái gối thêm chiếc túi “hành lý”đặt gọn trong góc. Sát tường là sợi dây thép đóng tạm làm dây phơi treo vài bộ quần áo. Cũng phải mất một thời gian dài chị mới có thể làm quen với cuộc sống như thế.

Chị tâm sự: “Lao động thì vất vả, điều kiện thiếu thốn trăm đường nhưng mình vẫn phải chấp nhận và phải làm quen. Tắm hay giặt giũ lúc nào mình cũng làm sau cùng. Đợi cho tất cả công thợ đi ăn cơm tối thì mình tranh thủ làm tất cả những việc đó cho nó tự nhiên. Nhiều lúc nghĩ đến cảnh sống khổ cực mà tủi thân đến rơi nước mắt nhưng rồi vì để kiếm tiền mưu sinh rồi cũng thành quen hết. Mình chỉ đi làm ở những công trình nhỏ xây nhà dân nên cũng không thể so được điều kiện ở những công trình lớn”.

Hỏi chị có những chuyện tế nhị giữa cảnh sống phức tạp này không chị cười mà gương mặt đầy suy tư. Vừa gạt tay, chị vừa bảo: “Sống giữa đến cả 20 người đàn ông như thế tránh sao được những lúc họ nói chuyện này nọ. Nhiều người hiểu cho thì không sao nhưng không phải ai cũng hiều được như thế rồi họ cũng nghĩ này nghĩ nọ. Nhưng nói gì thì nói, nghĩ gì thì nghĩ điều quan trọng vẫn là ở mình.”

Họ đều là những người đàn ông con trai lại sống xa gia đình vợ con nên nhiều khi họ đề nghị cũng chỉ là do nhu cầu sinh lý. Có người gạ gẫm chị đến cả chục lần nhưng chị đều bỏ ngoài tai. Đã có chồng có con, công việc cũng chỉ là mưu sinh nên với chị những lúc như thế chị phải thật sự kiên quyết từ chối.

Chị bảo: Đâu chỉ có những người đàn ông đã có vợ mà đến ngay cả thanh niên chưa vợ có khi họ cũng còn đề cập đến với mình. Nhưng chị cũng chỉ coi đó như những người em của mình. Sống giữa môi trường phức tạp chỉ toàn đàn ông con trai bao nhiêu nỗi vất vả, bao nhiêu điều khó nói...

Thương thay thân phận nữ phu hồ!


Chen trong những tiếng máy khoan đục ầm ầm giật lên từng hồi, những tiếng sắt, gạch va vào nhau chan chát, ì ầm tiếng máy “Cho bê tông vào”, “Chuyển vữa”…

Vừa thấy chiếc xe tải nhỏ chở đầy xi măng đỗ ngay trước cửa ngôi nhà 4 tầng đang xây dở tiếng người trong xe gọi với vào: “Chuyển xi! Chuyển xi! Ra chuyển xi nhanh lên”… Tất tả chạy từ ngôi nhà giăng bạt kín mít một phụ nữ cứ thế chuyển từng bao xi măng. Hết vác trên vai, rồi ôm cắp cạnh sườn. Chiếc xe tải rời bánh chị mới đưa vội cánh tay áo vẫn còn đầy bụi xi măng lên lau vội những giọt mồ hôi.

“Khi làm việc họ coi chúng tôi cũng không khác gì những người đàn ông..."

Quay trong những công việc không tên như thế người ta vẫn gọi những người như chị là dân phu hồ. “Đời phu hồ vất vả lắm, phụ nữ làm phu hồ thì không còn là vất vả nữa mà là cơ cực…” – Từng chữ cứ càng lúc càng trùm xuống trong chất giọng trầm đục.

Chị bảo: “Ngoài làm phu hồ mình cũng còn lo cả bữa cơm cho thợ. Nhưng lương thì cũng chỉ được tính theo lương phu hồ thôi vì ở đây chỉ có mình là phụ nữ. Ngày nào cũng vậy mình luôn là người dạy sớm nhất trong công trình, đi chợ, làm bữa sáng rồi về nhà chuẩn bị dụng cụ lao động cho thợ. Những ngày hè còn đỡ chứ vào những ngày đông nhất là mấy ngày giá như mùa đông năm nay cứ 4 rưỡi dậy đi chợ sớm về đến nhà mà chân tay tê cóng”.

Tính ra, việc phu hồ sẽ bắt đầu từ 7h sáng đến hơn 11h, rồi lại từ 2h chiều đến 7h tối. Chân phu hồ cũng chỉ là chân sai vặt, chân chạy việc, xúc cát, chuyển gạch, trộn vữa…có khi thiếu thợ cũng lên giàn giáo giằng thép”.

Đôi bàn tay của người phụ nữ mới ngoài 30 tuổi gân guốc đầy chai sạn. Đôi bàn tay vùi trong bùn của đồng áng giờ lại thêm những lớp vôi vữa thấy rõ những vết rạn nứt nẻ. Có những đầu ngón tay nứt máu. Vừa giơ đôi bàn tay lên chị vừa cười: “Có ai bảo đây là bàn tay phụ nữ không? Ngày nào cũng tiếp xúc với vôi vữa nên bị nước ăn hết cả. Đông đến nẻ đến tứa máu, đau lắm. Nhưng cũng chẳng biết làm thế nào, tối chỉ ngâm ít nước muối nóng rồi ngày mai lại tiếp tục lại vôi lại vữa…” – nụ cười của chị như méo đi trong tiếng xuýt xoa.

Bữa cơm trưa sau những tất tả của người chị được dọn ra, dáng chị như lọt thỏm trong bữa ăn giữa gần 20 cái lưng trần. Và vẫn còn đó, những câu chuyện những nhọc nhằn của Đời nữ phu hồ mà chị vẫn chưa nói hết…

Hồng Khanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét