BẮC TRIỀU TIÊN - ĐƯỜNG ĐẾN THIÊN ĐƯỜNG (Kỳ 3)
(NCTG) “Tôi thoáng nhớ lại hình ảnh đã thấy trong một chương trình thời sự năm 1994, khi Lãnh tụ Vĩ đại qua đời. Cũng trên quảng trường này người ta đã lăn lộn, khóc lóc, đập đầu đến tóe máu vào bệ tượng bằng đá cẩm thạch. Họ ngưỡng vọng, thành kính, yêu quý lãnh tụ còn hơn chính bản thân họ.”
Ðể tụng ca “công lao trời biển” của Lãnh tụ Vĩ đại Kim Nhật Thành, trên toàn quốc đã có chừng 500 bức tượng ông được dựng lên, trong số đó, kỳ vĩ nhất là pho tượng ở trung tâm Bình Nhưỡng
… Sáu giờ, trời bắt đầu tối. Những người bạn - chúng tôi gọi các sĩ quan an ninh theo dõi mình như thế - mời chúng tôi về ăn tối trong nhà ăn chính phủ. Sau này tôi mới biết đây là một diễm phúc to lớn, và chính các bạn chủ nhà cũng tỏ ra rất xúc động vì trước đây chính Kim Nhật Thành thường dùng bữa ở đây. Tiền sảnh nhà ăn là một căn phòng hình bát giác, các mặt tường đều là các bức họa mô tả cuộc đời của Lãnh tụ Vĩ đại.
- Này anh bạn? - Hong chợt quay sang hỏi tôi. - Anh bắt đầu làm việc cho những người Baptiste từ khi nào thế?
- Tôi ư…? Tôi đã làm được năm…à không… ba năm. Bắt đầu ở Pakistan, rồi đến Afghanistan, rồi tôi sang Bosnia-Hercegovina…
- Ra thế đấy! - Hong tủm tỉm cười.
- Vâng, bây giờ là đến đất nước tuyệt vời của các bạn. Tôi cho xem ảnh nhé? - tôi thò tay rút ví, nhưng Hong ra hiệu không cần. Có tiếng chuông reo và chúng tôi cùng bước sang phòng ăn. Có bốn phụ nữ mặc đồng phục đứng sau các dãy bàn, trước mặt họ là một nồi kim chi bốc hơi nghi ngút, một món ăn Triều Tiên truyền thống, chẳng khác gì món bắp cải nấu ớt. Cay khủng khiếp, đến mức không ăn nổi.
- Đồng chí Chủ tịch Lãnh tụ Vĩ đại đã từng ăn món này sao? - tôi cười hỏi, nhưng nụ cười tắt ngấm trên môi tôi khi nhìn thái độ và những gương mặt lạnh băng xung quanh. Tôi chẳng hiểu do mình dùng thời quá khứ hay câu hỏi ngây ngô đến mức họ chẳng thèm đáp lại.
Sau bữa ăn tôi được mời uống một thứ chẳng hiểu là gì, không phải vang, cũng chẳng phải bia, có lẽ giống một loại rượu trắng có vị như cồn công nghiệp ngâm hoa quả.
- Hừ, món này ngon quá, tôi có thể biết mình được uống món gì không? - tôi hỏi thận trọng sợ mình lại lỡ mồm nói điều gì không phải. Hong vẫy cô phục vụ, cô mang tới một chai cổ nhỏ đặt trên một chiếc khay bạc. Khi ánh sáng chiếu vào tôi bỗng thấy ruột gan lộn lên phát buồn nôn: trong chai thủy tinh cuộn tròn một con rắn nguyên hình, đôi mắt mở long lanh đến rợn người.
- Rượu rắn đấy! - anh ta nói giọng tỉnh bơ rồi nghiêng chai rót tiếp. Rồi dường như từng ấy chưa đủ bất ngờ đối với tôi, anh ta hỏi thêm:
- Này anh bạn Újvidék ( quê hương Vujty, trước đây là đất Hungary, nay thuộc Serbia - ND), thế ông huấn luyện viên của vợ anh độ này ra sao?
Tim tôi như thắt lại. Trong tòa nhà của chính phủ ở Bình Nhưỡng, một sĩ quan an ninh Triều Tiên lại hỏi thăm ông bầu Rátgéber của đội PVSK ( đội bóng rổ nữ của TP Pécs, nơi khi đó vợ Vujity đang chơi, Rátgéber László cũng là một người gốc Hung quê ở vùng Újvidék, sau này làm HLV đội tuyển bóng rổ nữ Hungary trong nhiều năm - ND). Cho tới đây mọi việc đều trôi chảy, không vấp váp gì. Tất nhiên nó xuôi chèo mát mái quá khiến ta khó có thể tin là thật. Càng lúc tôi càng cảm thấy họ biết về mình nhiều hơn mình nghĩ.
… Trên đoạn đường 400 mét từ nơi ở tới quầy hàng ngoại giao, nơi duy nhất chúng tôi có thể yên tâm nói chuyện với nhau.
- Này Béla, họ biết chính xác tôi là ai đấy! - tôi bảo anh.
- Chắc chắn là họ biết - anh đáp và cố tình đi chậm lại để kéo dài thời gian. - Thì đã sao? Năm triệu đô là một số tiền lớn! Với tôi, ban đầu họ cũng hỏi Lilla thi hết môn ở đại học thế nào, chỉ để mình biết mà liệu.
- Thật không thể tin nổi. Họ biết tôi nói dối. Và tôi cũng biết họ dối trá. Thế mà chúng ta cứ chơi trò như vờn nhau vậy. Này, thế theo anh những con người này, họ đã nhìn thấy thế giới… ý tôi muốn nói họ đã phục vụ trong Ngoại giao đoàn ở Budapest, đã thấy chúng ta ăn mặc ra sao, thấy dân chúng đi ôtô, mua sắm như thế nào trong các cửa hiệu… chẳng lẽ những con người này lại tin vào trò cộng sản xuẩn ngốc này?
- Ai quan tâm tới việc đó? Chuyện đó không quan trọng. Đây là một màn kịch, Tvrtko ạ, tất cả đều đóng kịch.
- Nhưng họ có biết những điều họ rao giảng là bậy bạ? Rằng những gì đang diễn ra trên đất nước này là một căn bệnh tâm thần?
- Tôi đã nói họ biết hay không đâu có quan trọng, điều quan trọng là họ sắm vai rất cừ. Và cậu đừng quên, dù đã ở Budapest và có cơ sở để so sánh, nhưng họ luôn bị ràng buộc bởi gia đình.
- Tất cả đều có gia đình sao?
- Dĩ nhiên rồi. Chỉ những người có gia đình mới được cử đi làm ngoại giao. Họ bị ràng buộc bởi vợ con còn ở trong nước. Chẳng cần phải nói, họ chỉ được ra nước ngoài một mình.
… Sáng hôm sau chúng tôi tới viếng tượng đài, việc hôm trước bị hoãn lại. Hong và Kim lại chạy lên trước, Chol lấy vòng hoa từ cốp xe ra, còn hai chúng tôi thì đứng chờ bên cạnh xe. Chừng 5 phút sau, Hong vẫy tay ra hiệu có thể lên phía trước. Đi bộ khoảng 500 mét thì chúng tôi tới sát chân công trình khổng lồ này. Hong và các đồng sự quỳ xuống chân tượng, chúng tôi cũng làm theo. Thấy tôi rút camera chuẩn bị quay, Chol đảo mắt nhìn nhưng không nói gì. Nhiều người tới bên chân pho tượng, mắt đẫm lệ, rồi đặt hoa viếng. Người đến mỗi lúc thêm đông, như đi hành hương. Tôi chợt nhớ một câu nói của Béla trên đường bay từ Paris đi Bắc Kinh.
- Đó không phải là một đất nước vô đạo và không có đức tin - anh nói. - Chỉ có điều Đấng quyền năng của họ không phải là Đức Chúa mà có tên là Kim Nhật Thành!
Có một nhóm học sinh tới viếng, các cháu nhỏ đều khóc. Tôi thoáng nhớ lại hình ảnh đã thấy trong một chương trình thời sự năm 1994, khi Lãnh tụ Vĩ đại qua đời. Cũng trên quảng trường này người ta đã lăn lộn, khóc lóc, đập đầu đến tóe máu vào bệ tượng bằng đá cẩm thạch. Họ ngưỡng vọng, thành kính, yêu quý lãnh tụ còn hơn chính bản thân họ. Các nhà lãnh đạo biết điều đó và mãi hai tuần sau họ mới dám thông báo về cái chết của Kim Nhật Thành…
- Các bạn sẽ nhớ mãi chương trình hôm nay! - Hong nói. - Trước hết chúng ta sẽ tới thăm Bảo tàng Lãnh tụ Vĩ đại, sau đó tới dãy Hương Sơn thăm Bảo tàng Phẩm vật của Chủ tịch Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật.
Béla hơi ngả người về phía trước. Tôi thấy anh đỏ mặt lên vì giận, nhưng giọng anh vẫn nhẹ nhàng:
- Nhưng bạn Hong ơi, thế thì chúng ta mất hết cả một ngày ư?
- Đúng vậy.
- Thế ngày mai?
- Mai chúng tôi sẽ đưa các bạn tới thăm một làng quê, nơi vào những năm 70, Chủ tịch Kim Nhật Thành đã tới cày ruộng.
- Bạn Hong ơi, đó cũng là chương trình chiếm hết một ngày.
- Đúng thế, bạn nói đúng đấy, Béla ạ.
- Nhưng Hong ơi, bạn cũng biết là chúng tôi cần phải tới những nơi nhận được hàng cứu trợ nữa chứ.
- Tất nhiên là tôi biết, nhưng ta còn thời gian. Và tôi nghĩ bạn không muốn từ chối…
- Tất nhiên là không, nhưng tôi đã tới bảo tàng Lãnh tụ Vĩ đại 9 lần, Bảo tàng Phẩm vật 8 lần rồi.- Béla cố nén vẻ bực mình.
- Tôi biết, nhưng anh bạn Vujity của chúng ta thì chưa tới lần nào. Hơn nữa anh cũng nên tới Hương Sơn vì từ lần anh đến trước tới nay Lãnh tụ Vĩ đại và Chủ tịch Kính yêu đã nhận được thêm nhiều tặng phẩm quý báu.
Béla không đáp lại. Anh nhìn ra cửa sổ. Trước mắt, bọn Hong đang nắm luật chơi. Chúng tôi đi trên một xa lộ 6 làn xe, nhưng tịnh không thấy một xe con nào, chỉ thấy thi thoảng có xe tải chạy ngược chiều chở dân chúng về thủ đô.
- Họ đi diễn tập đấy - Chol hất hàm bảo. - Hai hôm nữa chúng tôi kỷ niệm 8 năm ngày lên lãnh đạo đất nước của Đồng chí Chủ tịch Lãnh tụ Kính yêu.
…Chúng tôi đi trên một con đường ngoằn nghoèo lên phía đỉnh núi. Thấy những gương mặt lao động nhàu nhĩ điều khiển bởi những mệnh lệnh nghe chói tai của đám lính cầm cờ đỏ. Những công nhân đội mũ có gắn sao đỏ rét run trong gió núi luồn vào tận cổ những chiếc áo khoác mỏng. Trên gương mặt những người dân Triều Tiên bình thường không thấy nụ cười, nom họ xanh xao và mệt mỏi. Chúng tôi bước vào một cái buồng gỗ, một người lính bật máy nổ, một bóng điện duy nhất lờ mờ sáng dần lên.
- Chuẩn bị lấy sức đi, anh bạn! Anh sắp được gặp đồng chí Kim Nhật Thành rồi! - Kim đặt tay lên vai tôi.
Xem tiếp Phần 4 của phóng sự.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét