Nước mình có luật nước, nhưng
thực hiện thì tùy ý người lãnh đạo.
Luật nước và luật tỉnh
(Petrotimes) - Theo dõi báo chí, độc giả hơn một lần ngạc nhiên vì có hiện tượng địa phương xé rào, tự tung tự tác đưa ra những quy định vi hiến, chọi luật.
Đó là chuyện tỉnh này, thành phố nọ ra tuyên bố bằng văn bản không chấp nhận tuyển công chức chỉ có bằng đại học hàm thụ, tại chức hoặc dân lập. Bị thổi còi, thấy êm êm, chắc là địa phương lặng lẽ rút quyết định.
Bước sang năm 2012, ngày 3/1/2012, UBND TP Đà Nẵng có công văn yêu cầu Công an Đà Nẵng tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới đối với tất cả các trường hợp có chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ, không có nghề nghiệp ổn định. Theo lãnh đạo TP Đà Nẵng, do làn sóng người nhập cư ngày càng lớn, tạo áp lực lên các hoạt động KT-XH của thành phố và gây mất trật tự an ninh.
Theo số liệu được công bố, hiện người nhập cư ở Đà Nẵng có đăng ký tạm trú là 11.356 hộ với 114.290 người, chiếm 11,5% dân số toàn thành phố. Số có đăng ký thường trú vào địa chỉ ở thuê, mượn, ở nhờ là 2.163 hộ với 14.344 nhân khẩu.
Theo các chuyên gia pháp luật, Nghị quyết của HĐND TP Đà Nẵng là trái với Luật Cư trú. Theo quy định tại luật này, công dân Việt Nam có quyền được tự do đi lại, tự do chọn nơi cư trú cho mình. Luật Cư trú không bắt buộc nơi thường trú hay tạm trú của công dân. Tất cả các đối tượng đang ở nhà thuê, mượn, ở nhờ, người không có nghề nghiệp ổn định đều được đăng ký thường trú nếu chủ nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý.
Như vậy, quy định của Đà Nẵng đi ngược lại với nội dung tinh thần của Hiến pháp. Người dân cũng cho rằng, quy định của Đà Nẵng thể hiện tư duy “luật nước thua luật tỉnh”, “phép vua thua lệ làng”, không phù hợp với cung cách năng động của Đà Nẵng đang được tôn vinh.
Với người dân bị từ chối nhập cư việc phân biệt, đối xử này gây phản cảm, so bì giữa các tần lớp cư dân từ nông thôn ra thành phố trong xu hướng đô thị hóa, công nghiệp hóa hiện nay.
Các đô thị lớn không chỉ của Việt Nam và của nước ngoài đều phải đối mặt với làn sóng dân nhập cư bên ngoài đổ vào và tất yếu sẽ gây nên tình trạng quá tải đối với hạ tầng xã hội, gây khó khăn trong việc thực hiện các chính sách, khó khăn trong quản lý… Vấn đề là cần có giải pháp căn cơ chứ không phải là bế quan tỏa cảng! Việc dân cư đổ về nơi có điều kiện sống tốt hơn, có nhiều cơ hội làm việc luôn là thực tế mà chính quyền đô thị phải xử lý. Từ đó đòi hỏi chính quyền phải có trách nhiệm giải quyết, hỗ trợ người dân an cư lạc nghiệp hoặc tìm ra giải pháp căn cơ hơn, như tạo điều kiện để người dân có cuộc sống tốt hơn tại chính quê nhà của họ thay vì ban hành một lệnh cấm. Được biết, đã có đại biểu Quốc hội cho biết sẽ đưa việc này ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội để yêu cầu Đà Nẵng rút lại quyết định này.
Minh Văn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét