Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

Dùng Luật TĐKT với Chu Văn An như lấy thúng úp lên trái núi

Sao bây giờ nhiều người dở hơi tưởng mình biết bơi đến thế. Chuyện làm luật nhà văn, luật biểu tình... chưa xong thì lại đến chuyện khen thưởng cho cụ Chu Văn An:

Dùng Luật TĐKT với Chu Văn An như lấy thúng úp lên trái núi

Thứ năm 08/12/2011 07:00
(GDVN) - GS. TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, việc Bộ Nội vụ dùng Luật thi đua khen thưởng đối với “Vạn thế Sư biểu” không khác gì lấy thúng úp lên trái núi.
Xung quanh kiến  nghị của TS Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Nhà nước phong danh hiệu Nhà giáo mẫu mực muôn đời của nền giáo dục Việt Nam, đã có nhiều ý kiến bàn luận xung quanh kiến nghị này.

Tượng vạn thế sư biểu Chu Văn An trong Văn Miếu.


Trao đổi với Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết nhận định, Chu Văn An có công rất lớn đối với nền giáo dục đời nhà Trần, cũng là một trong những gương sáng về nhân cách của người tri thức. Chính vì nhân cách lớn, kiến thức sâu rộng và uy tín cao, bên ngoài thuần nhã, hiền hòa, bên trong chính trực, kiên định, tạo được sức mạnh cảm hóa, có tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội mà Cụ được người đời tôn vinh là “Vạn thế Sư biểu  - Bậc Thầy của muôn đời”.

“Đấy là một sự tôn vinh trong lòng nhân dân. Dù Nhà nước có tôn vinh Cụ bằng văn bản chính thức hay không thì trong lòng dân vẫn có một Vạn thế Sư biểu  như vậy” – GS. TS Thuyết khẳng định.

GS. TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, lớp hậu sinh chúng ta ra văn bản phong danh hiệu cho tiền nhân như vậy, liệu có hợp đạo lý không?


GS. TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, kiến nghị của TS Nguyễn Mạnh Hùng là nghiêm túc, xuất phát từ lòng ngưỡng mộ tài năng, đức độ và cống hiến của Chu Văn An. Nhưng lớp hậu sinh chúng ta ra văn bản phong danh hiệu cho tiền nhân như vậy, liệu có hợp đạo lý không? 

Tuy nhiên, theo GS. TS Nguyễn Minh Thuyết, lấy lý do “Luật Thi đua, khen thưởng chỉ có hai danh hiệu Nhà giáo nhân dân và Nhà giáo ưu tú" để khước từ kiến nghị tôn vinh Cụ Chu Văn An là "Bậc Thầy của muôn đời" thì không khác gì lấy thúng úp lên trái núi Chu Văn An” GS. TS Thuyết thẳng thắn nhận xét.

GS. TS Thuyết cũng chia sẻ thêm, hình thức tôn vinh hợp lí nhất đối với Cụ Chu Văn An là tổ chức Lễ kỷ niệm năm sinh (hoặc năm mất) của Cụ vào những năm chẵn, trong Lễ kỷ niệm đó lãnh đạo phát biểu ca ngợi công lao của Cụ, giúp cho người dân hiểu Cụ như một "Bậc Thầy của muôn đời". Danh hiệu đó mới sống với đời, chứ hoàn toàn không nên ra văn bản công nhận có tính chất hành chính. 

Về kiến nghị lập Giải thưởng giáo dục mang tên Chu Văn An của TS Nguyễn Mạnh Hùng, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định: “Tôi đánh giá cao kiến nghị này. Giải thưởng giáo dục Chu Văn An vừa tôn vinh Vạn thế Sư biểu Chu Văn An, vừa đề cao nhiệm vụ phát triển giáo dục - quốc sách hàng đầu của nước ta.” 

Còn việc ban hành một chuẩn mực nào đó để công nhận “danh nhân”, theo GS. TS Thuyết, là không nên, vì “danh nhân” là do xã hội tôn vinh, không thể ra quyết định công nhận “danh nhân” như công nhận học hàm, học vị hay danh hiệu thi đua. Giả sử có một danh hiệu như vậy, không chừng nhiều người lại  chạy theo cái danh hão, trong khi không được xã hội đánh giá cao. “Quan trọng nhất đối với một danh nhân là mặc nhiên được xã hội tôn vinh”, GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ. 

TS sử học Nguyễn Văn Khoan cho rằng, việc tôn vinh Cụ Chu cần phải có cuộc Hội thảo. Ảnh Xuân Trung


Chia sẻ quan điểm của mình về những kiến nghị của TS Nguyễn Mạnh Hùng, TS sử học Nguyễn Văn Khoan cho rằng, đây là những kiến nghị nhiệt tình của TS Hùng nhưng không thực tiễn. TS Khoan lý giải: “Việc tôn vinh Cụ Chu cần phải có cuộc Hội thảo, Cụ Chu chỉ là người thầy dưới chế độ phong kiến nhưng có đóng  góp lớn cho nền giáo dục đời nhà Trần, đó là con người mang nhân cách lớn. Tuy nhiên áp dụng ở thời buổi hiện tại khi mà nền giáo dục chúng ta đang nhiều bất cập thì đưa Cụ Chu lên một chuẩn mực nào đó tôi thấy không thực tiễn, tỉ lệ thành công chỉ 50-50” TS Khoan so sánh. 

Theo ông, cách đặt vấn đề của TS Hùng chưa đạt yêu cầu. Ở thời nhà Trần về mặt giáo dục không chỉ có riêng Cụ Chu Văn An mà còn nhiều nhà nho khác như trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng rất nổi tiếng. Cụ Chu Văn An còn nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực khác như dám dâng lên vua đòi chém 7 tên gian thần trong triều. 

TS Nguyễn Văn Khoan cũng bộc bạch, ông rất ủng hộ việc thành lập một  quỹ giáo dục mang tên người thầy Chu Văn An, còn việc đặt tượng trong các trường sư phạm là không thực tế. “Nếu ngôi trường mang tên Chu Văn An thì có thể làm được, còn việc các trường ngoài hoàn toàn không ép họ theo ý muốn. Phải trên tinh thần tự nguyện mới có được tấm lòng thành kính thực sự. Chúng ta chỉ có thể tổ chức các nghi thức cho học sinh, sinh viên  trước và sau khi học để các em nhớ tới người tiền bối của mình” TS Khoan chia sẻ.

Trước đó, trả lời trên báo chí, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, đây là một đề xuất hay, có cơ sở về mặt lịch sử. Ông Minh cũng cho biết, tính biểu tượng tinh thần của nhà giáo Chu Văn An rất lớn nên ngay cả Bộ GD-ĐT cũng không đủ tầm để đưa ra những quyết định, bởi nếu không cẩn thận sẽ không đúng mực. Các ông ở Bộ GD&ĐT cũng chỉ là học trò của các học trò ông Chu Văn An. Để giải quyết đề xuất này, có thể phải cần đến quyết định của lãnh đạo cấp Nhà nước.
Xuân Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét