Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2021

Muốn báo chí tự chủ, phải có ‘cơ chế đặt hàng’ đủ mạnh ???

Báo chí có ba chức năng cơ bản là (i) cung cấp thông tin cho người dân, (ii) tổ chức – quản lý, giám sát và phản biện xã hội và (iii) khai sáng – giải trí, trong đó chức năng quản lý, giám sát và phản biện xã hội của báo chí là quan trọng nhất. Chức năng quản lý, giám sát và phản biện xã hội của báo chí thể hiện ở chỗ báo chí duy trì và phát triển mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà nước và người dân thông qua việc duy trì và phát triển dòng thông tin hai chiếu, bảo đảm để người dân có thể theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc nhà nước thực thi Hiến pháp, luật pháp và nguyện vọng, ý chí của người dân như thế nào. Chính vì thế mà báo chí còn được gọi là “Đệ tứ quyền” hay “Quyền lực thứ tư”, có nghĩa là trong hệ thống chính trị phân chia quyền lực, bên cạnh hành pháp, lập pháp và tư pháp, còn có quyền lực thứ tư là báo chí. Giới truyền thông, mặc dù không có quyền lực riêng của họ để thay đổi chính sách hoặc để trừng phạt những quan chức lạm dụng quyền lực, nhưng qua việc tường thuật và tranh luận công khai bất lợi cho chính quyền có thể gây nhiều ảnh hưởng đến các quy trình chính trị và lật đổ những nhà chính trị không được lòng dân. Để làm được điều này, mỗi nhà báo, mỗi tờ báo… đều phải chủ động sáng tạo, dám xông thẳng vào những nơi người dân bức xúc nhất để thu thập, công bố những thông tin khách quan đồng thời viết bài đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải tuân thủ pháp luật và làm việc vì dân. Vậy mà ông Vũ Đức Đam không hiểu, ông ta cho rằng muốn báo chí tự chủ được thì phải có "cơ chế đặt hàng" đủ mạnh. Bộ Thông tin và truyền thông phải là đầu mối của các cơ quan báo chí, làm việc với các bộ ngành để giao nhiệm vụ, "đặt hàng" báo chí tuyên truyền, vận động trước, trong và sau khi ban hành chính sách. Vậy hóa ra theo ông Đam, 816 cơ quan báo chí với khoảng 40.000 người trong đó có 17.161 người được cấp thẻ nhà báo chỉ là một đám "bồi bút", "bút nô" được nuôi để ăn theo viết theo hướng dẫn, không biết gì về những chức năng cơ bản của báo chí, cũng không biết tự nghĩ ra những đề tài để viết, phải đợi các cơ quan bảo mẫu của nhà nước "đặt hàng" theo nội dung nào thì viết theo nội dung ấy chăng ? Nếu vậy thì nhân dân nuôi đám báo chí cách mạng ăn hại này để làm gì ?
Phó thủ tướng: Muốn báo chí tự chủ, phải có ‘cơ chế đặt hàng’ đủ mạnh
Nhật Hạ - 24/12/2021 TheLEADERBộ Thông tin và truyền thông phải là đầu mối của các cơ quan báo chí, làm việc với các bộ ngành để giao nhiệm vụ, "đặt hàng" báo chí tuyên truyền, vận động trước, trong và sau khi ban hành chính sách. "Đó không nhất thiết là những cơ quan báo chí lớn, có uy tín mà quan trọng là phải có những nhóm độc giả mà chính sách cần tác động", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị báo chí toàn quốc ngày 24/12. Ảnh: Đình Nam.

Trước sự cạnh tranh của thông tin trên mạng xã hội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng báo chí cần được thông tin minh bạch một cách nhanh nhất có thể về những “điểm nóng” hay sự cố vừa phát sinh.

Qua theo dõi, quản lý thông tin trên báo chí, mạng xã hội, Bộ Thông tin và truyền thông cần phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam chủ động hơn trong dự báo, cảnh báo và phối hợp; đề nghị các bộ, ngành cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí về những vấn đề mà dư luận, xã hội quan tâm.

"Khi báo chí chính thống minh bạch được thông tin một cách sớm nhất thì người dân, công luận sẽ nghe theo", Phó thủ tướng nhận định tại Hội nghị Báo chí toàn quốc ngày 24/12.

Bên cạnh đó, mỗi cơ quan báo chí cần quan tâm đến năng lực xử lý dữ liệu không chỉ trong nội bộ đơn vị mà của các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.

Các tác phẩm báo chí "nói có sách, mách có chứng" bằng số liệu, thậm chí là những số liệu qua phân tích nhiều dữ liệu khác mới có thể định hướng, trả lời được mong mỏi của công luận.

Ông đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam có chương trình hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển đổi số, xây dựng và xử lý cơ sở dữ liệu.

Về công tác quy hoạch, sắp xếp báo chí, Phó thủ tướng cho biết đã thực hiện được một bước và cần có quá trình để tạo chuyển biến thực chất bên trong, "không thể nóng vội".

Theo ông, mục đích quy hoạch báo chí để báo chí phát triển, không chỉ là tiếng nói của từng cơ quan chủ quản mà còn của nhân dân. "Việc thực hiện cơ chế, chính sách quản lý phải nghiêm, thực chất. Những gì không phù hợp cần được bổ sung, điều chỉnh; tránh tình trạng thực tế không như văn bản".

“Năm 2022, với tinh thần nhìn thẳng sự thật, chúng ta phải đánh giá việc thực hiện quy hoạch báo chí xem những gì phù hợp, chưa phù hợp nhằm giúp báo chí phát triển, tránh xu hướng chạy theo thị trường quá mức, tránh lãng phí nguồn lực xã hội, làm lệch lạc trong hoạt động thông tin báo chí”, Phó thủ tướng đề nghị.

Ngoài ra, ông cho rằng muốn báo chí tự chủ được thì phải có "cơ chế đặt hàng" đủ mạnh. Bộ Thông tin và truyền thông phải là đầu mối của các cơ quan báo chí, làm việc với các bộ ngành để giao nhiệm vụ, "đặt hàng" báo chí tuyên truyền, vận động trước, trong và sau khi ban hành chính sách.

"Đó không nhất thiết là những cơ quan báo chí lớn, có uy tín mà quan trọng là phải có những nhóm độc giả mà chính sách cần tác động", Phó thủ tướng lưu ý.

Ghi nhận sự đóng góp quan trọng của báo chí trong năm nay, ông Đam cho rằng các nhà báo thực sự là những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch, kịp thời phản ánh những hành động, nghĩa cử cao quý, nhân văn của người dân Việt Nam trong đại dịch.

Trước nguy cơ xâm nhập của biến chủng Omicron, Phó thủ tướng nhấn mạnh các giải pháp kỹ thuật như tăng cường tiêm vaccine, chuẩn bị thuốc điều trị, oxy y tế, nâng cao năng lực y tế cơ sở... đã có, nhưng cần đẩy mạnh thông tin, động viên để người dân đồng thuận, tham gia.

Tính đến ngày 30/11, cả nước có 816 cơ quan báo chí (in và điện tử), trong đó 114 báo, 116 tạp chí thực hiện 2 loại hình, 557 báo và tạp chí in, 29 báo và tạp chí điện tử, 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình và 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng.

Cả nước có khoảng 40.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí với 17.161 người được cấp thẻ nhà báo.

Trong năm 2021, kinh tế báo chí tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cùng với sự chi phối, cạnh tranh của các nền tảng xuyên biên giới, mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới.

https://theleader.vn/pho-thu-tuong-muon-bao-chi-tu-chu-phai-co-co-che-dat-hang-du-manh-1640340328675.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét