Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2021

UNDP: Đại dịch khiến VN có nơi 1/5 ‘mất hết thu nhập’

Đọc bài này thấy đúng là lo lắng cho thu nhập của người dân VN sau 35 năm đổi mới (1986-2021). Trang web của UNDP cho biết VN năm 2021 có 97,58 triệu dân, và thu nhập theo chuẩn GDI là 2.111 USD/người/năm, quá thấp so với con số lãnh đạo VN thường khoe khoang (3200-3500 USD) và tụt hậu xa so với thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới và Liên hợp quốc, GDP đầu người năm 2020 của VN cũng chỉ khoảng 2700 USD, nếu dùng chỉ tiêu GNP thì chỉ còn 2200 USD; năm 2021 có thể giảm chỉ còn 2100 USD. Tổng thu nhập trong nước (Gross Domestic Income (GDI)) là thước đo hoạt động kinh tế của một quốc gia dựa trên toàn bộ số tiền kiếm được từ bán tất cả các hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong nước trong một thời kỳ cụ thể. Về lý thuyết, GDI gần như đồng nhất với tổng sản phẩm quốc nội (GDP), một thước đo khác được sử dụng phổ biến hơn để đánh giá hoạt động kinh tế của một quốc gia. Tuy nhiên, các nguồn dữ liệu khác nhau được sử dụng trong mỗi phép tính dẫn đến kết quả hơi khác nhau. GDI cộng tất cả những gì mà tất cả những người tham gia trong nền kinh tế kiếm được hoặc "thu về" (như tiền lương, lợi nhuận và thuế) sau khi bán hàng. GDP tính giá trị của những gì nền kinh tế tạo ra (như hàng hóa, dịch vụ và công nghệ). Một trong những khái niệm cốt lõi của kinh tế học vĩ mô là thu nhập bằng với chi tiêu, có nghĩa là GDI sẽ bằng với GDP khi nền kinh tế ở trạng thái cân bằng.
UNDP: Đại dịch khiến dân VN nhiều lo lắng và có nơi 1/5 ‘mất hết thu nhập’
18 tháng 12 2021 - Có tới 77% người trong nhóm được khảo sát ở Việt Nam nói "họ bị mất thu nhập", và 1 trên 5 người "mất thu nhập toàn bộ" sau một năm dịch Covid, theo khảo sát trong tháng 9-10/2021 của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) (xem thêm nguồn báo VN).

Khảo sát nêu ra lo lắng của người Việt Nam về đại dịch, nay đã tới làn sóng thứ tư. Thời điểm nêu ra khảo sát là lúc Việt Nam đang cố gắng phục hồi kinh tế, mở lại đường bay quốc tế nhưng lại vào lúc biến thể Covid là Omicron bắt đầu hoành hành ở châu Âu.

"Người dân ngày càng thể hiện sự lo ngại hơn về tác động của COVID-19 và sức khỏe của họ trong năm 2021 bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn bởi đại dịch so với năm 2020."

"Những người được khảo sát cũng quan tâm đến việc học hành, sức khỏe của con cái, đồng thời cũng cảm thấy rất lo lắng về sinh kế và công việc kinh doanh của mình."

"Hơn 70% số người trả lời phỏng vấn khảo sát bày tỏ rõ ràng những lo lắng trên."

Mất thu nhập là vấn đề nghiêm trọng nhất.

"Gần 50% số người trả lời cho biết cho biết bị mất từ 51% thu nhập trở lên và cứ 5 người lại có 1 người bị mất toàn bộ thu nhập - đây là một con số lớn.

"77% người được phỏng vấn trong khảo sát cũng cho biết họ bị mất thu nhập vào năm 2021, cao hơn so với khảo sát năm 2020 (65%)."

"Và tương tự như kết quả tại vòng khảo sát đầu tiên vào tháng 9/2020, những người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp dễ bị mất việc làm và thu nhập nhất, tiếp sau là lao động phổ thông, lao động phi nông nghiệp và người nghèo", bài báo viết.

Không thể chỉ 'trông cậy vào chính phủ'

Một phần nội dung khảo sát được các báo Việt Nam hôm 07/12/2021 tường thuật, nhưng đồng loạt chọn tựa đề là "người dân đồng thuận, tin tưởng" vào chính sách chống dịch của chính phủ.

Tuy có một tờ báo địa phương tại Tây Ninh đăng lại tin từ Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) với tựa đề "Cứ 5 người lại có 1 người bị mất toàn bộ thu nhập trong thời gian giãn cách xã hội", trong bài hôm 12/12.

Về khảo sát, bài báo cũng trích lời chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói những biện pháp đối phó và kiểm soát dịch Covid-19 của chính phủ "vẫn được phần lớn người tham gia khảo sát đánh giá cao dù sự lạc quan của người dân tham gia khảo sát có suy giảm so với năm 2020".

Tuy thế, bà Chi Lan cũng lưu ý số mẫu tham gia khảo sát chưa đến được tận cùng những người chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh.

"Hạn chế của nghiên cứu là đối tượng phỏng vấn chỉ bao gồm những người có hộ khẩu thường trú, trong khi đối tượng người di cư, lao động tự do, người đăng ký tạm trú là những đối tượng chịu tác động sâu sắc của dịch bệnh vẫn bị hạn chế tiếp cận để khảo sát."

Nguồn tin này cũng trích GS. Nguyễn Anh Trí "bày tỏ sự day dứt trước hình ảnh những dòng người chạy xe về quê này và cho rằng đây là bài học kinh nghiệm lớn cho thấy sự linh hoạt trong điều hành chống dịch của chính phủ và các địa phương".

Nhìn chung, Chương trình Phát triển của LHQ tại Việt Nam (UNDP) nêu ra vấn đề mà mạng xã hội và diễn đàn của Đài BBC nói từ hơn một năm qua, là chính phủ không nên "độc quyền chống dịch".

Có các ý kiến nêu ra cách đây nhiều tháng trên trang BBC kêu gọi để cho các hội thiện nguyện và "người dân giúp nhau chống dịch" khi chính quyền không làm hết được (xem thêm bài: Sài Gòn: Toàn dân giúp nhau và tiếp tục…giúp?).

Khi chính quyền VN ban hành lệnh phong tỏa nhiều chợ bị buộc phải đóng cửa trong suốt một thời gian

Các bài trên báo Việt Nam về tọa đàm liên quan đến khảo sát của UNDP nay thừa nhận:

"Chính phủ không phải là nguồn hỗ trợ duy nhất cho những người gặp khó khăn và khảo sát năm nay cho thấy hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội, quỹ từ thiện cũng như các khoản đóng góp cá nhân rất đáng kể đối với những người chưa được tiếp cận với gói hỗ trợ chính thức của chính phủ."

Đã có 1.501 người dân được chọn ngẫu nhiên từ mẫu dân số năm 2019 của Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh Việt Nam (PAPI) đã tham gia khảo sát.

Theo nguồn tin của BBC hôm 17/12/2021, dù biến thể Omicron chưa tới Việt Nam, y tế nước này đã bị thiệt hại nặng sau hơn một năm chống chọi với Covid, và nạn khan hiếm thuốc, vaccine chống Covid đang xảy ra ở một số địa phương.

Trang web của UNDP bản tiếng Anh và tiếng Việt cho biết quốc gia này có 97,58 triệu dân, và thu nhập theo chuẩn GDI là 2.111 USD/người/năm.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-59696765

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét