Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2021

«NGOẠI GIAO CÂY TRE»

Thời mới đi làm ở cơ quan nhà nước đầu những năm 1980, tôi hay thấy mọi người kể chuyện về tấm gương kiên trì bám thắt lưng bạn để xin gạo và tiền của Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Lê Thanh Nghị. Họ kể đến bất kỳ nước XHCN nào, khi bác trình ra danh mục các khoản xin bạn giúp đỡ, bạn đều ngao ngán bảo để bàn trong nội bộ đã rồi mới quyết định. Không hề nản, bác Nghị suốt ngày ngồi chầu chực ở bất cứ đâu trong cơ quan bạn, thấy bạn đi đâu thì lẽo đẽo bám theo đó... để ép bạn phải thu xếp cho bằng được, mà phải thu xếp thật nhanh. Cuối cùng trước sự khủng bố tinh thần ngày và đêm như vậy của bác, phía bạn phải giơ tay hàng, chấp nhận viện trợ theo đề nghị của Việt Nam. Vì vai trò và hiệu quả "xin viện trợ" của bác Nghị quan trọng như vậy nên sau khi bác thôi làm Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Đảng ta vẫn cho bác giữ chức Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ thêm hơn 1 năm để đi "xin viện trợ". Lúc đó tôi đã nghĩ thật xấu hổ. Vậy mà nay sau khi chiến tranh đã kết thúc được 46 năm, Việt Nam vẫn là nước đi xin như thế. VN là một đất nước có nguồn nhân lực trẻ, có vị trí địa lý quá thuận lợi ở Châu Á nói riêng và trên thế giới nói chung, có thiên nhiên ưu đãi, tài nguyên phong phú, đất đai thổ nhưỡng tốt... Ngoài ra chúng ta còn có được một nguồn lực chất xám rất lớn đang sống và làm việc khắp thế giới đặc biệt là tại Mỹ mà hiếm nước có. Nếu Việt Nam có một chính phủ lương thiện, có chính thể tam quyền phân lập và tự do dân chủ, lãnh đạo biết trọng dụng người tài, biết chiêu hiền đãi sĩ, thì lo gì chỉ trong một hai thập niên Việt Nam sẽ không trở thành một con rồng Á Châu. Rất tiếc giai cấp lãnh đạo VN đã không làm thế nên đất nước ngày càng tụt hậu!
«NGOẠI GIAO CÂY TRE»
FB Trần Quốc Khánh - Còn nhớ, những năm sau Chiến Tranh và trước Đổi Mới, mặc dù được tiếp quản một nền kinh tế thị trường đầy sức sống từ chính thể Việt Nam Cộng Hoà, nhưng do tư duy giáo điều, các nhà lãnh đạo cộng sản ngày ấy đã nôn nóng «cải tạo» nền kinh tế miền Nam theo khuôn mẫu Soviet, thống nhất nền kinh tế cả nước dưới công thức một nền kinh tế kế hoạch hoá - chỉ huy tập trung đã được áp dụng từ 20 năm trước đó ở miền Bắc. Mô hình kinh tế sai lầm, cộng với trình độ quản lý điều hành yếu kém đã khiến các chỉ số kinh tế xuống dốc thê thảm, nạn đói luôn treo lơ lửng trước mắt đất nước hơn năm chục triệu dân.
Thời ấy, cái cọc bấu víu duy nhất của nền kinh tế Việt Nam đang đuối nước là Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, vốn cũng bắt đầu bộc lộ những triệu chứng sắp tan rữa. Nhiệm vụ chính trị trọng đại được đặt lên vai một trong những cộm cán của chế độ — Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Lê Thanh Nghị. 

Các chuyến đi Liên Xô - Đông Âu của vị Phó Thủ tướng nổi tiếng thường khởi hành vào cuối quý Ba, đầu quý Tư hằng năm, nhằm khi các quốc gia anh em đang rục rịch tổng kết, lên kế hoạch cho tài khoá năm sau. Cán bộ Bộ Ngoại giao và các cơ quan Trung ương ngày ấy gọi sứ mệnh những chuyến xuất dương của ông Lê Thanh Nghị là những cuộc «vác rá đi xin gạo».

Ông Lê Thanh Nghị đã đi «xin gạo» theo đúng nghĩa đen của từ này: kẻ đang đói cần thứ bỏ vào mồm trên hết, thậm chí cần hơn cả quần áo, mọi món đồ ngoại thân khác đều là xa xỉ. Chuyện kể rằng mỗi khi ông Nghị vừa ngồi xuống ghế trong một cuộc tiếp tân của người tương nhiệm nước bạn, sau nghi lễ xã giao, câu đầu tiên ông Nghị thường nói là: «Chúng tôi cần N nghìn tấn gạo.» (N là một con số có thế thay đổi theo năm, thường là số có 3 chữ số.)

Đối với các «nước bạn» ngày ấy, những xứ sở đã công nghiệp hoá, đề nghị của ông Lê Thanh Nghị không phải là việc đơn giản. «Bạn» bắt đầu mềm mỏng thương thuyết: «Nước chúng tôi không trồng lúa và sản xuất gạo, chúng tôi sẽ viện trợ cho các đồng chí ô tô, máy kéo hoặc một số loại máy móc công - nông nghiệp khác, các đồng chí sẽ bán đi để lấy tiền mua gạo nhé?» Ông Nghị, đã nhận nhiệm vụ do tập thể Bộ Chính trị giao từ nhà và phải hoàn thành ngay trên bàn đàm phán, vẫn khăng khăng một mực: «Chúng tôi cần N nghìn tấn gạo.» 

Trước sự kiên định của một người đồng chí và một nhà lãnh đạo của đảng anh em cùng ý thức hệ, «bạn» đầu hàng, giao cho thuộc cấp tự lo bán máy móc thiết bị, tự mua N nghìn tấn gạo, tự chất lên tàu số gạo đã cam kết rồi chở sang Việt Nam để giúp đỡ nhân dân đất nước anh em — có dân số thường gấp 5~10 lần «nước bạn» — đang ăn cháo cầm hơi.

Phong cách ngoại giao khét tiếng của ông Lê Thanh Nghị được giới ngoại giao các «nước bạn» ngày ấy đặt cho tên gọi là phong cách «Ngoại Giao Cây Tre» / «The Bamboo Style Diplomacy», quá dễ hiểu để không cần phải giải thích đối với các công dân của xứ sở có cây tre là «quốc thụ». 

.oOo.

Ba mươi hai năm sau khi Lê Thanh Nghị qua đời, trong hầu hết lĩnh vực của sinh hoạt đối ngoại, «Ngoại Giao Cây Tre» vẫn không ngừng được vận dụng bởi thế hệ con cháu của vị Phó Thủ tướng cộng sản huyền thoại đã quá cố. Gần đây nhất, trong điều kiện đại dịch Cúm Vũ Hán đang hoành hành, phong cách ngoại giao này lại được đem ra áp dụng, được chủ trương nhất quán từ cấp cao nhất và được đặt cho tên gọi không giấu giếm là «Ngoại Giao V-ac•cine», một variant của Bamboo Diplomacy trong sự nghiệp ăn mày v-ac•cine xuyên quốc gia.

Thật không thể hiểu nổi, cái biệt danh chế nhạo mà giới ngoại giao các «nước bạn» thời còn mồ ma «hệ thống xã hội chủ nghĩa» đặt cho chủ-nghĩa-cái-bang của ngoại giao Việt Nam nay lại được Bộ Chính trị ĐCSVN khai quật trong cái gọi là «Hội nghị Đối ngoại Toàn quốc» vừa diễn ra, ở đó nỗi ô nhục lại được biến thành niềm tự hào.

Được mô tả chủ quan là sự «kiên định lập trường», về bản chất, «ngoại giao cây tre» là phong cách và kỹ thuật ngoại giao một mực bám chặt vào lợi ích của mình (ở đây là lợi ích của ĐCSVN), bất chấp quyền lợi của các lực lượng chính trị (quốc nội và quốc tế) khác. Đó là phương pháo ngoại giao thô thiển, vụ lợi, là các thủ đoạn ngoại giao của kẻ ăn mày ăn xin, lạm dụng chủ nghĩa nhân đạo của các quốc gia và tổ chức quốc tế trên thế giới. 

Cái dở của «ngoại giao cây tre» đối với chính chủ thể chủ trương nó là nó luôn luôn chỉ có tầm nhìn thời vụ, ngắn hạn, sẵn sàng hy sinh danh dự và lợi ích của đất nước và dân tộc ....

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét