Những điều cần tránh khi uống rượu
|
Người tăng huyết áp dễ bị chảy máu não nếu uống nhiều rượu. |
Rượu được coi là một thức uống đưa đẩy trong mỗi cuộc vui, những cuộc gặp gỡ, trong nhiều bữa tiệc, nhất là trong dịp đầu xuân… Thế nhưng, sau mỗi lần như thế, nhiều người khó tránh khỏi sự choáng váng, ngà ngà của men rượu. Chúng tôi xin đưa ra một số điểm cần lưu ý để bạn không phải từ bỏ các cuộc vui ngày đầu năm mà vẫn giữ được sức khoẻ.
Một số điểm cần tránh khi uống rượu
Không uống quá nhiều rượu: Uống rượu quá nhiều, độ cồn trong rượu sẽ làm cho biểu bì não ở trong trạng thái tê liệt hoặc quá phấn khích, lúc đó sẽ mất đi kiểm soát ý thức. Một số người có bệnh lý mạch máu não nếu uống nhiều rượu dễ dẫn tới các hậu quả nghiêm trọng; ví dụ người mắc bệnh xơ cứng động mạch dễ bị thiếu máu não, người tăng huyết áp dễ bị chảy máu não. Nói chung, để đảm bảo sức khoẻ nên uống rượu bia theo sức khoẻ của mình, nhưng với rượu trắng thì không nên vượt quá 50ml, uống bia thì không quá 1 chai.
Không uống rượu khi đói bụng: Khi dạ dày trống mà uống rượu, nhất là rượu mạnh sẽ gây tổn thương cho dạ dày, thực quản; ngoài ra còn làm tăng khả năng hấp thu cồn vào trong máu. Một số công trình thực nghiệm đã chứng minh, nếu uống rượu khi dạ dày trống chỉ cần 30 phút, chất cồn sẽ gây hại cho cơ thể ở mức độ cao nhất. Vì vậy trước khi uống rượu chúng ta nên ăn một chút tinh bột và uống một chút nước.
Không nên uống rượu lạnh: Đơn giản là vì trong rượu bao giờ cũng có một lượng andehit, nhất là các loại rượu chưng cất thủ công thì hàm lượng andehit càng cao. Sự nguy hại của andehit đối với cơ thể nguy hiểm hơn cả cồn, nhưng độ sôi của andehit thấp, chỉ có khoảng 20oC. Vì vậy, chỉ cần làm nóng rượu thì có thể làm cho lượng lớn andehit bốc hơi, như thế sẽ giảm bớt nguy hại cho cơ thể.
Không nên uống nhiều loại rượu cùng một lúc: Nói chung, các loại rượu khác nhau có nguồn gốc và thành phần tạp chất khác nhau, đặc biệt nếu uống chung cả hai loại rượu lên men (bia, rượu vang…) với rượu chưng cất (rượu trắng) sẽ gây ra đau đầu, buồn nôn và dễ say do rượu lên men hàm lượng cồn thấp nhưng tạp chất cao; ngược lại rượu chưng cất nồng độ cồn lại lớn, hai loại này phản ứng khác nhau trong cơ thể.
Không uống rượu với nước có ga: Khi uống rượu chung với nước có ga sẽ làm cho cồn nhanh chóng lan toả khắp toàn thân, đồng thời sản sinh ra lượng lớn CO2 gây nguy hại cho gan, thận và dạ dày, đường ruột. Nó kích thích niêm mạc dạ dày, giảm bớt vị toan bài tiết ảnh hưởng tiêu hoá, đồng thời người mắc bệnh dạ dày đường ruột nếu sau khi uống rượu uống nước có ga thì sẽ làm cho ruột và dạ dày chảy máu. Nước có ga cũng khiến cồn nhanh chóng thẩm thấu vào hệ thần kinh trung ương, gây tăng huyết áp nhanh.
Không vừa uống rượu vừa hút thuốc: Khi uống rượu mạch máu giãn nở, đẩy nhanh tuần hoàn máu trong cơ thể; còn chất nicotin trong thuốc lá lại dễ hoà tan trong nước. Vì vậy, khi uống rượu mà hút thuốc sẽ đẩy nhanh tốc độ hấp thụ chất nicotin trong cơ thể. Ngoài ra, do tác dụng độc tố của cồn có thể ảnh hưởng đến chức năng giải độc của gan đối với chất nicotin.
Không tắm sau khi uống rượu: Sau khi uống rượu đi tắm sẽ tăng nhanh tiêu hao chất đường tích trữ trong cơ thể, làm cho đường huyết hạ thấp, thân nhiệt giảm nhanh. Ngoài ra cũng cần chú ý, sau khi uống rượu mà gặp lạnh sẽ dễ bị cảm lạnh, trúng gió, tê liệt và có thể gặp các tai biến khác.
Không uống thuốc sau khi uống rượu: Sau khi uống rượu, cồn bắt đầu gây tác dụng hưng phấn ngắn đối với hệ thống thần kinh, sau đó chuyển thành ức chế. Nếu trong lúc này uống thuốc an thần, thuốc ngủ hoặc các loại thuốc chống dị ứng có tác dụng an thần và cả thuốc cảm hàm chứa các thành phần trên, sẽ làm cho huyết áp hạ thấp, tim đập chậm, hô hấp khó, thậm chí gây tử vong. Ngoài ra, sau khi uống rượu, mà uống các thuốc như thuốc giảm đau, thuốc chống viêm… đều dễ làm cho dạ dày xuất huyết, thậm chí thủng dạ dày. Rượu còn gây ảnh hưởng đến tác dụng dược lý của nhiều loại thuốc khác, làm tăng nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ của thuốc, gây nguy hại cho cơ thể.
Không uống rượu khi mang thai: Uống rượu sẽ làm cho não và tim của thai nhi bị độc hại do cồn, làm cho thai nhi phát triển trì trệ, tỉ lệ tử vong tăng cao, sau khi ra đời cũng có ảnh hưởng đến trí tuệ và thể lực.
Một số kinh nghiệm dân gian để giải rượu
Nước chanh tươi: Nước chanh nóng không đường và có vài lát gừng sẽ rất tốt cho những lần “quá chén”. Nó giúp giải được rượu. Bạn chỉ cần rót nước nóng ra cốc, pha thêm chút nước nguội cho vừa uống, sau đó vắt chanh, đập chút gừng thả vào, rồi cho một ít muối nữa. Như vậy, bạn đã được một cốc nước giải rượu tốt.
Nước cà chua: Lấy 3 đến 4 quả cà chua, ép lấy nước, không cần cho thêm gì cả, uống ngay sau khi đi uống rượu, bạn sẽ cảm thấy tỉnh người ra ngay.
Nước đậu xanh nấu: Nếu đi uống rượu tiếp khách, bạn nên nấu một nồi đậu xanh để sẵn ở đó. Sau khi đi uống về, bạn cố gắng ăn một bát đậu xanh sẽ giải hết rượu ngay và sẽ không còn cảm giác mệt mỏi vào buổi sáng hôm sau.
Giấm: Giấm ăn 60g, đường đỏ 15g, gừng 3 lát, giã nát. Hoà lẫn cả 3 thứ với nhau rồi cho bệnh nhân uống.
Củ cải trắng: Giã nát một ít củ cải trắng, sau đó vắt lấy nước cốt, thêm chút đường đỏ rồi cho người say uống làm nhiều lần.
Rau cần: Rau cần một nắm rửa sạch, giã nát rồi vắt lấy nước cốt cho người say uống từ từ.
Nước cơm: Sau khi uống rượu, nếu uống một bát nước cơm sẽ không bị say nữa, vì cồn gặp nước cơm sẽ tạo nên hiện tượng kết tủa, từ đó làm giảm lượng cồn hấp thu vào máu.
Củ sắn dây: 25-50g nấu nước uống, hoặc pha một cốc bột sắn dây với một chút nước chanh rồi cho người say uống, một lúc sau sẽ tỉnh táo trở lại.
Mía đỏ: Cho người say uống một cốc nước mía đỏ có pha thêm một chút nước chanh hoặc nước quất, sau 10 phút sẽ thấy tỉnh táo trở lại.
Ngoài ra, ăn các loại quả chua như cam, quýt hoặc dâu tây... cũng giúp giải rượu rất tốt. Và cách tốt nhất là không nên uống nhiều rượu bia!
Theo BS. Nguyễn ĐăngSK&ĐS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét