Thứ Ba, 21 tháng 12, 2021

BỘ KIT VIỆT Á LÀ TỘI ÁC CHỐNG LẠI NHÂN DÂN

BỘ KIT VIỆT Á LÀ TỘI ÁC CHỐNG LẠI NHÂN DÂN
BỘ KIT VIỆT Á: AI ĐÃ DỰNG KỊCH LỪA ĐẢO HÀNG CHỤC TRIỆU DÂN CẢ NƯỚC? (HÀNG NGHIN NGƯỜI CHẾT, HÀNG TRIỆU NGƯỜI MẤT TIỀN CỦA, NHIỀU TRIỆU NGƯỜI BỊ CHỌC MŨI VÔ TỘI VẠ)
(NB Nguyễn Hồng Lam)

Dù rất lớn, con số hàng ngàn tỉ đồng thu lợi bất chính do nâng giá Test Kit của Công ty Việt Á (Ảnh 1) cũng chưa phải là vấn đề nghiêm trọng nhất.

Bao trùm lên toàn bộ câu chuyện là gần 2 năm qua, cả nước, hàng chục triệu con người đã bị lừa. Từ tháng 10-2020, Tổ chức Y tế Thế giới đã ra thông báo “Không chấp nhận” (not accepted) đối với bộ sản phẩm LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit do công ty Việt Á sản xuất (Ảnh 3).

Hồ sơ sản phẩm của Việt Á bị loại vì không cung cấp được chứng nhận quản lý chất lượng ISO cho sản phẩm y tế, nghĩa là sản phẩm còn chưa được test bởi WHO, bị loại ở ngay vòng hồ sơ.

Thế nhưng, cầm đèn chạy trước ô tô, từ trước đó 6 tháng, ngày 26 - 4 - 2020, Website của Bộ KHCN đã hồ hởi thông báo: “Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đánh giá bộ KIT LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit do Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á sản xuất theo Quy trình Danh sách Sử dụng Khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00.
Trước đó, ngày 21/4, Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội Vương quốc Anh cũng đã cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Châu Âu (CE) và cấp Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) cho bộ sản phẩm xét nghiệm này.

Bộ KIT xét nghiệm Covid-19 có thể được bán tự do ở tất cả các quốc gia thành viên của Khu vực kinh tế châu Âu bao gồm Vương quốc Anh”.

Nội dung thông báo này, kèm theo thông tin về năng lực sản xuất cung ứng sản phẩm của Việt Á cho thị trường trong nước và thế giới, ngay lập tức đã được hầu hết báo chí, cơ quan truyền thông trong nước loan báo rầm rộ. Ngành Y, CDC và hàng chục triệu người dân cả nước hồ hởi vì trong nước đã tự sản xuất được kit xét nghiệm để phát hiện sớm và đối phó hữu hiệu hơn với dịch Covid -19. Nghiên cứu và sản xuất trong nước, bộ Kit của Việt Á có giá thành rẻ hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại của nước ngoài. Trong nguy có cơ, đây sẽ là một lợi thế cạnh tranh lớn của Việt Nam trong việc xuất khẩu thiết bị Y tế ra Thế giới.

Không biết căn cứ vào đâu, song website của Bộ Khoa học Công nghệ đã thông báo rõ ràng: “Sau khi được Bộ Y tế và chăm sóc xã hội Vương quốc Anh cấp phép, bộ KIT xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á đã được một đối tác đặt mua độc quyền để phân phối tại Anh, Ấn Độ, Mexico, Mỹ và 1 số quốc gia tại châu Âu với số lượng cam kết ít nhất 1 triệu test/tháng.

Bên cạnh đó cũng đã có nhiều tổ chức quan tâm đến sản phẩm như WB, quỹ CHAI...Việc có thêm sự chấp thuận của WHO sẽ giúp sản phẩm dễ dàng được xuất khẩu ra các nước trên toàn Thế giới. Các tổ chức như WB, quỹ CHAI dự kiến sẽ mua sản phẩm này đưa vào chương trình tài trợ cho các nước trên toàn Thế giới.” (Ảnh 2).
Thực tế hoàn toàn không phải như thế. Đến thời điểm cuối tháng 4-2020, bộ sản phẩm Kit mà Việt Á gửi đi chỉ mới được WHO xác nhận là..."accept on behalf of...", dịch là "chấp nhận thay cho..." nghĩa là "đã nhận hồ sơ để xem xét, cấp r"eference numbers"(số tham chiếu, tài liệu được đánh số) chờ xem xét. Không hiểu cố ý hay đơn giản chỉ là đọc hiểu sai, việc được cấp mã tham chiếu lại được Bộ KHCN thông báo thành “Bộ KIT xét nghiệm COVID -19 của Việt Nam được WHO công nhận” và phát cho truyền thông lan truyền cả nước.

Trong các tháng tiếp theo, từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2020 liên tiếp các sản phẩm cùng loại của từ một số quốc gia khác được WHO phê duyệt vào danh mục khẩn cấp, nhưng đều không có sản phẩm của Việt Á của Việt Nam.

Đến tháng 10-2020, WHO có thông báo chính thức: sản phẩm của Việt Á không đáp ứng tiêu chuẩn, bị loại từ vòng gửi xe! (Ảnh 3).

Không thể nói là hai Bộ Khoa học Công nghệ và Y tế không hề biết đến chuyện bị loại này. Thế nhưng không một bộ nào có động thái hay ý kiến để tạm ngưng việc sử dụng bộ Kit của Việt Á.

Thay vào đó, kéo dài cho đến hết năm 2021, hàng loạt chủ trương yêu cầu chọt, ngoáy...đã liên tiếp được ban ra, tiếp thêm điều kiện để hàng chục triệu bộ kit Việt Á được bán ra thị trường khắp 62 tỉnh thành cả nước, tùy tiện “làm giá”, thu lợi bất chính hàng ngàn tỉ đồng.

Truyền thông nhẹ dạ cũng vô tình tiếp tay cho một sự lừa dối thế kỷ, đóng đinh xã hội vào một niềm tin thiếu căn cứ. Bộ Kit PCR của Cty Việt Á được đánh bóng quá đáng mà quên hết tất cả qui trình kiểm duyệt của WHO; đến nay chưa được WHO công nhận nhưng đã được dùng cho triệu triệu con dân Việt.

Chắc chắn sẽ có những người bị ra kết quả sai lệch, ảnh hưởng đến công tác chẩn đoán và điều trị. Không loại trừ có cả những bệnh nhân vì kết quả xét nghiệm sai mà bị chết oan ….

Một kết quả quá khủng khiếp, quá ghê sợ cho thời đại thông tin hỗn loạn này!

Ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho sai phạm nghiêm trọng này?

Đương nhiên, tội đồ đầu tiên là Việt Á, nhà sản xuất và cung cấp sản phẩm chưa được WHO công nhận.

Tiếp theo là những ai, ai đã tạo điều kiện, cho phép và tiếp tay để từ sai lầm biến thành vụ lừa dối kéo dài gần 2 năm, tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng và có thể đã làm thiệt mạng oan uổng nhiều người?

Trên trang web của Bộ KHCN, toàn bộ câu hỏi đã được trả lời đầy đủ vào ngày 26-4-2020 bằng một box tóm tắt:

“Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút corona chủng mới (Covid - 19), ngay chiều mùng 6 Tết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức buổi họp khẩn với các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu bàn về các định hướng nghiên cứu góp phần phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Sau buổi họp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã ký Quyết định phê duyệt đặt hàng 04 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đột xuất góp phần phòng chống dịch bệnh, trong đó có đề tài “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm real-time RT-PCR và RT PCR phát hiện vi rút corona chủng mới (nCoV)” do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện.

Ngày 03/3/2020, Hội đồng khoa học và công nghệ cấp Quốc gia do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập đã họp đánh giá kết quả nghiên cứu chế tạo bộ KIT real-time RT-PCR one step với tỷ lệ 08/08 (100%) thành viên đồng ý thông qua và nhất trí kiến nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng.

Ngày 04/3/2020, Bộ Y tế đã có Quyết định số 774/QĐ-BYT về việc ban hành danh mục 02 sinh phẩm chẩn đoán invitro xét nghiệm vi rút corona (SARS-CoV-2) được cấp số đăng ký do Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á sản xuất để phục vụ kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh Covid 19”.

Sáng nay, 20 -12-2021, toàn bộ nội dung công khai trên Website của Bộ KHCN ngày 26-4-2020 đã bị gỡ. Tin, bài của các báo, trang thông tin đăng theo nội dung này cũng đã và đang lần lượt bốc hơi.

Vậy là rõ, nếu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trước diễn đàn Quốc Hội đã cho rằng vì quá bận chống dịch nên Bộ Y tế chưa để ý đến việc tăng giá Kit, chưa có sự điều chỉnh kịp thời, hiển nhiên đó là lời nói dối trắng trợn.

Chuyện tày đình như thế mà không biết, làm sao ông có thể làm Bộ trưởng Bộ Y tế? Không những biết, phải nói chính xác là biết rất rõ nhưng vẫn nhắm mắt bịt tai. Nếu không gọi đồng lõa, Bộ Y tế phải là pháp nhân cố ý bao che, tạo điều kiện để sai trái của doanh nghiệp được nhân lên hàng triệu lần trong mức độ nghiêm trọng.

Thiệt hại không chỉ là tiền, mà khủng khiếp hơn, là sinh mạng, sức khỏe của nhân dân. Phải gọi đó là gì, nếu không gọi là TỘI ÁC?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét