Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2011

Lạm phát ở Việt Nam hiện nay và sự cần nhìn nhận lại thuyết tiền tệ.

Tài liệu cũ lưu trên máy:

Lạm phát ở Việt Nam hiện nay và 
sự cần nhìn nhận lại thuyết tiền tệ. 
Vũ Quang Việt

Lại một lần nữa lạm phát đe doạ nền kinh tế Việt Nam. Sau nhiều năm lạm phát rất thấp, năm 2004, lạm phát có thể lên đến 10%. Có người đổ lỗi cho việc tăng giá xăng dầu trên thế giới. Nhưng rõ ràng nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục kìm hãm giá xăng dầu còn như ở Mỹ thị trường để hoàn toàn tự do, Việt Nam lại tiêu thụ xăng dầu so với GDP thấp hơn nhiều so với Mỹ, thế nhưng lạm phát ở Mỹ vẫn dưới 3%. Điều này cho thấy là lạm phát ở Việt Nam bắt nguồn từ việc tăng tín dụng quá nhiều nhằm kích cầu nền kinh tế trong nhiều năm qua. Thành quả của chính sách chống lạm phát trước đây là rất lớn. Nó tạo sự bình ổn, và kỳ vọng bình ổn làm cơ sở cho nền kinh tế phát triển. Việc hiểu biết về chính sách tiền tệ trong tình hình hiện nay là cần thiết.
Lạm phát là gì?
Lạm phát, theo nghĩa mặt bằng tổng thể giá tăng, ở mọi nơi và mọi lúc là kết quả của chính sách tiền tệ. Kết luận này nghe ra rất cực đoan nhưng kinh nghiệm chống lạm phát trên thế giới và cả ở Việt Nam trước đây, mà tác giả có đóng góp tìm giải pháp, cho thấy là kết luận trên là đúng đắn. Kết luận này đưa đến một hệ luận quan trọng mà các nhà kinh tế tiền tệ theo trường phái Milton Friedman rút ra là: chính sách bơm thêm tiền tệ và tín dụng nhằm đẩy mạnh thêm tốc độ phát triển kinh tế chỉ có tác dụng ngắn hạn; về dài hạn nó mang lại vừa lạm phát vừa phát triển trì trệ. Do đó lạm phát theo nghĩa tăng lượng tín dụng và tiền tệ đồng nghĩa với tăng mặt bằng giá. Từ đây trở đi, từ lạm phát đồng nghĩa với giá tăng.

Lý thuyết về tiền tệ
Cần nói qua về đóng góp của Milton Friedman về lý thuyết tiền tệ. Đóng góp lớn nhất của ông ta là lý thuyết về giá cả. Chống lại lý thuyết của Keynes và những người theo trường phái Keynes đang lúc trường phái này có ảnh hưởng sâu rộng trong đại học, Friedman đưa ra các bằng chứng ủng hộ lý thuyết lượng tiền tệ (quantity theory of money) vào năm 1956. Ông cho rằng lượng cung tiền tệ quyết định mặt bằng giá, hay nói rõ hơn ra là về dài lâu tăng tiền sẽ làm tăng giá và sẽ có ảnh hưởng rất ít, hoặc thậm chí không có ảnh hưởng gì đến sản lượng. Về ngắn hạn tất nhiên nó có ảnh hưởng như lý thuyết Keynes đưa ra. Friedman khuyến nghị rằng nếu ngân hàng trung ương đều đặn tăng lượng cung tiền tệ bằng với tốc độ tăng (theo giá cố định) của nền kinh tế thì lạm phát sẽ biến mất. Năm 1963, Anna Schwartz và Friedman xuất bản Monetary History of the United States, 1867-1960, cho rằng nguyên nhân của đại khủng hoảng năm 1929 là do chính sách sai lầm của ngân hàng trung ương Mỹ trong việc cắt giảm lượng cung tiền tệ.
Vào những năm 1960 và 1970, lý thuyết theo trường phái Keynes về vai trò chi phối của nhà nước bằng ngân sách chi (được phổ biến trong sách giáo khoa Economics của Paul Samuelson từ ấn bản năm 1960 đến năm 1985 ) cho rằng có sự đánh đổi (trade-off) giữa lạm phát và thất nghiệp, tức là muốn tạo nhiều việc làm hay là nhằm đạt tốc độ phát triển kinh tế cao thì cái giá phải trả là lạm phát cao. Ngược lại, muốn giữ lạm phát thấp, thất nghiệp sẽ cao. Tại sao giá tăng cao lại có thể đưa đến phát triển, ít nhất là trong ngắn hạn? Đó là vì giá tăng cao, tiền lương không tăng hoặc không tăng kịp do đó đưa đến lợi nhuận cao và có tác dụng khuyến khích tăng sản xuất. Friedman đả phá quan điểm này, cho rằng khi lạm phát cao và kéo dài, người dân không ngu lâu, sẽ kỳ vọng là lạm phát tiếp tục cao, đòi hỏi lương cao, do đó về dài lâu không có sự đánh đổi này, mà sẽ tạo ra vừa lạm phát cao vừa suy thoái (stagflation). Điều này đã xảy ra vào đầu thập niên 1970 và kéo dài mãi tận đầu những năm 1990 ở Mỹ và những nước theo chính sách kinh tế kiểu Keynes. Nước Anh dưới chính phủ Thatcher đã áp dụng chính sách của Friedman vào năm 1979 để giải quyết tình trạng vừa suy thoái vừa lạm phát ở đó. Ít rõ rệt hơn nhưng chính sách đó cũng được áp dụng ở Mỹ vào cuối nhiệm kỳ của tổng thống Carter, đưa đến việc ông ta thất cử do việc nhất thời tạo ra lãi suất cao và kinh tế suy thoái.
Về mặt lý thuyết, Friedman đã cố gằng giải thích lại nội dung lý thuyết lượng tiền tệ (quantity theory of money) của các nhà kinh tế cổ điển mà chủ nghĩa Keynes đả phá. Lý thuyết lượng tiền tệ cổ điển cho rằng :
(1) MV = PQ
M là lượng tiền, V là vòng quay đồng tiền, P là mặt bằng giá và Q là sản lượng (hay GDP theo giá cố định chẳng hạn).
Từ định nghĩa trên có thể rút ra hệ luận (2) là:
(2) Tỷ lệ thay đổi lượng tiền + tỷ lệ thay đổi vòng quay ≈ tỷ lệ thay đổi giá + tỷ lệ thay đổi sản lượng.
Hay là:
(3) Tỷ lệ thay đổi giá ≈ Tỷ lệ thay đổi lượng tiền + tỷ lệ thay đổi vòng quay – tỷ lệ thay đổi sản lượng.
Từ định nghĩa (1) và (3), các nhà kinh tế cổ điển cho rằng vòng quay V cố định, tức là tỷ lệ thay đổi vòng quay bằng zero do đó khi việc M tăng cao hơn sản lượng sẽ chỉ làm tăng P. Theo họ, Q là do lực sản xuất tạo ra chứ M không thể ảnh hưởng đến nó, hay nói khác đi, cung tạo ra cầu. Dùng một định nghĩa để giải thích sự liên hệ kinh tế thì quá là sai lầm. Cuộc cách mạng về lý thuyết kinh tế của Keynes chống lại lý thuyết cổ điển này, cho rằng cầu không nhất thiết bằng cung theo định nghĩa sau :
Cung = cầu + tồn kho.
Khi cầu nhỏ hơn cung vì lo sợ tương lai không an toàn chẳng hạn, hàng hoá phải tồn kho do đó nhà sản xuất phải giảm hoạt động. Điều này đưa đến lợi tức thấp hơn, cầu giảm cho đến lúc cung bằng cầu gặp nhau ở mức thấp. Để giải quyết khủng hoảng, Keynes chủ trương tăng cầu của nhà nước. Keynes cho rằng in tiền, tăng tín dụng không giải quyết được cầu. Chủ trương này của Keynes tất nhiên không nên hiểu là phê phán cách giải thích của Friedman về nguyên nhân sự kéo dài đại khủng khoảng năm 1929. Điều gì tạo ra lo sợ bấp bênh này để khủng hoảng “cầu” không giải quyết được thì Keynes gần như không đụng tới.
Friedman vẫn dùng định nghĩa (1) trên, nhưng cho rằng V không cố định như các nhà kinh tế cổ điển nghĩ và cũng không cho rằng cầu tất bằng cung, nhưng phương trình quyết định V là ổn định theo nghĩa nó là phương trình của nhiều biến số khác như lãi suất, mặt bằng giá P, Q và cả kỳ vọng về lạm phát tức là kỳ vọng về P. M tăng đều đặn quá mức đưa đến giá (P) tăng. Điều này sẽ đưa đến việc là người dân cho rằng giá cả sẽ tiếp tục leo thang, tức là kỳ vọng là P tăng, do đó vòng quay V tăng. Vòng quay tăng tất đưa đến mức lạm phát cao hơn dù lượng tiền tăng có thấp đi. Giải quyết lạm phát không dễ vì việc hạn chế lượng tiền đòi hỏi thời gian lâu dài để người dân thay đổi kỳ vọng, và qua đó đưa đến sự bình ổn của vòng quay V.
Vấn đề đo lường
Học thuyết là thế nhưng việc cụ thể hoá đo lường không là đơn giản. Tiền là gì? Làm sao đo vòng quay V? Làm sao đo Q? Q theo nghĩa của định nghĩa (1) là sản lượng hàng hoá và dịch vụ, và P là giá của hàng hoá và dịch vụ này. Nếu dùng GDP để thay thế PQ thì liệu V ở định nghĩa (1) có phản ánh giá trị vòng quay không? Friedman lại cho rằng sự liên hệ trên là sự liên hệ trên cơ sở dài lâu chứ không phải ngắn hạn hay trung hạn. Điều này đưa đến những cuộc tranh luận nảy lửa về phương pháp đo lường thống kê, dường như dẫn đến việc là khó đánh giá ai đúng, ai sai. Nhưng thực tế lạm phát cao ở Mỹ và các nước phương tây kéo dài từ những đầu thập kỷ 1970 đến năm 1985 trong khi tốc độ phát triển kinh tế lại thấp cho thấy là chính sách hạn chế tăng lượng cung tiền và tín dụng đã giải quyết được lạm phát ở những nước này và tạo tiền đề cho kinh tế phát triển mạnh trở lại. Điều này đã mang lại uy tín cho lý thuyết tiền tệ của Friedman. Paul Samuelson trong quyển sách giáo khoa Economics viết chung với William D. Nordhaus (Ấn bản 12, 1985) đã sửa lại là ảnh hưởng của việc tăng lượng cung tiền tệ với phát triển kinh tế chỉ có tính cách ngắn hạn.
Tiền là gì ?
Một điều cũng cần nói thêm là việc đo lượng tiền tệ. Tiền ở các liên hệ trên được hiểu là phương tiện thanh toán. Nó có thể là tiền mặt, vàng, ngoại tệ và các phương tiện thanh toán như tiền chẳng hạn như check (tức là tài khoản ký quĩ không thời hạn ở ngân hàng) và có thể kể cả tiền để dành trong ngân hàng mà có thể rút ra bất cứ lúc nào. Ở các nước có dùng thẻ tín dụng thì tín dụng cấp sẵn khi có thẻ tín dụng về nguyên tắc cũng có thể gọi là tiền. Tuy nhiên hiện nay trong hệ thống thống kê dùng để tính vào tiền, tín dụng cấp sẵn này không được tính trong thống kê ngân hàng vì tiêu chuẩn quốc tế về tiền tệ và tín dụng quyết định là những gì chỉ có thể thành hình khi một số điều kiện xảy ra thì không tính.
Tiền là phương tiện thanh toán nằm ngoài hệ thống ngân hàng. Như thế tiền bao gồm phương tiện thanh toán do hộ gia đình, cơ sở nhà nước (không phải ngân hàng), đơn vị kinh doanh nắm giữ. Chúng bao gồm: tiền mặt, tài khoản ký quĩ vô thời hạn (demand deposit), tài khoản để dành vô thời hạn (saving deposit) và có thể gồm cả tài khoản ký quĩ có thời hạn có thể dễ dàng biến thành phương tiện thanh toán.
Ở các nước đang phát triển bị ngoại tệ hoá, tiền ngoại tệ trong dân gian cũng phải tính nhưng thu thập thông tin rất khó khăn. Nếu nước nào dùng vàng để thanh toán thì vàng cũng phải tính vào lượng tiền tệ. Đây là trường hợp của Việt Nam với việc sử dụng rộng rãi ngoại tệ và vàng làm phương tiện thanh toán. Ở các nước phát triển, nhiều phương tiện thanh toán mới mẻ ra đời do đó hiện nay hệ thống tài khoản quốc gia của Liên Hợp Quốc và chuẩn của IMF, thay vì đưa ra một danh sách các phương tiện mà mọi nước phải theo như trước đây, đã khuyến nghị rằng mỗi nước phải tự làm quyết định về những phương tiện nào nên đưa vào tiền tệ trên cơ sở đánh giá phương tiện nào có khả năng thanh toán như tiền mặt[5]. Chính điều này đã đưa đến nhiều ý niệm về tiền tệ, ngoài M1, M2, M3 còn có thêm những M khác. M1 là tiền mặt cộng với tài khoản ký quĩ vô thời hạn, M2 là M1 cộng với ký quĩ để dành vô thời hạn, M3 là M2 cộng với các ký quĩ để dành có thời hạn dưới một năm. Tiền mà ngân hàng trung ương có thể hạn chế dễ dàng là tiền mặt, nó là một phần của M1, sau đó là M2. Vấn đề chính là các nhà kinh tế cần đánh giá và theo dõi tình hình giá cả và lượng tiền dựa vào nhiều ý niệm khác nhau. Hơn nữa ở Mỹ, ký quĩ vô thời hạn từ năm 1985 trở lại đây cũng có lãi cho nên việc chuyển từ ký quĩ vô thời hạn sang có thời hạn để lấy lãi không còn cần thiết so với trước đó đưa đến việc M1 tăng nhanh hơn trước, kết qủa là việc theo dõi chuỗi số trở thành vấn đề và sự thay đổi vòng quay đồng tiền rút ra từ chuỗi số này cũng mất một phần ý nghĩa sơ khởi của chúng. Dù vậy, M1 và M2 vẫn là chỉ tiêu quan trọng nhất nhằm theo dõi lượng tiền trong nền kinh tế.
Sản lượng Q là gì ?
Sản lượng Q thường được đo bằng GDP theo giá cố định. Thế nhưng điều này không hoàn toàn đúng, đặc biệt đối với các nước đang phát triển mà ở đó việc hàng đổi hàng hoặc sản xuất tự cung tự cấp vẫn còn rất lớn. Sản lượng Q trong định nghĩa mang ý nghĩa đầu tiên là các sản vật được trao đổi và thanh toán bằng tiền. Giả dụ ở một nền kinh tế có một khu vực tự cung tự cấp, không trao đổi gì với khu vực thanh toán bằng tiền thì việc tăng sản lượng không ảnh hưởng đến giá cả. Nếu như phần tự cung tự cấp của nền kinh tế này được hoà đồng vào thị trường chung và thanh toán bằng tiền thì tất nhiên nó đòi hỏi phương tiện thanh toán cao hơn trước, vòng quay đồng tiền giảm, và việc này có thể không ảnh hưởng gì đến giá cả. Đó là vấn đề tiền tệ hoá trong nền kinh tế. Vấn đề tiền tệ hoá đòi hỏi lượng tiền tệ tăng cao hơn tốc độ tăng GDP. Đây cũng là lý do tôi đã từng đề nghị là lượng cung tiền tệ ở Việt Nam không nên quá 15% một năm. Với sức phát triển 7-8% năm thì 7-8% còn lại là để giải quyết vấn đề tiền tệ hoá và một phần đi vào lạm phát ở mức độ chấp nhận được.
Sản lượng Q, được đo bằng tốc độ phát triển GDP (theo giá cố định) như vậy là phản ánh phần tăng thêm về hàng hoá và dịch vụ trong năm. Do đâu mà GDP tăng? Chủ yếu là do việc sử dụng thêm lao động và tăng năng suất lao động. Vấn đề tăng năng suất lao động không đều đặn mà có chu kỳ, có lúc nhảy vọt, có lúc chậm. Nếu nhảy vọt, lợi nhuận doanh nghiệp cao hơn, đầu tư sẽ tăng tốc cao hơn cả mức tăng sản lượng và tiêu dùng, đưa đến suy thoái vì hàng hoá tồn kho không bán được. Đó là chưa kể đến lương tăng vì áp lực từ toàn dụng lao động. Đây là đóng góp của Finn Kydland và Edward Prescott, hai người được giải thưởng Nobel năm 2004. Như vậy hai nhà kinh tế này đã lập thuyết rằng yếu tố cung cũng tạo ra chu kỳ kinh tế. Từ đó có thể rút ra rằng việc tăng giá xăng dầu thế giới như hiện nay cũng có thể đưa đến suy thoái và tăng giá. Điều này là tất nhiên, tuy vậy việc tăng giá đến đâu còn tùy thuộc vào lượng tiền ngân hàng cung cấp. Đóng góp của hai nhà kinh tế này không nhằm giải thích cuộc đại khủng hoảng năm 1929. Cuộc đại khủng hoảng này như Milton Friedman luận thuyết dựa vào phân tích số liệu kinh tế là do sai lầm của Ngân hàng trung ương Mỹ hạn chế tiền và tín dụng quá mức đưa đến việc các ngân hàng thương mại đóng cửa hàng loạt sau khủng hoảng trên thị trường chứng khoán.
Vòng quay đồng tiền
Do định nghĩa về tiền và sản lượng Q hoặc là thay đổi hoặc là không thể đo chính xác được mà việc nghiên cứu về vòng quay đồng tiền cũng không đơn giản. Vòng quay đồng tiền không tăng đột biến, nhưng không cố định, tuy vậy ít ai thành công trong việc tiên đoán được nó. Mặc dù vậy những nghiên cứu gần đây cho thấy có sự tương quan cùng chiều mạnh giữa vòng quay đồng tiền và tốc độ tăng tiền khi chi phí dùng ngân hàng cao. Điều này xác định một điều là về dài lâu khi tình hình đi vào ổn định, giá cả ổn định, vòng quay đồng tiền (tính dựa vào M1 và M2) có khuynh hướng giảm và đi vào ổn định. Thập kỷ 1920, vòng quay đồng tiền ở Mỹ (dựa vào M2) là 1.9, thập kỷ khủng hoảng giảm phát năm 1930 vòng quay là 1.50, những năm 1960 vòng quay là 1.57. Từ năm 1985 đến nay như đã nói ở trên, vòng quay đồng tiền tăng lên từ từ đến năm 2001 là 1.9. Sự thay đổi vòng quay ở Mỹ còn do sự thay đổi về các phương tiện thay toán, thí dụ như nếu như dân chúng có thể trả bằng thẻ tín dụng với tín dụng được cấp trước ($10.000 một thẻ) mà không được tính vào lượng tiền thì khi dân chúng có thể ít dùng tới tiền theo định nghĩa của M1 hoặc M2 (tiền mặt và tiền ký gửi) do đó vòng quay có khuynh hướng tăng.
Kết luận
Vòng quay giảm mạnh ở Việt Nam từ năm 1999 trở đi do tình hình kinh tế đã đi vào ổn định kể từ năm 1990, lạm phát giảm, kỳ vọng lạm phát do đó giảm. Chính vì thế lượng tiền tăng rất cao một năm mà không tạo ra lạm phát (coi bảng dưới). Nếu lạm phát hiện nay không được kiềm chế, tín dụng hàng năm ở Việt Nam tăng tiếp tục tăng mạnh do chủ trương kích cầu (năm 2004 theo số liệu IMF thể tăng đến 35%), kết quả có thể là vòng quay tăng lên, điều này đưa đến khó khăn trong việc kiềm chế lạm phát trong tương lai và giá phải trả về tốc độ phát triển kinh tế có thể lớn. Vấn đề chính làm thay đổi vòng quay là sự biến chuyển của tâm lý người dân về lạm phát do chính lạm phát tạo ra.
Vòng quay V ( tính theo M2 ) của Việt Nam giai đoạn 1996 –2003
*
M2
*
GDP
V
*
Tỷ đồng
Tăng tốc M2
Tỷ đồng
GDP/M2
1997
70.8
*
313.6
4.4
1998
87.4
23%
361.0
4.1
1999
145.5
66%
399.9
2.7
2000
197.0
35%
441.6
2.2
2001
251.1
27%
481.3
1.9
2002
285.1
14%
535.8
1.9
2003
329.9
16%
605.6
1.8
Vũ Quang Việt
Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia Cục Thống kê Liên Hợp Quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét