Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

Vì sao 95 tuổi, mới được phong danh hiệu NGND?

Thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ xét tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân (NGND), nhà giáo ưu tú (NGƯT), có tới cả trăm quy định, thủ tục để các nhà giáo được phong tặng các danh hiệu này. Theo người nhà tôi kể, để phong danh hiệu NGND và tặng giải thưởng nhà nước gì đó cho bác ruột tôi, người ta đã vận động bác, dù bác đã ngoài 70 tuổi, phải vào Đảng cộng sản Việt Nam; thế mới đủ tiêu chuẩn để họ trao, tặng. Có lẽ họ cũng không có nhu cầu trao tặng, nhưng chắc bác tôi có uy tín lớn quá nên họ mới tìm cách vận động bác nhận; còn bác có lẽ cũng không có nhu cầu nhận mấy cái thứ phù phiếm này.
Vì sao 95 tuổi, mới được phong danh hiệu NGND?
- Khi GS Lê Quang Long nhận danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 2014, đã có rất nhiều ý kiến thắc mắc tại sao, một nhà giáo có 65 năm tận tuỵ với nghề, có đóng góp to lớn với sự nghiệp khoa học kĩ thuật… đến lúc này mới được phong tặng?
GS Lê Quang Long nhận danh hiệu NGND năm 2014 (Ảnh: Văn Chung)
Hồ sơ có tới cả trăm thủ tục
Được biết, trước đó GS Lê Quang Long còn chưa nhận được cả danh hiệu Nhà giáo ưu tú (NGƯT). Trong đợt xét phong tặng lần này, GS Lê Quang Long được xét đặc cách danh hiệu NGND. Việc GS Lê Quang Long chưa từng nhận danh hiệu nào là một “chuyện lạ” đối với nhiều đồng nghiệp, học trò của ông. Mặc dù trong những lần phong tặng trước đó, đã có nhiều nhà giáo được đặc cách phong tặng danh hiệu NGND.

PGS. TS Trần Xuân Nhĩ từng bày tỏ: “Thầy Lê Quang Long là thầy dạy, sau này là đồng nghiệp của tôi. Tôi kính trọng tài năng, đạo đức và mong muốn thầy trở thành Nhà giáo nhân dân trong nhiều năm về trước. Nhiều lần tôi đã đề nghị thầy làm thủ tục theo cơ chế của Nhà nước nhưng thầy Long không làm vì cho rằng phục vụ nhân dân tốt là được rồi…”.

Thủ tục giấy tờ được một số nhà giáo chia sẻ là nguyên nhân khiến nhiều người “ngại” khi được đề nghị làm hồ sơ xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT.

Bởi theo Thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ xét tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân (NGND), nhà giáo ưu tú (NGƯT), có tới cả trăm quy định, thủ tục để các nhà giáo được phong tặng các danh hiệu này.

Ví như, tiêu chuẩn để xét phong tặng danh hiệu NGND gồm: Có tài năng sư phạm xuất sắc, có uy tín lớn và ảnh hưởng trong ngành và trong xã hội, là nhà giáo đầu đàn tiêu biểu được đồng nghiệp thừa nhận, là nhà giáo mẫu mực được học trò và nhân dân kính trọng, có nhiều thành tích trong công tác bồi dưỡng, giúp đỡ đồng nghiệp về chuyên môn, nghiệp vụ và nghiên cứu khoa học.

Một trong các tiêu chuẩn nữa là phải có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy từ 20 năm trở lên. Đối với cán bộ quản lý giáo dục thì phải có thời gian công tác trong ngành từ 25 năm trở lên trong đó có 15 năm trở lên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy.

Thông tư 07 cũng lượng hóa điều kiện về sáng kiến, giải pháp, đề tài nghiên cứu khoa học... để đạt danh hiệu NGND.

Tổ chức lấy tín nhiệm ở cơ sở nhiều lần

Một NGND mới được phong tặng danh hiệu tiết lộ, may mà đơn vị nơi ông công tác đã nhiệt tình làm hồ sơ cho ông. Chứ nếu để ông tự làm chắc sẽ không bao giờ hoàn thành nổi bộ hồ sơ.

Bộ hồ sơ còn phải chi tiết tới cả những minh chứng đi kèm, như ảnh chụp lại những bằng khen mà ông nhận được. Để bộ hồ sơ được phê duyệt, cơ sở nơi nhà giáo này công tác đã tổ chức lấy tín nhiệm tới cả chục lần.

Hướng dẫn Triển khai xét tặng danh hiệu NGND - NGƯT lần thứ 13 năm 2014 của Bộ GD-ĐT quy định “cực khó”: Hội đồng xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT các cấp phải có từ 9 thành viên trở lên. Danh sách các nhà giáo được đưa vào bỏ phiếu phiên tán thành của Hội đồng cấp huyện hoặc tương đương phải có số phiếu tại phiên họp sơ duyệt đạt từ 80% trở lên; Hội đồng cấp tỉnh và tương đương có số phiếu sơ duyệt đạt từ 90% trở lên. Như vậy, chỉ cần 1 – 2 người không bỏ phiếu thuận là không được thông qua.

Vì vậy, nhà giáo này còn bảo: “Chính ra, phải gọi danh hiệu NGND này là thành tích của tập thể, tôi chỉ thay mặt tập thể nhận thôi”.

Như trường hợp của GS Lê Quang Long, NGƯT Nguyễn Khắc Phi đã từng phải “kêu gọi”: “Cần có quan niệm thoáng về cái gọi là cơ sở đề nghị. Có thể là ĐHSP Hà Nội, cũng có thể là Hội Sinh lí học Việt Nam, là Hội Cựu giáo chức.... Với những người có đóng góp lớn như anh Lê Quang Long, cũng không nhất thiết là phải có danh hiệu NGƯT đã mới được đề nghị phong NGND”.

Một nhà khoa học, nhà giáo khác, tiếng tăm lừng lẫy không chỉ trong nước mà còn cả quốc tế, đến lúc qua đời vẫn chỉ có danh hiệu NGƯT. Lý do, như câu chuyện lưu truyền trong “dân gian”, là khi khai hồ sơ về số lượng bài báo khoa học ông khai vỏn vẹn “1000 bài”, số lượng sách đã in ông khai “100 cuốn”. Hồ sơ của ông bị loại vì hội đồng cho rằng ông không nghiêm túc.

Ngân Anh

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/208691/vi-sao-95-tuoi--moi-duoc-phong-danh-hieu-ngnd-.html

Người thầy nhận danh hiệu Nhà giáo nhân dân ở tuổi 95

 - Trong số 39 nhà giáo nhân dân được phong tặng năm nay, người cao tuổi nhất là GS Lê Quang Long, 95 tuổi.
GS.TS Lê Quang Long được biết đến là người thầy tiêu biểu trong thế hệ giáo viên đầu tiên ở các cấp trung học dưới chế độ mới.

Với đào tạo đại học, thầy cũng là thế hệ giảng viên đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – là người thầy đầu tiên của khoa Sinh học, ĐH Sư phạm Hà Nội - đào tạo nên thế hệ các nhà Sinh học Việt Nam đầu tiên.
Lê Quang Long; Người thầy; danh hiệu; Nhà giáo nhân dân
GS Lê Quang Long nhận danh hiệu từ Chủ tịch nước. Ảnh: Văn Chung
Những cựu học sinh của thầy Lê Quang Long tại các trường trung học sau này đều trở thành những nhà hoạt động chính trị, xã hội, quân sự và khoa học, nhà giáo dục thành đạt. Nhiều sinh viên của thầy đã trở thành những nhà khoa học Sinh học đầu ngành, công tác tại những trung tâm khoa học lớn của đất nước như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam…

Trong thời gian công tác tại Khoa Sinh học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, GS.TS Lê Quang Long đã chủ trì nhiều đề tài khoa học, từ khi đất nước còn trong chiến tranh và cho tới sau này. Như những công trình nghiên cứu về cá, các đề tài nghiên cứu phục vụ Quốc phòng (trong chiến tranh gọi là đề tài tuyệt mật).

Tính từ năm 1970 đến nay, ông đã viết gần 100 đầu sách, trong đó 50 đầu sách được viết trong những năm về hưu. Đó là những giáo trình đại học, sách giáo khoa phổ thông, sách tham khảo, chuyên đề sau đại học và từ điển. Ông trở thành tác giả được Nhà xuất bản Giáo dục tín nhiệm với những đầu sách hay, sách đẹp, được tái bản nhiều lần như: Bộ ba Từ điển tranh về động vật, về thực vật; Từ điển Sinh học phổ thông; ba tập Chuyện lạ có thật về động vật, về thực vật, về con người… Bên cạnh đó, GS.TS Lê Quang Long còn có rất nhiều công trình khoa học đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và ngoài nước.

Công trình đáng nói nhất của ông là cuốn Hóa điện phản xạ và trí nhớ (xuất bản năm 1973, tái bản năm 2003). Trong lời giới thiệu, GS. TS Tạ Quang Bửu có đoạn viết: “Vì cuốn sách viết rất rõ ràng và hấp dẫn về những vấn đề quan trọng nên tôi đã đọc một mạch và sau khi đọc xong, sách để lại cho tôi một cảm giác thoải mái vì đã tiếp thu được rất nhiều mà không phải lao động nhiều lắm”.

Có người gọi ông là giáo sư “không có tuổi già”; còn GS. TSKH, Nhà giáo ưu tú Trần Kiên (nguyên Chủ nhiệm khoa Sinh học, Đại học Sư phạm Hà Nội) viết về ông trong cuốn hồi ký (năm 2008) như thế này: Hệ thống kiến thức bài giảng của thầy được cấu trúc với những nét độc đáo và đặc sắc, trong đó có sự nhuần nhuyễn hợp lý giữa khái niệm, định nghĩa với các ví dụ về những sự kiện khoa học của bài giảng…

Không chỉ đóng góp cho nền giáo dục của Việt Nam, GS Lê Quang Long còn có công lao không nhỏ trong việc khôi phục nền đại học Campuchia sau nạn diệt chủng Pôn Pốt.

Theo đề nghị của Campuchia, phái đoàn Việt Nam do bà Nguyễn Thị Bình làm trưởng đoàn đã sang truyền đạt kiến thức cho những người đồng nghiệp tương lai - những người sẽ đặt nền móng cho nền đại học Campuchia. GS Lê Quang Long đã giúp bạn biên soạn và xây dựng 3 bộ giáo trình bằng tiếng Pháp… Với những đóng góp cho nền đại học Campuchia, ông đã được Thủ tướng Hun-xen ký tặng Huân chương Hữu nghị Việt Nam - Campuchia.

PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, trưởng khoa Sinh học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: Cá nhân tôi là học trò được thầy dạy dỗ trực tiếp. Thầy giảng thì thú vị đến nỗi chúng tôi chỉ biết nghe, nghe đến say mê mà quên cả ghi chép bài. Tôi học thầy cũng đã 41 năm rồi (vào những năm 1972 – 1973), thế mà đến giờ vẫn còn nhớ những ví dụ thầy dạy: Tại sao ion K lại đi qua màng tế bào dễ hơn ion Na – bởi thầy dạy tôi, giống như hai người, một béo, một gầy tranh nhau đi qua một cái cửa hẹp. Anh gầy bé – nhẹ nhàng có ưu thế, còn anh to béo tranh mãi mà vẫn bị mắc lại. Và cứ những ví dụ như vậy, chúng tôi mới hiểu nguyên lý của dẫn truyền xung thần kinh là thế nào.

Với chúng tôi đã 30 – 40 năm đi dạy học, cho dù bây giờ người ta nói nhiều tới đổi mới phương pháp dạy học thì cách dạy của thầy và dạy được như thầy vẫn là điều mơ ước”.

Ngân Anh tổng hợp
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/207028/nguoi-thay-nhan-danh-hieu-nha-giao-nhan-dan-o-tuoi-95.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét