Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

Việt Nam có thể mắc bẫy “năng suất kém”

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2011:
 
Việt Nam có thể mắc bẫy “năng suất kém”

Theo Báo cáo điều tra cảm nhận môi trường kinh doanh 2011, công bố ngày 2.12 tại VBF, chỉ số đánh giá về môi trường kinh doanh Việt Nam đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Đáng chú ý, quản lý kinh tế vĩ mô - sau nhiều năm được đánh giá cao - đã lần đầu tiên bị doanh nghiệp xếp vào nhóm 3 lĩnh vực đáng lo ngại nhất.   
Khó khăn do nguyên nhân nội tại

Phát biểu tại diễn đàn (ảnh), Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh thẳng thắn thừa nhận khó khăn của nền kinh tế VN trong năm 2011 chủ yếu do nguyên nhân nội tại. Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, kinh tế VN vẫn đối mặt nhiều thách thức như lạm phát cao; DN khó tiếp cận tín dụng do lãi suất cao và chính sách tiền tệ siết chặt; thị trường bất động sản trầm lắng, nợ xấu ngân hàng có xu hướng tăng, sản xuất công nghiệp có tăng chậm, hàng tồn kho tăng.

Những thách thức trên cũng chính là lý do khiến các DN “chấm” môi trường kinh doanh VN 2011 chỉ đạt 2,04 (trên thang điểm 4), thấp hơn nhiều so với con số 2,52 trong năm 2010 và cận kề mức 1,9 của năm khủng hoảng tài chính 2008. Bên cạnh đó, có đến 23,71% số DN đánh giá môi trường kinh doanh ở mức “kém”, so với tỉ lệ có 4,9% năm 2010.
Việt Nam cần cải thiện và nâng cao trình độ của lực lượng lao động.     Ảnh:Kỳ Anh
Việt Nam cần cải thiện và nâng cao trình độ của lực lượng lao động. Ảnh:Kỳ Anh
Trong 14 lĩnh vực cụ thể của môi trường kinh doanh VN được liệt kê trong bảng điều tra, không có lĩnh vực nào được chấm đến... điểm 3. Các lĩnh vực được đánh giá cao nhất là tiếp cận thông tin (2,7 điểm), hệ thống thuế và quản lý thuế (2,46), khả năng cạnh tranh trong khu vực (2,43), chi phí kinh doanh (2,42). Các lĩnh vực “vẫn bị kêu như cũ” là cơ sở hạ tầng (2,29), giải quyết tranh chấp (2,30), tiếp cận đất đai (2,27). Đáng chú ý, quản lý kinh tế vĩ mô (2,23) bị xếp vào nhóm 3 yếu tố chót bảng, chỉ đứng trên, tiếp cận ngoại tệ (2,21) và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (2,09). Trong khi đó, quản lý kinh tế vĩ mô từng đứng đầu trong bảng xếp hạng hồi năm 2009. Điều này phản ánh thực tế là bất ổn kinh tế vĩ mô đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của DN.

Triển vọng dài hạn vẫn tích cực


Bất chấp những khó khăn trên, có đến gần 69% số DN tham gia Báo cáo điều tra cảm nhận môi trường kinh doanh VN cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong 3 năm tới, do kỳ vọng vào tiềm năng dài hạn của nền kinh tế VN. Chỉ có 2,31% số DN (đều là DN trong nước) cho biết sẽ giảm quy mô kinh doanh và 1 doanh nghiệp cho biết có kế hoạch đóng cửa.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN Vũ Tiến Lộc cho rằng, điểm nóng nhất trong năm 2011 là “tình trạng tiếp cận vốn đặc biệt khó khăn” do tác động từ chính sách siết chặt tiền tệ, với lãi suất cao quá mức chịu đựng của DN. Song đa số các DN cả trong và ngoài nước đều kiến nghị Chính phủ nên duy trì chính sách tiền tệ thận trọng, hướng đến bình ổn kinh tế vĩ mô với triển vọng kiềm chế lạm phát - ông Vũ Tiến Lộc cho hay.

Một số DN thẳng thắn cho rằng, nền kinh tế yếu kém một phần là do thời gian qua đã tập trung quá lớn nguồn lực cho DN nhà nước và không kiểm soát quá trình đầu tư của khối DN này một cách hiệu quả. Đầu tư công ở VN dù chiếm tỉ lệ rất cao so với GDP nhưng chưa mang lại kết quả tương xứng, cơ chế phân bổ nguồn lực còn quá nhiều bất cập. Đây còn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lạm phát cao.

Tại diễn đàn, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại VN - bà Victoria Kwakwa - đề cao quan điểm của VN muốn giữ ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách tái cấu trúc kinh tế, đặc biệt là đầu tư công và khu vực tài chính. “Đây là những khu vực quan trọng để duy trì tính cạnh tranh của VN” - bà Kwakwa cho hay.

VBF là diễn đàn được tổ chức thường niên tại Việt Nam trước thềm Hội nghị các nhà tài trợ (CG). Diễn đàn năm nay có chủ đề “Giai đoạn mới cho tăng trưởng cạnh tranh”, nhằm giúp VN hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và đầu tư. Điều tra cảm nhận môi trường kinh doanh VN 2011 thu hút 240 DN tham gia; trong đó, có gần 80% là DN trong nước, 20% là DN có vốn đầu tư nước ngoài.  
Chủ tịch Hiệp hội các DN Châu Âu (EuroCham) Alain Cany: Doanh nghiệp giảm lòng tin. Lòng tin của các DN Châu Âu vào VN như một điểm đến đầu tư đã có chiều hướng giảm từ đầu năm 2011, điển hình là chỉ số môi trường kinh doanh hằng quý (BCI) của EuroCham bị sụt từ 78 xuống còn 52 điểm. Trong đó, vấn đề hối lộ và tham nhũng cũng đang làm xói mòn sức cạnh tranh của DN tại VN; đồng thời làm chệch hướng những hoạt động kinh tế phù hợp, cản trở ý định của chính phủ nước ngoài muốn cung cấp ODA. Tuy nhiên, EuroCham tin tưởng rằng khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) VN và EU được ký kết, FDI của EU sẽ tiếp tục tăng về số lượng và chất lượng. EuroCham tin rằng, đây là thời điểm để khởi động chính thức các cuộc đàm phán nhằm đưa ra sự thống nhất về FTA giữa VN và EU.
Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) Christopher Twomey: Cần thúc đẩy và nâng cao trình độ nhân lực. Chính phủ VN cần thúc đẩy việc cải thiện và nâng cao trình độ của lực lượng lao động. Nếu tiếp tục tình trạng nhân lực kém, không được đào tạo và thiếu trình độ, VN có thể sẽ mắc vào tình trạng “bẫy năng suất kém”, gây hạn chế tính cạnh tranh của VN trên thị trường toàn cầu. Việc bồi dưỡng kỹ năng và huấn luyện nâng cao nguồn nhân lực rất cần thiết để đạt được năng suất cao và thu nhiều lợi nhuận hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục đối mặt với sự bất cập và chậm trễ trong việc phát triển cơ sở hạ tầng then chốt, đặc biệt là các tuyến cầu đường liên tỉnh.     A.P
  Phương Thuỷ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét