BẮC TRIỀU TIÊN - ĐƯỜNG ĐẾN THIÊN ĐƯỜNG (Kỳ 4)
(NCTG) “Ngay cả khi chỉ còn là cái xác không hồn, nhà độc tài vẫn gây cho người ta cảm giác kính sợ, sinh thời chỉ một cái phẩy tay của ông hàng ngàn người có thể mất đầu.”
Các đội viên chuẩn bị cho giây phút trọng đại: được vào thăm Lãnh tụ Vĩ đại trong lăng - Ảnh: BBC News
Chúng tôi đi ra theo cửa sau. Những người dân thường đi vòng men theo cái buồng gỗ, hàng người dài rồng rắn trước bảo tàng, cúi đầu im lặng. Họ đã quen với thân phận công dân thứ yếu trên đất nước mình.
Trời bắt đầu mưa, đi cạnh chúng tôi là tân đại sứ Indonesia, chắc ông cũng được mời lên trước đám đông. Qua một thủ tục giấy tờ gì đó, tên chúng tôi được ghi vào một cuốn sổ. Rồi chúng tôi đi qua một hành lang tối, tới trước một tấm thảm di động và bị ba bộ đội - hai nam, một nữ - khám xét khắp người và dúi cho một bản chỉ dẫn bằng tiếng Nga, trước khi được mời bước lên thảm vào khu nhà chính.
Bốn xung quanh tường toàn phủ nỉ đỏ, loa phát thanh liên tục kể về cuộc đời Kim Nhật Thành với giọng đọc rất hào hùng. Đầu tiên là huyền thoại về nơi sinh ra của Người, tất nhiên toàn là những điều nhảm nhí, vì thế giới phương Tây đều biết ông sinh ra ở Liên Xô, nơi cha mẹ ông bị lịch sử xua đuổi tới, chứ không phải dưới một bụi hoa phong lan sau này được đặt theo tên ông.
Chúng tôi đi dọc theo cuộc đời ông, những bức ảnh, vật dụng, những tấm áp-phích, những đoạn phim giúp người xem thấy sự vĩ đại của Kim Nhật Thành. Khi tới phòng trưng bày các phần thưởng thì tôi cảm thấy như mình đang lãng du trong một giấc mơ hỗn độn, như có thứ gì nặng nề, lạnh lẽo dâng lên trong lòng. Những bóng ma của một thế giới đã xa khuất chờn vờn với tử thần: các tặng phẩm của Ceaucescu, Honecker, Jaruzelsky, Zhivkov, Stalin và những đồng chí khác của họ treo đầy trên các bức tường, loa phóng thanh vẫn ra rả bài ca tẩy não.
Cuối cùng thì thay vào những lời lẽ hùng tráng ấy là nhạc tang. Ánh sáng phát ra từ những chiếc nến dài chập chờn trên thảm đỏ. Chúng tôi bước vào một căn phòng khổng lồ cao 15 mét, sừng sững một pho tượng lãnh tụ vĩ đại, phía sau bức tượng là một ngôi sao năm cánh ghép từ đá cẩm thạch. Bước xuống khỏi tấm thảm di động chúng tôi đi giữa những bức ảnh, những pho tượng mô tả cảnh tang tóc khi dân chúng được tin Kim Nhật Thành qua đời.
Nhạc buồn mỗi lúc một khó chịu đến mức tôi muốn lao ra khỏi cái nhà mồ khổng lồ này. Phía sau chúng tôi những người dân bước xuống thảm, mặt mũi xanh tái khi tiến lại gần thi hài con người vĩ đại. Khi họ lại gần tôi thấy ai cũng giàn giụa nước mắt. Tiếng nức nở mỗi lúc một to hơn khi họ tới gần chiếc quan tài và ánh sáng hồng chuyển dần sang tối. Một bàn tay vô hình rút tờ chỉ dẫn tiếng Nga khỏi tay tôi, có lẽ để tôi toàn tâm chú ý vào thi hài Kim Nhật Thành.
Tôi đi ngang một thiết bị kêu lè xè, phun thuốc khử trùng xuống chân, rồi bước vào một phòng nhỏ hơn giữa hai hàng lính gác, nơi đặt cái xác ướp của vị “thánh” trong quan tài thủy tinh. Kim Nhật Thành được quàn trên nhung đỏ, mặt trắng như phấn, mắt nhắm nghiền, còn chúng tôi thì cúi đầu từ bốn phía theo đúng khuôn phép cần thiết. Ngay cả khi chỉ còn là cái xác không hồn, nhà độc tài vẫn gây cho người ta cảm giác kính sợ, sinh thời chỉ một cái phẩy tay của ông hàng ngàn người có thể mất đầu.
Phía trên chiếc quan tài thủy tinh, đèn chiếu sáng hình ông, gây cảm giác như gương mặt ông phát ra ánh sáng về phía chúng ta. Tôi cảm thấy mùi bạc hà, có thể chỉ là mùi cao ướp xác lọt qua khe kính quan tài. Những người bạn cùng đi cúi đầu khóc nức nở, và không phải vì những camera đặt ở các góc phòng. Đúng là họ tin vào điều không thể tin nổi. Sau khi đã cúi mình lần cuối, chúng tôi ra ngoài theo những luồng ánh sáng hẹp…
Chúng tôi ngồi vào xe, đi thêm mấy cây số trên những đoạn đường núi khúc khuỷu, lên một đỉnh núi - từ đây có thể nhìn thấy Bình Nhưỡng. Các vị chủ nhà dẫn chúng tôi tới địa điểm hành hương quan trọng nhất của CHDCND Triều Tiên. Một ngôi nhà tường đất nện, mái lợp lau sậy hiện ra trước mắt chúng tôi.
- Đây là nơi đã sinh ra Lãnh tụ Vĩ đại! - Chol chỉ vào căn lều giới thiệu. Cùng lúc, một cô gái khuôn mặt ửng đỏ, thắt cà-vạt màu hồng, tiến lại phía chúng tôi, cái nhìn đầy vẻ trách móc vì Chol đã tranh phần cô nói ra cái điều thiêng liêng nhất, và cô bắt đầu bài tụng ca. Cô nói Kim chủ tịch đã ra đời trong căn nhà nhỏ bé này để mang lại hạnh phúc cho nhân dân mình.
Cô cho xem chiếc hái cắt cỏ, cái búa mà thân sinh ông đã sử dụng, và chiếc hái mà chính Kim Nhật Thành đã dùng để cắt cỏ… Sau bài tụng ca dài, cô lần lượt đưa chúng tôi tới giếng để chúng tôi được thưởng thức “chất nước mát mà Kim chủ tịch vĩ đại đã dập tắt cơn khát của người trong nhiều năm”. Tôi uống thử một ngụm nhỏ, thứ nước tù đọng có mùi trứng ung, quả thật như thế.
Chúng tôi quay về nơi ở trong thành phố, vì không có mạng điện thoại di động và cũng không có phương tiện gì khác, muốn liên hệ với Budapest, chỉ còn cách quay về ngôi nhà của sứ quán Bulgaria cũ dùng máy fax; cũng có cái hay là điện thoại có thể bị nghe trộm, còn fax thì không. Về đến nơi ở thì trời đã tối, cái trò thăm viếng bảo tàng đã làm mất hết cả ngày và hôm sau cũng không hứa hẹn điều gì tốt đẹp hơn, vì Hong nói về nó với vẻ rất hào hứng.
Cùng ngồi uống với Béla một tách trà nóng, sau đó tôi bật thử vô tuyến, trong đó… không nói chắc bạn đọc cũng đoán ra chương trình đang nói về những ai. Béla có vẻ hơi sốt ruột, vì anh phải viết báo cáo hàng ngày, nhưng chẳng có gì đáng viết. Trước khi đi nằm tôi còn ghé sát vào mấy cái đầu ghi âm trộm thao thao chửi bọn Mỹ và ca ngợi công lao của chủ nghĩa cộng sản, rồi tôi hỏi Béla khi về nước chúng tôi có nên thành lập CLB những người hâm mộ Kim nhật Thành? Béla, với giọng điệu mực thước vốn dĩ của anh, bảo:
- Một sáng kiến tuyệt hay.
Tôi xoay trở mãi mà không tài nào ngủ được. Tôi cảm thấy có lẽ mình sẽ chẳng được thấy những gì mình muốn, suốt ngày đi tìm hiểu từng chi tiết về cuộc đời của “hai con người kiệt xuất” kia. Thế đã là quá đủ rồi. Quá nửa đêm, tôi bật đèn ngồi dậy và nhìn quanh phòng. Không thấy có đặt camera, Béla cũng bảo có lẽ không có, ít nhất là theo anh nghĩ.
- Mình phải ra khỏi cái cũi này - tôi lẩm bẩm. Nhưng đó là chuyện không thể được. Khu này nằm trên một quả đồi giữa thành phố, mặc dù ngoài cổng có lính gác, nhưng phía sau rào có một lỗ thủng. Nếu tôi chui qua đó xuống phố dạo chơi thì sẽ ra sao? Chẳng lẽ vì thế họ lại bắn. Rồi tôi lại xua đuổi ý nghĩ đó đi, nhỡ qua các thiết bị nghe trộm họ biết được tôi bỏ ra ngoài, vì trong phòng im lặng không một tiếng thở, không một âm thanh nào. Tôi lại nằm xuống giường. Rồi lại vùng dậy, lấy túi xách tay, vào phòng tắm và xả nước.
Tôi nhẩm tính: pin trong chiếc dictaphone (máy ghi âm cầm tay - ND) của tôi còn tốt. Cuộn băng ghi cuộc nói chuyện của chúng tôi, mặt A dài 60 phút chỉ toàn về chuyện gia đình Béla. Nếu đặt lên giường và bật máy, và ở phòng bên Béla ngủ yên…thì tôi có cả một giờ đồng hồ. Ở đầu kia họ sẽ nghĩ chúng tôi đang trò chuyện với nhau. Béla ơi đừng ngáy to nhé, tôi đã phác thảo một kế hoạch.
Tôi đặt đồng hồ stopper 45 phút, ấn nút bật dictaphone, đóng cửa rồi nhẹ nhàng đi xuống cầu thang. Bốn phút sau tôi đã xuống dưới sân. Những người lính gác ngoài cổng không thể nhận ra vì ánh sáng điện yếu ớt. Tôi vòng qua khối nhà bê-tông và chốc lát đã tới sát hàng rào, và lọt qua lỗ hổng. Trời tối om, nhưng từ chiều tôi đã để ý thấy phía bên kia đồi có một quảng trường khá rộng, thường xuyên được chiếu sáng.
Thực ra tôi cũng không biết mình muốn xem gì, cũng không muốn làm trò gián điệp, tôi chỉ muốn thấy những thứ khác cái mà họ muốn giới thiệu với chúng tôi. Đi bộ được khoảng hơn mười phút, đúng hơn là tôi lò dò bước đi không một tiếng động. Mấy phút sau tôi tới sát một nhà lắp ghép, trong căn hộ sát đất thấy ánh đèn dầu le lói từ bếp. Tôi ghé mắt nhìn vào, thấy một người đàn ông mặc quân phục ngồi cúi đầu ủ rũ nhìn xuống đất. Sau ngôi nhà là một khoảng trống có nhiều bụi cây, tôi vội lẩn vào giữa những lùm cây.
Tôi đã ra khỏi phòng ở 18 phút. Ánh sáng từ quảng trường chiếu lên những lùm cây, trời đêm ẩm thấp, nhưng tôi vẫn ngồi xuống một gốc cây, nhìn về phía quảng trường. Cách tôi chỉ vài trăm mét thấy nhiều xe buýt và binh lính vây quanh, tất cả được chiếu sáng bởi những đèn pha cỡ lớn. Mấy phút sau có khoảng hai trăm người tay cầm cờ, mặc đồng phục xanh, leo lên các xe buýt. Độ mười phút sau, chiếc cổng sắt lớn của ngôi nhà đối diện mở ra, những người lính nãy giờ đứng vạ vật bên ngoài bỗng chạy lại xếp hàng rào hai bên, báng súng hạ xuống chân.
Trời bắt đầu mưa, tôi căng mắt quan sát. Rồi đánh liều bật camera, hướng ống kính về phía cổng sắt và hai hàng lính. Mấy phút sau từ trong cổng sắt xuất hiện một hàng người, áo quần màu xám, đầu cạo trọc, đi giữa hai hàng lính tay đã lăm lăm súng. Có lẽ đó là những tù phạm, tay chân họ đều bị xích. Qua ống kính tôi nhìn rõ hết, nghe cả tiếng xích sắt vọng tới chỗ tôi ngồi. Bỗng nhiên bụi cây phía sau tôi rung lên. Tôi chợt rùng mình. Tôi biết với camera đang hướng về phía đoàn xe trên tay, tôi không thể biện bạch “ tôi chỉ đi dạo hít thở không khí một lát” được.
Tôi ép mình xuống cỏ, môi run bắn lên. Tự nhiên thấy buồn giải khủng khiếp. Tôi chợt thoáng nghĩ mình đang làm chuyện điên rồ gì thế này, giữa nước Triều Tiên cộng sản? Có tiếng sột soạt, rồi nghe như tiếng chạy, lùm cây rung lên, tôi vội đưa hai tay lên đầu, hét lên bằng tiếng Nga: “ Nye streljaj!” (Ðừng bắn!). Đúng lúc ấy một con mèo hoang lớn chạy vụt qua bên cạnh tôi, ngoao lên một tiếng to kéo dài.
Chưa bao giờ tôi thú nhận, từ khi thành người lớn, tôi đã vãi đái ra quần, lần này xin nhường cho trí tưởng tượng của độc giả. Tim bắt đầu đập trở lại, tôi luồn trong các bụi cây, trở lên đồi. Nhìn đồng hồ thấy mình đã ra khỏi phòng 41 phút. Tôi nhìn lại phía quảng trường, thấy những tù phạm được dồn lên xe buýt, có hai người nằm dưới đất, tay bắt lên gáy. Tôi không bao giờ dám chắc thực ra mình đã nhìn thấy những gì.
Khi chui qua hàng rào quay về tòa nhà Sứ quán Bulgaria cũ, tôi nghe có tiếng súng nổ, cũng không biết vì sao. Tôi đã tới Chernobil, tới trại hủi, đã qua chiến tranh Nam Tư, chưa bao giờ tôi sợ như thế. Sau 50 phút tôi quay về tới phòng ở. Trong băng ghi âm Béla đang kể vợ anh là người cộng sự gần gũi nhất của anh, và Sándor là người tốt nhất mà anh biết. Tôi đổ vật mình xuống giường.
Giáp Văn Chung lược dịch - Kỳ sau đăng tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét