Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

Không phải là bò nhưng “có còn là con người nữa không”?

Không phải là bò nhưng
“có còn là con người nữa không”?



Hà Văn Thịnh
Ngày đầu tiên của năm mới, đọc báo và… đau đớn! Chưa có năm nào mà dịp cuối năm lại cùng lúc được nghe và thấy một GS (Nguyễn Huệ Chi, BBC, 31.12.2011) và một nhà văn (Võ Thị Hảo, BBC, 30.12.2011) trăn trở về cái chuyện hổng giống ai trên trái đất này: GS Nguyễn Huệ Chi mong muốn những người cầm quyền biết rằng trí thức không phải là bò, còn nhà văn Võ Thị Hảo thì băn khoăn, có lẽ trí thức Việt Nam bây giờ không còn/ không giống là con người nữa (!). (Nguyên văn: “Chúng ta có còn bình thường không và có còn là con người nữa không…”. “Chúng ta” là nói về trí thức Việt Nam theo nghĩa hẹp và “cả dân tộc Việt Nam” theo nghĩa rộng).
Hai cách nói và nghĩ của hai người không lẽ “bỗng dưng” mà trùng lặp? Rõ ràng không thể có chuyện ngẫu nhiên mà phải đoan quyết ngay lập tức rằng đây chính là tâm trạng chung, suy nghĩ chung của không ít trí thức thời nay trước việc họ bị gạt ra bên lề xã hội, trong khi hầu như ai cũng biết về cái gọi là “nền kinh tế tri thức”, “vai trò hàng đầu của trí thức trong thời đại mới”… Những ngôn từ thật kêu và thật mạnh của nỗi mỉa mai ê chề.
Chợt nhớ đến Trịnh Công Sơn khi ông đã từng hát lên rằng, có “một đàn bò vào thành phố”. Vì là ngôn ngữ của ca khúc nên không rõ (thật ra là chẳng muốn bới đào cái sự rõ) là Trịnh muốn nói tới loại bò nào. Phải chăng Trịnh nghĩ và tin rằng, bởi vì có những người mặc nhiên là bò nên họ coi ai cũng là bò? Chính vì cái lẽ mặc nhiên ấy nên xã hội thời nay đang tạo ra cả một thế hệ như bò hoặc xa xôi một chút, không còn là con người nữa?
Một đất nước mà chỉ băn khoăn vì một nỗi không phải bò, không phải người thì làm sao có thể phát triển, làm sao có thể văn minh hơn người, giông giống người? Nỗi đau này ai thấu hiểu cho đây? Chẳng lẽ những người có trách nhiệm cũng cho rằng chuyện này là “chuyện nhỏ”?
Làm sao năm hết tết đến, bao thứ phải nghĩ, phải lo; trí thức hay người dân lao động chân tay lại không hề vui mà chỉ buồn về thân phận thấp hèn, bị quyền lực coi khinh, chà đạp?
Nếu tỉnh lại một chút và nghĩ xa hơn một tý sẽ thấy rằng, sự nguy nan của vận nước, sự đau đớn của thời cuộc đã trầm trọng lắm rồi. Không đúng ư? Có thời buổi nào, ở nước nào mà cùng lúc hai nhà văn lại “đồng thanh” nói chúng tôi không phải là người, có lẽ là bò? Đây không chỉ là tiếng chuông cảnh tỉnh mà là sự báo động ở cấp độ da cam một thực tế rằng sự coi khinh trí thức, sự chà đạp lên các giá trị thông thường đã đến mức không thể chấp nhận được.
Nhân ngày đầu năm, xin bày tỏ một ước mong nhỏ nhoi: Trong năm 2012, chúng ta không phải là bò!
Huế, Ngày 1-1-2012.

Bình luận của bạn đọc:
Bò thì không phải là trí thức nhưng chắc chắn có một trí thức là bò.

Cụ Hồ viết: „Mỗi việc mỗi, mỗi lời không tự chủ, / Để cho người dắt tựa (như) trâu bò.
*
Câu đố thời học trò:
Chẳng phải bò, chẳng phải trâu;
Uống nước ao sâu, lên cày ruộng cạn.

– Cái bút có phải công cụ và công việc của trí thức không?
*
Về cuộc sống của „bò“, xin nhớ lại „niềm vui“ của „người chăn bò“:
Nông trường ta rộng mênh mông,
Trăng lên, trăng lặn – vẫn không ra ngoài!
*
Trong nhìn nhận, nên phân biệt giữa “trí thức”, “sỹ phu” và “chính khách” (nhà chính trị).
Bác Vương Trí Nhàn ghi lại tổng kết hay:
Đã có câu tổng kết trí thức chỉ làm đến tể tướng chỉ có lưu manh mới có thể làm vua.
Không ai “trí thức” hơn Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm; Nhưng ông từ quan, không tham chính và chỉ nói những điều “quốc kế, an sinh” khi có người đến hỏi. Cấu trúc xã hội đông phương, vận dụng trong y học thì phân ra 4 cấp: Quân, Thần, Tá, Sứ. (Y học là thứ cẩn trọng mà dân ta gọi sản phẩm của nó là “liều (thuốc)” thì cũng có ý gì chăng?) – Con người trong xã hội lấy cái “LỢI” làm đầu. Vua (quân, nhà chính trị) có mục đích là cái lợi trước mắt, cụ thể cho cá nhân và nhóm nhỏ. Người trí thức, với tri thức của mình, có thể thấy cái lợi chung và lâu dài nên có thể giúp cho một vị vua hay một triều đại trong một giai đoạn nào đó vì ý nguyện hay, nhiều khi, vì tư lợi. (trong vai trò “thần”). Sỹ phu là những người chỉ nghĩ và sống cho cái lợi của toàn thể và lâu dài.
*
Con người trong xã hội tiến bộ lên bằng cách “Thử – Sai”, nghĩa là qua thực tế trải nghiệm chứ ít khi bằng tư duy luận lý. Có chữ: “Lao tâm (suy nghĩ, tìm tri thức) trị người; Lao lực (dùng chân tay đào bới dầu mỏ, bauxite, … đem bán lấy tiền tiêu xài) người trị”.
Dân ta có lòng nồng nàn yêu nước, … Mỗi khi đất nước bị xâm lăng …” (HCM) – Nghĩa rằng khi Đất nước chưa bị xâm lăng thực sự, thì cứ tự nhiên chen lấn, giẫm đạp lên nhau mà mưu lợi riêng chăng?
Thôi đành cho những ngu tối cũng là thứ “cộng nghiệp” của dân Việt chăng?
Bước chân lịch sử đi không vội” (Nguyễn Hữu Đang) lại chua xót thế chăng?
Nghĩ như thế thì muốn vui mà vẫn lại buồn chăng?
– Quo vadis, 2012 ?

Câu thơ của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu:” Cũng bởi thằng dân ngu như lợn./ cho nên chứng nó mới làm quan”
Vậy là bởi mình (tức là người dân) ngu quá lợn, nên đám ngu dốt độc tài và vô sỉ mới “dễ làm quan”. Chứ không ngu, không chịu ngu thì vấn đề sẽ khác lắm. Còn với người trí thức chân chính thì tất nhiên là không thể “ngu” rồi. Vậy thì vì sao mà “chúng nó” vẫn “dễ làm quan” nhỉ ?. Căn nguyên là trong hơn nửa thế kỷ, người ta đã kịp đào tạo, “đẻ ra” mấy thế hệ đám trí nô vừa ngu dốt vừa lưu manh, không chỉ làm bò , làm trâu, ngựa cho bề trên, mà còn cam tâm nhắm mắt phun nọc độc vào văn hóa và văn hiến nước nhà. Còn những trí thức chân chính là những người HIỀN đích thực cũng trong ngần ấy năm đã bị hãm hại bằng nhiều thủ đoạn tinh vi nên nguyên khí của Quốc Gia đã đến hồi cạn kiệt. Bi kịch của dân, của nước nhà là vậy . Xót thương thay !

Nhân chuyện con Bò, xin đố các vị một câu đố dân gian :
Cái đầu Bò, không phải con Bò, nhưng đích thực là đầu Bò.
Là con gì ?

Lấy tư duy của bò ra đối xử với nhân dân và vận hành đất nước thì làm sao không biến tất cả thành một đàn cừu như Ngô Bảo Châu nói từng nói.
Xin nói thêm có ít nhất bốn người đã từng nhắc đến chuyện “bò, cừu” trong năm 2011 này rồi.
Đố biết là ai ? Nói thế nào ?
Ngô Bảo Châu đã có ví von về người không phải CỪU. Nay thêm một hình ảnh ấn tượng nữa nhắc lại người không phải là BÒ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét