Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2021

Cuộc chiến chống lạm phát của Fed đã quá muộn?

Bài học cho VN: Cuộc chiến chống lạm phát của Fed đã quá muộn?
Nguồn cung trì trệ, thậm chí giảm mạnh làm mất cân đối cung cầu trên thị trường hàng hóa và dịch vụ trong 2 năm nay đã trở nên nghiêm trọng, dẫn tới giá cả tăng nhanh mặc dù điều này không được thể hiện trong các bảng số liệu thống kê chính thức của nhà nước. Thêm vào đó, chi tiêu cho ngân sách cũng tăng nhanh, nhất là chi chống dịch, trong khi nguồn thu ngân sách bị co hẹp (dù vẫn vượt kế hoạch). Một lượng tiền không nhỏ chắc chắn đã được bổ sung vào thị trường càng thúc đẩy sự tăng giá. 

Khủng hoảng trì trệ đi đôi với lạm phát diễn ra trong bối cảnh hỗ trợ và trợ cấp của nhà nước dành cho người dân và nền kinh tế hầu như không đáng kể, chứng tỏ hiệu quả của các chính sách kinh tế quá thấp kém, vừa không đảo ngược được đà suy thoái kinh tế vừa không kiềm chế được lạm phát. 

Nguy cơ nhãn tiền cho năm 2022 tới đây là nền kinh tế nước ta sẽ tiếp tục chìm sâu vào suy thoái (trong khi kinh tế thế giới đang phục hồi nhanh chóng) và lạm phát tiếp tục dâng cao.

Trước tình hình này, bài học của Mỹ về lạm phát đang rất cần thiết với nước ta.

Đẩy nhanh tốc độ giảm mua tài sản và dự định tăng lãi suất vào đầu năm tới là các bước đi tích cực trong thời gian gần đây của Fed nhằm kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, có 3 lý do khiến Fed khó có thể đưa lạm phát quay trở lại mức mục tiêu 2%.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed đã thừa nhận mức lạm phát dự báo 5,25% cho năm 2021 là điều có thể xảy ra. Con số này vượt xa mục tiêu lạm phát 2% của Fed.

Fed đã quyết định tăng gấp đôi tốc độ điều chỉnh chương trình mua tài sản, với mục tiêu kết thúc chương trình đó vào tháng 3/2022. Điều này sẽ mở đường cho các đợt tăng lãi suất từ tháng 4 năm sau để khởi động quá trình khó khăn là đưa lạm phát trở lại trong tầm kiểm soát. Fed hiện dự kiến ​​rằng họ có thể có ba lần tăng lãi suất trong năm tới.


Tuy nhiên, với mức độ mà Fed đang tụt lại trên đường cong lạm phát, các quyết định của Fed ngày hôm nay khó có thể sớm đưa lạm phát quay trở lại mức mục tiêu 2%. Có 3 nguyên nhân.

Nguyên nhân chính là, trên thực thế, các kết quả của chính sách tiền tệ có độ trễ dài và có nhiều biến số. Cũng giống như việc Fed nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch Covid-19 vào đầu năm ngoái, đã mất nhiều tháng trước khi lạm phát tăng lên mức cao nhất trong 40 năm qua. Do đó, việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ phải mất một thời gian dài mới có thể đưa lạm phát trở lại tầm kiểm soát.

Một nguyên nhân khác để lo ngại rằng các hành động của Fed ngày hôm nay sẽ không đủ để giúp lạm phát trở lại ổn định là, trong năm qua, các chính sách của Fed đã trở nên quá dễ dãi. Đặc biệt, Fed đã giữ lãi suất ở mức gần bằng 0 vào thời điểm mà lạm phát tăng nhanh, vào thời điểm mà tỷ lệ thất nghiệp đã trở lại gần mức trước đại dịch, và thậm chí vào thời điểm mà nền kinh tế Mỹ dưới thời Tổng thống Biden đang nhận được khoản kích thích ngân sách thời bình lớn nhất từng được ghi nhận.

Điều thứ 3, đáng lo ngại không kém, là thực tế ngay cả với thông báo về việc đẩy nhanh tốc độ giảm mua tài sản và khả năng ba lần tăng lãi suất trong năm tới, chính sách tiền tệ của Fed cho năm 2022 vẫn quá lỏng lẻo.

Dù Fed đã làm chậm tốc độ của chương trình mua tài sản, nhưng vẫn sẽ có một lượng thanh khoản cực lớn bổ sung cho thị trường mà giá tài sản vốn đã cao ngất ngưởng. Điều này chỉ chính thức kết thúc hoàn toàn vào tháng 3/2022. Đồng thời, vì Fed chỉ bắt đầu tăng lãi suất dần dần sau khi họ kết thúc chương trình mua tài sản, nên lãi suất trong nhiều tháng tới sẽ vẫn âm theo các điều khoản được điều chỉnh theo lạm phát.

Nói tóm lại, hành động của Fed thời gian gần đây cho thấy các dấu hiệu tích cực hơn trong việc đối phó với bóng ma lạm phát. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết trước khi có thể kiểm soát lạm phát.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét