Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

Người lớn giả dối, trẻ lột áo đánh bạn là bình thường thôi…

Nhà văn Nguyên Ngọc: 

Người lớn giả dối, trẻ lột áo đánh bạn là bình thường thôi…

Khi mà những vụ việc này xảy ra không nên đổ lỗi cho ai cả. Đừng đổ hết lỗi cho nhà trường, cũng đừng đổ hết lỗi cho gia đình. Cả gia đình và nhà trường cũng thế thôi, bây giờ chả ai muốn giữ gìn đạo đức, cách sống nữa. Giữ gìn mà làm gì? Bây giờ may ra thì người ta im lặng cố gắng giữ trong nhà người ta- Nhà văn Nguyên Ngọc chia sẻ với Phunutoday xung quanh những vụ lùm xùm trong ngành giáo dục trong thời gian gầy đây.

Nhà văn Nguyên Ngọc. Ảnh: TGM
Nhà văn Nguyên Ngọc. Ảnh: TGM

PV: - Hiện dư luận đang rất bất bình trước những vụ lùm xùm trong ngành giáo dục như: clip nữ sinh đánh bạn lột áo, rạch mặt, cô giáo bắt học sinh quỳ trước lớp, bắt nằm ra đánh đòn hay bắt bạn này tát bạn khác... Rồi ở gia đình liên tiếp những vụ bạo lực như: đánh con nhập viện vì điểm kém; tức vợ, ghen chồng thiêu sống con trai...

Nhà văn Nguyên Ngọc:
- Cái này phải hỏi “ông Bộ”. Tôi hỏi ông là vì sao thế? Ông phát động thế nào mà bây giờ nó ra như thế? Kết quả của sự phát động của ông ấy đấy.

PV: - Ông có thể nêu rõ hơn, thưa ông?

Nhà văn Nguyên Ngọc:
- Cái này tất nhiên có cái phần của xã hội. Xã hội như thế này, người ta giả dối như thế này thì trẻ con nó học sự trung thực thế nào được. Giả dối từ trên xuống dưới, từ chỗ cao đến chỗ thấp thì ai còn giữ đạo đức làm gì?

Khi xã hội không còn những tấm gương tốt thì chuyện một em bé lớp 7 không biết đánh vần là thường thôi, không phải băn khoăn về cái chuyện đấy. Bây giờ đi chữa cái chuyện đó để làm gì? Chữa một cái chuyện lặt vặt, một cái “mụn” trong khi là nó “ung thư” cơ mà.
- Nhà văn Nguyên Ngọc -

Sự dối trá là phổ biến, thôi thì không trách ai được cái chuyện đó đâu. Nhưng mấy ông cứ nói thật đi, mấy ông cứ thật thà đi, ông nói cái gì ông làm cái đấy đi thì xã hội tốt lên ngay chứ đừng có đổ cho ai, đừng đổ lỗi cho cha mẹ hay cho nhà trường. Thế cho nên bây giờ người ta cũng chán, người ta không cần phải giữ đạo đức gì nữa. Càng ngày nó càng bất chính một cách trắng trợn.

Đừng có chê trách trẻ em. Bây giờ cái tốt nhất là vẫn còn ở trẻ em. Trẻ em may mà nó chưa biết nhiều, nó còn ở vùng sâu vùng xa cho nên những cái xấu xa từ trên chưa với đến được tới đó.
Vừa rồi có 3 em hy sinh cứu bạn ở Quảng Ngãi là trẻ em đấy chứ, rồi còn có một em mà vì cứu bạn mà trở thành đời sống thực vật. Cũng mới đây, ở Núi Thành-Quảng Nam chìm cái phà bi thảm đó, rốt cuộc hai người mà nhảy xuống cứu người cũng là trẻ em đấy chứ. Trẻ em nó còn đỡ, nên đừng có đổ lỗi lên trẻ em, đừng có đổ lỗi lên học sinh. Không phải đâu. Nếu mình ở trên mà đàng hoàng thì các em nó tử tế thôi, người lớn như thế thì nó hư hỏng là phải thôi, đừng trách nó.

PV:
- Chính vì vậy nên giáo dục cũng như gia đình đang bối rối không biết phải dạy trẻ như thế nào?

Nhà văn Nguyên Ngọc:
- Thực ra người ta cũng không bối rối mà người ta chán. Bản thân người ta cũng chán. Hiện nay đang có một hiện tượng chán chường trong xã hội về đạo đức. Không ai muốn giữ gìn đạo đức làm gì. Thôi thì biết vậy và người ta cố lảng tránh, đáng buồn vô cùng. Bây giờ mấy ông lãnh đạo sống cho tử tế đi thì mọi thứ ở dưới nó sẽ khác hẳn. Các ông nói cho đàng hoàng, ông nói cái gì ông làm cái ấy. Ông vừa nói hôm trước, hôm sau làm ngược lại hoàn toàn, mà ông nói nhiều ông không làm thì khi ông biết cấp dưới của ông nó làm bậy như thế ông cũng im re còn nói được gì nữa.

Khi mà những vụ việc này xảy ra không nên đổ lỗi cho ai cả. Đừng đổ hết lỗi cho nhà trường, cũng đừng đổ hết lỗi cho gia đình. Cả gia đình và nhà trường cũng thế thôi, bây giờ chả ai muốn giữ gìn đạo đức, cách sống nữa. Giữ gìn mà làm gì? Bây giờ may ra thì người ta im lặng cố gắng giữ trong nhà người ta. Người thầy giáo nào mà còn tốt thì họ không yên lặng nhưng họ cũng chỉ cố gắng làm tốt cho nó qua ngày. Trước tất cả những sự thật như thế, sự thật nói dối ở mọi nơi thì người ta tốt mà làm gì, người ta giữ gìn làm gì?


Tôi nói thật trong trường của tôi, các em sinh viên của tôi rất tốt, nó trong sáng lắm nhưng rất có thể nay mai nó cũng làm bậy, nó đánh xé nhau… tại vì khi mà nó biết sự thật là giả dối ở mọi nơi, mọi cấp như thế thì nó giữ làm gì?


PV:
- Phải chăng đó cũng là nguyên nhân dẫn đến việc gần đây xuất hiện ngày càng nhiều những hành vi phi giáo dục trong gia đình và nhà trường?

Nhà văn Nguyên Ngọc:
- Tại sao trước đây không bao giờ con người đối với con người như thế? Xã hội mình đâu đến nỗi tệ thế? Bố mẹ mình đâu đến nỗi tệ thế? Bây giờ mọi thứ rối beng lên cho nên tất cả những hiện tượng kỳ quặc mới trở thành phổ biến, đầy rẫy ra. Bố mẹ mấy năm trước đây có đối với con như thế đâu? Khi người ta chán chường, không muốn giữ gìn gì nữa thì những cái xấu nó mọc trở lại. Tôi cho là dột từ nóc dột xuống.
Ngay cả trong nhà trường, trong các thầy cô giáo cũng dùng những hành vi phi giáo dục. Tất nhiên những hành vi như thế chẳng hay ho gì, nhưng vì sao những hành vi đó nó diễn ra trong xã hội là vì những kỷ cương chung của xã hội nó bị phá vỡ, chẳng có tiêu chí đạo đức gì cả, chẳng có tiêu chí gì của con người đối với con người cả, thầy đối với trò, trò đối với trò nữa, cha mẹ đối với con cái, con cái đối với cha mẹ...tất cả là vì cái gốc của người đứng đầu. Bây giờ chúng ta cứ đi tìm nguyên nhân từ người cha, người mẹ, người thầy thì oan cho người ta.

PV:
- Nếu nói như vậy thì tương lai của các em sẽ ra sao dù chúng ta cứ hô hào rằng: Trẻ em là tương lai của đất nước?

Nhà văn Nguyên Ngọc:
Bây giờ nói tương lai làm gì với các em? Trong khi mình như thế thì các em nó hư hỏng là phải. May là nó còn tốt, nó còn cái sức nghĩa là trời sinh ra nó nó còn trong sáng, nó còn tốt chứ lẽ ra nó loạn xạ nữa cơ. Khi những người lớn như thế thì nó tốt làm gì?

PV:
- Hiện dư luận cũng đang xôn xao hiện tượng một em học sinh học đến lớp 7 rồi mà cho đến nay em chưa biết đánh vần tên bố mẹ…

Nhà văn Nguyên Ngọc:
- Khi kỷ cương trong xã hội không còn, khi xã hội không còn những tấm gương tốt thì chuyện một em bé lớp 7 không biết đánh vần là thường thôi, không phải băn khoăn về cái chuyện đấy. Bây giờ đi chữa cái chuyện đó để làm gì? Chữa một cái chuyện lặt vặt, một cái “mụn” trong khi là nó “ung thư” cơ mà. Bây giờ mình cứ lo chữa chạy cái chuyện đó thì chả đi đến đâu cả. Cái chuyện đó là cái rất nhỏ trong cái lớn kia.

PV:
- Vậy “thuốc” chữa nào cho “căn bệnh” này thưa ông?

Nhà văn Nguyên Ngọc:
- Phải tạo nên cái thật thà trong xã hội, đừng có nói dối nữa thì mọi sự bắt đầu từ đó mới sắp xếp lại dần dần mới ổn được. Học trò nó mới học ra học, học lớp 1 ra lớp 1, lớp 2 ra lớp 2. “Ông Bộ” cứ bảo đừng có ngồi nhầm chỗ nhưng mấy cái ông to tướng đều ngồi nhầm chỗ cả thì học sinh bảo nó đừng có ngồi nhầm chỗ thế nào được? Người không có tư cách gì cả ngồi ở cái chỗ cao thế thì học sinh nó ngồi nhầm chỗ cũng là thường. Cái chuyện ngồi nhầm chỗ nó nhỏ quá.

Giáo dục không làm cái gì được cả khi mà nó còn như thế này. Giáo dục là
sản phẩm của xã hội, bây giờ xã hội thế này bảo giáo dục nó tốt hơn thế nào. Cái xã hội đang suy đồi cũng đừng có trách người dân vì “chóp mu” nó như thế thì bảo làm sao dân tốt lên được. Dân như thế là tốt lắm rồi đấy.

Thôi bây giờ những người nào mà tốt, còn tâm huyết cố gắng làm những chuyện cụ thể. Còn tôi, tôi có chuyện của tôi cụ thể. Bây giờ tôi có mấy nghìn học sinh, mấy nghìn học sinh tôi ráng làm sao cho tốt chứ tôi cũng chưa hy vọng gì ở cái chung cả. Mà tôi biết ở đây tôi làm có khi cũng như muối bỏ bể thôi. Thôi thì mỗi người vì cái lương tâm của mình mà ráng làm những việc cụ thể, làm tốt nhất cái việc cụ thể mình đang làm chứ còn cũng chưa biết nó thế nào cả. Nói thật, rất bi quan… Thôi, bây giờ mỗi người gắng làm cái việc của mình đi, làm một cách lương thiện đi…


Xin cảm ơn ông!

Nguồn đọc thêm: http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=315570#ixzz1fzQhMgef
http://www.xaluan.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét