Chúc mừng em Lương Thu Thủy:
Bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ Kinh tế:
“Phát triển kết cấu hạ tầng kĩ thuật tỉnh Sơn La trong thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế”
Kết cấu hạ tầng là một bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nó có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp to lớn vào việc thỏa mãn các nhu cầu của nhân dân, tăng cường và đẩy mạnh hợp tác giữa các vùng, xóa đi những khoảng cách về địa lí, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hợp lí, phát huy lợi thế của từng vùng, từng địa phương, từng ngành, bên cạnh đó cũng góp phần xóa đói giảm nghèo, củng cố an ninh quốc phòng của địa phương.
Nghiên cứu sinh Lương Thu Thủy bảo vệ luận án
trước Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Học viện
Dưới sự hướng dẫn của TS Lê Việt Đức và PGS.TS Công Văn Dị, nghiên cứu sinh Lương Thu Thủy đã bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ Kinh tế, chuyên ngành: Kinh tế phát triển, mã số: 62.31.05.01 với đề tài: “Phát triển kết cấu hạ tầng kĩ thuật trên địa bàn tỉnh Sơn La trong thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế” tại Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ cấp Học viện, Học viện Khoa học Xã hội, số 477, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội ngày 03 tháng 10 năm 2011.
Ngoài phần Mở đầu và phần Kết luận, nội dung khoa học của luận án được thể hiện trong 3 chương:
Chương 1: Một số vấn đề lí luận và thực tiễn về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế trong thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Chương 2: Thực trạng phát triển kết cấu hạ tầng kĩ thuật trên địa bàn tỉnh Sơn La thời gian qua.
Chương 3: Định hướng và giải pháp thúc đẩy sự phát triển của kết cấu hạ kĩ thuật trên địa bàn tỉnh Sơn La trong thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Sơn La là một tỉnh nằm ở vùng Tây Bắc bộ - một trong những vùng kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng có vị trí vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc của Tổ quốc. Sơn La là một tỉnh miền núi có địa hình phức tạp, đa dân tộc, cư dân sống rải rác, trình độ dân trí thấp, điều kiện kinh tế hạn hẹp… Một trong những khó khăn lớn nhất của Sơn La là kết cấu hạ tầng kĩ thuật vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được những yêu cầu của quá trình phát triển. Đây là hạn chế đòi hỏi phải được nhanh chóng khắc phục nhằm tạo tiền đề cần thiết cho việc thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế trên địa bàn tỉnh, góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế của vùng Tây Bắc nói riêng, của cả nước nói chung.
Phát triển kết cấu hạ tầng là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế xã hội ở các quốc gia trên thế giới, Việt Nam không phải là một ngoại lệ. Nghiên cứu một cách có hệ thống về vấn đề phát triển kết cấu hạ tầng kĩ thuật của tỉnh Sơn La trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, tác giả luận án mong muốn qua nghiên cứu phát triển về mặt lí luận và thực trạng phát triển kết cấu hạ tầng của tỉnh, tác giả đã chỉ ra những nguyên nhân, từ đó đề ra những giải pháp mang tính đột phá trong quá trình xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, tạo tiền đề đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ở tỉnh Sơn La.
Để thực hiện mục tiêu trên, phạm vi nghiên cứu của luận án tập trung chủ yếu vào năm lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế là: Giao thông, điện, viễn thông, thủy lợi, và nước sạch. Luận án cũng tập trung nghiên cứu các chính sách và giải pháp thúc đẩy sự phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế của Việt Nam, trong đó có các chính sách cho khu vực nông thôn miền núi từ năm 2000 trở lại đây.
Tác giả luận án đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu đặc thù và khoa học, phù hợp với chuyên ngành nghiên cứu như: Thống kê, phân tích, đánh giá, tổng hợp, so sánh, theo cách tiếp cận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử nhằm cho phép tiếp cận nhanh, chính xác đối tượng nghiên cứu.
Với hướng nghiên cứu trên, luận án đã có những đóng góp mới như: đây là nghiên cứu đầu tiên, chuyên sâu và toàn diện về đặc thù và kết cấu hạ tầng kinh tế trên địa bàn tỉnh Sơn La; đánh giá một cách toàn diện tác động của phát triển kết cấu hạ tầng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung, quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa nói riêng, đặc biệt luận án đã đánh giá được những tác động tiêu cực của phát triển kết cấu hạ tầng kĩ thuật đến sự ổn định đời sống nhân dân và môi trường trên địa bàn tỉnh. Luận án cũng đưa ra được những đề xuất về quan điểm định hướng và các giải pháp có tính khả thi đối với phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế trên địa bàn tỉnh Sơn La, các giải pháp đề xuất đều tính đến điều kiện đặc thù về tự nhiên, kinh tế, xã hội của tỉnh nhà nhằm định hướng phát triển bền vững.
Hội đồng gồm 7 thành viên: PGS.TS Trần Đình Thiên (Chủ tịch HĐ), GS.TS Nguyễn Quang Thuấn (Phản biện 1), PGS.TS Ngô Quang Minh (Phản biện 2), PGS.TS Phan Sỹ Mẫn (Phản biện 3), TS. Trần Thị Minh Yến (Thư kí HĐ), PGS.TS Lưu Ngọc Trịnh (Uỷ viên HĐ), TS. Nguyễn Anh Tuấn (Ủy viên HĐ).
Luận án đã được 7/7 phiếu thông qua, trong đó có 4/7 phiếu đánh giá ở mức xuất sắc.
Nghiên cứu sinh chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Học viện
Tin và ảnh: Bích Hạnh – Mai Hoa
Từ khóa: Luận án tiến sĩ Kinh tế “Phát triển kết cấu hạ tầng kĩ thuật trên địa bàn tỉnh Sơn La trong thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế”
Những tin mới hơn Những tin cũ hơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét