Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2011

Càng giàu, mức chênh lệch giàu - nghèo càng tăng

Các nước OECD:

Càng giàu, mức chênh lệch giàu - nghèo càng tăng
 
Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố hồi đầu tuần này, bất bình đẳng thu nhập ở các nước giàu đang ở mức cao nhất trong 30 năm qua.
Chênh lệch giàu - nghèo tăng nhanh thậm chí tại các nước được xem là công bằng nhất như Thụy Điển, Đan Mạch.
Trong các nước chênh lệch giàu - nghèo nhiều nhất, Mỹ đứng thứ tư sau Chile, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ. Chênh lệch bắt đầu tăng nhanh tại Mỹ từ thời kỳ năm 1985-2008. Khoảng cách giữa 10% số người giàu nhất và 10% số người nghèo nhất tăng 33%.
Chênh lệch giàu - nghèo gia tăng phần lớn do thu nhập của người nghèo tăng rất chậm. Từ năm 1985 đến 2008, thu nhập của 10% số người nghèo nhất chỉ tăng 0,5%/năm tại Mỹ, 0,4% tại Thụy Điển, 0,1% tại Đức. Pháp và Tây Ban Nha khả quan hơn với 1,6% và 3,9%.
Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân đối thu nhập được OECD dẫn giải như sau: Tiến bộ công nghệ chỉ có lợi cho lao động có tay nghề; những người có thu nhập cao thường kết hôn với nhau; người có thu nhập cao, đào tạo tốt thường làm nhiều giờ hơn trong khi người có thu nhập thấp lại bị cắt giảm giờ làm.
Báo Washington Post (Mỹ) ghi nhận báo cáo của OECD đặc biệt lưu ý đến chính sách nhà nước. Thuế và phúc lợi xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc giảm chênh lệch giàu - nghèo nhưng các công cụ này không còn hiệu quả từ những năm 1990. Phúc lợi xã hội bị cắt giảm để đáp ứng chính sách thắt lưng buộc bụng. Báo cáo còn chỉ ra một nguyên nhân nữa là việc cắt giảm thuế đối với người giàu.
Vậy điểm mấu chốt là gì? Tổng Thư ký OECD Angel Gurria kết luận: “Báo cáo đã xua tan hệ tư tưởng kinh tế từ trên xuống (trickle-down economics)”.
Hệ tư tưởng kinh tế từ trên xuống lập luận rằng nếu giảm thuế và tăng quyền lợi cho người giàu thì sẽ cải thiện điều kiện kinh tế cho người nghèo. Học thuyết này được ứng dụng tại Mỹ dưới thời Tổng thống Reagan trong những năm 1980 và tiếp tục ảnh hưởng đến chính sách kinh tế hiện nay của Mỹ.

Hầu hết các nước có mức chênh lệch giàu - nghèo tăng cao trong báo cáo của OECD đều xảy ra biểu tình và bất ổn xã hội trong những năm qua như Mỹ, Anh, Israel, Ý, Úc, Hy Lạp. Như vậy càng thắt lưng buộc bụng càng nới rộng phân cách giàu - nghèo và càng bất ổn xã hội.
Giai cấp chính trị phản ứng thế nào với vấn đề này? Chính quyền Mỹ hầu như không ngó ngàng tới. Tuy nhiên, như phân tích của báo Business Week, trong vài tháng nay phong trào Chiếm Wall Street đã góp phần đẩy vấn đề bất bình đẳng thu nhập lên hàng đầu trong chương trình nghị sự.
Hôm 7-12, Tổng thống Obama đã đề cập đến chủ đề bất bình đẳng thu nhập trong diễn văn phát biểu tại địa danh lịch sử Osawatomie (bang Kansas). Ông thẳng thừng bác bỏ hệ tư tưởng kinh tế từ trên xuống. Đây là dấu hiệu cho thấy chủ đề bất bình đẳng thu nhập sẽ trở thành điểm nóng trong mùa bầu cử tổng thống Mỹ năm tới.
QUANG MINH (Mỹ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét