Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

Về điều hành chính sách tiền tệ năm 2011, định hướng và giải pháp điều hành năm 2012

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
             THÔNG CÁO BÁO CHÍ
   Về điều hành chính sách tiền tệ năm 2011,
định hướng và giải pháp điều hành năm 2012
 1. THỰC HIỆN ĐIỀU HÀNH CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ NĂM 2011
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng nhằm thực hiện mục tiêu kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp, lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Các nhóm giải pháp điều hành chủ yếu gồm: (1) Điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lượng tiền cung ứng, bảo đảm khả năng thanh toán, hỗ trợ tích cực vốn cho các TCTD, ổn định thị trường; (2) Điều hành các mức lãi suất chính sách của NHNN phù hợp với diễn biến thị trường, kết hợp với biện pháp hành chính; (3) Thực hiện mạnh mẽ các biện pháp điều hành nhằm kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán khoảng 15-16% và điều chỉnh cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa; hạn chế cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất để đảm bảo tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất; (4) Điều hành thị trường ngoại hối và tỷ giá phù hợp với tình hình cung - cầu ngoại tệ, tăng tính thanh khoản của thị trường; Thực hiện các giải pháp nhằm ổn định giá vàng và thị trường vàng trong nước; (5) Các mặt công tác khác như thanh tra, giám sát ngân hàng, công tác thống kê, phân tích, dự báo, thông tin, truyền thông…cũng được NHNN tập trung triển khai, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo điều hành.
* Kết quả đạt được:
- Lượng tiền cung ứng được điều hành chặt chẽ từ đầu năm, qua đó kiểm soát tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp. Ước cả năm, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 10%, tín dụng tăng khoảng 12%, góp phần đưa lạm phát tăng chậm lại (từ tháng 8 đến nay, lạm phát tăng dưới 1%/tháng); đồng thời góp phần giảm mạnh nhập siêu, cải thiện đáng kể cán cân thanh toán quốc tế.

- Tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, tăng ở mức thấp nhưng cơ cấu tín dụng chuyển theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu, giảm cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất. Ước đến cuối năm, tín dụng tăng 12%, trong đó: VND tăng 10,2%, tín dụng ngoại tệ tăng 18,7%, nhưng từ tháng 8 đến nay tín dụng ngoại tệ đã có xu hướng tăng chậm lại.
- Các mức lãi suất điều hành đã được điều chỉnh hợp lý hơn, phát huy công cụ điều hành với vai trò Ngân hàng trung ương là người cho vay cuối cùng; từ tháng 9, lãi suất tái cấp vốn được điều chỉnh tăng lên 15%/năm và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng lên 16%/năm; nghiệp vụ thị trường mở được sử dụng linh hoạt hàng ngày phù hợp với diễn biến vốn khả dụng của hệ thống và diễn biến lãi suất thị trường liên ngân hàng.
- Các mức lãi suất trên thị trường tiền tệ đã hợp lý hơn, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và chỉ đạo của Chính phủ: Với việc tăng cường thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trần lãi suất huy động và các giải pháp khơi thông vốn giữa vốn huy động từ các tổ chức và dân cư và vốn huy động trên thị trường liên ngân hàng đã tạo điều kiện giảm dần mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trong những tháng cuối năm.
- Thanh khoản VND toàn hệ thống về cơ bản được đảm bảo. Từ tháng 10, một số TCTD có khó khăn thanh khoản tạm thời do mất cân đối về kỳ hạn giữa huy động vốn ngắn hạn và cho vay trung, dài hạn, do huy động vốn từ các tổ chức và dân cư giảm, huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng chưa đủ bù đắp, nhưng đã được NHNN hỗ trợ kịp thời thông qua tái cấp vốn và nghiệp vụ thị trường mở. Thanh khoản ngoại tệ ở mức thấp trong 7 tháng đầu năm, từ tháng 8 đã cải thiện sau khi NHNN thực hiện một số biện pháp kiểm soát tín dụng bằng ngoại tệ.
- Việc điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, kết hợp với việc thu hẹp đối tượng được vay ngoại tệ trong nước, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ, quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng đô-la Mỹ của tổ chức và cá nhân tại TCTD đã góp phần giảm tình trạng đô la hóa, tăng niềm tin vào đồng Việt Nam. Các biện pháp nhằm bình ổn thị trường ngoại hối đã góp phần cải thiện thanh khoản ngoại tệ, tái lập thế cân bằng trên thị trường ngoại hối cũng như thúc đẩy xuất khẩu.
- Việc triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ổn định giá vàng và thị trường vàng trong nước đã góp phần đưa giá vàng trong nước bám sát với giá vàng thế giới; giới đầu cơ đã không còn khả năng thao túng thị trường; các ngân hàng đã bắt đầu mua được vàng từ thị trường trong nước để bù đắp lại lượng vàng đã bán ra, giảm bớt áp lực nhập khẩu vàng, tiết kiệm ngoại tệ và giảm bớt áp lực lên tỷ giá. 
        - Công tác thanh tra, giám sát về lãi suất và hoạt động huy động, cho vay của các TCTD được thực hiện quyết liệt, lập lại kỷ cương thị trường, các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng phản ánh đúng bản chất; tạo ra sự phân hóa giữa nhóm TCTD hoạt động lành mạnh, có hiệu quả với nhóm các TCTD hoạt động kém hiệu quả. Diễn biến này buộc các TCTD cần chú trọng quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng, khuyến khích các ngân hàng tự nguyện liên kết, hợp nhất, sáp nhập để tăng cường sức cạnh tranh, qua đó góp phần từng bước lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng và tiến tới cơ cấu lại hệ thống ngân hàng trong tương lai.
        * Một số điểm cần tiếp tục khắc phục và xử lý:
- Trước tình hình lạm phát tăng cao từ cuối năm 2010, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã kiểm soát tăng trưởng tín dụng dưới 20%, tuy nhiên việc áp dụng chung cho tất cả các TCTD chưa thật sự phù hợp đối với các TCTD hoạt động lành mạnh có thể tăng trưởng cao hơn và với các TCTD hoạt động yếu kém cần phải hạn chế tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, từ giữa tháng 11, NHNN đã cho phép các NHTM bố trí nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và cho vay vốn lưu động đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa một cách linh hoạt hơn.
- Tỷ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất được quy định áp dụng chung cho tất cả các loại hình TCTD, chưa phù hợp với một số trường hợp có hoạt động kinh doanh đặc thù; dư nợ cho vay phi sản xuất bao gồm cả các nhu cầu vay vốn phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân (như mua nhà để ở, xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, cho công nhân lao động thuê, nhà ở tái định cư...), nên TCTD không thể cho vay đối với các nhu cầu vốn này khi tỷ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất đã sát hoặc vượt mức quy định.
- Trong những tháng đầu năm, hoạt động thanh tra, giám sát chưa quyết liệt, chế tài xử lý các vi phạm chưa nghiêm dẫn tới hiện tượng các TCTD sử dụng các biện pháp kỹ thuật để “lách” các quy định của NHNN, tạo ra sự méo mó trong số liệu về huy động vốn, tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán, gây khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ, mặc dù, gần đây hiện tượng này đã giảm nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.
        - Thanh khoản của toàn hệ thống các TCTD được đảm bảo, tuy nhiên một số NHTM cổ phần gặp khó khăn tạm thời về thanh khoản đã ảnh hưởng tới hoạt động của các TCTD khác, gây biến động trên thị trường liên ngân hàng và tạo ra dư luận không tốt đối với hoạt động kinh doanh của hệ thống TCTD. NHNN đã thực hiện các biện pháp để ổn định thị trường liên ngân hàng, giám sát chặt chẽ các NHTM gặp khó khăn về thanh khoản và hỗ trợ kịp thời qua cho vay tái cấp vốn, tăng cung trên nghiệp vụ thị trường mở.
        - Trên thị trường ngoại hối, mặc dù niềm tin vào đồng Việt Nam được củng cố nhưng tình trạng đô-la hóa vẫn chưa được giải quyết triệt để; tín dụng ngoại tệ tăng cao, một số TCTD có hệ số sử dụng vốn vượt 100%, một số TCTD huy động vốn nước ngoài để tăng trưởng tín dụng cao, tiềm ẩn rủi ro khi các nguồn vốn nước ngoài bị rút đột ngột. Trên thị trường vẫn còn tình trạng các TCTD lách các quy định về tỷ giá làm tăng bất ổn trên thị trường ngoại hối.
        - Một số hạn chế của hệ thống ngân hàng về thanh khoản, nợ xấu đang ngày càng bộc lộ rõ khi NHNN triển khai các biện pháp nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực ngân hàng.
2. ĐỊNH HƯỚNG ĐIỀU HÀNH CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ NĂM 2012
Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu do Quốc hội đề ra, trên cơ sở kết quả điều hành chính sách tiền tệ năm 2011, NHNN xác định định hướng, mục tiêu và các giải pháp lớn về điều hành chính sách tiền tệ năm 2012 như sau:
- NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ và linh hoạt để ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức phù hợp; thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô; hoạt động hệ thống TCTD an toàn, tuân thủ theo quy định của pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.  
- Tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 14-16%, tín dụng tăng khoảng 15-17%; lãi suất và tỷ giá được điều hành ở mức hợp lý phù hợp với các cân đối kinh tế vĩ mô, diễn biến thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ cụ thể như sau:
- Điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đảm bảo kiểm soát lượng tiền cung ứng phù hợp với mục tiêu kiểm soát tổng phương tiện thanh toán 14-16% và tín dụng tăng trưởng 15-17%.
- Về giải pháp điều hành tín dụng: NHNN chỉ đạo kiểm soát tăng trưởng tín dụng và dư nợ mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành lần đầu trong suốt cả năm 2012 tối đa là 15-17%. Giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các nhóm TCTD trên cơ sở xếp loại TCTD của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và theo nguyên tắc TCTD hoạt động tốt thì mức tăng trưởng tín dụng cao hơn nhóm TCTD hoạt động chất lượng thấp hơn. Yêu cầu TCTD xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm và từng quý trong năm 2012, phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa mà NHNN phân bổ. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn phục vụ lĩnh vực sản xuất và các dự án, phương án có hiệu quả, kiểm soát dư nợ cho vay các lĩnh vực không khuyến khích ở mức hợp lý. Thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ cho vay bằng ngoại tệ để đảm bảo tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ phù hợp khả năng huy động vốn, chủ trương hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế.
       - Điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phù hợp với quan hệ cung - cầu ngoại tệ trên thị trường, diễn biến cán cân thanh toán quốc tế và các cân đối vĩ mô; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý ngoại hối, khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu, thu hút các nguồn tiền đầu tư, kiều hối,... từ nước ngoài về nước, tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.
        - Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hoạt động của các TCTD, đảm bảo an toàn hệ thống tránh rủi ro và giảm nợ xấu, ổn định và lành mạnh hóa thị trường tiền tệ, trước hết là thị trường liên ngân hàng, kể cả nội ngoại tệ, thị trường vàng.
        - Triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hoạt động ngân hàng theo Đề án được Chính phủ phê duyệt với nguyên tắc không để xảy ra đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát, từng bước nâng cao tính an toàn, lành mạnh và hiệu quả của hệ thống ngân hàng. Kiên quyết xử lý dứt điểm những ngân hàng yếu kém, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD hoạt động an toàn, hiệu quả phát triển.
        - Nâng cao chất lượng thống kê, dự báo phục vụ cho hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ.
        - Làm tốt công tác thông tin truyền thông, đưa thông tin đầy đủ, kịp thời về các giải pháp điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng.

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét