Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

Phì cười với ý kiến của các đại biểu Quốc hội

Báo Songmoi có một tiêu đề rất hay: "Phì cười...", tức là coi ý kiến của các ĐBQH là ngớ ngẩn, dở hơi, phát biểu như những chú hề... Hết sức không đồng tình với đề xuất kéo dài thời gian nghĩa vụ, kéo dài tuổi gọi nhập ngũ... của Bộ Quốc phòng.
Phì cười với ý kiến của các đại biểu Quốc hội
Ngày 12/11, tại phiên thảo luận về Luật NVQS (sửa đổi), Trung tướng Lê Văn Hoàng (đại biểu Đà Nẵng) nói: “Tôi biết tâm tư chung của nhân dân là muốn con em mình tham gia nghĩa vụ quân sự thời gian ngắn bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu, nhưng nhiệm vụ xây dựng quân đội trong tình hình mới đòi hỏi phải đủ thời gian huấn luyện” để giải thích lý do tăng thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự thêm 6 tháng.
Trong Dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua, tuổi gọi nhập ngũ sẽ tăng tối đa thêm 2 năm (từ 25 lên 27) và thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với mọi đối tượng sẽ là 24 tháng. Theo đó, mọi công dân 27 tuổi vẫn phải nhập ngũ.

Ý kiến của đại biểu Quốc hội


Trong các buổi thảo luận về Dự thảo Luật NVQS (sửa đổi), các đại biểu là quân nhân và các đại biểu dân sự có khá nhiều ý kiến trái chiều. Các tướng lĩnh Quân đội thì nhìn vấn đề ở góc độ quân sự, còn các đại biểu dân sự thì phần nhiều nhìn ở góc độ kinh tế và xã hội.

Phát biểu trong phiên thảo luận gần đây nhất, Trung tướng Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) nhận xét Dự thảo Luật lần này có được sự đồng thuận khá cao giữa cơ quan soạn thảo (Bộ Quốc phòng) và cơ quan thẩm tra (Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội). Theo ông, “việc đảm bảo công bằng trong thực hiện nghĩa vụ quân sự luôn là vấn đề khó. Hiện nay, tỉ lệ thanh niên nhập ngũ chiếm khoảng 0,12% dân số và chỉ chiếm 5,87% so với tổng số công dân có đủ điều kiện gọi nhập ngũ”. Vì vậy, về thời hạn thực hiện nghĩa vụ quân sự, tướng Lê Văn Hoàng cho rằng Dự luật quy định 24 tháng với tất cả các đối tượng là phù hợp. “Tôi biết tâm tư chung của nhân dân là muốn con em mình tham gia nghĩa vụ quân sự thời gian ngắn bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu, nhưng nhiệm vụ xây dựng quân đội trong tình hình mới đòi hỏi phải đủ thời gian huấn luyện” - ông Hoàng giải thích.

Còn Thiếu tướng Nguyễn Văn Hưng (Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM) cho rằng không nên gọi thanh niên nghèo đói và thanh niên đã có vợ con đi nghĩa vụ quân sự. “Có lần đi tuyển quân tôi đã gặp cảnh dở khóc dở cười khi vợ một thanh niên vừa trúng tuyển nghĩa vụ quân sự ẵm con để trước hàng quân rồi đi về vì chồng đi nghĩa vụ không có người phụ nuôi con” - tướng Hưng kể. Ông cho biết thêm, trong danh sách trúng tuyển nghĩa vụ quân sự của TP.HCM rất ít người đã có gia đình. Do đó, quy định này sẽ mang tính nhân văn và không ảnh hưởng nhiều đến việc tuyển quân. Tướng Hưng còn đưa ra đề nghị khá bất ngờ: “Gia đình thuộc diện nghèo đói mà lao động chính lại đi nghĩa vụ quân sự nữa thì nghèo càng thêm nghèo. Nên cân nhắc việc gọi đối tượng này đi nghĩa vụ quân sự”.


Theo đại biểu Nguyễn Văn Thịnh (Hưng Yên), hằng năm chúng ta có rất nhiều thanh niên đến tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, trong khi chỉ tuyển một số lượng có hạn, chính vì vậy mới tồn tại sự bất công bằng trong nghĩa vụ quân sự. “Tôi để ý hằng năm khi tuyển quân ở địa phương thì rất ít con em cán bộ, đảng viên phải nhập ngũ. Cần đặt ra vấn đề là những người không thực hiện nghĩa vụ quân sự thì phải làm nghĩa vụ gì đó thay thế để đảm bảo công bằng” - ông Thịnh nói.

Cũng bàn về nghĩa vụ thay thế, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) đề nghị nghiên cứu đưa vào Dự thảo Luật hình thức đóng tiền hoặc lao động công ích để thay thế nghĩa vụ quân sự. Ông nói: “Tôi nông dân nhà nghèo không có tiền thì tôi đi, còn ông nhà giàu có tiền thì ông cứ đóng tiền, tôi cho như thế là bảo đảm công bằng”.

Tuy nhiên, đại biểu Đào Trọng Thi (Hà Nội) phản đối việc đóng tiền, cho rằng: “Chuyện con em công nhân, nông dân phải đi nghĩa vụ quân sự, con em nhà giàu không phải đi nghĩa vụ quân sự đã là bức xúc xã hội rồi, bây giờ lại thêm chuyện có tiền đóng thì không phải đi sẽ rất phản cảm. Nó sẽ làm mất đi tính thiêng liêng của nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc” - ông Thi phân tích.

Trong khi cuộc tranh luận còn chưa ngã ngũ, thì đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề xuất giải pháp dung hòa theo hướng “nếu anh không đi nghĩa vụ quân sự trực tiếp thì đóng tiền và một năm phải đi đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quân sự, quốc phòng ở mức cần thiết”.

Theo ông Lê Việt Trường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ hồi tháng 8/2014 thì hiện tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 7 triệu thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 25, đồng nghĩa với việc có thể huy động được ngần ấy thanh niên tòng quân. Nhưng nếu chỉ gọi 5,8% số đó nhập ngũ như tướng Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) tiết lộ thì chỉ có trên 400.000 thanh niên phải bước ra khỏi nhà để đi vào doanh trại Quân đội. Nay hạn tuổi nâng lên thành 27 tuổi, số thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ sẽ tăng lên, vào khoảng 10 triệu. Nếu cũng vẫn chỉ tuyển trên 400.000 quân thì điều gì sẽ xảy ra? Phải chăng là số người đứng ngoài sẽ rất lớn, trên 9 triệu người?. Với điều kiện kinh tế như nước ta hiện nay, theo nhận định của Đảng và Chính phủ là sẽ không xảy ra chiến tranh trong tương lai gần, vậy thì rõ ràng các đối tượng là kỹ sư, cử nhân không hề bức thiết phải nhập ngũ là điều dễ hiểu. Sẽ giống như Trung Quốc, cũng áp dụng Luật NVQS bắt buộc, nhưng do dân số quá đông, thu nhập bình quân đầu người lại thấp nên hầu như chính quyền không phải bận tâm đến việc bắt lính. Bởi lẽ họ (Trung Quốc) lúc nào cũng có hàng triệu thanh niên thất nghiệp, đói ăn sẵn sàng tòng quân để được “ăn cơm ba bữa, quần áo mặc cả ngày” và sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự lại còn được vài ưu tiên như cộng điểm vào trường học, tạo công ăn việc làm

Ý kiến của nhân dân

Như đã nói ở trên, Luật NVQS (sửa đổi) kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự là không hợp lòng dân, bởi điều đó sẽ không có lợi cho thanh niên. Theo dư luận “vỉa hè”, nếu một thanh niên sau khi tốt nghiệp đại học mà đi nghĩa vụ quân sự 24 tháng, sau khi hết hạn trở về hội nhập với xã hội, kiến thức học được trong nhà trường sẽ bị rơi rụng rất nhiều, nếu không muốn nói là gần hết. Khi đó đi xin việc làm, do chưa có thời gian thực tế không dưới hai năm như yêu cầu của đại đa số các nhà tuyển dụng thì cơ hội có được việc làm như ý và đúng ngành nghề được đào tạo là rất thấp. Giả sử có được nhận vào làm, thì người đó phải hết sức nỗ lực mới có thể theo kịp được các đồng nghiệp trẻ hơn, và như thế khó tránh khỏi nguy cơ bị tụt hậu trong cơ quan công tác.



Do nhu cầu tuyển quân hằng năm chỉ có hạn, mà số thanh niên trong độ tuổi phải nhập ngũ rất lớn nên không tránh khỏi tình trạng nhiều người không bị gọi nhập ngũ, ai đi và ai không sẽ là sự lựa chọn khó cho xã hội, và những người nhập ngũ sẽ phải cạnh tranh với những người không phải nhập ngũ thế nào đây để phần thua thiệt không thuộc về họ?.

Một luồng ý kiến khác, nếu tuổi gọi nghĩa vụ quân sự đến hết 27 thì có thể xảy ra tiêu cực trong chính sách. Những ai không muốn đi NVQS thì đi học liên tục cho đến năm 28 tuổi. Ai có thể dám chắc rằng không có dịch vụ “chạy” vào trường này nọ hoặc mở ra các loại hình đào tạo sẽ phát triển?. Chỉ cần được nhập vào học văn bằng hai, học thạc sĩ hay tiến sĩ thì chắc chắn sẽ không bị Luật NVQS đụng đến. Mặt khác, thực tế là những người từ 27 tuổi trở lên hầu hết đã tìm được công việc ổn định và có một kinh nghiệm nhất định về công việc đó. Nếu phải làm nghĩa vụ quân sự hai năm, cuộc sống của họ sẽ bị dang dở. Với đối tượng này, miễn gọi cũng là để góp phần vào phát triển kinh tế của đất nước. Cũng theo quan điểm đó, những ai là lao động chủ lực trong gia đình có khó khăn về kinh tế, thì cũng nên được xem xét, miễn giảm để không tạo thêm khó khăn cho cộng đồng.

Mặt khác, nếu Quân đội kỳ vọng tuyển được những quân nhân đã tốt nghiệp đại học để đào tạo thành sĩ quan phục vụ lâu dài trong Quân đội (chuyên nghiệp) thì nhiều ý kiến cho rằng cũng chỉ tuyển được những người có bằng cấp không phù hợp (như ngành dịch vụ, tài chính, ngân hàng…) và kỹ sư loại trung bình trở xuống, vì chỉ có loại này khi ra trường mới chưa xin được việc làm và không đủ trình độ để học lên cao hơn. Như vậy, mục tiêu tuyển chọn nguồn ‘tài giỏi” cho mục tiêu xây dựng Quân đội chính quy, hiện đại về lâu dài liệu có bảo đảm? Đó là chưa nói đến công nghệ vũ khí bao giờ cũng đi trước công nghệ phục vụ dân sự rất nhiều, đòi hỏi phải có các kỹ sư giỏi, thông minh, nhanh nhẹn mới đáp ứng được yêu cầu khai thác, sử dụng.

Đề cập việc đề nghị miễn nghĩa vụ quân sự cho các công dân nghèo, đã có vợ con thì theo ý kiến của nhiều người dân là khó thực hiện, vì sẽ xuất hiện tình trạng kết hôn giả, xác nhận nghèo giả, do đó vẫn giữ như trước đây cũng chẳng sao. Tuy nhiên, đồng thời với đó lại có ý kiến cho rằng nên giảm bớt thời gian học chính trị và hậu cần để tập trung huấn luyện quân sự. Vì theo như đại biểu Ngô Ngọc Bình, Phó Tư lệnh Quân khu 7 cho biết, thì hiện nay theo quy định, thời gian huấn luyện tân binh là 3 tháng, trong đó chính trị chiếm 15%, hậu cần (tăng gia trồng rau nuôi lợn, gà) 3%, tham gia các việc cứu hộ, cứu nạn… vài phần trăm, do đó thời gian thực sự dùng cho huấn luyện quân sự chỉ còn 79%. Kết quả là sau khi bổ sung về cho các đơn vị, bộ đội chỉ có thời gian huấn luyện chuyên môn kỹ thuật thêm một tháng là không đảm bảo sẵn sàng chiến đấu.

Về việc kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự thêm 6 tháng vì lí do vũ khí, trang bị hiện nay hiện đại hơn, nhiều người thắc mắc là tại sao quân đội Nga với vũ khí, trang bị hiện đại nhất thế giới, thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự của họ cũng chỉ 12 tháng mà họ vẫn khai thác, sử dụng và chiến đấu tốt cùng các vũ khí đó. Đồng thời cho rằng, người Việt Nam rất thông minh, sáng tạo vào bậc nhất thế giới, chẳng lẽ phải cần nhiều thời gian hơn các công dân của các nước khác mới học được cách sử dụng vũ khí hiện đại?.

Một điều khá thú vị là khi hỏi giải pháp, một số người liền đưa ý tưởng không kém phần thuyết phục là đối với các đối tượng đã trúng tuyển đại học chỉ nên gọi nhập ngũ từ 6 tháng đến 1 năm, để ai cũng có thể được thực hiện nghĩa vụ quân sự một lần trong đời, bởi xét cho cùng, trải qua gian khổ trong quân ngũ cũng không phải là uổng phí, một số người nhờ đó mà trở nên trưởng thành hơn. Ngài ra, nhiều có ý kiến yêu cầu “con quan và con dân phải bình đẳng”, hạn chế tình trạng “lo lót, chạy chọt cửa trước, cửa sau” và nên nghiên cứu tổ chức nghĩa vụ quân sự không bắt buộc, thực hiện chế độ lính hợp đồng.

Trên thế giới hiện có 103 nước thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự không bắt buộc, 8 nước có chế độ nghĩa vụ quân sự vừa bắt buộc vừa tự nguyện. Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia và vùng lãnh thổ có chế độ quân sự bắt buộc. Trong khi các nước khác chỉ quy định thời gian thực hiện NVQS 6 tháng đến 18 tháng, rất ít quốc gia yêu cầu nhiều hơn lượng thời gian trên.

Chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta luôn lấy dân làm gốc, vì dân, do dân làm chủ… Không được nhân dân đồng tình mà vẫn biểu quyết, e rằng Luật sẽ khó đi vào đời sống, vì xét cho cùng, Luật sinh ra là để nhân dân thực hiện. Đừng để mọi sự bất cập, không phù hợp phải sau 10 năm nữa mới được sửa đổi, khi đó, nhiều số phận đã được an bài.

Những ngày qua, nghị trường đã sôi nổi thảo luận về Dự thảo Luật NVQS (sửa đổi). Chủ đề gây nhiều bàn tán này bắt đầu từ phiên họp ngày 3/11, sau khi nghe Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) trước Quốc hội.

Điểm đáng chú ý nhất trong nội dung Luật NVQS (sửa đổi) lần này là quy định thống nhất thời gian phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ là 24 tháng, mọi công dân chưa bước sang tuổi 28 vẫn phải nhập ngũ. So với Luật NVQS năm 2005, thời gian phục vụ tại ngũ tăng thêm 6 tháng và giới hạn tuổi nhập ngũ tăng thêm 2 tuổi.


Theo Luật NVQS 2005 đang được áp dụng hiện nay, thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự của mỗi công dân là 18 tháng đối với bộ binh, 24 tháng đối với các đối tượng làm nhiệm vụ trong các đơn vị có vũ khí, trang bị kỹ thuật và mọi công dân sang tuổi 26 không phải lo lắng về thực hiện nghĩa vụ quân sự nữa.


Mục đích của việc sửa đổi Luật NVQS, theo giải thích của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh và các tướng lĩnh trong Quân đội là do thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ theo Luật hiện hành đã “bộc lộ nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Cụ thể đó là: trong độ tuổi từ 18 đến hết 25 hầu hết mọi công dân đều đang học đại học hoặc cao đẳng. Sau khi tốt nghiệp, đa số đã hết độ tuổi gọi nhập ngũ. Vì thế nên hằng năm, tỷ lệ công dân có trình độ đại học trở lên được gọi nhập ngũ rất thấp, còn trước đó thì được ưu tiên tạm hoãn gọi nhập ngũ để đi học; Luật hiện hành quy định hai thời hạn phục vụ tại ngũ khác nhau, 18 tháng và 24 tháng là không công bằng, khiến tư tưởng của hạ sĩ quan, binh sĩ phải phục vụ 24 tháng không thoải mái. 


Mặt khác, để bảo đảm đủ quân, hằng năm toàn quốc phải tổ chức tuyển quân, xuất ngũ hai đợt, gây tốn kém cho Quân đội và các địa phương; trong chiến tranh hiện đại, bộ đội phải có đủ thời gian huấn luyện, nâng cao trình độ khai thác, sử dụng vũ khí, trang thiết bị công nghệ cao mới đáp ứng được yêu cầu chiến đấu. Qua đó góp phần làm giảm tổn thất về người và vũ khí, trang bị trong chiến đấu?; ngoài việc thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quân đội còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng khác như: cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả chiến tranh, bảo đảm an ninh… nên một phần đáng kể thời gian huấn luyện của bộ đội bị buộc phải cắt giảm; do chỉ cần trốn được đến năm 26 tuổi là coi như thoát nghĩa vụ quân sự, một số không nhỏ công dân đã lợi dụng chính sách này để trốn tránh nghĩa vụ quân sự.



Đến thời điểm này, theo các thông tin đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, đa số đại biểu đồng tình với các nội dung được sửa đổi trong Dự thảo Luật NVQS (sửa đổi). Riêng Đại tướng, Bộ trưởng BQP Phùng Quang Thanh còn quy định cụ thể thời điểm gọi công dân nhập ngũ “sẽ được thực hiện vào tháng hai hoặc tháng ba hằng năm”.

Như vậy, nếu Luật NVQS (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, mọi thanh niên sau khi tốt nghiệp đại học mà không xin được việc làm rất có thể sẽ được Quân đội tuyển dụng và cơ hội này kéo dài cho đến hết tuổi 27. Nhưng nếu ai sau khi đã tốt nghiệp đại học mà tiếp tục học lên cao hơn nữa như cao học hoặc tiến sĩ chẳng hạn, thì khi học xong, tuổi của họ cũng đã không dưới 27. Theo Luật mới, nếu không tình nguyện, những người này chắc chắn suốt đời sẽ không phải mặc đồng phục của người lính.

Lê Thành
http://songmoi.vn/xa-hoi-thoi-su/phi-cuoi-voi-y-kien-cua-cac-dai-bieu-quoc-hoi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét