ĐBQH buồn vì “Luật ở trên trời, thông tư ở dưới đất"
“Người dân, doanh nghiệp chờ thông tư hơn chờ luật, nghị định. Họ cũng sợ thông tư hơn sợ luật, nghị định. Luật thì ở trên trời, thông tư thì dưới đất”. ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nêu quan điểm trước nghị trường Quốc hội về thực trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn pháp luật kéo dài tới nay vẫn chưa có hồi kết và những bất cập về các văn bản hướng dẫn Luật.
ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch VCCI
Sáng 27/11 Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật ban hành Văn bản pháp luật (VBPL). Phần tham gia đóng góp ý kiến cho dự án Luật của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực sự gây sự chú ý khi những quan điểm ông trình bày được “đúc kết” từ quá trình thực tế làm việc với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.Theo ĐB Lộc, thực tế cho thấy một số văn bản được ban hành mà không rõ mục tiêu, phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh và nguyên tắc xây dựng chính sách, dẫn đến những hiểu lầm và tranh luận không cần thiết hoặc nội dung dự thảo không đúng với chủ trương, định hướng của người có thẩm quyền ban hành văn bản. Ví dụ như một số đề xuất trước đây về quản lý xe ôm, về sức khỏe của người lái xe….
Tuy dự thảo Luật đã chú ý đến việc này bằng việc đưa nội dung chính sách thành một nội dung chính xuyên suốt quá trình xây dựng VBPL.
“Đó là một tiến bộ vượt bậc”- ông nhận xét. Vậy nhưng “điểm hở” của bản dự thảo lại là không định nghĩa cụ thể “chính sách” là gì, bao gồm những nội dung nào, căn cứ vào đâu để đánh giá chính sách?… “Toàn bộ các quy trình xây dựng pháp luật sau đó chạy theo chính sách, dựa vào chính sách, nhưng cả người soạn thảo lẫn người thẩm định đều không biết chính sách đó được xác định thế nào, cần phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu gì?”- vị ĐBQH đồng thời là Chủ tịch VCCI quan ngại.
Một lo ngại nữa được ông Lộc đưa ra, là hiện nay các Bộ ngành vẫn là những cơ quan soạn thảo pháp luật chủ yếu. Tuy nhiên, quy trình soạn thảo văn bản hiện hành cho thấy rõ những bất cập về chất lượng văn bản pháp luật khi bộ, ngành vừa là cơ quan đề xuất, soạn thảo, vừa là cơ quan ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện quản lý nhà nước. Do vậy, có một xu hướng tự nhiên nhiều chính sách vẫn dành thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, đẩy khó khăn cho các đối tượng chịu sự điều chỉnh của văn bản, nhưng không có cơ chế nào hạn chế hệ quả của việc này.
Thực tế 8 năm thực thi Luật hiện hành đã cho thấy rất rõ bất cập về các văn bản hướng dẫn Luật .Nhiều Luật được ban hành nhưng không có văn bản hướng dẫn kịp thời với hiệu lực của Luật. Tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn kéo dài nhiều năm chưa chấm dứt. Người dân, doanh nghiệp chờ thông tư hơn chờ luật, nghị định, bởi khá nhiều trường hợp công chức ở cơ sở từ chối thực hiện thủ tục vì lý do chưa có thông tư hướng dẫn. Họ cũng sợ thông tư hơn sợ luật, nghị định vì trong không ít trường hợp, thông tư hạn chế quyền, mở rộng nghĩa vụ của họ nhiều hơn so với luật, nghị định. “Luật thì ở trên trời, thông tư thì dưới đất”- ĐB Lộc buồn rầu.
Trên cơ sở đó, ĐB Vũ Tiến Lộc góp ý bổ sung 3 nguyên tắc và dự thảo Luật.
Trước tiên, chỉ các loại văn bản cấp Bộ ngành trở xuống không được quy định hạn chế các quyền hoặc tăng thêm các nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân so với quy định của văn bản cấp trên. Cách làm này sẽ tương tự như cách làm của Luật Doanh nghiệp hiện nay, là không cho phép Bộ ngành, địa phương không được ban hành quy định về điều kiện kinh doanh.
Thứ hai, là văn bản từ cấp quyết định của Thủ tướng trở lên mới có thể có văn bản hướng dẫn.
Cuối cùng, có cơ chế để kiểm soát và xử lý trách nhiệm trong việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn.
Nguyễn Hoài
Thứ hai, là văn bản từ cấp quyết định của Thủ tướng trở lên mới có thể có văn bản hướng dẫn.
Cuối cùng, có cơ chế để kiểm soát và xử lý trách nhiệm trong việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn.
Nguyễn Hoài
http://infonet.vn/dbqh-buon-vi-luat-o-tren-troi-thong-tu-o-duoi-dat-post152326.info
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét