Niềm hy vọng của Miến Điện
Ngô Nhân Dụng, Tháng Mười Hai 4, 2011
Bà Aung San Suu Kyi nói bà sẽ ra ứng cử, sẵn sàng “đánh cá” là chính quyền quân phiệt Miến Điện có ý định thật sự muốn tiến bước trên đường dân chủ hóa. Đây là một quyết định can đảm; thêm một biểu hiện của đức can đảm mà bà Suu Kyi từng chứng tỏ từ hơn hai chục năm qua.
Năm 1997 bà Suu Kyi hoàn toàn không tin tưởng nhóm quân phiệt; khi họ hứa sẽ cho phép bà trở về nếu đi London thăm ông chồng người Anh đang bị ung thư, chờ chết. Bà không đi, thà xa chồng còn hơn xa đất nước. Chính quyền Miến đã từ chối không cấp chiếu khán cho ông Michael Aris vào Miến Điện gặp vợ lần chót; mặc dù có lời yêu cầu của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan, của Đức Giáo hoàng Gioan Phao Lô II, và các chính phủ Anh, Mỹ. Hai năm sau, ông qua đời, không được nhìn vợ, sau lần gặp cuối cùng vào năm 1995. Bà Suu Kyi cũng phải xa cách hai người con trai; mặc dù thời còn trẻ họ đã từng vào chùa, cạo đầu, sống theo phong tục Miến, cho tới năm 2011 họ mới được phép về thăm mẹ. Người phụ nữ này đã hy sinh tình cảm gia đình, vì một lý tưởng: Cứu nước khỏi nạn độc tài. Chế độ độc tài đã gây nên tình trạng chậm tiến, hơn 50 triệu dân sống trong cảnh nghèo đói nhất châu Á, mặc dù khi còn sống dưới chế độ thực dân Anh Miến Điện vốn là một nước giầu nhất Đông Nam Á.
Năm 1988 nghe tin thân mẫu, bà Khin Kyi đang lâm bệnh nặng, ngày hôm sau Aung San Suu Kyi bay về nước trông nom mẹ. Lúc đó bà chưa hoạt động chính trị. Trong 9 tháng cho tới khi mẹ qua đời, Suu Kyi chứng kiến cảnh đất nước suy vong, nhân dân nghèo khó và mất hết tự do. Trước giờ hạ huyệt, Aung San Suu Kyi đã phát nguyện trước linh hồn cha mẹ là bà sẽ tiếp tục công cuộc tranh đấu cho người dân Miến Điện được tự do, dù có chết cũng không ngần ngại. Từ đó, bà đã cương quyết ở lại quê hương tham dự cuộc tranh đấu đòi dân chủ như cha mẹ đã theo đuổi suốt đời. Đó là một hành động can đảm đáng ngưỡng mộ.
Nước Miến Điện đã nếm mùi sống dân chủ sau khi được Anh trao trả độc lập năm 1947; ông Aung San thân phụ bà vốn là một lãnh tụ kháng chiến đã bị ám sát năm đó, thân mẫu bà nuôi ba con, có lúc đã đưa bà sang sống ở Ấn Độ, khi nhậm chức đại sứ ở đó. Aung San Suu Kyi mang tên cả mẹ lẫn cha, Suu là tên bà nội. Năm 1962, Tướng Ne Win đảo chính xóa bỏ chế độ dân chủ, với chiêu bài “xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa theo lối Miến Điện.” Ông tiếm quyền cho tới năm 1988 mới từ chức sau những cuộc biểu tình phản đối chế độ độc tài trên toàn quốc. Chính quyền vẫn nằm trong tay nhóm quân phiệt. Kinh tế Miến Điện xuống giốc, các quyền tự do bị tước bỏ, quốc gia bị cả thế giới tẩy chay, trừ các nước độc tài còn giao dịch; trong đó Trung Cộng đứng hàng đầu.
Suu Kyi đã trở thành ngọn hải đăng cho cả phong trào dân chủ ở Miến Điện, sau khi bà diễn thuyết lần đầu tiên lên tiếng đòi tự do dân chủ vào năm 1988, trước ngôi chùa Shwedagon nổi tiếng mà bà Clinton mới được đi thăm trong chuyến công du Miến Điện đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ kể từ năm 1955. Bà Suu Kyi cùng các người cùng chí hướng thành lập Liên đoàn Dân tộc vì Dân Chủ (NLD), bà đi diễn thuyết khắp nơi, mặc dù bị chính quyền cấm đoán.
Chính quyền quân phiệt đã hứa hẹn thay đổi chế độ một lần năm 1990, tổ chức bỏ phiếu bầu quốc hội. Aung San Suu Kyi và đảng NLD đã tin tưởng và tham dự cuộc bầu cử này. Đảng NLD thắng 60% số phiếu bầu và chiếm 80% số ghế trong quốc hội. Chính quyền quân phiệt đã trắng trợn bãi bỏ kết quả bầu cử, bắt giam các dân biểu đối lập, cấm NLD hoạt động. Bà Aung San Suu Kyi bị bắt giam nhiều lần. Cả thế giới văn minh đã tạo áp lực trên chính quyền quân phiệt đòi trả tự do cho Aung San Suu Kyi, trừ chính quyền Trung Quốc. Năm 2009 chính quyền quân phiệt quyết định quản thúc bà Suu Kyi 18 tháng, mục đích không cho bà tham dự cuộc bầu cử năm 2010. Các nước khối ASEAN tính lên tiếng kêu gọi Miến Điện trả tự do cho bà, nhưng bị chính quyền cộng sản Việt Nam phản đối. Phát ngôn viên Lê Dũng nói Hà Nội luôn luôn ủng hộ chính quyền Miến Điện, kể cả quyết định quản thúc mới này.
Nhưng năm nay, nước Miến Điện đang biến chuyển. Các người lãnh đạo mới của nhóm quân phiệt đã đưa ra những hành động bầy tỏ thiện chí nới lỏng vòng kiềm tỏa trên dân chúng. Họ đã thả một số tù nhân chính trị, cho phép các mạng lưới được tự do hơn, và đã chính thức mời bà Suu Kyi tái lập Liên Đoàn Dân Tộc Dân Chủ, và tham dự cuộc bầu cử bổ túc sắp tới để điền khuyết 48 ghế dân biểu trong quốc hội bầu vào năm ngoái. Ngày bỏ phiếu chưa được quyết định, nhưng sau khi gặp lãnh tụ nhóm quân nhân, bà Aung San Suu Kyi đã quyết định sẽ ra tranh cử!
Các hành động có vẻ bất ngờ của các lãnh tụ quân phiệt thực ra đã được bắt đầu từ năm ngoái, khi họ đưa một người dân sự (tướng về hưu) ra làm thủ tướng. Chính phủ mới này đã bắt đầu nới lỏng tự do, sửa đổi đạo luật bầu cử để chứng tỏ thiện chí, chuẩn bị cho các bước tiến mới hiện nay. Khi đồng ý tham dự cuộc bầu cử, bà Aung San Suu Kyi đã giúp cho nhóm quân phiệt được tiếng tốt, và bà chấp nhận cuộc tranh đấu ở nghị trường giữa đa số các dân biểu “gia nô” do chính quyền tuyển chọn. Chắc phải có những dấu hiệu vững chắc từ phía các tướng lãnh mới khiến bà Aung San Suu Kyi chấp nhận cuộc “đánh cá” lịch sử này. Bà tuyên bố, “Tôi tin tưởng đa số nhân dân Miến Điện muốn diễn ra một cuộc dân chủ hóa bình an và hòa hài… Tôi nghĩ là một số người trong chính quyền bắt đầu nhìn thấy nước Miến Điện không thể tiếp tục con đường hiện nay được nữa.” Bà nhấn mạnh điều quan trọng là phải thiết lập một thể chế trọng pháp luật, quan trọng hơn cả việc thả tù nhân chính trị. Bởi vì dù thả hết tù nhân chính trị, nếu không tôn trọng luật pháp thì lúc nào họ cũng có thể bắt lại.
Cuối cùng, vì thấu hiểu lòng người dân, cho nên Aung San Suu Kyi quyết định tham dự cuộc đánh cá này bắt lấy một cơ hội với hy vọng dân chủ hóa đất nước. Một dấu hiệu của lòng dân Miến Điện thấy rất rõ là phong trào chống lại tình trạng Trung Quốc bành trướng thế lực trên quê hương họ. Lòng dân sôi sục qua các cuộc biểu tình khắp nơi khiến chính các tướng lãnh quân phiệt cũng bị động tâm, lòng yêu nước của họ được đánh thức dậy.
Từ hai chục năm qua, Trung Quốc đương nhiên chiếm độc quyền về ngoại giao và thương mại với Miến Điện khi các nước Âu, Mỹ cấm vận chính quyền quân phiệt để đòi thi hành dân chủ. Trung Quốc đã đầu tư với những dự án nhiều tỷ đô la Mỹ, để khai thác tài nguyên Miến Điện, trong đó có dầu lửa và khí đốt, gỗ rừng, ngọc thạch, vân vân, tổng số đầu tư đã trên 14 tỷ mỹ kim. Trung Quốc mở hải cảng trên bờ Vịnh Bengal nhìn qua Ấn Độ Dương, một quân cảng đã khiến chính phủ Ấn Độ phản đối. Một đường ống dẫn hơi đốt đi từ vịnh Bengal lên tới tỉnh Vân Nam, giúp Trung Quốc nhập cảng năng lượng mà không phải đi qua đường biển vùng Đông Nam Á. Trung Quốc hiện là nước giao thương lớn nhất của Miến Điện (cũng như của Việt Nam), đang tràn ngập thị trường nước này với hàng hóa Made In China. Các công ty Trung Quốc đã đưa mấy trăm ngàn công nhân sang làm việc ở Miến Điện, trong các khu khai thác rừng, mỏ, làm đường, xây đập, không khác gì ở Lào và Việt Nam. Nhưng vụ “Bô Xít Miến Điện” khiến lòng công phẫn bùng nổ là vụ xây đập Myitsone, đe dọa sẽ thay đổi khung cảnh thiên nhiên cả lưu vực con sông Irrawaddy. Nhân dân Miến Điện đã biểu tình phản đối khắp nơi. Ngày 30 tháng Chín, Chủ tịch nước Thein Sein đã phải ra lệnh ngưng cả dự án này mặc dù Trung Quốc đầu tư 3.6 tỷ đô la, hy vọng sẽ sử dụng 90% điện lực do con đập đó sản xuất. Khi công bố quyết định ngưng dự án đập Myitsone, ông Thein Sein giải thích là làm “theo ý nguyện của nhân dân.” Chính quyền Trung Quốc đã sững sờ trước quyết định này, và lập tức tố cáo chính quyền Barack Obama nhúng tay xúi dục Miến Điện.
Nếu chính quyền Mỹ có can dự vào các quyết định gần đây ở Miến Điện thì cũng nằm trong chính sách chung của họ là trở lại vùng Á Châu Thái Bình Dương; như họ đã lên tiếng trong suốt hai năm qua. Trước sau, các chính phủ Mỹ đều theo đuổi chủ trương cấm vận Miến Điện để gây áp lực dân chủ hóa. Ông Obama đã nhanh chóng gửi bà Hillary Clinton sang Miến Điện khi thấy có dấu hiệu chính quyền nước này sẽ thay đổi, vì họ không chịu được áp lực của Trung Quốc trong khi nhân dân thì phản kháng.
Có những tín hiệu từ các lãnh tụ quân phiệt, trong đó có lãnh tụ tối cao Than Shwe, cho thấy họ đã cảm thấy “ngột ngạt” dưới sức ép của Trung Quốc. Đám quân nhân cầm đầu Miến Điện không có những ràng buộc về “chủ nghĩa” hay “ý thức hệ” với đảng Cộng sản Trung Quốc. Họ coi chế độ độc tài như một phương tiện để sử dụng quyền hành mưu đồ lợi ích cho bản thân và gia đình, chứ không vì muốn theo một chủ nghĩa bắt buộc phải chuyên chính. Cho nên họ có thể thay đổi chế độ nếu thấy có một con đường khác đạt được các mục tiêu cá nhân.
Các lãnh tụ quân phiệt biết rằng một chế độ độc tài quen bất chấp pháp luật sẽ có ngày làm hại chính họ hoặc con cháu họ. Không có gì bảo đảm một nhóm độc tài khác, trong 10 năm hay 20 năm nữa, sẽ tôn trọng những tài sản mà các nhà độc tài thời nay thu góp cho gia đình hưởng. Chỉ có một thể chế tôn trọng pháp luật mới bảo vệ quyền tư hữu lâu dài. Đó có lẽ là lý do chính khiến nhóm lãnh tụ quân phiệt muốn thay đổi.
Bà Aung San Suu Kyi chắc biết rõ tình hình nội bộ của chính quyền quân phiệt cho nên đã tỏ ra tin tưởng họ muốn dân chủ hóa thật sự. Năm ngoái, đảng NLD còn tẩy chay không tham dự cuộc bầu cử quốc hội; năm nay, không những chấp nhận ra tranh cử, Suu Kyi còn chuẩn bị mở các trụ sở đảng ở nhiều nơi, sẽ xuất bản báo chí; để đòi các quyền tự do hội họp, tự do ngôn luận phải được tôn trọng. Chúng ta mong ước bà sẽ thành công khi “đánh cá” tham dự vào diễn trình dân chủ hóa mà bà tin là có thật. Bà là niềm hy vọng của nước Miến Điện. Bà cũng mang hy vọng cho một Mùa Xuân Á Châu, đang tiếp theo sau cơn gió Xuân từ các nước Á Rập và Trung Đông.
Theo Diễn đàn thế kỷ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét