Ngày 11/4/2009, trang http://vietnamnet.vn/thuhanoi/2009/04/841312/ có đăng bài viết của tác giả Đặng Thân về các cửa ô của thủ đô Hà Nội. Nhận thấy đây là một bài viết có nhiều thông tin bổ ích, chúng tôi mạn phép tác giả đăng lại trong trang web này để các hội viên Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia thưởng lãm sau những ngày công tác bận rộn.
Đời nhà Nguyễn, sách Bắc thành dư địa chí soạn hồi đầu thế kỷ XIX cho biết Hà Nội có tới 21 cửa ô. Nhưng đến bây giờ hầu hết mọi người chỉ nghĩ Hà Nội có 5 cửa ô. Hỡi ôi, vật đổi sao dời, từ 21 mà sao sau chỉ còn 5? Và biết đâu đó, đến một ngày, Hà Nội sẽ chẳng còn cửa ô nào nữa…
...Ô Cầu Giấy ra đời từ thời Lý khi kinh thành mở ra về phía tây. Nay vào thế kỉ XXI với chế độ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa đang mở rộng hết cỡ Thủ đô về phía tây, tôi thiết nghĩ chúng ta nên xây dựng lại hình ảnh của cái cửa ô này...
Hoàng Kế Viêm (1820-1909) sinh tại tỉnh Quảng Bình, là con trai út Thượng thư Hoàng Kim Xán dưới triều Gia Long, được vua Minh Mạng gả con gái là công chúa Hương La. Sau làm quan ở nhiều địa phương, ở đâu Hoàng Kế Viêm cũng là một vị quan thanh liêm, quan tâm đến đời sống nhân dân nên dân được an cư lạc nghiệp.
Lúc bấy giờ, tình hình biên cương phía bắc rất phức tạp: quân phỉ từ bên kia biên giới tràn sang, Lý Tam Đường chiếm cứ vùng Thái Nguyên, Lý Dương Tài, đánh phá Lạng Sơn; bọn Cờ Vàng, Cờ Đen, Cờ Trắng đóng chiếm cả một dải thượng du; bọn Hoàng Tề, Tô Tứ quấy nhiễu ở ven biển… Nguyễn Tri Phương tâu xin vua cho Hoàng Kế Viêm được toàn quyền làm tướng dẹp giặc. Tự Đức ban cho Hoàng Kế Viêm một thanh gươm vàng và 5 lá cờ lệnh, coi đó là ân điển của triều đình. Hoàng Kế Viêm đã dẹp được giặc ở biên cương, thu phục được quân Cờ Đen, góp phần làm nên chiến thắng Ô Cầu Giấy sau này. Năm 1872, ông được phong Bắc Kỳ Đại nguyên soái, năm 1873 Tiết chế quân vụ Bắc Kỳ...
Ngày 20.11.1873, viên đại úy Françis Garnier với 200 quân tấn công thành Hà Nội, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương trấn giữ thành bị thương nặng, tuyệt thực và hy sinh, Hà Nội thất thủ. Thành Hà Nội mất, song hai cánh quân của triều đình do Hoàng Kế Viêm và Trương Quang Đản chỉ huy vẫn còn nguyên vẹn. Triều đình Huế không muốn dựa vào lực lượng này để giành lại đất đai bị mất, mà muốn qua thương lượng để chuộc lại. Được đà, quân Pháp đánh chiếm Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình… Trong lúc phái đoàn Trần Đình Túc (làm tổng đốc sau khi Nguyễn Tri Phương mất) đang đàm phán với F. Garnier, Hoàng Kế Viêm lệnh cho cánh quân Lưu Vĩnh Phúc phối hợp với quân triều đình do ông tổng chỉ huy bố trí mai phục ở Ô Cầu Giấy, mặt khác cho quân vào thành Hà Nội khiêu chiến buộc F. Garnier tạm dừng thương lượng, tự dẫn quân đi ứng chiến và sa vào ổ phục kích. Trận chiến xảy ra ác liệt. Quân của Hoàng Kế Viêm chém đầu F. Gernier vào giữa trưa ngày 21.12.1873... (Đỗ Duy Văn, “Hoàng Kế Viêm với chiến thắng Ô Cầu Giấy”).
Thế nhưng, triều đình Huế bạc nhược đã lệnh cho Hoàng Kế Viêm (cũng như cánh quân của Trương Quang Đản) phải rút lui khỏi Hà Nội về Sơn Tây. Theo hòa ước Giáp Tuất 1874, Pháp trả thành Hà Nội, lúc này do Tổng đốc Hoàng Diệu trấn giữ. Năm 1878, Hoàng Kế Viêm được phong Thự Đông các Đại học sĩ và ngay sau đó ông được lệnh điều quân đi dẹp bọn giặc Lý Dương Tài đang quấy phá ở Lạng Sơn. Một năm sau bọn Lý Dương Tài bị đánh tan... Biết giặc Pháp không từ bỏ đánh chiếm Bắc Kỳ, năm 1882, Hoàng Kế Viêm cùng Hoàng Diệu tâu vua Tự Đức xin đưa quân về ứng cứu Hà Nội. 8 giờ ngày 25.4.1882, viên Đại tá Henri Rivière, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Kỳ gửi tối hậu thư buộc Hoàng Diệu đầu hàng. Tổng đốc Hoàng Diệu không thèm trả lời. 15 phút sau địch tấn công thành Hà Nội, quân triều đình chống giữ không nổi, Hà Nội thất thủ, Hoàng Diệu tuẫn tiết.
Hà Nội thất thủ và cái chết của Hoàng Diệu làm cho nhân dân Bắc Kỳ sôi sục căm thù. Lúc này, cánh quân Hoàng Kế Viêm vẫn án binh bất động. Triều đình không dựa vào lực lượng này để đẩy mạnh cuộc kháng chiến, trái lại, phái người ra Hà Nội thương thuyết và lệnh cho Hoàng Kế Viêm và Nguyễn Chính lui quân về Hà Đông. Hai ông phản ứng, dâng sớ vạch tội Pháp. Hoàng Kế Viêm kháng sắc dụ bãi binh. Tự Đức giao cho triều đình luận tội ông đã trái lệnh vua, mặt khác lấy tình gia tộc khẩn cầu ông bãi binh... Ông khẳng khái: "Vua ta sợ giao chiến mãi với Pháp, mãi không thấy thắng sẽ mất cả giang san, lo sợ không còn đất đai cho hoàng gia sinh sống. Chúng ta có quyền tự hỏi: Tại sao nhà vua không hỏi rằng toàn dân sẽ ở vào đâu?"... (Tôi (ĐT) nhấn mạnh).
Sau khi Hà Nội thất thủ, nhân dân Hà Nội nổi dậy chống Pháp. Ngày 24.3.1883, H. Rivière đưa quân đánh chiếm Nam Định. Thừa cơ, 2 đạo quân do Hoàng Kế Viêm và Trương Quang Đản chỉ huy đã hội quân vây Hà Nội. Quân Trương Quang Đản áp sát tuyến ven sông Hồng, quân Hoàng Kế Viêm án ngữ dọc bờ sông Tô. Rạng sáng 26.3.1883, Hoàng Kế Viêm cho 4.000 quân từ phủ Hoài Đức tiến về Hà Nội, tấn công một số căn cứ giặc ở trong thành, quân Trương Quang Đản chặn đánh dọc sông Hồng, pháo kích căn cứ Đồn Thủy.
Quân của Hoàng Kế Viêm đem cả voi đi tuần trong lòng Hà Nội, tấn công cứ điểm Hàm Long… buộc H. Rivière phải xin lệnh Thống đốc ở Sài Gòn dẫn quân ra phủ Hoài Đức. 4 giờ ngày 19.5.1883, H. Rivière chỉ huy 500 quân theo đường Trường Thi kéo quân về phủ Hoài Đức. Quân Pháp lọt vào ổ phục kích ở Hạ Yên Quyết, Trung Thôn và bị đánh bất ngờ đã tháo chạy ngang qua vị trí cánh quân ta mai phục ở Tiền Thôn. Quân mai phục xung phong đồng loạt và H. Rivière bị chém đầu. Thế là trong 2 chiến thắng Ô Cầu Giấy cách nhau 10 năm (1873-1883), hai viên tổng chỉ huy quân Pháp ở Bắc Kỳ bị chặt đầu trên đất Ô Cầu Giấy. Người chỉ huy lập nên 2 chiến thắng đó là Thống đốc Trấn Bắc Đại tướng quân Hoàng Kế Viêm. (Đỗ Duy Văn, “Hoàng Kế Viêm với chiến thắng Ô Cầu Giấy”)
Ngày 17 tháng 7 năm 1883, vua Tự Đức băng hà. Trong di chiếu nhà vua đã viết: “Thống đốc Hoàng Kế Viêm thân tuy ngoài Bắc, thực quan hệ đến biên phòng, lâu nay dẹp yên biên giới Bắc Kỳ, trung thành công nghiệp rực rỡ. Giao cho người làm Trấn Bắc Đại tướng quân, các việc bình Tây, định Bắc đều giao cả cho người…”
Ngày 17 tháng 7 năm 1883, vua Tự Đức băng hà. Trong di chiếu nhà vua đã viết: “Thống đốc Hoàng Kế Viêm thân tuy ngoài Bắc, thực quan hệ đến biên phòng, lâu nay dẹp yên biên giới Bắc Kỳ, trung thành công nghiệp rực rỡ. Giao cho người làm Trấn Bắc Đại tướng quân, các việc bình Tây, định Bắc đều giao cả cho người…”
Như vậy, hai viên sĩ quan chỉ huy của thực dân Pháp đều bỏ mạng ở cửa ô này. Tam nguyên Yên Ðổ Nguyễn Khuyến đã làm bài tế đầy trào lộng các ông quan thực dân ấy, dân kinh thành ai cũng thuộc, đọc như đọc vè:
Nhớ ông xưa:
Tóc ông quăn
Mũi ông lõ...
Ai ngờ nó chém cổ ông mất
Ðầu ông nó mang đi
Xác ông nó để đó
Chúng tôi vâng lệnh triều đình
Tế ông:
Chuối một buồng
Rượu một tuần
Trứng một ổ
Ông ăn cho no
Ông nằm cho yên
Khốn nạn thân ông...
Tóc ông quăn
Mũi ông lõ...
Ai ngờ nó chém cổ ông mất
Ðầu ông nó mang đi
Xác ông nó để đó
Chúng tôi vâng lệnh triều đình
Tế ông:
Chuối một buồng
Rượu một tuần
Trứng một ổ
Ông ăn cho no
Ông nằm cho yên
Khốn nạn thân ông...
Có một điều khó hiểu là tại sao đến nay ở quận Cầu Giấy hay Thành phố Hà Nội chưa có con đường hay con phố nào mang tên Hoàng Kế Viêm.
Trong cuộc Giải phóng Thủ đô oai hùng năm 1954 chúng ta được biết vào sáng 10.10.1954, Tiểu đoàn 265 của Trung đoàn 57 được lệnh vào tiếp quản đồn Cầu Giấy khi cả phố Cầu Giấy vẫn vắng lặng. Khi quân Pháp rút lui, chiến sĩ của ta vào trong đồn thì ngoài phố cờ đỏ sao vàng đã rực rỡ cả vùng cửa ô. Từ đây, tiểu đoàn hành quân theo đường Kim Mã vào gò Ðống Ða, ga Hà Nội, nhà Ðấu Xảo. Quân ta đi đến đâu, cờ hoa mọc lên đến đó đỏ rực phố phường. Xin có mấy câu thơ để tưởng nhớ ngày cách đây gần 55 năm:
Ma quỷ cuồng ngông Lại ném bom đốt cờ Vận nước lại một phen đen bạc Những lá cờ lại được giấu trong tim 9 năm đi tìm Hồn dân tộc tưởng chừng như tắt lịm Nhưng Những họng pháo đã gầm lên Đào cái huyệt cuối cùng Chôn lũ trời không dung Xây nền cho một cột cờ vĩnh cửu "Cửu cửu càn khôn dĩ định" 81 năm qua đi Hoa lại nở trên đường đoàn quân về tiếp quản "Hồ binh bát vạn nhập Tràng An" Hà Nội ơi các mẹ lại may cờ Công khai Trước những cái nhìn làm ngơ của những tên hung tặc cuối cùng Đoàn quân trang phục chỉnh tề trùng trùng điệp điệp Tiến vào đến đâu cờ đỏ sao vàng mọc lên đến đó Để Thủ đô rợp bóng cờ bay… |
Vào đại học, tôi đi học trong Đại học Sư phạm (nơi được gọi là “Ki-lô-mét số 8 đường Hà Nội - Sơn Tây”), lại được thường xuyên qua lại nơi cửa ô lịch sử này. Khi đó, nhiều bạn gái sống nơi phố cổ chưa từng một lần đến Cầu Giấy đâu đấy, vì nó vẫn hoang vu và heo hút lắm, “nhà quê” lắm. Cái để lại ấn tượng nhất về cửa ô này là một bến cuối tầu điện với những cột điện bằng sắt sơn đen. Giờ nó không còn, nhớ ghê gớm. Cầu Giấy cách đây khoảng hơn 25 năm xây bằng gạch, rất nhỏ, chắc chỉ đủ cho hai ô tô tránh nhau (vậy là kém cái cầu xưa của các cụ ghê gớm lắm). Chẳng rõ gì nguồn gốc, lũ sinh viên chúng tôi hay đùa là cầu này được gọi là Cầu Giấy vì sáng ra chân cầu có rất nhiều giấy [báo]. Không giải thích thì chắc rằng các bạn trẻ không biết được hồi đó giấy báo là rất lí tưởng để làm toilet paper. Tầm nửa đêm về sáng có hai cái chợ đầu mối nổi tiếng thường họp ở đây, đó là chợ rau xanh và chợ của “quân khu hai sọt” (chuyên bán phân bắc tươi). Nhiều khi chợ của “quân khu hai sọt” còn họp giữa ban ngày ban mặt. Ra trường, thất nghiệp, tôi vẫn lang thang miền cửa ô thân yêu này với các bạn tôi. Rồi tôi khởi nghiệp đi làm cũng ở đây. Và bây giờ khi đã có gia đình con cái rồi chúng tôi lại về sống bên cửa ô này. Không biết có định mạng gì không?
Có câu ca dao được truyền tụng từ hàng trăm năm về cửa ô Cầu Giấy:
Ngã tư Cầu Giấy của ta
Bàn tay mở giữa bao la đất trời.
Dù đi dù ở muôn nơi
Hai bốn tháng tám ngược xuôi nhớ về.
Bàn tay mở giữa bao la đất trời.
Dù đi dù ở muôn nơi
Hai bốn tháng tám ngược xuôi nhớ về.
Đó là câu nhắc nhở mọi người nhớ ngày lễ chính (24 tháng 8 âm lịch) ở điện Nghiễm Phúc, nơi thờ Hưng Đạo Đại vương.
Điện thờ này được lập cách đây hai thế kỉ tại xóm Quan Hoa. Gọi là Quan Hoa vì ở đây có cụ Giám sinh ở Quốc Tử Giám về đây mở trường gọi là Quan Hoa Học Đường (trường này tồn tại đến 1945 mới thôi). Cửa điện đắp nổi 3 chữ “Đông A Trấn”. Hậu cung có thờ Quốc Mẫu. Gian bên phải thờ Tứ vị Thánh tử là 4 người con trai của ngài: Trần Quốc Hiến, Trần Quốc Nghiễn, Trần Quốc Uy, Trần Quốc Tảng, cùng con rể của ngài - Tướng quân Phạm Ngũ Lão. Gian bên trái thờ Nhị vị Vương cô là 2 người con gái của ngài: một là Hoàng hậu - vợ vua Trần Nhân Tông, một là phu nhân Tướng quân Phạm Ngũ Lão. Nơi oai nghiêm của gian chính điện đặt pho tượng Đức Thánh Trần tạc bằng gỗ mít sơn son thiếp vàng theo nguyên mẫu ở đền Kiếp Bạc, tượng ở tư thế ngồi, trang nghiêm, nhân hậu, đôi mắt sáng ngời, anh linh. Có điều lạ là khi Hà Nội bị chiếm, cả vùng Cầu Giấy bị tàn phá nặng nề nhưng điện Nghiễm Phúc vẫn yên. Có lần quân Pháp đến cổng điện, nhìn thấy 3 chữ "Đông A Trấn" thì lại lặng lẽ bỏ đi. Sử cũ có ghi lại rằng, sau 3 lần đánh thắng quân Nguyên-Mông, quân giặc đều sợ uy danh của ngài không dám gọi tên, chỉ dám gọi Hưng Đạo Đại vương. Sau khi Đức Thánh Trần mất, các châu, huyện ở Lạng Giang hễ có tai họa, bệnh dịch lại đến đây cầu đảo. Khi có giặc giã, dân ta đến điện lễ, nếu thấy tráp đựng kiếm có tiếng kêu thì thế nào cũng thắng lớn. Với diện tích 200m2, điện Nghiễm Phúc có thể sánh với các đền tiêu biểu thờ Đức Thánh Trần ở Hà Nội như: đền Ngọc Sơn (ở phố Đinh Tiên Hoàng), đền Phúc Nam (ở ga Hàng Cỏ - phố Lê Duẩn), đền Lừ (ở phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai)... Lễ hội ở đây diễn ra từ ngày 20 đến ngày 24 tháng 8 âm lịch, rất đông người tham gia. Điện Nghiễm Phúc xứng đáng được coi như là một góc đền Kiếp Bạc ở Ô Cầu Giấy, như một địa điểm mang tính văn hóa tín ngưỡng tâm linh rực rỡ ở cửa ô phía tây này.
Linh thiêng và hiển liệt lắm!
Gần 55 năm sau ngày Thủ đô giải phóng, Cầu Giấy bây giờ có hai làn đường trên cửa ô mở rộng. Nhiều công trình mới, hiện đại của Thủ đô đã và đang được xây dựng trên địa bàn quận theo hướng quy hoạch và phát triển mạnh về phía tây thành phố. Thật là một định hướng đúng đắn. Tuy nhiên, đây vẫn còn là một trong những đầu mối kẹt xe khủng khiếp nhất Hà Nội, nhờ thế mà thi sĩ Hoàng Xuân Sơn đã từng có bài thơ rất hay mang tên: “Kẹt xe ở Ô Cầu Giấy”.
Ô Cầu Giấy ra đời từ thời Lý khi kinh thành mở ra về phía tây. Nay vào thế kỉ XXI với chế độ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa đang mở rộng hết cỡ Thủ đô về phía tây, tôi thiết nghĩ chúng ta nên xây dựng lại hình ảnh của cái cửa ô này. Như ý tưởng xây dựng cổng Hà Nội ở phía nam Thủ đô mà người ta đang tiến hành vậy. Không biết có ai ủng hộ tôi không.
Tái bút: Ngoài sự “hi sinh” của Ô Cầu Giấy trước đây, việc phát triển đô thị xô bồ hiện nay đã ghi tên một “liệt sĩ” nữa nơi đầu cửa ô này, thực sự để lại trong lòng mọi người “lòng tiếc thương vô hạn”, đó là “liệt sĩ Húng Láng”! Chị Lê An, Việt kiều ở San Diego (Hoa Kỳ), vừa viết cho tôi thế này:
Rất thích khi đọc về những cửa ô Hà Nội. Mỗi địa danh đều gắn với những trang sử đẹp qua ngòi bút của Đặng Thân. Nhất là Ô Cầu Giấy. Tôi đã có 10 năm sống ở đây. Lúc ấy còn rất nhiều cánh đồng xanh, và nếu từ Cầu Giấy quẹo vào con đường Láng rợp bóng cây, sẽ được nhìn bên đường những luống rau húng Láng thẳng tắp rất đẹp...
Thưa chị, loài rau tuyệt vời đã từng được ghi vào sử sách hay những trang văn của Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng... đó nay đã tuyệt chủng! Vì Hà Nội “tấc đất tấc vàng”, người ta đã xây nhà lên hết các ruộng rau rồi chị ơi.
Rất thích khi đọc về những cửa ô Hà Nội. Mỗi địa danh đều gắn với những trang sử đẹp qua ngòi bút của Đặng Thân. Nhất là Ô Cầu Giấy. Tôi đã có 10 năm sống ở đây. Lúc ấy còn rất nhiều cánh đồng xanh, và nếu từ Cầu Giấy quẹo vào con đường Láng rợp bóng cây, sẽ được nhìn bên đường những luống rau húng Láng thẳng tắp rất đẹp...
Thưa chị, loài rau tuyệt vời đã từng được ghi vào sử sách hay những trang văn của Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng... đó nay đã tuyệt chủng! Vì Hà Nội “tấc đất tấc vàng”, người ta đã xây nhà lên hết các ruộng rau rồi chị ơi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét