Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

Siêu cường miễn cưỡng?

Siêu cường miễn cưỡng?

 

Tác giả: Cary Huang
Nguyễn Tâm dịch, 06-12-2011
Sức mạnh kinh tế đang lên của Trung Quốc là điều không cần bàn cãi, nhưng liệu Trung Quốc có khả năng, hoặc thậm chí chỉ là mơ ước, nhằm chiếm đoạt vị thế siêu cường của Mỹ về mặt ngoại giao và quân sự, thì vẫn còn là điều xa vời.
Khi mặt trời lặn ở phương Tây, nó sẽ mọc ở phương Đông. Như cố lãnh đạo Mao Trạch Đông từng tiên đoán về thời hoàng kim của chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới. “Người cầm lái vĩ đại” [Mao Trạch Đông] đã nhìn thấy trước một kỷ nguyên mới huy hoàng, trong đó giai cấp vô sản sẽ tiêu diệt giai cấp tư sản, và chủ nghĩa xã hội sẽ ném chủ nghĩa tư bản vào đống rác của lịch sử.
Vâng, ít ra Mao có phần đúng về khía cạnh địa lý. Ở nhiều nơi, hiện vẫn còn sự tranh luận dai dẳng là liệu thế kỷ 21 sẽ được biết đến như Thế kỷ Thái Bình Dương hay Thế kỷ châu Á. Sự thay đổi trọng tâm của thế giới từ Tây sang Đông là điều rõ ràng.
Nhưng trong một hoạt động ngoại giao dồn dập và bất ngờ, Washington sốt ruột: “Chưa được nhanh lắm”. Tại một loạt hội nghị thượng đỉnh cấp khu vực tháng vừa qua, Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton khẳng định siêu cường duy nhất thế giới – Mỹ –  đến Châu Á là để tiếp tục ở lại, và phác thảo sự xoay chiều chính sách nhằm đảm bảo rằng các thập niên tới sẽ trở thành “thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ”.
Bà Clinton viết trên báo Foreign Policy, số phát hành tháng qua: “Khi tôi thảo luận với các vị đồng cấp ở châu Á, một chủ đề rõ ràng và nhất quán: Họ vẫn muốn Mỹ là một đối tác can dự và sáng tạo trong các hoạt động giao dịch tài chính, thương mại đang phát triển mạnh. Và khi tôi nói chuyện với giới lãnh đạo doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ, tôi nghe thấy được tầm quan trọng như thế nào đối với Mỹ khi mở rộng xuất khẩu và các cơ hội đầu tư ở các thị trường năng động tại Châu Á”.
Tuy nhiên, trong khi Mỹ tìm cách gia tăng vị thế của họ ở châu Á – Thái Bình Dương, thì một câu hỏi lớn hơn đang gây nhiều tranh luận: dù thế nào đi nữa, một Trung Quốc đang trỗi dậy có nguy cơ lớn đến mức nào đối với Mỹ?
Sử gia từ Đại học Harvard Niall Ferguson nhận xét Mỹ ngày nay giống với Tây Ban Nha và Anh ở thế kỷ 17, vào khoảng năm 1900: đó là những đế quốc thống trị đã đánh giá thấp sự trỗi dậy của các cường quốc mới. Trường hợp của Anh, đó là Đức; còn đối với Mỹ, đó chính là Trung Quốc.

Khi nền kinh tế Trung Quốc ngang bằng về quy mô với nền kinh tế Mỹ, sự kiện này có thể đến ngay từ năm 2027… có nghĩa Trung Quốc không chỉ trở thành đối thủ kinh tế chính – điều này đã diễn ra – mà còn là đối thủ về mặt ngoại giao và quân sự”, Ferguson nhận định.
Trong chuyến công du chín ngày của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến khu vực châu Á –Thái Bình Dương, thăm Indonesia và Úc, chủ trì Hội nghị cấp cao APEC tại tiểu bang quê nhà Hawaii, và là Tổng thống Mỹ đầu tiên tham dự hội nghị cấp cao ASEAN và thượng đỉnh Đông Á, diễn ra tại Bali, ông Obama đã xông xáo trên các mặt trận để tăng cường ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Các sáng kiến của ông từ việc thành lập khối thương mại và đầu tư (TPP) không bao gồm Trung Quốc, đến việc củng cố sự hiện diện quân sự của Mỹ bằng kế hoạch thiết lập một căn cứ mới cho lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ tại Úc, và cô lập Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp chủ quyền tại biển Đông.
Đối với các nhà lãnh đạo châu Á, ông Obama rõ ràng có ý định củng cố thế đối trọng với sức mạnh ngoại giao, kinh tế và quân sự đang gia tăng của Trung Quốc. Và đối với người dân trong nước, ông Obama nhấn mạnh sự phục hồi của Mỹ khỏi cơn khủng hoảng tài chính, phụ thuộc vào việc tận dụng ưu thế “thuyết động lực” của châu Á. Điều đó không chỉ vì thời thơ ấu của ông từng trải qua tại Hawaii và Indonesia mà ông gọi bản thân mình là “tổng thống Thái Bình Dương đầu tiên của Mỹ”.
Kể từ khi nhậm chức vào đầu năm 2009, ông Obama đã đề ra chiến lược “trở lại Châu Á”, nhưng các nhà phân tích cho rằng việc thực thi [chiến lược này] chỉ có thể làm được trong thời gian gần đây, khi Mỹ hiện trong giai đoạn thu dọn dần các cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq.
Nhưng trong suốt cả thập niên, khi Washington dồn toàn bộ mọi nỗ lực ngoại giao và quân sự vào hai cuộc xung đột nói trên, quốc gia mà Napoleon từng gọi là “con sư tử đang ngủ” đã bừng tỉnh trên rộng khắp mọi lĩnh vực. Trung Quốc đã vươn lên từ vị trí nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới năm 2003, trở thành nền kinh tế đạt vị trí lớn thứ hai trên thế giới, hiện chỉ đứng sau Mỹ mà thôi. Không gì phải ngạc nhiên khi có nhiều người bị thuyết phục – và nhiều người Mỹ đã hết sức lo ngại, rằng ưu thế vượt trội của Mỹ đang mất dần.
Trong lúc “Thế kỷ của Mỹ” được dùng để mô tả thế kỷ 20 sau khi Mỹ nổi lên thành một cường quốc mạnh nhất kể từ sau Thế chiến II, thì “Thế kỷ Thái Bình Dương” được xem như một tín hiệu ban đầu của thế kỷ 21. Ngày nay, thế kỷ 21 trông giống “Thế kỷ Châu Á” nhiều hơn, mang tầm quan trọng lớn hơn liên quan đến quyền lực đang trỗi lên của Trung Quốc, không kể Ấn Độ.
Châu Á – Thái Bình Dương trải dài từ tiểu lục địa Ấn Độ đến bờ tây của châu Mỹ, châu lục nằm giữa hai đại dương mênh mông, được kết nối ngày càng tăng về mặt thương mại và chiến lược, trở thành nguồn gốc xoay chuyển chủ chốt của tình hình chính trị toàn cầu. Từ lâu là nơi sinh sống của hơn một nửa dân số thế giới, hiện nay châu Á – Thái Bình Dương tự hào là nơi chiếm hơn phân nửa sản lượng kinh tế và thương mại toàn cầu.
Đối với nhiều người Mỹ, đặc biệt là cánh hữu, họ không hề nghi ngờ điều cho rằng sự nổi dậy của Trung Quốc chính là một nguy cơ chết người. Trong cuốn sách vừa mới phát hành “Bowing to Beijing: How Barack Obama is Hastening America’s Decline and Ushering a Century of Chinese Domination(Khuất phục Bắc Kinh: Làm cách nào Barack Obama đẩy nhanh sự suy tàn của Mỹ và mở ra một thế kỷ nằm dưới gót thống trị của Trung Quốc), Brett Decker, biên tập viên trang xã luận của báo Washington Times, và William Triplett, cựu luật sư thuộc đảng Cộng Hòa làm việc cho Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, lập luận rằng, ông Obama đang giúp Bắc Kinh “leo lên đầu thiên hạ”. Là nơi phát hành ấn phẩm này, nhà xuất bản Regnery còn bồi thêm: “Mặc dù Trung Quốc luôn thể hiện ý muốn thù địch [với Mỹ] trong mọi lĩnh vực, nhưng chính quyền Obama lại không dám hành động, hoặc thậm chí không chịu thừa nhận nguy cơ đó”.
Chủ đề này cũng chi phối cuộc tranh luận giữa các ứng viên tranh cử chức tổng thống trong nội bộ đảng Cộng hòa trên đài CNN ngày 22 tháng 11, khi các ứng viên tranh nhau bày tỏ nỗi lo ngại về việc tăng cường sức mạnh của Trung Quốc. Michele Bachmann cho rằng, Mỹ đang trả giá cho việc để Trung Quốc mạnh hơn về quân sự. Thống đốc tiểu bang Texas Rick Perry gọi Trung Quốc là mối đe dọa chủ yếu đối với Mỹ. Jon Huntsman, cựu đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh vốn thông thạo tiếng phổ thông, nhận định rằng, theo sự hiểu biết của ông về Trung Quốc, người khổng lồ cộng sản này sẽ tự nhận ra những vấn đề nổi cộm của mình trong những năm sắp tới.
Cụm từ “sự trỗi dậy của Trung Quốc” được sử dụng nhiều trong các bản tin hàng đầu của thế kỷ 21, đó là theo quan sát của Global Language Monitor, một công ty phân tích truyền thông có trụ sở tại Mỹ, khi thống kê số lần xuất hiện của cụm từ này trên báo in, truyền thông điện tử, trên mạng internet và trong truyền thông ở các mạng xã hội trực tuyến.
Theo thuyết “áp lực hướng ra chung quanh” được phổ biến bởi các nhà khoa học chính trị Nazli Choucri và Robert North trong cuốn Xung đột giữa các quốc gia, ấn hành năm 1975, các nước thường có khuynh hướng mở rộng tầm ảnh hưởng của mình một khi dân số và công nghệ phát triển. Các cường quốc chính sẽ không tránh khỏi lâm vào xung đột khi những khu vực ảnh hưởng của họ va chạm, giao cắt với nhau.
Nếu thuyết này tin rằng Trung Quốc và Mỹ sẽ xung đột nhau, để Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, thì không chỉ mất vài năm, mà phải mất vài chục năm mới thực hiện được. Trong lúc nền kinh tế Mỹ đang chao đảo, Trung Quốc đã đạt mức dự trữ ngoại tệ hơn 3.000 tỷ đô la và là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, nắm giữ hơn 1.000 tỷ đô la giá trị trái phiếu chính phủ Mỹ.
Ngày 21 tháng 11, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia thuộc đảng Cộng hòa, Reince Priebus, đã viết xã luận trên tờ báo nổi tiếng bảo thủ Washington Times rằng “một chính phủ đánh mất chủ quyền quốc gia vào những người nắm giữ trái phiếu, thì không thể bảo đảm được tự do, thịnh vượng. Và sau cùng, một nền kinh tế bị Trung Quốc kiểm soát thì không thể nào cạnh tranh được với Trung Quốc”. Ông ấy kết luận.
Bắc Kinh chẳng vui gì với kiểu tranh luận này. “Lối nói hùng biện mị dân đang tạo áp lực lên các chính khách Mỹ, buộc họ phải có thái độ đối đầu với Trung Quốc, đặc biệt trong thời điểm suy thoái kinh tế và trong năm bầu cử, rất nhạy cảm về chính trị”, đó là nhận xét của Liu Ming, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương, thuộc Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải.
Shi Yinhong, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Mỹ thuộc Đại học Nhân dân, đã gắn kết sự công kích [Trung Quốc] gần đây của ông Obama với tình trạng chiến tranh lạnh, khi Tổng thống Mỹ lúc đó là Harry Truman công bố Học thuyết Truman và Kế hoạch Marshall sau Thế chiến II, nhằm tái thiết châu Âu và “kiềm chế” chủ nghĩa cộng sản Xô-viết. Nhưng rất ít nhà nghiên cứu nào, vốn có có cái nhìn bao quát hơn về khía cạnh chính trị, ngoại giao và quân sự, lại nghĩ rằng Trung Quốc đặt ra bất kỳ thách thức nghiêm trọng nào đối với sự lãnh đạo của Mỹ, chứ đừng nói đến thay thế Mỹ.
Trung Quốc đã làm suy yếu nghiêm trọng ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực, nhưng lợi ích của Trung Quốc trong vùng châu Á – Thái Bình Dương phần lớn là về kinh tế”, đó là nhận xét của Ben Simpfendorfer, giám đốc điều hành Silk Road Associates, một tổ chức tư vấn kinh tế và chính trị.
Tuy nhiên, sự thành công tiếp tục của Trung Quốc sẽ tùy thuộc rất lớn vào việc các nước châu Á khác dành ưu tiên vào các vấn đề kinh tế hay chính trị”.
Xét về yếu tố chính trị, Washington vẫn là quốc gia lãnh đạo tinh thần trong một thế giới bị chi phối bởi các nền dân chủ và các nền kinh tế thị trường tự do, trong khi Đảng Cộng sản  Trung Quốc vẫn còn đang trăn trở tìm cách tồn tại vì thiếu tính chính đáng, Simpfendorfer bình luận.
Trong cuốn sách của mình mang tên Siêu cường mỏng manh, Susan Shirk, cựu chuyên gia về Trung Quốc, thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng tình hình chính trị tại Trung Quốc có thể quá bất ổn để vượt qua được thời kỳ chuyển tiếp tiến lên vị thế siêu cường. Minxin Pei, giáo sư về quản lý nhà nước tại Đại học Claremont McKenna, California, tin rằng, Trung Quốc không phải là một siêu cường, và trong tương lai gần cũng không thể, bởi những thách thức về mặt kinh tế và bản chất chính trị “sắt máu” mà Trung Quốc phải đối mặt.
Ngược lại, Mỹ đã tăng cường các mối quan hệ ngoại giao vững chắc với hầu hết các nước trong khu vực, nhiều nước trong số này thể hiện sự lo ngại về “người khổng lồ cộng sản” đang vươn lên.
Giáo sư Edward Friedman, chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Đại học Wisconsin-Madison, cho rằng, trong lúc một số người có thể nhìn thấy một phương Đông đang trỗi dậy, thay thế một phương Tây uể oải, thì không một nước châu Á nào, kể cả Nga, muốn lệ thuộc vào kẻ độc tài Bắc Kinh luôn mang nặng tư tưởng Hoa vi trung (Sino-centric). “Tóm lại, trong lúc sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc có thể làm một số người khiếp sợ, thì sự thống trị của Trung Quốc là điều không thể xảy ra”, Friedman kết luận.
Liu Kang, giáo sư nghiên cứu Châu Á và Trung Đông tại Đại học Duke, cho rằng, nhận thức của chính Trung Quốc về vị trí của họ trên thế giới là trở ngại chủ yếu cho Trung Quốc trên con đường dẫn đến vai trò lãnh đạo thế giới. Liu nhận xét “Cho đến nay, Trung Quốc vẫn tự xem mình là một quốc gia hướng nội và thủ thế kín kẽ, chứ không phải là một quốc gia dấn thân cùng tham gia giải quyết các vấn đề của thế giới. Sự thiếu vắng một tầm nhìn chiến lược được xác định rõ ràng đã bộc lộ sự yếu kém nghiêm trọng của Trung Quốc. Hành trình của Trung Quốc để trở thành cường quốc thế giới thật sự, tất nhiên vẫn là một con đường dài”.
Là một trong những quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới, Trung Quốc có chung đường biên giới với cả thảy 14 nước. Quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng cũng như với một số nước khác đã bị lung lay chung quanh vấn đề biển Đông, Trung Quốc đã đòi hỏi chủ quyền đối với hầu hết vùng biển này, xem đây như lãnh hải của riêng họ. Trung Quốc vẫn tiếp tục có những tranh chấp biển và biên giới với Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam và Philippines. Có những lúc, các tranh chấp này đã kích hoạt thành những cuộc xung đột quân sự chết người. Những năm gần đây, Trung Quốc đã và đang xây dựng hạm đội hải quân chuyên tác chiến vùng biển xa với các tàu nổi, tàu ngầm mới được trang bị tên lửa đạn đạo đối hạm, và tháng 8 vừa qua, Trung Quốc đã cho chạy thử tàu sân bay chế tạo từ thời Xô-viết, được Trung Quốc mua và tân trang lại.
Trong khi đó thì Mỹ duy trì hàng chục ngàn quân tại Nhật và Hàn Quốc, cùng một số tàu sân bay thuộc loại tinh vi hiện đại nhất tại các căn cứ trong vùng Tây Thái Bình Dương. Việc thường xuyên tuần tra của các nhóm tàu sân bay chiến đấu đã duy trì ưu thế quân sự vượt trội mà Washington nắm giữ từ năm 1945. Singapore sẽ cung cấp những cơ sở tiện ích cho các tàu chiến ven biển loại mới của hải quân Mỹ và Việt Nam đã loan báo dùng Cảng Cam Ranh thực hiện các dịch vụ sửa chữa và hậu cần [cho các tàu hải quân nước ngoài]. Dư luận có thể trông đợi sẽ có thêm những thông báo [chính thức] cho phép tàu chiến và máy bay quân sự Mỹ hoạt động bên ngoài các căn cứ trong khắp khu vực.
Trong khi thế giới tin rằng Trung Quốc đang mưu toan ngăn chặn và thách thức Mỹ, các nhà lãnh đạo chính trị của Trung Quốc nhận ra chi phí cơ hội rất lớn đối với những mối quan hệ như vậy, bởi sự hội nhập kinh tế đã trở thành chủ đề chính trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc.
Mỹ tiếp tục đóng vai trò chi phối trong các vấn đề khu vực và toàn cầu, điều này không nằm trong mối quan tâm lợi ích của Trung Quốc – và vấn đề này cũng không đặt ra – để thách thức lẫn nhau”, Liu Ming bình luận.
Simpfendorfer cho rằng, thể chế độc đảng của nước Trung Hoa cộng sản và thiếu tính hấp dẫn đối với các quốc gia khác của hệ thống này sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc xác định rõ các mối quan hệ của Trung Quốc với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ông nói thêm: “Nhưng so với sự thay đổi kinh tế, thì việc dự đoán những đổi thay chính trị [của Trung Quốc] trong dài hạn khó hơn nhiều”.
Mặc dù vậy, nhiều người Trung Quốc vẫn chờ mong “Vương Quốc Trung Tâm” (tức Trung Quốc) sẽ trở lại vị thế mà đất nước này có được trong những ngày tháng huy hoàng trong quá khứ, từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18, giai đoạn mà Trung Quốc từng là một nền kinh tế lớn nhất thế giới và là trung tâm của nền văn minh toàn cầu.
Có một câu ngạn ngữ Trung Quốc rất đáng suy ngẫm: mọi vì tinh tú lần lượt tỏa sáng, như mặt trời tỏa sáng vào ban ngày, còn mặt trăng lại tỏa sáng về đêm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét