Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

(2) Vấn đề Kampuchia: Tranh chấp lãnh thổ

Vấn đề Kampuchia: Tranh chấp lãnh thổ
4/ Thời kỳ thứ tư, từ 1954 đến 1975. Sau thất bại ở hội nghị Genève 1954, Sihanouk nuôi dưỡng ý định trả thù. Ông này dung dưỡng mọi thế lực chống lại chính phủ Bảo Đại, sau này là Ngô Đình Diệm.
Một số thí dụ, các lực lượng tôn giáo chống ông Diệm được Sihanouk cho phép lập sào huyệt trên đất Miên. Vì vậy để tảo thanh, quân VNCH buộc phải đi vào đất của Cambodge. Các xung đột này bắt đầu từ năm 1955. Dĩ nhiên, Sihanouk lợi dụng các việc này vừa tố cáo VN, trong khi trên thực địa thì cho người dời cột mốc phân giới sang phía VN. Để trả đũa, ông Diệm tuyên bố hủy bỏ mọi « quyền lịch sử » của Cambodge trên lãnh thổ VN.

Đến năm 1960 thì lực lượng MTGPMN được thành lập. Tổ chức này cũng xây dựng sào huyệt trên lãnh thổ Cambodge, dĩ nhiên dưới sự đồng ý ám thị của Sihanouk. Theo một số tài liệu, phía VNDCCH « nhìn nhận đường biên giới hiện trạng của Cambodge », trong khi MTGPMN, cũng như nhiều cán bộ cấp cao của CSVN, thì hứa hẹn, nếu thắng được VNCH thì sẽ trả lại đảo Phú Quốc cho Cambodge.

Vì các hứa hẹn này các đường mòn gọi là đường mòn HCM được Sihanouk đồng ý cho thiết lập. Con đường huyết mạch tiếp tế lương thực và vũ khí cho quân MTGPMN cũng như quân chính qui miền Bắc sau này.

Quan hệ giữa Sihanouk và VNDCCH thân thiết đến mức độ vào tháng 8 năm 1963, Cambodge tuyên bố chấm dứt ngoại giao với VNCH.

Sau khi ông Diệm bị đảo chánh 1-11-1963, quan hệ hai bên VNCH và Cambodge vẫn không ấm áp trở lại, mà còn tệ hai hơn. Nguyên nhân, người Mỹ chính thức đổ quân vào VN, các cuộc hành quân, càn quét, dội bom trên đất Kampuchia nhằm phá hoại đường mòn HCM… các việc này gây ra những thiệt hại đáng tiếc cho phía thường dân Kampuchia. Tháng 7 năm 1965, Sihanouk kiện VNCH lên LHQ về việc xâm phạm lãnh thổ. LHQ có điều tra nhưng chỉ kết luận rằng VNCH có vào lãnh thổ Cambodge sau đó rút về, vì lý do bên Cambodge có dung chứa các lực lượng đối kháng, chứ VNCH không có xâm chiếm lãnh thổ của Cambodge.

Không hài lòng kết quả điều tra của LHQ, Sihanouk lên tiếng kêu gọi quốc tế ủng hộ Cambodge, nhìn nhận « đường biên giới hiện trạng » của nước này. Một số nước ủng hộ, trong đó có Pháp. Điều này có thể hiểu vì Pháp vẫn còn cay đắng Mỹ trong việc dành chỗ của Pháp tại Đông Dương, không giúp Pháp trong trận Điện Biên Phủ. Năm 1966 Pháp ủng hộ Cambodge « trung lập ». Nhưng việc này không thuyết phục được ai vì tên đất Kampuchia vẫn còn nguyên các sào huyệt của MTGPMN cũng như các con đường tiếp tế gọi là đường mòn HCM.

Cuối cùng thì Sihanouk bị tướng Lon Nol lật đổ năm 1970.

Sau khi lên nắm quyền, Lon Nol yêu cầu tất cả các lực lượng của CSVN rút khỏi Kampuchia. Cũng như bất kỳ một người Cambodge nào khác, Lon Nol cũng rất bài Việt. Trong lúc cuộc đảo chánh, các cuộc thảm sát thường dân VN đã diễn ra, thây người thả đầy trên sông Cửu Long. Một số lớn người Việt phải hồi hương. Việc này càng tạo thêm gánh nặng và sự bất ổn trong xã hội miền Nam.

Lực lượng Khmer đỏ được thành lập dưới sự yễm trợ và huấn luyện của CSVN. Trên thực tế, vùng phía bắc lãnh thổ Kampuchia hoàn toàn do quân đội CSVN kiểm soát. Nhưng trong nội bộ của Khmer đỏ lại có nhánh có tinh thần bài Việt cực kỳ. Vì thế họ ly khai. Những nhóm này cũng giết chóc và khủng bố đồng thời trục xuất người Việt, như những lãnh đạo khác của Kampuchia.

Tóm lại, thời kỳ này đường biên giới, cũng như kiều dân VN sống trên đất Kampuchia, trở thành con tin bị các phía Kampuchia trao đổi quyền lợi chính trị. Trong thời chiến, vấn đề biên giới không kiểm soát được, nhưng dân chúng VN là nạn nhân trực tiếp của các tranh chấp này. Con số nạn nhân VN bị giết phải nói là rất lớn.

5/ Thời kỳ thứ năm từ 1975 đến hôm nay.

Từ năm 1975 cho đến 1990, ta có thể nói rằng khu vực Đông dương vừa là một chiến trường, vừa là một bàn cờ địa chiến lược của các thế lực quốc tế, gồm có các nước liên hệ trong khu vực và các đại cường Trung Cộng, Liên Xô và dĩ nhiên là Mỹ. Vấn đề biên giới, Cambodge không chỉ có tranh chấp với VN mà còn có tranh chấp với Thái Lan về chủ quyền ngôi đền Préah Viheart cũng như ranh giới ngoài biển, từ sau khi lấy lại độc lập năm 1953. Trong thời gian này vấn đề biên giới giữa các bên không chính thức đặt ra, mặc dầu nó luôn là cái cớ để chiến tranh bùng nổ. Nhất là đối với hai nước Việt-Miên.

Sau khi quân Pol Pot tiến vào Nam Vang, cũng như quân miền Bắc chiếm Sài Gòn. Tháng 6 năm 1975, một phái đoàn của Khmer đỏ gởi đến Hà Nội để nhắc lại những cam kết của CSVN: « nhìn nhận đường biên giới hiện trạng của Cambodge » trong thập niên 60 về vấn đề lãnh thổ của Kampuchia. Những người này, theo dự kiến là sẽ ký kết ước với Hà Nội để bảo đảm sự « toàn vẹn lãnh thổ » của hai nước. Nhưng nhóm Khmer đỏ thân TQ trong phái đoàn bất đồng ý kiến với nhóm thân Hà Nội. Phe thân Bắc Kinh lên tiếng đòi VN trả lại cho họ vùng lãnh thổ gọi là « Khmer Krom ». 

Điều nên biết, chiến thắng ngày 30-4-1975 của CS miền Bắc đã làm cho lãnh đạo Bắc Kinh tức tối. Chủ trương của TQ từ xưa nay là chống lại VN thống nhất, cũng như chống lại việc VN quá thân thiện hay lệ thuộc vào Liên Xô. Phía bắc, áp lực của Liên Xô đã trầm trọng, quân Liên Xô đóng dài dài trên biên giới gây áp lực. Biển Hoa Đông thì bị Nhật, Đài Loan án ngữ. Biển Đông thì hạm đội Liên Xô đã có mặt tại Cam Ranh. Nếu Kampuchia hòa hoãn hay thân thiện với VN thì TQ sẽ không có cách gì để phá vỡ thế cô lập. Mặt khác, quyền lợi của Mỹ cũng bị đe dọa, các nước chung quanh như Thái Lan, Mã Lai v.v... sẽ sụp đổ, theo như thuyết Domino của Mỹ. Vì vậy Bắc Kinh, cũng như Mỹ, chắc chắn phải tìm cách đẩy hai bên VN và Kampuchia vào thế đối đầu.

Vì thế, cả hai đại cường, Mỹ và TQ, một tư bản, một cộng sản, do cùng mục tiêu ngăn chặn Liên Xô bành trướng, lại hợp tác với nhau, ra mặt ủng hộ Pol Pot chống lại VN. Dĩ nhiên, nguyên nhân bên ngoài là tranh chấp đất đai, nhưng bên trong là sự tranh giành ảnh hưởng địa chiến lược trong khu vực của các đại cường. Vì vậy, như đã nói, lãnh thổ trong quảng thời gian này là cái cớ để chiến tranh bùng nổ.

Để kích thích VN vào vòng chiến, trong lúc phái đoàn Khmer đỏ còn ở Hà Nội thì quân Khmer đỏ đã đánh chiếm cù lao Poulo Wai trong vịnh Thái Lan. Dọc biên giới thì quân Khmer đỏ đã sẵn sàng dàn quân ứng chiến. Như thường lệ, những người dân VN sinh sống ở Kampuchia lại trở thành nạn nhân. Trên 150.000 người bị ngược đãi, trục xuất về VN. Con số bị giết không biết là bao nhiêu, nhưng chắc chắn không nhỏ. Tháng 6 năm 1976, VN gởi sứ giả sang Nam Vang hy vọng làm dịu tình hình, nhưng phía Khmer đỏ đòi phải phân định lại biên giới, thay đổi đường biên giới theo các bản đồ của Sở địa dư Đông dương ấn hành năm 1954, trong khi phía VN thì nhìn nhận đường biên giới hiện trạng là đường biên giới thể hiện trên bộ bản đồ này. Mặt khác, hai bên cũng không đồng thuận về biên giới trên biển.

Phía Khmer đỏ gia tăng khiêu khích, từ năm 1975 đến 1978, bọn này đã tiến sang VN đánh phá và tàn sát dân chúng ở 25 huyện và 96 xã, gây ra trên 257.000 nạn nhân màn trời chiếu đất. Trong năm 1977, Pol Pot cho quân lính tiến sang Tây Ninh tàn sát dân chúng sinh sống ở đây, nhưng sự phản ứng của quân VN, do thiện chiến hơn, đã làm cho quân Khmer thiệt hại nặng. Và cũng để trả đũa những vụ tàn sát dân lành vô tội sinh sống các tỉnh dọc biên giới, tháng 12 năm 1977, VN mở một cuộc hành quân thần tốc vào tỉnh Svay Rieng khiến quân Khmer đỏ thiệt hại nặng nề. Cuối năm, Pol Pot tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với VN.

Chiến tranh Việt-Miên bùng nổ. Dưới sự quan sát của các học giả quốc tế, cuộc chiến này là một cuộc chiến « ủy nhiệm ». Pol Pot đánh VN là đánh cho Trung quốc. Còn VN đánh là đánh cho Liên Xô.

Tháng 12 năm 1978, quân VN tiến vào Nam Vang, đánh đuổi Pol Pot và thành lập chính phủ thân VN ở đây. Cùng với chính phủ này, VN đã ký kết các hiệp định « các nguyên tắc giải quyết các vấn đề biên giới ». Trên đất liền ký năm 1982, trên biển ký năm 1983.

Trả lời phỏng vấn báo chí, Nguyễn Cơ Thạch cho rằng VN tôn trọng đường biên giới hiện trạng theo bộ bản đồ Đông dương 1/100.000. Nhưng Sihanouk, năm 1984, tố cáo trước dư luận, qua thủ tướng Thái Lan, rằng VN đã chiếm vùng « mỏ vịt », tức là tỉnh Svay Rieng.

Về biên giới trên biển, theo nội dung các văn bản tham khảo được thì hai bên cùng đồng ý "lấy đường Brévié được vạch ra năm 1939 làm đường phân chia các đảo trong khu vực này", hai bên đồng thuận về « vùng nước lịch sử » trong khu vực đảo Phú Quốc và "sẽ thương lượng vào thời gian thích hợp… để hoạch định đường biên giới biển giữa hai nước".

Đảo Wai được VN trả lại cho Kampuchia.

Tháng 12 năm 1985 hai bên ký lại « Hiệp ước hoạch định biên giới ». Ngày 10-10-2005 ký thêm « Hiệp ước bổ sung » về biên giới. Hai bên bắt đầu cắm mốc từ năm 2006. Ta thấy tỉnh Svay Riêng, tức vùng Mỏ vịt, vẫn thuộc lãnh thổ của Kampuchia. Tức là lời tố cáo của Sihanouk là không đúng.

Điều nên biết, sau khi quân Pol Pot vào Nam Vang thành lập chính quyền thì Sihanouk được mời về làm quốc trưởng. Nhưng liền sau đó thì bị bạc đãi, tính mạng bị đe dọa. Bắc Kinh tìm cách can thiệp và đưa ông này đi Trung Quốc. Ở Bắc Kinh Sihanouk được đối đãi như là một thượng khách. Bởi vì lãnh đạo Trung Nam Hải biết được giá trị ở con cờ Sihanouk. Ông vua này có thể làm bất cứ điều gì để chống lại VN. Cũng vì lý do này mà đất nước Kampuchia điêu linh, thần dân của ông bị nhà nước Khmer đỏ tiêu diệt gần 1/3, trong đó có họ hàng thân thích của ông. Điều trớ trêu là nhà nước này do TQ dựng lên, lúc đó ông là một thành phần của nhà nước này.

Tuy vậy, hiện nay TQ vẫn là một đồng minh được ưa chuộng tại Kampuchia. Người Việt ở đây bị kỳ thị bao nhiêu thì người Hoa được ưu đãi bấy nhiêu. Toàn thể huyết mạch kinh tế TQ hiện nay là do 10 giòng họ người Hoa nắm giữ. Liên minh Trung Hoa – Khmer hứa hẹn sẽ bền chặt lâu dài mà chất keo hàn gắn hai bên là tinh thần bài Việt. Vấn đề lãnh thổ luôn được các bên sử dụng như là một cái cớ để khích động dân chúng để chống đối VN.

6/ Yếu tố Trung Quốc.


Như đã nói ở trên, sau 1975, lãnh thổ chỉ là cái cớ để TQ kích động khiến Khmer đỏ gây hấn VN. Thì bây giờ cũng vậy, vấn đề lãnh thổ cũng là cái cớ để TQ khích động tinh thần bài Việt trong dân chúng Kampuchia trong thời gian gần đây.

Vấn đề là biên giới trên đất liền đã được hai bên ký hiệp định và các mốc giới vừa được cắm xong. Hai bên đều thỏa mãn với yêu sách của mình, vì việc phân giới được thực hiện trên tinh thần bình đẳng, không ai ép ai. Do đó sử dụng lãnh thổ vùng biên giới để kích động đã không còn hữu hiệu. Những người Kampuchia hiện nay lên tiếng chống VN thuộc phe Sam Rainsy, một người theo dân tộc chủ nghĩa, rất thân TQ. Lá cờ đầu để những người này trương lên chống VN trước kia là các cột mốc biên giới, nay đổi lại là vùng Khmer Krom và những người dân bản địa sống ở đó.

Nhưng việc khích động người dân như thế không dễ dàng, nếu không có một cái cớ chính đáng nào đó. Điều này lại do nhà cầm quyền CSVN tạo ra. Đó là chính sách hà khắc của nhà cầm quyền này lên những người dân của họ. Điều này không làm ai ngạc nhiên, vì chính đồng bào ruột thịt của họ là dân miền Nam cũng bị phân biệt đối xử. Những người dân bản địa (mà nhiều người hiện nay gọi là người Việt gốc Miên) bị truất hữu ruộng đất, và đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến người dân ở đây chống nhà cầm quyền VN.

Nếu ta xét lại những đòi hỏi của những người tổ chức biểu tình chống VN ở Nam Vang thì ta thấy nó không rõ ràng, đôi khi mâu thuẩn. Những yêu sách của họ như buộc VN phải « nhìn nhận sự thật lịch sử », hay nhìn nhận « VN chiếm đất của Kampuchia » đều có vẻ không thực tế.

Vấn đề là họ đã lầm lẫn giữa quyền sở hữu đất đai của những người dân bản địa bị nhà nước CSVN truất bỏ, với chủ quyền về lãnh thổ.

VN có chủ quyền về lãnh thổ ở các khu vực mà dân Khmer gọi là Khmer Krom, điều này đã được củng cố bởi thời gian hàng nhiều thế kỷ qua, cũng như được bảo đảm bởi luật lệ quốc tế. Ý nghĩa của từ chủ quyền ở đây là « quyền lực chủ tể » trên vùng lãnh thổ đó chứ không phải là « quyền làm chủ », hay quyền sở hữu vùng lãnh thổ đó như nhiều người đã hiểu lầm. Quyền lực chủ tể có thể ban phát quyền sở hữu về đất đai, nhưng cũng có thể truất hữu, hay bãi bỏ quyền đó. Vấn đề là nhà nước CSVN lạm dụng « quyền chủ tể » này, truất hữu hàng loạt ruộng đồng, nhà cửa, không chỉ của dân bản địa, mà của nhân dân trên khắp ba miền đất nước, gây sự bất mãn cùng cực nơi mọi tầng lớp người dân. Cán bộ CS lạm dụng quyền chức, lấy đất của người thấp cổ bé miệng giao cho những thế lực tài phiệt nhằm trục lợi. Các điều này tạo ra những bất công, làm cho sự thù hận của người dân ngun ngút đến trời cao.

Vì vậy, do nhập nhằng về khái niệm, những người dân bản địa phẫn uất đã bỏ VN sang sinh sống ở Kampuchia. Tại đây họ được các thế lực bài Việt kích động, trở lại chống VN. Điều cần nhấn mạnh: họ là người VN, sinh đẻ tại VN, tổ tiên của họ đã ở trên vùng đất đó từ lâu đời. Điều ngạc nhiên là đến bây giờ những người này vẫn bị xem là « người Việt gốc Miên ». Tức là chính sách phân biệt giai cấp của CSVN đã đổi màu để biến thành chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

Trên đất Kampuchia, mặc dầu họ có chung nguồn gốc xa xôi, nhưng họ vẫn là người VN. Để tạo sự tin tưởng nơi người Kampuchia chính gốc, những người dân Việt ly hương này chống VN còn cực đoan hơn những người dân Kampuchia chính gốc. Đây là một hiện tượng tâm lý, dễ bị người khác lợi dụng.

Điều đáng lo ngại là TQ có thể sử dụng lớp người bất mãn này, nuôi dưỡng họ, huấn luyện họ. Trong khi kinh tế Kampuchia lại có khuynh hướng phát triển hơn VN. Việc này càng tạo cho Kampuchia một sức hút khiến người Việt đổ xô về đây tìm cách sinh sống. Tất cả các yếu tố này đều nguy hiểm cho VN. Ta không thể bỏ qua viễn tượng, một ngày nào đó, chính những người Việt này được TQ vũ trang để trở về chống lại VN.

Lúc đó, một VN yếu, kinh tế kém phát triển, kéo theo sự yếu kém về quân sự, có thể dễ dàng bị lệ thuộc vào nước ngoài.

7/ Giải pháp nào?

Như đã nói, vấn đề bài Việt ở những người dân bản địa VN, vấn đề đòi lại đất, là do từ chính sách hà khắc của nhà nước CSVN. Chủ trương « sở hữu tập thể về đất đai » thực ra là để tạo một nguồn kinh tài cho đảng CSVN. Ở VN hiện hữu cái gọi là « quĩ đất ». Lãnh đạo có thể sử dụng đất từ các « quĩ » này như là một nguồn tài chánh, tương tự như các mỏ dầu khí, đưa vào ngân sách quốc gia để chi phí điều hành. Việc lạm dụng đã tạo ra tại VN một tầng lớp dân oan, những người trắng tay vì đất đai bị truất hữu. Việc truất hữu phần nhiều không minh bạch, vì mục đích của nó không nhằm phục vụ cho quyền lợi của số đông mà chỉ cho một vài cá nhân, tài phiệt. Những người dân oan này phần nhiều là những người dân tộc thiểu số vùng tây bắc, trên tây nguyên, hay ở miền Nam.

Trong khi việc tạo « quĩ đất » không hề thúc đẩy kinh tế phát triển. Ngược lại, tệ nạn đầu cơ về nhà đất đã tạo ra những bong bóng tài chính đe dọa sự hiện hữu cũng như các hoạt động chủ yếu của ngân hàng. Nền kinh tế VN có nguy cơ sụp đổ.

Khi đã biết được nguyên nhân thì biện pháp chế ngự hệ quả không phải là việc khó khăn. Đối với những người dân bản địa ở miền Nam, để họ không bỏ nước sang Kampuchia lập tổ chức chống đối, điều nhà nước cần phải làm là cho những người đó thấy là sống ở VN sung sướng, thoải mái hơn là sống ở Kampuchia. Việc này không chỉ áp dụng cho những người dân bản địa, mà cho chung mọi người dân VN. Tức là kinh tế VN phải phát triển hơn Kampuchia. Chế độ VN nhân bản, tình người hơn chế độ Kampuchia. Tức là, chỉ còn cách duy nhất là thay đổi thế chế chính trị: dân chủ hóa chế độ. Chỉ dưới một chế độ dân chủ VN mới có thể phát triền lành mạnh.

Tiếp theo là trả lại cho người dân những gì đã là của họ. Những gì của tổ tiên họ đã tạo ra, đã là của họ, thì phải trả lại cho họ. Trả ở đây là trả quyền sở hữu đất đai chứ không phải từ bỏ « chủ quyền lãnh thổ ». Kế đến là xây dựng một chính sách « hòa giải dân tộc ». Làm thế nào cho mọi người dân thấy rằng họ được tôn trọng. Tôn trọng về nhân vị là tôn trọng văn hóa, tôn giáo, lịch sử, lề lối sinh hoạt… của người dân đó.

Sẽ không có biện pháp nào khác. Mọi đàn áp, trừng trị tù tội hôm nay sẽ không dẹp được ngọn lửa căm hờn, mà chỉ làm cho áp lực ngày càng tăng thêm. Một khi nhà nước yếu đi, vì lý do kinh tế thí dụ vậy, thì ngọn lửa này sẽ bùng cháy mãnh liệt. Nếu được sự tiếp tay của ngoại bang, thì VN sẽ không có cách nào trấn áp được. Lãnh thổ bị phân liệt là điều sẽ đến.

Trương Nhân Tuấn
http://www.danluan.org/tin-tuc/20141123/truong-nhan-tuan-van-de-kampuchia-tranh-chap-lanh-tho

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét