Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

NHỮNG CÂU NÓI DÂN GIAN CÓ HÌNH TƯỢNG CON RẮN




Mộc Nhân
Nhân dịp năm “con rắn quí”, Mộc Nhân lượm lặt, gom góp những câu tục ngữ, ca dao, thành ngữ dân gian có sử dụng hình tượng con rắn để bạn đọc thông qua chuyện rắn mà ngẫm nghĩ thêm về chuyện nước, chuyện đời, chuyện người…
Nhân dân ta không chỉ quan sát loài rắn để rút ra những kinh nghiệm trong việc chung sống với con vật dữ dằn, bí hiểm này mà còn nêu lên những bài học ứng xử, những lời khuyên, những tiếng cười… về nhiều vấn đề trong cuộc sống.
Nếu bạn đọc còn tìm thêm được câu nào hay, mời tham gia bổ sung ở phần cảm nhận cuối bài viết.
***
1. “Lươn nạp mình cho rắn”: Xuất phát từ hiện tượng thực cứ đến ngày “mồng năm tháng năm” hàng năm, lươn dù lớn dù bé cứ gặp rắn là mềm nhũn ra không bò được nên bị rắn bắt. Có khi rắn nhỏ mà lươn thì lớn, rắn nuốt không vô, nhả ra cũng không được, rồi cả hai cùng chết. Dân gian dùng hiện tượng này để ám chỉ những kẻ không hiểu sao lại tự dưng đem nạp mình cho kẻ khác vô điều kiện ! Đành rằng rắn có sức mạnh của rắn, lươn có phận của lươn - “núi sông bờ cõi đã chia…” sao lươn lại làm chuyện “nạp mình cho rắn” ! Thật là “hàng thần lơ láo phận mình ra chi” (Nguyễn Du) !



2. “Theo đóm ăn tàn”: Nghĩa đen của nó có lẽ xuất phát từ thói quen bản năng của loại rắn mái gầm: loài rắn nầy ngủ ngày, ăn đêm, đặc biệt thích nhấm nháp chất tro tàn, nhất là tro tranh. Các nhà khoa học giải thích là rắn thích theo đốm lửa, tầm nhiệt để săn mồi (chuột, nhái, cóc …). Nghĩa bóng của thành ngữ này nói về kẻ dựa hơi, cơ hội để hưởng lợi. Trong xã hội có lắm kẻ cơ hội ăn theo, thực ra thì bọn họ chả có tài cán gì, chỉ là một lũ “vẽ rồng vẽ rắn” nhưng nhờ có được chút quyền lực mà tha hồ thu vén quyền lợi cho cá nhân hoặc cho lợi ích nhóm !

3. “Mái rầm tại chỗ, rắn hổ về nhà”: Ngụ ý rằng ai mà bị hai loài rắn độc này cắn không sớm thì muộn cũng tiêu đời.

4. “Vào nhà rắn rồng, ra đồng hổ ngựa”: Rắn rồng thường chui vào mái nhà để trú nắng và bắt chuột. Còn ở ngoài đồng thì rắn hổ ngựa phóng nhanh để đuổi theo con mồi. Nghĩa bóng ám chỉ mỗi loài trên thé gian này có ưu thế và tập tính khác nhau.

5. “Rắn đổ nọc cho lươn”: Lươn sống chui rúc trong hang, bãi bùn, ao hồ, lươn hiền lành không cắn người và nhẫn nhịn. Còn rắn vừa có nọc độc, vừa cắn người là săn bắt các con vật khác. Có lẽ do ngoại hình hai con vật này na ná như nhau nên dân gian mượn hình tượng này để có ý nhắc nhở người hiền coi chừng có khi bị kẻ xấu đổ vạ hoặc lên án kẻ ác đã gây tội lại còn đổ cho người khác. Nhân dân ta có câu tương tự: “Gắp lửa bỏ tay người” hoặc “Ngậm máu phun người” để ám chỉ bọn người này.

6. “Miệng hùm nọc rắn”: Hùm là loại thú dữ, rắn là loài có nọc độc giết người. Thành ngữ này mượn hình ảnh loài vật dữ để ám chỉ những kẻ thâm độc, hiểm sâu. 

7. “Đầu rồng đuôi rắn”: Có lẽ xuất phát từ trò chơi dân gian "rồng rồng, rắn rắn" mà từ đó hình thành thêm nghĩa bóng chỉ hình thức dài dòng, lộn xộn, không nhất quán…

8. “Thẳng như rắn bò”: Chỉ những người thẳng thắn, không bị khuất phục – “Cây ngay không sợ chết đứng”. Nhưng trong đấu tranh xã hội, lắm người vì nói thẳng nói thật – “Sự thật mất lòng” - mà bị trù dập. Trong một xã hội toàn những kẻ “Miệng hùm nọc rắn” thâm độc, hiểm sâu thì tiếng nói, số phận của những người thẳng thắn chẳng khác gì tiếng “Oai oái như nhái phải rắn” !

9. “Thao láo như mắt rắn ráo”: Dân gian lấy hình ảnh mắt rắn ráo mở to, láo liên để tìm mồi để ám chỉ những kẻ có đôi mắt thao láo một cách khả nghi cần đề phòng.

10. “Oai oái như nhái phải rắn”: Chỉ tình trạng kêu la luôn mồm, một cách thảm thiết giống như con nhái bị rắn bắt.

11. “Rắn đến nhà, không đánh thành quái”: Rắn là loài vật dữ khi vào nhà thì phải đánh để khỏi gây hại - ý nói kẻ ác độc, mưu mô, thâm hiểm thì ta phải diệt trừ ngay để nó không gây hại cho mình.



12. “Rắn già rắn lột, người già cột vào săng”: Có câu chuyện cổ dân gian lý giải rằng ngày xưa Người và Rắn cùng chung sống, “dân số” ngày một đông, hết đất sống! Để cân bằng trở lại một ngày kia, Ngọc Đế sai Thiên Lôi xuống truyền lệnh rằng: “Người già người lột, rắn già cột vào săng”, không hiểu sao, Rắn biết được và tìm cách“mua chuộc” Thiên Lôi, khi đến hạ giới Thiên Lôi lại phán ngược lại. Và thế là, người già, người chết, rắn già thì rắn lột da. Ngẫm ra câu nói dân gian trên vừa phản ánh một hiện tượng tự nhiên vừa mang tính triết lý sâu sắc. Rắn già thì lột xác để tiếp tục phát triển, người già thì ngày càng tàn lụi rồi chết.

13. “Rắn rết bò vào, cóc nhái bò ra”: Cóc nhái sống trong hang luôn là đối tượng luôn bị rắn rình mò để ăn thịt nên chúng không thể cộng sinh với nhau được. Thành ngữ này nói lên một qui luật của cuộc sống: trong xã hội ai cũng tránh người hung ác, hiểm độc như rắn rết hoặc khi kẻ dữ đến thì kẻ yếu đuối hơn phải dời đi nơi khác.

14. “Nọc người bằng mười nọc rắn”: Nọc rắn độc là điều hiển nhiên nhưng “nọc người” thì thật đáng sợ hơn nhiều lần. Nọc người là những mưu mô, toan tính, thủ đoạn… mà con người dùng để hại nhau một cách độc ác, nham hiểm khó lường. Dân gian cũng nói về điều này bằng câu: “Dò sông dò biển dễ dò/ Có ai lấy thước mà đo lòng người”.

15. “Cõng rắn cắn gà nhà”: Rắn biểu trưng cho kẻ xấu, độc ác hại người, và hiểu rộng ra là kẻ thù, là bọn giặc. Còn gà là vật nuôi quen thuộc, là đối tượng cần được chăm sóc, bảo vệ chu đáo. Từ gà kết họp với từ nhà, tạo thành tổ hợp gà nhà, thể hiện ý nghĩa về những người anh em thân thiết. Từ cõng với nghĩa khom lưng đưa rước kẻ khác kết hợp với rắn thành cõng rắn, thể hiện ý đưa rước kẻ độc ác, kẻ nguy hiểm về làm hại những đối tượng đáng lẽ mình phải có bổn phận chăm sóc, bảo vệ! Thành ngữ cõng rắn cắn gà nhà ý nghĩa chung hàm chỉ hành động đem kẻ ác, kẻ nham hiểm đến làm hại người thân của mình, và hiểu rộng ra, đó là hành động phản bội đồng bào, đưa giặc vào giày xéo Tổ quốc thân yêu của mình.

16. “Nói con rắn trong lỗ bò ra”: Nói năng ngọt ngào, có sức hấp dẫn, thuyết phục đến mức ai cũng phải nghe theo.

17. “Đánh rắn đánh đằng đầu”: Xuất phát từ kinh nghiệm dân gian cho rằng khi đánh rắn thì đánh ngay đầu, rắn sẽ bị tê liệt không còn khả năng lao tới tấn công lại. Nghĩa bóng nhằm nêu bài học cho con người khi tấn công đối phương thì phải biết ra đòn chí mạng, đánh đúng chỗ, trúng nơi đầu não của kẻ thù. để khỏi bị báo thù. Tuy nhiên kinh nghiệm này không hoàn toàn đúng vì khi đánh rắn mà đánh vào đầu thì khó trúng, mà không trúng thì rất nguy hiểm. Vậy nên chỉ cần đánh vào lưng làm mất khả năng di chuyển của rắn khiến rắn cũng đờ ra và lúc ấy con người dễ dàng khống chế rắn. Thành ngữ này nên hiểu theo nghĩa bóng thì đúng hơn.

18. “Rắn khôn dấu đầu”: Ý nói người khôn ngoan biết bảo vệ, giữ gìn, che dấu những gì là hiểm yếu nhất của mình không để cho đối phương phát hiện.

19. “Vẽ rắn thêm chân”: Tương đương với câu "vẽ rồng vẽ rắn" dùng chỉ những việc làm không cần thiết, thừa phản tác dụng. Truyền rằng xưa kia có mở cuộc thi vẽ rắn. Ai vẽ xong trước sẽ được trọng thưởng, có anh chàng nọ chỉ thoáng qua là đã vẽ xong. Nhìn thấy người bạn hắn còn đang hí hoáy, sẵn rảnh tay, anh vẽ thêm chân cho rắn. Chẳng may, kết quả bị phê phán nặng, vì rắn làm gì có chân, nên chẳng những không được thưởng mà còn bị phạt. Do đó mới có câu: "Vẽ rắn thêm chân, vẽ rồng thêm mắt", chỉ những người hiểu biết nông cạn nhưng lại cố tỏ vẻ hơn người; vẽ vời, thêm thắt những điều không có trong thực tế; bịa đặt, dựng chuyện

20. “Len lét như rắn mùng năm”: Theo dân gian, ngày năm tháng năm âm lịch là ngày “diệt sâu bọ”. Tục truyền rằng ngày xưa vào mồng năm tháng năm, người ta thường đi tìm rắn rết sâu bọ để giết vì họ coi chúng là loài tai ác, gây hại. Chả thế mà trong ngày mùng năm tất cả các con rắn đều nép mình ở trong hang không dám ngóc đầu lên (len lét) vì sợ bị giết chết hoặc trốn đi biệt tăm hết cả. Thành ngữ này chỉ thái độ và diện mạo của những người hay sợ sệt nói chung. Thường đó là thái độ của những người nhu nhược sợ sệt do thiếu bản lĩnh trong cuộc sống. 

21. “Rắn mất đầu”: Rắn mất đầu thì sẽ chẳng còn hoạt động được nữa; ám chỉ người lãnh đạo tối cao đã mất, thì bộ phận bên dưới không làm được gì. Ví như tướng lãnh ra trận bị thương, binh sĩ hoảng loạn không ai chỉ huy, tựa hồ cơ thể con rắn bị mất cái đầu, không hoạt động nữa được.

22. “Hùm tha rắn cắn”: Tha ở đây có nghĩa là tha thứ, loại ra không sử dụng. Thành ngữ này tương ứng với câu "Quan tha ma bắt": người mà bị hùm chê trở về nhà thì sớm muộn gì cũng bị rắn cắn chết, hàm ý nói con người gặp vận hạn thì thoát được chuyện này cũng sẽ gặp nạn khác.

23. “Khẩu Phật tâm xà”: Nhằm ám chỉ kẻ đạo đức giả, miệng nói thương người nhưng lòng dạ ác hiểm, hãm hại kẻ khác.

24. “Khẩu xà tâm Phật”: Nhằm chỉ kẻ ngoài miệng bốp chát nóng nảy chửi bới lung tung có vẻ dữ dằn nhưng bản chất bao dung, lòng dạ thẳng ngay, nhân đức.

25. “Xà cung thạch hổ”: Đây là thành ngữ Hán Việt nhằm chỉ những kẻ hay nghi ngờ: thấy cánh cung cong nghi là con rắn, thấy hòn đá ngờ là cọp dữ. Sự thật trước mắt nhưng không tin tưởng, lúc nào cũng hoài nghi quàng xiên.

26. “Áp rắn vào ngực”: Rắn là loài độc hại mà đem áp vào ngực, có ngày bị nó cắn mạng vong - đồng nghĩa với câu "nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà" - ám chỉ sự lầm lẫn trước việc thiếu cảnh giác, đem họa vào thân.

27. “Rắn không chân rắn bò khắp rú/ Gà không vú răng nuôi đặng chín mười con” (Ca dao): Ca ngợi những kẻ bản lĩnh, vượt khó khăn, thách thức trong cuộc sống.

28. “Con công ăn lẫn với gà/ Rồng kia rắn nọ, xem đà sao nên”(Ca dao): Phản ảnh quan niệm lạc hậu về môn đăng hộ đối không còn phù hợp nữa.

29. “Con chi rọt rẹt sau hè/ Hay là rắn mối tới ve chuột chù? ”(Ca dao): Phản ảnh (có khi là chế giễu) những cảnh ngộ, tình huống oái oăm, thiếu sự đăng đối nhưng cũng đáng được cảm thông.
30. “Sư hổ mang”: Thành ngữ chỉ hạng người khoác áo là nhà sư nhưng thực chất là hạng người ham sắc dục.

(MN- ngày cuối năm con rắn)


http://thinhdailoc.blogspot.ch/2013/02/296-nhung-cau-noi-dan-gian-co-hinh.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét