Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

Xe ôm kể chuyện "lái" Tây "đi bụi" ở nơi… nghèo nhất VN

Xe ôm kể chuyện "lái" Tây "đi bụi" ở nơi… nghèo nhất VN

Với con “ngựa sắt”, từ cao nguyên phía Tây Tổ quốc đưa khách nước ngoài xuống miền đồng bằng mơn mởn lúa mới, họ vượt những cung đường ngoạn mục, hiểm trở của vùng núi Tây Bắc sang Đông Bắc xa xôi, xuôi về miền Tây mùa nước nổi…
Đi ăn chơi ở nơi … nghèo nhất
Tôi đến đội xe ôm chở khách nước ngoài đúng vào ngày cuối tuần, cả đội náo nức mỗi người một việc để thay đổi bảng cũ, treo bảng mới cho hội quán hoành tráng hơn. Trụ sở hoạt động là một quán cà phê trên đường Phan Đình Phùng, TP Đà Lạt (Lâm Đồng).

Hội quán của Đội xe ôm chở khách nước ngoài Đà Lạt
Năm 1992, sau khi đất nước tiến hành đổi mới và mở cửa, khách nước ngoài (Mỹ, Canada, Úc…) bắt đầu đến Việt Nam đi du lịch. Đà Lạt chính là vùng đất mà nhiều khách Tây lựa chọn đầu tiên khi đến nước ta. Ban đầu, những bác xe ôm chỉ nhận chở khách theo yêu cầu, chủ yếu loanh quanh Đà Lạt và các huyện lân cận.

Thế rồi, cũng có những cuộc hành trình càng chở đi xa, càng tới các vùng khó khăn, nghèo nàn nhất, khách Tây càng mê muội phong cảnh làng quê Việt Nam còn nghèo mà chứa chan thi vị. Ở đó, cuộc sống của con người vẫn còn trọng tình nghĩa mà “coi thường” tiền bạc. Đi mãi, đi mãi đến nỗi khách và chủ “quên” cả lối về như trước cuộc hành trình đã định.

Những chuyến đi dài ngày, vượt ra khỏi tỉnh dần dần giúp cho những bác xe ôm phố hoa hình thành những tour du lịch có một không hai. Điểm họ đến không phải là những khu du lịch đông vui, sầm uất tập trung ở các thành phố, cũng không phải là những nơi thuận tiện, dễ đi và đầy đủ các dịch vụ. Nơi họ đưa khách Tây tới chính là những vùng đất còn hoang sơ, nghèo nàn bậc nhất nước ta, đó là các làng quê heo hút, hoang vắng, cuộc sống còn túng thiếu đủ đường.

Khách nước ngoài chụp ảnh với những trẻ em nghèo nơi họ từng đi qua
Thoạt nghe cứ tưởng chuyện viễn vông, nhưng chính hướng đi táo bạo này của các bác xe ôm Đà Lạt đã khiến khách nước ngoài thích thú. Họ được tự do thả sức tìm hiểu, khám khá và cảm nhận những giá trị đích thực của cuộc sống từ những điều dân dã nhất. Điều mà khách nước ngoài tìm thấy sự khác biệt rõ nét nhất giữa Việt Nam và đất nước công nghiệp hóa của họ.

Họ đưa khách từ miền cao nguyên hiểm trở xuống đồng bằng xa xôi; họ chở khách vượt đèo, băng núi, đi trong mưa nắng lên miền rẻo cao Tây Bắc tới các bản làng người Tày, Nùng, Thái, Dao...; họ đưa khách qua vùng Đông Bắc đón ánh bình minh lên; họ về miền Tây khám phá mùa nước nổi ngắm ánh trăng mọc trên mặt nước, ăn thịt chuột đồng, ngủ trong nhà dân.

Có những chuyến đi kéo dài ròng rã cả tháng trời mới quay về Đà Lạt. Khách trở về nước hầu hết đều hả hê khi đã đi trọn vẹn Việt Nam, cảm nhận được đầy đủ cuộc sống và con người xứ Việt ở các vùng, miền qua lời giới thiệu của các bác xe ôm và chính người dân bản địa.

Khám phá… điều giản dị

Bao nhiêu chặng đường, bấy nhiêu kỷ niệm là ăm ắp những cung bậc cảm xúc. Mỗi tên đất, tên miền đã để lại trong họ và du khách những dấu ấn không thể nào quên. Bác Trần Văn Nam (57 tuổi), đội trưởng Đội xe chở khách nước ngoài Đà Lạt, đã gắn bó với nghề xe ôm chở khách Tây “đi bụi” suốt mấy chục năm qua tâm sự, ban đầu, có không ít khách Mỹ khi tới Việt Nam du lịch vẫn tâm lý sợ hãi bởi quá khứ. Trước khi lên đường với cuộc hành trình “bụi”, họ vẫn còn băn khoăn. Nhưng rồi, nỗi sợ hãi trong họ nhanh chóng tiêu tan bởi sự thanh bình và mến khách đặc biệt của người dân làng quê Việt Nam.
Có những cuộc hành trình "đi bụi" kéo dài cả tháng

Có những người già, trẻ em, vùng sâu vùng xa, cả đời chưa được nhìn thấy người nước ngoài, cũng chưa bao giờ đi học tiếng Anh nhưng khi gặp khách nước ngoài họ vẫn ê a vẫy tay chào bằng tiếng Anh “he lô”, “hê lô”, dù lúc này họ đang cặm cụi cấy lúa dưới ruộng hay gùi bắp trên nương về nhà. Điều này làm khách tây thích thú và đáp lại họ bằng tiếng Việt lơ lớ mới học được - “xin chào!...”.

Có những tình huống không chỉ làm chủ xe ôm cảm động, mà chính những người khách Tây có lẽ cũng không bao giờ quên Việt Nam, dù họ chỉ có điều kiện đến đây một lần. Họ đã cùng nhau đi qua những dải đất nghèo nhất miền Trung khắc nghiệt mà chứa chan tình người.

Có lần không thể tìm được nhà nghỉ dọc bên đường, các bác tài sẵn sàng đưa họ về nhà, dành cho một điểm sang trọng nhất để ngủ. Bất ngờ hơn, khi thức dậy, chủ nhà đã chuẩn bị cả bữa ăn sáng nóng hổi. Không phải bún, phở, cũng chẳng phải mỳ tôm, bữa ăn sáng của chủ nhà vùng đất khó dành cho thực khách là những củ khoai lang, củ sắn hay bắp ngô mà chính họ làm ra.

Điều giản dị thôi nhưng cũng đủ làm khách cảm động, chạnh lòng vì tình người nơi vùng đất khó.
Nơi khách Tây đi du lịch là những vùng nghèo bậc nhất Việt Nam nhưng chứa chan tình cảm.

Khi chia tay, chủ tiễn khách ra đầu ngõ bịn rịn như người thân trong gia đình, mặc dù những người khách ấy lần đầu gặp gỡ và thậm chí, khi khách ra về, họ vẫn chưa kịp nhớ tên tuổi, đang sinh sống ở đâu.

Trên cuộc hành trình không phải lúc nào cũng thuận buồm, xuôi gió. Lúc gặp thời tiết mưa bão, đường sá ngăn cách, lúc xe cộ hư hỏng dọc đường… những vị khách Tây luôn sẵn sàng giúp đỡ.

Bác Nam cho hay, các bác luôn coi khách là “thượng đế”, nhưng không ít lần “thượng đế” cũng phải xắn quần, kéo tay áo lên để khiêng xe qua những vùng sình lầy. Đối với không ít người Việt, đã mất tiền để mua dịch vụ nếu còn phải làm những việc khó khăn này chắc chắn sẽ cáu gắt hoặc tỏ thái độ không bằng lòng. Nhưng những vị khách nước ngoài, họ sẵn sàng khiêng xe, đi bộ khi xe hư hỏng và thường coi đó là một kỷ niệm vui trong cuộc hành trình.

Qua nhiều năm chở khách nước ngoài đi du lịch “bụi”, các bác xe ôm ở Đà Lạt nhận ra rằng, người phương Tây sống rất giản dị, kể cả những người cực kỳ giàu có. Họ có thể ăn bất cứ món gì của người Việt Nam. Kể cả những món của đồng bào dân tộc thiểu số mà chính nhiều người Việt chê “bẩn”.

Không chỉ đơn thuần là chạy xe ôm chở khách Tây kiếm sống, chính họ đang tích cực góp phần đưa đất nước và con người Việt Nam đi xa.

Các bác hành nghề chạy xe ôm chở khách Tây “đi bụi” ở Đà Lạt quan niệm, đây không đơn giản chỉ là nghề để cho mỗi người kiếm sống, có tiền nuôi vợ, chăm con. Họ còn ý thức rất rõ bản thân mỗi người đang đưa nền văn hóa và con người Việt Nam đến với bè bạn năm châu.

Bác Ngô Vi Dân, đội phó Đội xe ôm chở khách nước ngoài Đà Lạt, chia sẻ: Qua những chuyến “đi bụi” này, người nước ngoài hiểu được rất nhiều về đất nước và con người Việt Nam. Muốn có được điều đó, ngoài vốn ngoại ngữ thông thạo, người chạy xe ôm phải có kiến thức và văn hóa vùng, miền vững chắc, chính xác.
(Theo Kiến thức)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét