Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2011

Phá sản nhiều nhưng DN vẫn muốn thắt chặt tiền tệ

Hoan hô các DN. Các DN còn thấy thắt chặt là cần thiết thì 
không hiểu với mục đích gì mà nhiều nhà quản lý vĩ mô đòi nới lỏng:

Phá sản nhiều nhưng DN 
vẫn muốn thắt chặt tiền tệ

(VEF.VN) - Năm 2011, lần đầu tiên, quản lý kinh tế vĩ mô "bị" xếp vào nhóm 3 lĩnh vực đáng lo nhất. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẵn sàng chịu đau trong ngắn hạn để ủng hộ Nghị quyết 11, chống lạm phát và ổn định vĩ mô.
Nằm trong khuôn khổ Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) sắp diễn ra vào 6/12 tới, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) do Bộ Kế hoạch đầu tư,  Ngân hàng Thế giới và Công ty Tài chính quốc tế (IFC)  đồng tổ chức  đã diễn ra sáng 2/12. Như thường lệ, VBF tiếp tục công bố kết quả điều tra cảm nhận của các doanh nghiệp về môi trường kinh doanh với nhiều chỉ số quan trọng.
Môi trường kinh doanh u ám
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá: "Năm 2011 được coi là một năm khó khăn nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Cảm nhận môi trường kinh doanh hiện tại khá u ám."
Cuộc điều tra đối với 240 doanh nghiệp (20% doanh nghiệp FDI và 80% doanh nghiệp trong nước) cho kết quả, chỉ có 26% số doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh năm nay là tốt và rất tốt, bằng một nửa cho với tỷ lệ quá bán (51,36%) của năm 2010. Số điểm các doanh nghiệp "chấm" cũng thấp hơn nhiều so với năm ngoái và gần với mức "tạm được" hoặc "kém" của năm 2008-  năm khủng hoảng tài chính nổ ra.
Đồng thời, số các doanh nghiệp bi quan về tình hình kinh doanh năm nay đã tăng lên. Nếu như năm 2010 chỉ có 4,9% doanh nghiệp chê môi trường kinh doanh "kém" thì năm nay, tỷ lệ này tăng vọt lên tới 23,71%.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) ghi nhận
dự cảm môi trường kinh doanh của doanh nghiệp vẫn lạc quan (ảnh: Phạm Huyền)

Chỉ số cảm nhận trên cũng phản ánh sát thực với con số gần 49.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động hoặc phá sản mà Bộ Kế hoạch và đầu tư công bố mới đây. Trạng thái "u ám" này ít nhiều gắn liền với tác động của chính sách kiềm chế lạm phát theo Nghị quyết 11. Báo cáo của VBF đã khẳng định thực trạng một số doanh nghiệp đã chịu tác động rất tiêu cực từ chính sách thắt chặt tiền tệ nhiều tháng qua.
Các ngân hàng bị ấn định hạn mức tín dụng, lãi suất cao quá sức chịu đựng nên chi phí sử dụng vốn, chi phí kinh doanh của doanh nghiệp bị đẩy lên quá cao. Tiếp cận vốn vay ảnh hưởng xấu nhất là tới nhóm các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.
"Các doanh nghiệp đứng trước nguy cơ đóng cửa, trông chờ vào nguồn "tín dụng phi chính thức", duy trì hoạt động cầm cự. Rất nhiều doanh nghiệp rơi vào khả năng vỡ nợ, phá sản hàng loạt đang trở thành một thực tế hiện nay", VBF nhận định.
Trong khi đó, mức độ cải thiện môi trường kinh doanh ở lĩnh vực gắn liền với chi phí đầu vào, đó là thuế và đất đai lại không có chuyển biến nhiều. VBF cho biết chỉ có 17,9% doanh nghiệp đánh giá qui định thủ tục đất đai thông thoáng hơn, tiếp cận dễ dàng hơn và chỉ có 20,94% doanh nghiệp đánh giá thời gian chuẩn bị, thương lượng và trả các loại thuế ngắn hơn.
Cùng đó, nhóm vấn đề ít cải thiện nhất năm 2011, bên cạnh bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhái hàng giả, VBF cho biết còn có nhóm vấn đề tiếp cận đất đai và tiếp cận ngoại tệ.
Đặc biệt, lần đầu tiên, vấn đề quản lý kinh tế vĩ mô của Chính phủ được xếp vào nhóm 3 lĩnh vực đáng lo ngại nhất. Điều này cũng đồng nghĩa rằng, bất ổn kinh tế vĩ mô đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, lạc quan vẫn là tinh thần chung của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Dù hiện tại có nhiều khó khăn, nhưng đáng mừng là, vẫn có 69% doanh nghiệp dự kiến mở rộng hoạt động kinh doanh trong 3 năm tới. Chỉ có 2,31% doanh nghiệp cho biết sẽ giảm quy mô kinh doanh và có 1 doanh nghiệp có kế hoạch đóng cửa hoạt động.
Theo điều tra của VBF, bốn lý do khiến các doanh nghiệp lạc quan như vậy, là tăng trưởng của thị trường nội địa và khu vực, triển vọng kinh tế thuận lợi, mở cửa thị trường và cải cách do Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng và cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài.

Ủng hộ thắt chặt tiền tệ
Một điểm khác biệt của cuộc điều tra cảm nhận môi trường kinh doanh đối với doanh nghiệp năm nay là câu hỏi nóng bỏng: "Chính phủ có nên kiên trì thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ theo Nghị quyết 11 cho đến khi kinh tế vĩ mô bình ổn hay không?"

Doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn chia sẻ ủng hộ Nghị quyết 11
(ảnh minh họa: Phạm Huyền)
Báo cáo của VBF cho biết có hơn 31% doanh nghiệp không bày tỏ ý kiến gì, đồng thời có gần 20% doanh nghiệp không đồng tình, bày tỏ quan điểm trái ngược. Nhưng chiếm số đông hơn, 49% doanh nghiệp đã trả lời đồng thuận về sự kiên định của Chính phủ trong việc thắt chặt tiền tệ.
Phân tích về lý do ủng hộ Nghị quyết 11 trên, VBF cho hay, nhiều doanh nghiệp đều đồng lòng nhận thấy rằng, lạm phát tuy giảm qua các tháng gần đây nhưng vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại. Trong bối cảnh hiện tại, nếu nới lỏng tiền tệ sẽ làm nền kinh tế bất ổn hơn. Với những căn bệnh khá nghiêm trọng của nền kinh tế, đây là việc đáng ra phải làm từ năm 2008 và trước sau gì cũng phải có giải pháp quyết liệt, vấn đề là bỏ công sức ra bây giờ hay là sau này thực hiện?
Cũng theo VBF, có doanh nghiệp còn thẳng thắn cho rằng, thắt chặt tiền tệ tuy là giải pháp đau đớn nhưng qua đây sẽ giúp thanh lọc các doanh nghiệp yếu kém, loại bỏ những doanh nghiệp cơ hội, đầu cơ trục lợi, sinh ra ăn nhờ cơ chế. Đây là việc cần thiết phải làm khi mà dư nợ tín dụng trong khu vực tư của Việt Nam đã tăng quá nhanh, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong GDP và tỷ lệ nợ xấu cũng tăng lên đáng lo ngại. Tình hình này tiềm tàng rủi ro khôn lường cho an toàn hệ thống tài chính và nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, thắt chặt tiền tệ chỉ giải quyết "phần ngọn" của căn bệnh kinh tế Việt Nam hiện nay. Cộng đồng doanh nghiệp khuyến cáo Chính phủ cần triển khai song hành với các giải pháp thắt chặt chi tiêu, tài khóa, tăng cường hiệu quả đầu tư công. Giới doanh nghiêp tư nhân được điều tra cũng không quên lưu ý mạnh mẽ việc vẫn còn nhiều ưu đãi quá lớn cho doanh nghiệp Nhà nước, khu vực hoạt động kém hiệu quả.
Ghi nhận ý kiến các doanh nghiệp, VBF cho biết nhiều doanh nghiệp đề nghị Chính phủ cần thẳng thắn nhận rõ và giải quyết căn bản những vấn đề yếu kém của nền kinh tế, chú trọng phát triển bền vững lâu dài. Bên cạnh đó, khi bối cảnh kinh tế "nhạy cảm" như hiện nay thì các doanh nghiệp đồng lòng nhận thức rằng, muốn tồn tại được, buộc phải  biết "tự thân vận động", dựa vào nội lực của chính mính.
Năm nhóm giải pháp hàng đầu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh  được doanh nghiệp đề nghị thực hiện theo thứ tự ưu tiên là:
1. Tiếp tục cải thiện và đơn giản hóa thủ tục hành chính.
2 .Cải thiện hệ thống thông tin và viễn thông năng lượng,
3. Cải thiện hạ tầng vận tải,
4. Giảm rào cản gia nhập thị trường,
5. Đối xử bình đẳng hơn giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét