Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

Cái tầm của đại biểu Quốc hội

Theo tôi được biết, trước đây QH thường tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức cơ bản cho các tân ĐBQH để họ hiểu thế nào là tăng trưởng, là bội chi ngân sách, lạm phát... để các ĐBQH biết mà bấm nút biểu quyết. Tuy nhiên không hiểu những năm gần đây có còn các lớp đấy không. 

Cái tầm của đại biểu Quốc hội

Phan Trọng Hiền
Chủ Nhật,  4/12/2011
(TBKTSG) - Quốc hội nước ta hiện có tổng cộng 500 đại biểu. Với số dân gần 90 triệu người, tính ra trung bình mỗi vị đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của khoảng 180.000 cử tri. Đó là những người ưu tú, những “tinh hoa” của dân tộc, là chỗ trông cậy của nhân dân trong quá trình xây dựng đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Nhưng muốn vậy, yêu cầu tối thiểu đặt ra là các đại biểu phải vừa có “tâm”, vừa có “tầm”. Tuy nhiên, rất tiếc là thực tế hiện nay lại không được như vậy!
Thông thường, mỗi năm Quốc hội họp hai lần. Trong một nhiệm kỳ Quốc hội năm năm sẽ có ít nhất 10 kỳ họp. Nhưng có khá nhiều đại biểu trong suốt cả nhiệm kỳ không thấy phát biểu tại hội trường lần nào. Nhiều đại biểu không có khả năng lập luận, diễn giải ý tưởng trước một vấn đề cụ thể nên phải cầm giấy để đọc. Đã vậy khi đọc còn vấp váp, không trôi chảy. Một số đại biểu còn có thói quen phát ngôn thiếu cân nhắc, như ở khóa trước có vị đã hùng hồn tuyên bố: Những nước có chỉ số IQ cao đều làm đường sắt cao tốc... Đường sắt cao tốc rất thuận tiện cho các bà nội trợ đi chợ, học sinh đi học...
Hay như tại kỳ họp vừa diễn ra, có đại biểu đã đề nghị Quốc hội soạn thảo Luật Nhà văn. Thật chẳng biết đại biểu đưa ra đề xuất này đang nghĩ gì? Trong khi đó, Luật Biểu tình rất cần thiết vừa được chính Thủ tướng Chính phủ đề xuất soạn thảo thì một số đại biểu lại bác bỏ, cho rằng không nên vì “biểu tình là để chống lại chính phủ nước mình hoặc chống lại một chủ trương của chính phủ”... Đó là một cách nghĩ nông cạn, chủ quan, không xứng tầm là đại biểu Quốc hội.

Suy cho cùng, kết quả hoạt động của Quốc hội cao hay thấp, dân tin tưởng nhiều hay ít tùy thuộc phần lớn vào chất lượng đại biểu Quốc hội. Do đó, bên cạnh việc giám sát của cử tri, Quốc hội cũng nên cân nhắc sử dụng quyền bãi miễn của mình đối với đại biểu nào vi phạm pháp luật (hoặc để cho đơn vị do mình quản lý vi phạm), sai phạm trong công tác hoặc phát ngôn bừa bãi, dẫn đến sự bất tín nhiệm của cử tri... Có như thế mới chủ động ngăn chặn được sự đánh giá không hay của một bộ phận cử tri đối với đại biểu Quốc hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét