Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

BẮC TRIỀU TIÊN - ĐƯỜNG ĐẾN THIÊN ĐƯỜNG (Kỳ 1)

BẮC TRIỀU TIÊN - ĐƯỜNG ĐẾN THIÊN ĐƯỜNG (Kỳ 1)

(NCTG) “Nhưng tôi vẫn biết ơn số phận đã cho dành cho tôi chuyến đi này, và tôi chỉ có thể hy vọng tới một ngày nào đó cuộc sống của những người dân Bắc Triều Tiên sẽ thay đổi. Chẳng chóng thì chầy, tức nước sẽ vỡ bờ, gió bão cũng sẽ quét phăng những bức tường ngăn cách, dù sau gió bão sẽ là nạn hồng thủy đi nữa, vẫn còn hơn những gì hiện đang diễn ra ở Bắc Hàn”.


Ký giả Vujity Tvrtko ký sách cho bạn đọc - Ảnh: blog của nhân vật


Ðó là những dòng kết của thiên phóng sự đặc biệt về Bắc Hàn do Vujity Tvrtko, một ký giả Hungary nổi tiếng thực hiện sau chuyến đi đầy phiêu lưu và mạo hiểm của anh tới đất nước kỳ lạ của vương triều họ Kim, mà NCTG sẽ trích đăng từ hôm nay.


Nhà báo, phóng viên Vujity Tvrtko (gốc Croatia) sinh ngày 29-4-1972 tại Pécs, một TP nằm ở phía Nam Hungary, cách thủ đô Budapest chừng 200 km. Đã theo học ngành Truyền thông tại Đại học Miami (Mỹ) năm 1996. Từng làm việc cho các báo, Đài Phát thanh, Truyền hình Hungary. Năm 1997 là một trong các thành viên sáng lập TV2, kênh truyền hình thương mại lớn nhất nhì Hungary.

Năm 1991, khi mới 19 tuổi, là phiên dịch cho nhóm phóng viên MTV (Ðài Truyền hình Quốc gia Hungary) tại Nam Tư, Tvrtko ngẫu nhiên bị mắc kẹt và trở thành phóng viên chiến trường nước ngoài duy nhất có mặt tại TP Orsijek (Croatia) khi đó đang bị phía Serbia phong tỏa và oanh kích dữ dội. Anh đã đưa thông tin về diễn biến của cuộc chiến Nam Tư cho các hãng truyền thông lớn như BBC, CNN… trong suốt 89 ngày thành phố bị phong tỏa.


Khi trở về Hungary, anh đã được tặng Giải thưởng Joseph Pulitzer năm 1992 dành cho các ký giả xuất sắc của nước Hung. Vujity Trvtko còn là chủ nhân của Kỷ niệm chương Pető Tibor của Quỹ Hemingway (1998), Giải thưởng dr. Szegő Tamás của Hội Nhà báo Hungary (2000), Giải thưởng Média của Hội Chữ thập đỏ Hungary (2000), Huân chương Vệ quốc Hạng nhất của Cộng hòa Hungary (2001).


Phần lớn số tiền nhận được từ các giải thưởng chuyên môn đã được Tvrtko dành cho hoạt động từ thiện (riêng tiền thu được nhờ các phim phóng sự chuyển giúp các tổ chức từ thiện đã lên tới gần một triệu USD). Từ nhuận bút những cuốn sách, cùng vợ là Zsolnay Györgyi (110 lần khoác áo đội tuyển bóng rổ nữ Hungary), năm 2002, Tvrtko đã sáng lập “Giải Những người hùng đời thường”, trao thường niên với số tiền thưởng đáng kể.


Các phóng sự truyền hình của anh được nhiều hãng truyền hình các nước mua bản quyền. Phim phóng sự về “người tù binh Hungary cuối cùng” đã được truyền hình của 121 nước mua lại, đây là một con số kỷ lục. Không quản khó khăn, nguy hiểm,Tvrtko đã lăn lộn tới hầu hết các nước nghèo khó hoặc đang có chiến tranh trên thế giới.


Những bài ký, phóng sự nóng bỏng tính thời sự và ngồn ngộn chất liệu thực tế của anh đã được tập hợp trong một loạt cuốn sách mang tựa đề chung “Những câu chuyện địa ngục” (Pokoli Történetek). Phóng sự về Bắc Hàn dưới đây được chúng tôi lược dịch từ nguyên bản tiếng Hungary: “Những câu chuyện địa ngục cuối cùng” (Utolsó Pokoli Történetek, NXB Alekxandra ấn hành năm 2003) (ND).

*

Để chúng ta có thể chiến thắng chủ nghĩa tư bản đứng đầu là Mỹ, không chỉ các dân tộc Á Châu đang tiến hành cách mạng phải đoàn kết lại, mà phải củng cố tình đoàn kết với tất cả các dân tộc đang tiến hành cách mạng trên toàn thế giới. Trong tương lai, chúng ta vẫn sẽ giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa Marx - Lenin, ngọn cờ đấu tranh cách mạng chống đế quốc và chống Mỹ, hợp lực với các nước xã hội chủ nghĩa, cũng như với các dân tộc cách mạng của Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và các lãnh thổ trên toàn thế giới, chúng ta sẽ còn đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa vì thắng lợi của sự nghiệp chung vĩ đại của chúng ta.

Kim Nhật Thành, Bình Nhưỡng, 6-8-1971



Vào mùa hè năm chuyển giao thiên niên kỷ, tôi quyết định thực hiện một trong những mơ ước lớn nhất của đời mình: đến CHDCND Triều Tiên. Vì sao, thì cho tới nay tôi cũng không trả lời nổi. Có lẽ vì bị kích thích bởi việc hầu như không thể xin nổi thị thực vào quốc gia Á châu này, nhưng tôi vẫn muốn thử xem. Bắc Hàn còn lôi cuốn tôi bởi như người ta nói: đó là quốc gia khép kín nhất trên thế giới. Hàng triệu con người răm rắp theo lệnh của một nhà lãnh đạo, và dân chúng sống cuộc đời tẻ nhạt ảm đạm của họ như trong một chính thể phong kiến trá hình.

Tất nhiên tôi chỉ đọc được điều đó trong những báo chí phương Tây, vì không thể quay phim trên đất nước Triều Tiên, ký giả chỉ có thể bước qua biên giới được canh phòng cẩn mật nhất thế giới này khi được phép đặc cách của chủ tịch nước hay bộ máy đảng. Nên tôi không nghĩ tới chuyện sẽ tới vùng đất đặc biệt này với tư cách là phóng viên của TV2, nhưng liệu một lúc nào đó có tới được Bắc Hàn như một du khách, thì chính tôi cũng không có câu trả lời. Nhưng mùa hè năm ấy tôi quyết định làm bất cứ giá nào để đạt được mơ ước của mình.


… Trong khi đó tôi đã đi hầu khắp thế giới, tôi đã đến cả những đất nước hẻo lánh nhất, nhưng tôi luôn mơ ước có ngày được đặt chân tới quốc gia kỳ bí ấy. Để một lần có thể tận mắt thấy ở đầu thế kỷ XXI này làm sao người ta có thể đẩy hàng triệu người vào ách nô lệ, bằng một thứ học thuyết bệnh hoạn và vô nhân. Bởi vì từ Budapest, với tôi Bắc Hàn chỉ là một giấc mơ, nhưng Bắc Hàn-như người ta nói-chính là địa ngục.


(
Cuối cùng Vujity Tvrtko đã có may mắn được làm quen với linh mục Baptiste Szenczy Sándor, người phụ trách việc quyên góp và vận chuyển hàng cứu trợ của Tổ chức Từ thiện Baptiste tới các nước nghèo khó hoặc đang có chiến tranh trên khắp thế giới. Sau khi Hungary và Bắc Triều Tiên cắt đứt quan hệ ngoại giao - vì Hungary thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Hàn Quốc - cha Szenczy Sándor và những đồng sự baptiste của ông là những người Hungary duy nhất được phép nhập cảnh Bắc Triều Tiên.

Họ đã đem vào Bắc Triều Tiên hàng chục chuyến hàng cứu trợ trị giá hàng chục triệu USD - trong đó có nhiều hàng viện trợ của các tổ chức từ thiện Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác không thể nhập cảnh vào đất nước này. Cha Szenczy đã nhận được sự tin cậy và kính trọng sâu sắc của chính phủ Kim Nhật Thành và sau đó là chính phủ của con trai ông, Kim Chính Nhật.


Nhờ sự giúp đỡ của Szenczy, sau nửa năm, Vujity Trvtko đã được cấp thị thực vào Bắc Hàn với tư cách là một nhân viên của Tổ chức Từ thiện Baptiste. Trong chuyến đi này Tvrtko đi cùng với Dr. Szilágyi Béla - một luật sư trẻ 28 tuổi, cánh tay phải tin cậy của cha Szencsy, có thị thực dài hạn, thuộc Triều Tiên như lòng bàn tay - đó là chuyến đi thứ 13 của Béla tới Bắc Triều Tiên
- ND).
 
 … Tôi nhớ khi đó chúng tôi đang đi ngang qua Tata, tôi gọi điện cho Rátkai, nguyên là Đại sứ (Hungary) tại Bình Nhưỡng, hiện là chuyên viên ngoại giao. Dù đã muộn, nhưng ông tỏ ra rất sẵn lòng giúp đỡ.

- Anh nhận được thị thực rồi à?- ông hỏi không giấu vẻ ngạc nhiên.


Tôi nói sáng mai tôi sẽ đi Bình Nhưỡng.


- Vâng, như một Baptiste (
người theo thuyết rửa tội cho người lớn - ND), chúng tôi mang hàng cứu trợ cho họ.

- Aha, Baptiste, hay nhỉ!


-Tôi biết ông nghĩ gì, ông Rátkai ạ, và chắc hẳn ông đúng. Nhưng quan trọng không phải là điều ông có tin tôi không, mà là bên đó liệu họ có tin tôi hay không?


Ông Rátkai cười, đáp:


- Anh đừng nghĩ vậy, họ biết chính xác anh là ai. Nhưng nếu đúng là các anh chuyển hàng cứu trợ cho họ, thì với họ cũng đáng để cho anh chạy thoát.


- Nghĩa là không có khả năng… giả dụ như tôi bị mất tích chứ?


- Không, họ sẽ không làm gì anh đâu. Họ sẽ ghi âm hết mọi lời anh nói, thu hình từng bước chân anh đi, nhưng sẽ không động đến anh.


Những lời của ông cựu đại sứ phần nào làm tôi yên tâm, nhưng nay nghĩ lại trạng thái tâm lý của tôi lúc đó, dù sao tôi cũng phải nói rằng, nhờ ơn Đấng cứu thế đã đưa Szilágyi Béla đến với tôi. Những gì anh đã làm với tôi trong lần gặp gỡ đầu tiên, khi đó có vẻ như là lối thực hành khô khan và khó khăn. Nhưng nay tôi biết rằng trong thực tế phải nhắc đi nhắc lại hàng ngàn lần những việc ví dụ như ở Bình Nhưỡng chúng tôi không thể yên tâm nói chuyện, trừ trên đoạn đường dài 400 m từ nơi ở dẫn đến cửa hàng ngoại giao…


Tôi phải lặp đi lặp lại nhiều lần để những điều đó ăn sâu vào tâm trí tôi, như thể cả mạng sống của tôi phụ thuộc vào điều đó. Chúng tôi ngồi trong văn phòng của chi nhánh Baptiste ở phố Vörösmarty với Béla và cô vợ trẻ xinh đẹp của anh cùng cha Sándor và cùng ôn lại bài lần cuối. Như tôi phải chú ý từng lời nói, vì họ sẽ cử những người biết tiếng Hung đi kèm tôi. Đâu đâu cũng có những người lính vũ trang, lăm lăm súng đạn sẵn sàng. Tôi sẽ không được phép tiếp xúc với những người dân Triều Tiên bình thường.


Tất cả các trường đại học, bảo tàng, bưu điện, sân vận động đều mang tên Kim Nhật Thành, ở khắp nơi trên tường các ngôi nhà, trên các bệ tượng đài tôi sẽ thấy hình ảnh của vị lãnh tụ quá cố và con trai ông. Rằng những người Baptiste Hungary đã thuê lại ngôi nhà trước đây là nhà của ĐSQ Bulgaria tại Bình Nhưỡng trong khu ngoại giao có barie che chắn, nên tôi đừng nghĩ tới chuyện dạo chơi trong thành phố, nhất là đi một mình.

 … Béla ngồi vào bàn máy tính và vào mạng internet.

- Hiện ở Bình Nhưỡng thời tiết tốt - lát sau anh nói. Rồi anh nhìn tôi, với kinh nghiệm của 12 chuyến đi Triều Tiên, anh bảo tôi:


- Cậu hãy yêu mến những người Triều Tiên, hoặc chấp nhận họ như họ vốn như thế. Và đừng bao giờ phê phán chế độ của họ trước mặt họ. Ngay cả trước mặt tôi nữa.


… Sáng hôm sau chúng tôi đã trên đường ra sân bay (
từ Bắc Kinh đi Bình Nhưỡng - ND). Thú thực tim tôi như muốn lộn lên tận cổ. Chúng tôi phải chờ chiếc máy bay của hàng không Triều Tiên Air Koryo trong góc khuất của một sân bay khổng lồ. Có khoảng dăm chục người trong phòng chờ. Những người phụ nữ mặc bộ đồ xanh, trông như đồng phục, đàn ông bận quần áo vải màu xám, may khá cẩu thả.

Béla cho biết đó không phải là đồng phục, ở Bắc Hàn mọi người đều mặc như thế. Trong một khoảnh khắc tôi cảm thấy mình như chợt quay về với những năm năm mươi, đang đứng trong phòng trưng bày trang phục của “Nhà máy may 1-5” vậy. Chiếc máy bay Tubolev 154 cũ kỹ cũng làm tôi nhớ tới một toa tàu chợ hôi hám, cũ nát chạy ở vùng Szabolcs; cái giá 110 USD mới nghe tưởng là rẻ, giờ thấy chả rẻ chút nào. Nhưng cũng không có gì để vân vi, vì đây là phương thức duy nhất để chúng tôi có thể tới Bình Nhưỡng. Mấy giây trước khi cất cánh, Béla ghé sát vào tai tôi thì thầm:


- Cậu đừng quên, từ đây trở đi có thể chúng ta đã bị theo dõi.


Tôi cố gắng không quên điều đó.


Nửa tiếng sau, tôi đã dần dần thoát khỏi những ấn tượng khó chịu ban đầu. Chiếc TU-154 thỉnh thoảng lại rung lên khi lọt vào một vùng xoáy, khi đó tất cả chúng tôi đều ngả người ra sau, chờ cho người lái làm chủ được tình thế. Bỗng nhiên từ các loa, một giọng đọc hùng tráng vang lên, Béla nói nhỏ rằng chúng tôi sắp tới nơi rồi. Anh còn nói thêm: họ đang cám ơn đồng chí Kim Nhật Thành, người trong thập niên 70 đã cho mua của Liên Xô một số máy bay Tubolev để những người con của dân tộc Triều Tiên được tự do bay đi khắp thế giới.


Suýt nữa thì tôi bật cười khi Béla nói về những chuyến bay khắp thế giới của người Bắc Hàn, nhưng tôi phải tự kiềm chế. Mỗi tuần chỉ có hai chuyến bay khứ hồi từ Bắc Triều Tiên sang địa chỉ duy nhất là Bắc Kinh, cho những hành khách đặc biệt, người Bắc Hàn bình thường không thể mơ đến chuyện đi nước ngoài.


Tôi xem một tờ báo tuyên truyền mà các chiêu đãi viên hàng không ăn mặc đồng phục có đính ngôi sao đỏ trên nền trắng vừa mang lại. Báo chí thực chất toàn ca ngợi cha con Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật: nào là họ đi dự lễ khánh thành, tặng quà, vẫy chào dân chúng… Trên trang đầu tờ nào cũng chỉ thấy ghi: năm Juche ’90. Tôi hỏi Béla sao họ không ghi ngày tháng hẳn hoi trên các báo, anh bảo:


- Sự ra đời của đồng chí Lãnh tụ Vĩ đại - Chủ tịch Kim Nhật Thành - là niềm vui to lớn đối với nhân dân Triều Tiên, nên cảm nhận niềm vui đó của dân chúng, vào những năm 60 người đã cho xóa Công lịch - gắn liền với sự ra đời của Chúa Jesus - để lấy năm sinh của chính ông làm năm số 0. Vậy hiện tại là năm Juche ’90.


Tôi gật đầu ra chiều đã hiểu ra: thật thông thái biết bao.

Giáp Văn Chung lược dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét