Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

(2) Ly dị - Chuyện chăn gối quan trọng đến mức nào ?


Kỳ 2: Chuyện chăn gối và ly hôn dưới góc nhìn của nhà tâm lý học
Ngọc Lan/Người Việt WESTMINSTER, California (NV) - Không ai giống ai trong nguyên nhân đưa đến sự tan vỡ trong hôn nhân, dù rằng đâu đó cũng có những mẫu số chung, nhưng đời sống của mỗi cặp gia đình là một thế giới rất riêng và hoàn toàn khác biệt.
Để ly hôn, cần có "trong đẩy ngoài kéo". (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Tìm hiểu thêm những khía cạnh đưa đến sự ly hôn của ông Trương Vĩnh, bà Phan Khanh hay ông Trịnh Hưng, cùng sự phân tích một số yếu tố có ảnh hưởng đến mối quan hệ gắn bó hay chia tay trong hôn nhân của Tiến Sĩ Tâm Lý học Suzie Matsuda, giám đốc khoa Behavioral Health, thuộc Sở Y Tế Los Angeles, sẽ là dịp để mỗi người soi lại chính mình, qua những điều tưởng chừng như giản dị nhất trong cuộc sống.

Do tính chất tế nhị của đề tài nên tên của những người được phỏng vấn đều được thay đổi.

Để ly hôn, cần có “trong đẩy ngoài kéo”

Dường như không ai một sớm một chiều bỗng thanh thản, nhẹ nhàng nói với người bạn đời của mình rằng: “Tôi muốn ly dị.”

Lời đề nghị ly dị khó nói gấp nghìn lần lời tỏ tình của buổi yêu nhau và khó hơn vạn lần lời cầu hôn nhau.

“Khoảng 3 tháng để suy nghĩ và cân nhắc đủ chuyện” là thời gian mà ông Trịnh Hưng, ngoài 55 tuổi, hiện làm lập trình viên cho một công ty điện toán ở Los Angeles dành để nghĩ về chuyện ly hôn.

Với bà Phan Khanh, cũng ở độ tuổi ngoài 50, đang làm công việc kế toán ở Anaheim, thì “khi ý nghĩ về chuyện ly thân bùng lên, tôi mất khoảng nửa năm để đi đến quyết định dứt khoát phải dọn ra riêng.”

Trong khi đó, ông Trương Vĩnh, người sắp bước sang tuổi 60 ở Huntington Beach, chần chừ khoảng 4 tháng trước khi mệt mỏi đặt bút ký vào đơn ly dị của vợ.

Dù rằng mỗi người chỉ mất vài tháng cho một quyết định thuộc loại quan trọng hàng đầu trong cuộc đời nhưng 3 tháng, 4 tháng hay 6 tháng đó thực ra chỉ là thời gian họ dành để nhìn lại toàn bộ những gì bị dồn nén trong suốt cuộc hôn nhân kéo dài 30 năm, 13 năm hay 9 năm của mình.

Tiến sĩ Tâm lý Suzie Matsuda cho rằng ngoài các yếu tố ràng buộc trong vấn đề nên hay không nên ly hôn như vấn đề con cái, tôn giáo, văn hóa, còn có một yếu tố người ta ít nhắc đến đó là “con người sợ sự thay đổi.”

Tiến Sĩ Tâm Lý Suzie Matsuda, giám đốc khoa Behavioral Health, 
thuộc Sở Y Tế Los Angeles. (Hình: Đông Xuyến cung cấp)

“Con người khi sống lâu với những gì quen thuộc với mình thì mặc dù có những khó khăn, đau khổ nhưng sự quen thuộc đó nhiều khi khó bỏ lắm. Con người ta sợ thay đổi vì không ai biết sự thay đổi sẽ ra sao, ảnh hưởng đến con mình, cuộc sống mình như thế nào. Thành ra nhiều khi cái cũ có rách rưới, không được như ý, nhưng nó vẫn là quen thuộc.” Tiến sĩ Suzie nói.

Bên cạnh đó, để có thể ly hôn, còn phải có thêm yếu tố “trong đẩy ngoài kéo.”

Bà Suzie phân tích, “Yếu tố đẩy nằm bên trong quan hệ vợ chồng. Phải đến một điểm đủ mạnh, họ không thể chịu đựng được nữa thì mới bức ra được. Đồng thời, bên ngoài phải có sự kéo. Kéo có thể là sự hỗ trợ của gia đình, người thân, ‘người thứ ba’, nghề nghiệp hay thậm chí đó là sự thay đổi nhân sinh quan. Nếu trong đẩy mạnh mà ngoài kéo không đủ, người ta chưa thấy an toàn để rời khỏi những gì quen thuộc thì họ vẫn ở lại. Ngược lại, nhiều khi kéo rất mạnh nhưng yếu tố đẩy lại không đủ để họ bước ra.”

Nhìn lại câu chuyện của ông Trương Vĩnh, ông không muốn nghĩ đến chuyện ly dị vì “Tôi nghĩ khi mình có duyên nợ nần gì với người khác thì mình phải chấp nhận. Mỗi ngày một ít mình cố gắng làm cho họ thay đổi, đến một tuổi nào đó họ sẽ nhận ra để thay đổi.”

Ngày ở Việt Nam, cổ cũng biết nấu ăn, dọn dẹp. Vi tính thì biết mở email, đọc email. Sang đây, sự thay đổi của cổ là không nấu ăn, không dọn dẹp. Giờ cổ có thể biết mở một lúc cả chục email với tùm lum password và cả ngày ngồi đó chat chit. Đến chiều tối thì đi đến 11, 12 giờ đêm mới về, nghe người ta nói thấy cổ đi nhảy đầm với người này người kia, rồi đi hội đoàn này hội đoàn nọ.” Ông Vĩnh cứ từ từ kể.

Rõ ràng vợ ông có thay đổi, nhưng lại là sự thay đổi không theo chiều hướng xây dựng gia đình như ông mong muốn!

Những cám dỗ bên ngoài đủ sức kéo vợ ông nghiêng về phía đó, đồng thời những điều riêng tư của ông mà bà “khám phá” được, cùng lời “nhắc nhở nghiêm khắc” của ông được xem là đủ mạnh để đẩy bà đến chỗ đâm đơn ly hôn.

Với trường hợp của bà Phan Khanh, dù không hài lòng với cuộc hôn nhân, nhưng bà chưa đủ can đảm để làm một cuộc thay đổi trong những năm đầu đến Mỹ, vì bà đã không nhìn thấy một điều gì sáng sủa hơn nếu ra đi lúc ấy.

Tuy nhiên, khi có công việc làm ổn định thì cũng là lúc bà Khanh “nhận ra rằng đời sống mình không có bao lâu thì tại sao lại phải chấp nhận một cuộc đời tẻ nhạt như thế này? tại sao mình không sống cuộc đời cho chính mình?”

Sự thay đổi trong nhân sinh quan này cùng với sự đồng lòng muốn ra đi của đứa con đủ mạnh để kéo bà Khanh bước ra.

Bà Suzie đúc kết, “Để đi đến một sự thay đổi thì trước hết họ phải nhìn thấy cần có sự thay đổi không. Khi thấy cần rồi thì họ có sự chuẩn bị. Sau khi chuẩn bị rồi thì họ mới hành động. Hành động rồi thì phải làm sao giữ được nguyên trạng sự thay đổi, bởi có nhiều người sau khi thay đổi rồi lại trở về chỗ cũ.”

Suy nghĩ của bà Khanh khi ly hôn là một minh chứng cho điều Tiến Sĩ Suzie nói.

“Tôi biết rằng dù cuộc hôn nhân của mình không như ý nhưng ông xã tôi vẫn giúp đỡ tôi nhiều lắm chứ. Thế nên khi quyết định ra đi thì tôi cũng phải chuẩn bị tinh thần mình chỉ còn một thân một mình, phải tự cáng đáng hết tất cả, nên phải thật vững vàng thì mới ra đi.” Bà Khanh nhớ lại.

Chuyện chăn gối quan trọng đến mức nào trong đời sống vợ chồng?

Một trong những nguyên nhân sâu xa đủ mạnh để đẩy ông Trịnh Hưng quyết định ly hôn là “từ hơn 10 năm qua, vợ chồng tôi như hai người cùng phái sống trong cùng một nhà, ngủ riêng và không hề có chuyện chăn gối thân mật.”

Nếu điều này được xem là một nỗi tổn thương cứ âm ỉ trong ông Hưng thì ngược lại, vợ ông cho rằng “chuyện đó không quan trọng.”

Trong khi đó, bà Khanh lại phải theo lời của chồng là “có con rồi thì mẹ phải ngủ với con.”

“Tôi có ngạc nhiên nhưng tôi không phản đối.” Bà Khanh nói. Thế nhưng, dù ngủ riêng nhưng chuyện “quan hệ vợ chồng” của bà Khanh “vẫn bình thường theo nhu cầu đòi hỏi của bản năng.” Chỉ có điều “sự ái ân đó hoàn toàn vì bổn phận chứ không có cảm giác của một tình yêu.”

Với ông Trương Vĩnh thì “quan hệ vợ chồng cũng bình thường, nhưng mà có lẽ ở cả hai bên đều thấy không thoải mái.”

“Có lúc tôi cũng muốn ngồi xuống để nói về vấn đề ‘đông lạnh’ giữa hai vợ chồng. Nhưng mà nói ra để làm gì!” Ông Vĩnh thở dài.

Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ Tâm lý Suzie cho rằng:

“Điều này tùy thuộc vào thế hệ mình sinh ra và lớn lên. Có người được giáo dục theo cách không có cái nhìn lành mạnh về vấn đề gần gũi nam nữ thì sẽ đưa đến thành kiến trong vấn đề có cho phép mình có được sung mãn trong vấn đề gần gũi hay không. Trong khi đó, có thế hệ lại nhìn vấn đề này rất con người.”

Cô giải thích thêm, “Oxytocin là chất đưa con người đến sự dịu vợi và cảm thấy có sự gắn bó giữa con người với con người. Chất này được tiết ra khi người mẹ cho con bú khiến mẹ con có sự gần gũi mật thiết, tạo sự liên kết với nhau. Bên cạnh đó, khi hai người yêu nhau gần gũi chăn gối và đạt đến đỉnh điểm thì chất oxytocin tiết ra nhiều nhất. Vì thế, khi vợ chồng không có chuyện gần gũi thân mật với nhau thì sự gắn bó cũng không có.”

Oxytocin còn được gọi một cách “bình dân” là hormone tình yêu.

Cũng theo Tiến sĩ Tâm lý Suzie Matsuda, vấn đề gần gũi vợ chồng (intimacy) sẽ giúp giảm bớt căng thẳng trong đời sống, giúp cho người bạn đời, bạn tình, hay những người yêu nhau cảm thấy gắn bó hơn, và “khi người ta gần được với nhau thì người ta sẽ sống thật với nhau hơn, người ta dễ mở lòng và cởi mở với nhau hơn.”

“Dĩ nhiên cũng có những cặp vợ chồng thực hiện chuyện chăn gối một cách máy móc, như một bổn phận. Nhiều người Việt Nam mình cũng cho đây là một bổn phận hơn là thừa nhận đó là một nhu cầu trong đời sống vợ chồng.”

Tuy nhiên, có những cặp sống chung với nhau, nhưng giữa họ không có “intimacy” sự thân mật vợ chồng. Họ có sự tử tế, hỗ trợ nhau như những người đồng hành, nhưng không có sự hấp dẫn nhau nữa vì những yếu tố về tâm lý mà họ từng tổn thương nhau hay từng bị những chấn thương về tinh thần giữa họ với nhau. Khi họ cảm thấy vẫn chấp nhận sống được với nhau như vậy hơn là đi tìm một sự thay đổi thì họ vẫn tiếp tục.

Đây là vấn đề khác biệt về nhân sinh quan, là sự khác biệt về văn hóa. Thành ra quan hệ tình dục là chuyện dễ mà lại khó. "Nó là một nghệ thuật để người ta có thể nói với nhau những điều rất riêng tư và những nhu cầu của nhau trong vấn đề riêng tư chăn gối đó. Những điều đó có thể giúp người ta gần gũi nhau hơn trong đời sống."

"Tuy nhiên cũng có những người rất vô tình trong vấn đề này, vô tình chứ không phải cố ý, nhưng sự vô tình đó đã làm mất đi ý nghĩa, mất đi sự cảm nhận yêu thương quý trọng lẫn nhau, mất đi cả cái sự hứng khởi về chuyện này nữa." Bà Suzie lý giải.
Ly dị. (Tranh: họa sĩ Nguyễn Thanh Vân/Người Việt)

"Chấn thương" sau khi ly hôn

Theo nghiên cứu, ly dị là một trong những vấn đề gây xáo trộn rất lớn trong đời sống con người, là nguồn căng thẳng thuộc loại cao nhất, chỉ đứng sau việc người thân qua đời.

Mặc dù trả lời ngay lập tức là “Rất thanh thản” khi được hỏi “Sau khi nói được lời ly dị và dọn đi, ông thấy đời sống tinh thần của mình như thế nào?” nhưng ông Trịnh Hưng cũng không giấu một sự thật, “Lần đầu tiên trở lại ngôi nhà cũ khi không có vợ ở nhà, tôi ngồi khóc suốt 2 tiếng. Gần 30 năm gắn bó, dĩ nhiên phải có những sự ray rứt, trăn trở nhưng tôi nghĩ dầu sao như vậy cũng tốt hơn cho mọi người.”

Tiến sĩ Tâm lý Suzie Matsuda khẳng định: “Hầu hết đều shock sau khi ly dị. Hiếm ai nói rằng mình không bị shock, mặc dù họ có thể đã làm đủ mọi thứ để chấm dứt nhưng khi mà chấm dứt rồi thì họ vẫn bị trải qua sự tiếc thương.”

“Có thể không phải là sự tiếc thương cho người kia mà là tiếc thương cho cuộc đời trong quá khứ của mình, với những hy vọng mình từng đặt ra, để ngày hôm nay không còn nữa. Ngay cả những yếu tố quen thuộc mình từng điều kiện hóa nay cũng đã bị mất mát rất nhiều. Có người chuẩn bị nhiều năm để ly dị nhưng đến giai đoạn cuối cùng vẫn là một sự tổn thương, không thể nào lành lặn mà bước ra được hết.”

Vậy liệu có ai thật sự hạnh phúc sau khi đi ra không?

“Có hạnh phúc hay không cần dựa vào 3 yếu tố, đó là cách mình đi ra như thế nào, sự thay đổi cuộc sống sau khi mình ly dị ra sao và nếu có một quan hệ mới thì quan hệ đó thế nào. Nó không thể có công thức tính chung cho tất cả mọi người.” Tiến sĩ Suzie Matsuda cho biết.

Dù hồ sơ ly dị đã xong, ông Trương Vĩnh vẫn để cho người vợ ở lại trong căn nhà của ông, vẫn chu cấp tiền cho bà theo thỏa thuận.

“Cô ấy chưa đủ điều kiện để ra ở riêng thì tôi cũng không nỡ ép. Chúng tôi không gây gỗ lớn tiếng với nhau, nhưng cũng không nói chuyện nhiều với nhau.” Ông Vĩnh cho biết tình trạng của ông sau 6 tháng ly hôn.

Với bà Phan Khanh, nhìn cuộc sống của mình sau 13 năm ly hôn và 5 năm ly dị, bà cho rằng “Hiện nay tôi thấy mình đang sống trong thiên đường.”

Cả bà Khanh lẫn chồng cũ của bà đều sống một mình. Họ xem nhau như những người bạn, khi cần vẫn có thể nhờ vả và giúp đỡ nhau. Thỉnh thoảng họ vẫn đi ăn chung, như những người bạn quen biết.

“Để đi được những bước như tôi đã đi thì cần phải có sự mạnh mẽ. Phải khẳng định tư tưởng của mình, vì con người thường hay nuối tiếc. Cho nên cần phải suy nghĩ thật kỹ, đã quyết định rồi thì đừng ân hận, hối tiếc quá khứ. Mình cũng có một thời hạnh phúc nhưng mình cũng không hối tiếc về chuyện chia tay.” Người phụ nữ kết thúc câu chuyện bằng nụ cười mãn nguyện.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=188752&zoneid=433#.U4LfTdKSx2s

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét