Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2021

MỘT TUẦN LÀM VỢ

Có lẽ trong lịch sử, chuyện này chỉ có ở Việt Nam. Kết thúc mỗi cuộc chiến tranh thường sẽ có kẻ thắng, người thua hoặc không biết ai thắng ai thua, nhưng chắc chắn sẽ có một tập thể thua toàn diện, đó là NHÂN DÂN. Các nhà lãnh đạo quốc gia và các nhà chính trị hãy luôn ghi nhớ chân lý này.
MỘT TUẦN LÀM VỢ
Chị lấy chồng từ năm 17 tuổi, anh chỉ là hàng xóm cùng làng có biết đến nhau thôi chứ chẳng yêu đương nhau ngày nào. Anh chắc hơn chị một tuổi.
Chiến tranh ở hai miền Nam Bắc đang diễn ra rất ác liệt, thanh niên trai tráng trong làng xung phong đi nghĩa vụ quân sự hết, trong đợt tổng động viên này, trong đó có anh, con liệt sĩ.

Mẹ anh chỉ có mình anh là con, cha anh hi sinh trong chiến dịch Điện biên phủ 1954, khi anh mới tròn 2 tuổi. Bà ở vậy nuôi con từ tuổi 20. Nên giờ nghe tin anh phải nhập ngũ trong thời buổi chiến tranh đang ác liệt thế này, bà giục anh phải lấy vợ ngay, nếu chẳng may có gì xảy ra thì may ra còn có người nối dõi ...

Thế nên bà vội hỏi cưới chị cho anh. Từ lúc hỏi đến khi cưới chị về nhà có mười ngày, ở với nhau được đúng một tuần thì anh lên đường ra trận.

Tám tháng sau có giấy báo tử gửi về nhà.

Thật sự đáng thương xót cho người đã mất ở tuổi thanh xuân nhưng đáng thương hơn là người thân của họ còn phải vật vã đớn đau vì thương người thân mất sớm, rồi lo toan gánh nặng cuộc sống gạo tiền.

Những người vợ trẻ tuổi xuân còn phơi phới , mà đã làm thân gái góa, đêm khuya gối chiếc chăn đơn... và bao cám dỗ của cuộc sống...

Dù có được yêu hay có yêu anh không thì anh cũng đã gắn chặt với cuộc đời chị rồi! Sự đau khổ của chị, suy nghĩ, nhớ thương, thèm khát dục vọng, hay buồn khổ vì cuộc sống vất vả, nghèo túng cô đơn, trách nhiệm với gia đình nhà chồng, tương lai của chị sẽ ra sao...?

Không hiểu những đêm dài chị có mất ngủ vì những suy nghĩ ấy không?

Nhưng may quá cho mẹ anh, con dâu bà mau mắn nên đã mang thai đứa cháu nội cho bà, nên cũng an ủi nỗi đau một phần...

Hôm chị đau đẻ, bà không hay biết vì sang chơi hàng xóm. Khuya bà mới về đến sân nhà, đi qua đống rơm nghe tiếng ọ ọe như con mèo rên, bà ghé vào thì thấy con dâu nằm đó, vừa đẻ rơi ra đứa trẻ, vội ơi ới gọi hàng xóm đến cắt rốn đứa trẻ, bế mẹ con chị vào nhà .

Nửa giờ sau chị lại đau vật vã, bà sờ bụng chị , thấy cuồn cuộn như còn đứa trẻ nữa, vội ới người chạy gọi đơn vị bộ đội đang đóng quân trong làng đến giúp.

Quả đúng thật, bé trai nữa chào đời!

Nửa đêm, cả bốn mẹ con bà cháu đang ngủ say chợt chị gọi:
- U ơi, có cái gì như bàn tay nó thò ra này U...!

Bà chạy tới xem thì đúng có bàn tay tí tẹo đang vẫy vẫy...
Hoảng quá bà lại ới người chạy đi gọi bộ đội.

Chị cùng hai đứa trẻ vừa sinh được xe ô tô của bộ đội chở lên cấp cứu ở bệnh viện tỉnh. Đứa trẻ thứ ba là gái, bị ngôi ngang sa tay ( theo chuyên môn y tế gọi thế ) được đỡ ra tốt đẹp! Mấy mẹ con nằm viện một tuần rồi được xe ô tô bộ đội đón về nhà.

Thời gian trôi đi, các con dễ nuôi và cứ lớn khôn. Bà, mẹ cấy lúa trồng khoai, mò cua bắt ốc hàng ngày nuôi con cháu ăn học, chẳng đi đâu ra khỏi lũy tre làng.

Thỉnh thoảng có hội làng hay giỗ đám thì làng xóm gia đình có khuấy động rộn rã vui vẻ được mấy ngày.

Cuộc sống vất vả lam lũ, mưu sinh cuốn hết thời gian của họ, những người dân quê ấy! Không biết họ có thời gian mà yêu đương, buồn khổ, tủi phận, xót xa, đau đớn, tiếc nuối hay muốn thay đổi cuộc sống cho mình hay không?

Tôi gặp chị có một lần, hôm chị dẫn 3 đứa con sàn sàn giống nhau như đúc ra ăn giỗ ở nhà bạn tôi. Chị mới 25 mà trông vất vả gầy guộc đen đúa, chẳng có chút hấp dẫn của người con gái đang thì...

Chị về rồi mà tôi cứ nghĩ ngợi và thương những người phụ nữ ở quê ấy lắm. Như mẹ chồng chị goá bụa ở tuổi 20, như chị đó mới 17 tuổi đầu chẳng biết yêu đương là gì cũng gật đầu lấy chồng. Sống với nhau được có một tuần. Chồng hi sinh không trở về nữa, chị cặm cụi một nách 3 con, tuổi xuân vùi chôn với vất vả mưu sinh suốt cả cuộc đời...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét