Người dân hy vọng (như những lần trước để rồi lại thất vọng):
Sáp nhập để mạnh hơn!
Chủ Nhật, 04/12/2011 21:24
Gần cả tháng nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục phát thông điệp về đẩy mạnh tái cấu trúc NH, khuyến khích các NH tìm hiểu lẫn nhau để mua lại, sáp nhập, hợp nhất theo tinh thần tự nguyện. Giới NH và cả người dân đều đang tìm hiểu đường đi nước bước cho chủ trương này.
Trả lời câu hỏi: Sáp nhập NH có mạnh hơn? Quyền lợi người dân và doanh nghiệp có bảo đảm? Một quan chức NHNN nói rằng đó là hai tiêu chí hàng đầu trong tái cấu trúc NH. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng từng nhấn mạnh rằng nguyên tắc của tái cơ cấu hệ thống NH là “không để tổ chức tín dụng nào đổ vỡ, bảo đảm tối đa quyền lợi của người gửi tiền và khách hàng”. Trong trường hợp cần thiết, NHNN có cơ chế hỗ trợ thích hợp nhằm bảo đảm việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng thành công.
Có chuyên gia còn khẳng định đây là thời điểm tốt nhất để tái cấu trúc, mà cụ thể hơn, là sáp nhập NH. Việc làm này không hẳn để NH lớn hơn mà quan trọng hơn cả là để mạnh hơn. Bởi sau một thời gian dài chỉ tập trung phát triển về số lượng, các tổ chức tín dụng của ta đã bộc lộ nhiều bất cập trong nội tại. Áp lực về vốn điều lệ, về mạng lưới, thị phần và nhất là cuộc chạy đua lợi nhuận để làm vừa lòng cổ đông đã khiến không ít NH bắt buộc phải lách luật, chấp nhận rủi ro trong huy động vốn và cho vay, gây áp lực lên sự an toàn của hệ thống. Đặc biệt, đội ngũ quản trị không theo kịp sự phát triển. Có lần một giám đốc NH thương mại nói vui: Không ở đâu “luân chuyển” cán bộ nhanh như ở NH. Không ít người chưa kịp xài hết hai hộp danh thiếp ở NH này, vài tháng sau đã in danh thiếp mới ở NH khác. Nhìn đi nhìn lại, toàn “quân ta”, các chiêu ruột của NH cũng thi nhau “luân chuyển”!
Hoạt động tín dụng trong nước còn chịu áp lực từ tác động của khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới, khi kinh tế toàn cầu vẫn chưa phục hồi, nợ công châu Âu, nguy cơ suy thoái còn tiềm ẩn và NH được xem là mắt xích yếu nhất, dễ gây đổ vỡ dây chuyền nhất…
“Đánh chuột không làm vỡ bình”, đó là thông điệp rõ ràng. Và con đường nhẹ nhàng nhất là thay đổi cơ cấu cổ đông, thay đổi hệ thống quản trị bằng hình thức sáp nhập tự nguyện. Quá trình này được thống đốc NHNN nhấn mạnh là dựa vào nội lực để hình thành nên những định chế tài chính lớn mạnh hơn, có khả năng trụ vững trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn, lành mạnh hóa hệ thống tài chính NH. Do vậy, ngay từ bây giờ, các tổ chức tín dụng cần hoạch định chiến lược phát triển phù hợp, xây dựng và tiến hành các biện pháp tái cấu trúc để nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. NHNN cũng cần đưa ra lộ trình tái cấu trúc cụ thể, minh bạch để NH chủ động; người dân, khách hàng yên tâm...
Nguyễn Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét