Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

Làm sao để thành đạt hơn?

Làm sao để thành đạt hơn?

Bìa sách của Goldsmith

Mấy hôm nay bận hội thảo Tin học, tôi lại được nghe ông Frank Wagner, chuyên gia cự phách của trung tâm đào tạo Carnegie (chuyên về phát triển nguồn nhân lực và khuyên giải con người làm thế nào để thành đạt), tới nói chuyện.
Đầu đề là “What got you here won’t get you there – Công thành hôm qua chưa chắc giúp cho danh toại ngày mai”, lấy từ cuốn sách của Marshall Goldsmith, nghe nói hay lắm.
Hội trường gần 500 người, không còn chỗ trống, từ 2 giờ đến 5 giờ, vào giờ chết, vừa ăn trưa xong, nhiều bạn đến từ các quốc gia Á, Âu, Phi nên lệch giờ, rất buồn ngủ. Thế mà lão Frank khua kháo, nói hay và vui tới mức, không ai muốn…đi đái.
Câu hỏi là, khi đã thành đạt rồi thì làm thế nào thành đạt hơn nữa. Entry này không dành cho người đã yên phận với cái ghế hiện thời. Xin chia sẻ cùng bạn đọc. Nếu tìm được điều gì hay để làm theo, kể cả thấy cái dở để tránh, thì tác giả blog cũng thấy là may mắn vô cùng.
Câu chuyện đèn đỏ và mụ vợ lắm điều
Frank kể chuyến đi công tác suýt muộn giờ ra máy bay. Các buổi nói chuyện của ông được lập kế hoạch từ mấy tháng và có lẽ khá đắt, cỡ 100.000$/buổi, giá bằng Clinton, tất nhiên trả cho công ty Carnegie.
Dân New York như Frank khá tự tin, lái xe cực gấu, lượn lẹo đủ kiểu và phóng hết tốc độ để kịp giờ. Bà vợ ngồi cạnh nhắc, anh cẩn thận đó, đèn đỏ kìa.
Lão ngước lên và đèn đỏ thật. Tuy vậy, với tính bảo thủ cố hữu, lão lầm bầm, mình lái xe bao nhiêu năm rồi, mắt có mù đâu mà không biết đèn đỏ. Thế là đâm ra cáu. Bà vợ biết nhắc vở không đúng lúc nên ngồi im.

Cần biết cảm ơn. Ảnh: internet

Cuối cùng, Frank lên được máy bay và chuyến đi công tác mỹ mãn. Trên đường trở về nhà, ông mua  bó hoa rất đẹp, đưa tặng thì bà vợ mặt sa sầm, không thèm nói một câu.
Khi hỏi mới biết, Frank quên “Thank you” khi được nhắc đèn đỏ. Rồi bà tâm sự, anh biết không, trong lúc vội, anh có thể không nhìn tín hiệu giao thông, và tai họa khôn lường. Lẽ phải cảm ơn thì anh lại cáu.
Bài học cực kỳ đơn giản. Khi nghe ai đó phản hồi, nhắc nhở, cho dù đúng hay sai, bạn hãy cảm ơn người ta trước.
Khi biết điều cơ bản đó rồi thì hãy nói đến chuyện thành đạt trong đường đời, đưa công ty, một bộ, một ngành hay cả một quốc gia tiến lên.

Những thói quen giết chết sự nghiệp
Frank liệt kê 20 thói quen giết chết sự nghiệp, hạnh phúc gia đình, và cao hơn là sự phát triển của một đất nước, mà khó ai nhận ra.
  1. Winning too much. Hiếu thắng: tìm mọi cách và bằng mọi giá để chiến thắng.
  2. Adding too much value. Kiểu gì cũng phát biểu, dù ý kiến chẳng có giá trị.
  3. Passing judgment. Đánh giá và áp đặt người khác
  4. Making destructive comment. Phản hồi mang tính phá hoại, thích lên án.
  5. Starting with No, But, or However. Kiểu phản đối chỉ để người nghe hiểu “Anh sai rồi. Tôi mới là đúng”.
  6. Telling the world how smart you are. Cần phải cho người ngoài biết là mình thông minh hơn.
  7. Speaking when angry. Lúc cáu giận cũng nói.
  8. Negativity, or “Let me explain why that won’t work”. Chả ai hỏi cũng chõ mũi vào và bình phẩm đầy âm tính.
  9. Withholding information. Tìm cách giấu thông tin nhằm kiếm lợi thế hơn người khác.
  10. Failing for give proper recognition. Không có khả năng khen ngợi và thưởng người khác.
  11. Claiming credit that we do not deserve. Vơ thành tích cả những thứ mà mình không xứng đáng.
  12. Making excuses. Tìm mọi cách để giải thích là lỗi không phải tại tôi.
  13. Clinging to the past. Nhai lại quá khứ.
  14. Playing favorites. Không công bằng.
  15. Refusing to express regret. Không có khả năng nhận lỗi hay không biết rằng hành xử của mình ảnh hưởng xấu đến nhiều người khác.
  16. Not listening. Không biết nghe. Mũ ni che tai.
  17. Failing to express gratitude. Không có khả năng biết ơn.
  18. Punishing the messenger. Trừng phạt cả người giúp đỡ mình. Vô ơn.
  19. Passing the buck. Lên án tất cả mọi người, trừ mình ra.
  20. An excessive to be “me”. Cái tôi hơn tất cả.
Để tránh những thói xấu này thì nên hỏi ý kiên bạn bè và người thân, xem họ nghĩ về mình như thế nào, “mắc bệnh” gì để tìm cách tránh.
Con người vốn thích chê người khác, nhưng lại thích người khác khen mình. Nhưng đôi lúc ta nên làm ngược lại, nên tự soi mình và nhờ người khác nói hộ.
Nghe được điều trái tai mới là thách thức lớn trong đời người và đó cũng là bí quyết cho thành công.
Vài lời khuyên có ích
Hỏi người ta như thế nào? Hỏi ai, hỏi gì và hỏi như thế nào cũng là nghệ thuật
  • Đừng làm. Đừng đợi thời gian tốt nhất mới hỏi. Chả có thời gian nào tốt nhất cả. Hỏi là hỏi thôi. Hãy bỏ qua những lời dị nghị, và nghi ngờ. Hãy bỏ cái tôi vĩ đại đi.
  • Nên làm. Đặt câu hỏi chính xác, rõ ràng và ý định của mình. Và cần nhất, luôn nhìn sự việc tích cực.
Ví dụ. Trong hội thảo, 500 người được cặp thành đôi và tự tìm nhau để trao đổi về mặt yếu của mình và nhờ đối tác cho lời khuyên.
Tổng Cua lấy một thói quen của chính mình “Nói năng lúc giận dữ, bạn có kinh nghiệm gì không” và hỏi 3 người khác nhau.

Câu trả lời là, bạn hãy kìm nén, ra lấy cốc nước lạnh, hoặc rủ bạn đi café nói chuyện. Khi ra phố, nhìn thấy cảnh đẹp, hay em nào đó chân dài, váy cộc thì bỗng nhiên quên cáu và có khi câu chuyện trao đổi mang tính tích cực nhiều hơn.
Cãi nhau với vợ, người yêu, có bao giờ bạn cắt ngang và bảo, thôi mình hãy dừng ở đây, lúc khác ta bàn tiếp. Ai làm được điều đó sẽ không có xích mích gia đình hay đồng nghiệp bao giờ.
Nghe phản hồi như thế nào? Nghe đứa khác chê mình quả thật khó, nghe rồi phản ứng như thế nào lại càng khó hơn.
  • Đừng làm. Dùng các từ Không, Nhưng mà, Tuy thế… Đó là cách người khác hiểu là bạn đang tìm cách trốn lỗi, tỏ ra thiếu kiên nhẫn.
  • Nên làm. Nghe chăm chú. Tóm tắt lại những gì nghe được.
Cảm ơn như thế nào? Đơn giản mà cũng ít người biết. Ai góp ý đúng hay sai, trước hết phải cảm ơn cái đã.
  • Đừng làm. Cảm ơn kiểu bĩu môi, chế giễu, giả vờ, miễn cưỡng hay thiếu chân thành.
  • Nên làm. Hãy cảm ơn thành thật từ đáy lòng.
Suy ngẫm về phản hồi. Khó nhất vì con người không thích chấp nhận mình làm sai.
  • Đừng làm: Tìm cách chứng minh phản hồi sai, không nhìn vào sự thật, hoặc chỉ nói “Em chỉ có thế thôi, chơi được thì chơi, không chơi thì…mặc mẹ người ta”.
  • Nên làm. Tự đánh giá nếu thay đổi thì sẽ lợi gì. Hành xử như hiện nay thì giá phải trả liệu có cao không. Và nên ra quyết định có nên thay đổi.
Trả lời phản hồi. Tương đối dễ nếu phần suy ngẫm làm tốt.
  • Đừng làm: Phê phán những phản hồi. Cam kết quá nhiều, hứa đại.
  • Nên làm. Ngắn gọn và tập trung vào một vài vấn đề quan trọng nhất. Hãy nhìn tích cực và hỏi xem bạn có giúp được gì không.
Thay đổi. Khó nhất trong những việc khó, đó là thay đổi chính mình. Có thay đổi mình mới mong người khác thay đổi.
  • Đừng làm. Không làm gì để thay đổi bản thân. Hoặc muốn mì ăn liền, thay đổi hôm nay là ngày mai đã khác.
  • Nên làm. Áp dụng nhiều cách cùng một lúc. Tìm thời điểm thích hợp và nên thể hiện cho bạn bè nhìn thấy rõ là mình đang thay đổi.
Lập kế hoạch sau đó (follow up). Khá đơn giản nếu hiểu được cái giá quá đắt của việc không thay đổi.
  • Đừng làm. So sánh với quá khứ. Ngoảnh mặt với sự thật.
  • Nên làm. Hãy xem cái “tôi” của mình đã đến đâu. Nhìn lại và tự đánh giá sau một thời gian.
Vĩ thanh
Đang hội thảo thì mấy trăm người “chiếm DC” tuần hành kêu gọi sự công bằng. Frank cười và bảo, biểu tình đang nhắc nhở là ai trong chính quyền có vẻ…làm sai.
Nếu coi đó là hành động chống đối Chính phủ thì sẽ rơi vào trường hợp Frank lái xe suýt vượt đèn đỏ, vợ nhắc nhở lại còn cáu, mà lẽ ra phải cảm ơn. Không biết văn hóa Thank You có nên ngồi ở ghế của người cầm lái.

HM.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét