Chinh phục những đỉnh cao huyện Bắc Yên
Không biết Bắc Yên có phải là huyện miền núi cao nhất của tỉnh Sơn La hay không, nhưng từ Cò Nòi trên quốc lộ 6 đi sông Đà qua cầu Tạ Khoa trên quốc lộ 13 đến huyện lị huyện Bắc Yên rồi đi Tà Xùa, toàn thấy núi cao trùng điệp. Những quả đồi nham nhở chỗ xanh của rừng còn sót lại , chỗ nâu của đất bị khai thác để trồng ngô và là một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên nạn sói lở đất và úng lụt hàng năm .
Nhưng cũng không nên quá trách người nông dân các dân tộc đã phá rừng bừa bãi bởi vì không phá rừng trồng lương thực thì lấy gì bỏ vào mồm. Có trách là trách nhà nước đã không sớm có quy hoạch, đã chậm định cư đồng bào , cứ để họ du canh du cư từ năm này qua năm khác , từ đời này qua đời khác. Đến khi giáo dục, động viên và tổ chức cho họ định cư được thành xóm bản thì cũng là lúc rừng đã phá xong.
Trong chiến lược xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc vùng cao, công bằng mà nói, chúng ta đã làm được nhiều việc . Nạn đói đã chấm dứt. Có chăng chỉ còn đứt bữa...
Nhưng chất lượng bữa ăn thì còn phải cải thiện nhiều. Điều này thấy rõ nhất ở các lớp học, đặc biệt là các lớp mẫu giáo. Nhìn bữa ăn trưa của các cháu nhỏ mà đắng lòng. Chỉ có cơm với rau thậm chí rau cũng chẳng có ở vùng cao Bắc Yên này . Vì thế sẽ dễ hiểu vì sao nhà báo Trần Đăng Tuấn nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam sau khi từ quan đã phát động thành công chương trình “cơm có thịt “ cho các cháu học sinh vùng cao và ngày càng thu hút được sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân.
Nhưng các cháu học sinh vùng cao không chỉ không biết đến cá thịt, chúng còn thiếu thốn nhiều thứ lắm: nào sách vở, giấy bút, nào quần áo giầy dép. Mùa đông sắp đến rồi . Những lớp học tuềnh toàng làm sao chống trọi được với những cơn gió mùa đông bắc thổi như bão ?
Từ trên đường quốc lộ 13, ngay lối có tấm biển” huyện Bắc Yên Kính chào các quý khách”, tôi theo chân các cô giáo Hà Nội leo lên đỉnh núi Hua Nhàn để đến tặng quà cho các cháu trường mẫu giáo . Nhìn dốc cao như dựng đứng mà ái ngại. Cô hiệu trưởng cho bốn thanh niên người dân tộc đi xe máy xuống đường cái để chở quà và thấy tôi nhiều tuổi có ý mời tôi ngồi lên xe máy để các anh ấy chở đi .
Nhưng nhìn con dốc cao không theo tiêu chuẩn đường xá nào và trời lại mưa trơn từ mấy hôm trước, tôi ái ngại lắc đầu và quyết định đi bộ cùng mọi người. Nhưng mới đi vài chục mét mà đã thở dốc, trống ngực đánh thình thình . Một cô giáo bảo ông dừng lại thôi, đừng cố . Nhưng tôi nghỉ một lát rồi lại tiếp tục đi. Mọi người đã đến chỗ khuất, còn tôi cứ tụt dần, tụt dần . Một mình vừa đi vừa tự động viên mình bằng bài hát Điện Biên năm nào “ Dốc núi cao cao lòng quyết tâm còn cao hơn núi. Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù…”. Bây giờ thì chẳng còn giặc nữa để căm thù nhưng vẫn còn đó một thứ có thể coi là giặc : giặc đói nghèo.
Cuối cùng tôi cũng leo được lên đỉnh núi, nơi đặt lớp mẫu giáo của xã Hua Nhàn. Đó không phải là một lớp học theo đúng nghĩa của nó . Nó chỉ là một căn nhà lợp fibro xi măng ( có rất nhiều độc hại) , ba phía che bởi các tấm tre bương , phía sau che bởi một lớp vải nhựa, thứ vải mà ở dưới xuôi mỗi khi xây nhà người ta dùng để che chắn cho khỏi bụi.
Ghé vào bên trong tối om vì không có cửa sổ, tôi bắt gặp những đôi mắt ngỡ ngàng của hơn hai chục cháu nhỏ . Các cháu khoanh tay ngoan ngoãn chào khách lí nhí câu tiếng Kinh chưa sõi làm khách đường xa vừa vượt dốc bở hơi tai thấy ấm lòng và hết mệt nhọc
Chúng tôi trao tận tay mỗi cháu một chiếc áo ấm , một đôi dép mới ( quên chưa mua tất cho các cháu) và mỗi cháu một gói bánh kẹo . Hai mươi tám cháu là hai mươi tám phần quà như vậy. Không biết đã có ai lên tận đỉnh núi này để trao quà cho các cháu chưa nhưng tôi chưa bắt gặp được một ánh mắt vui mừng bởi vì cuộc trao tặng này đối với các cháu quá lạ lẫm. Lạ lẫm ngay cả đối với mấy bà mế địu con đứng xem chuyện lạ trên núi rừng Hua Nhàn.
Vào thăm phòng nghỉ của cô giáo . Một căn phòng nhỏ trống trơn . Chỉ có một chiếc giường nhỏ , dưới gậm giường là mấy quả bí ngô để cô và trò nấu xuông cho bữa trưa . Cô giáo chưa đầy hai mươi tuổi tình nguyện lên đây gieo cái chữ cho các cháu người Mông , người Dao, người Hà Nhì mà chưa biết bao giờ được lĩnh lương, bao giờ được về quê dưới xuôi . Mùa đông sắp đến rồi, không biết cô sẽ chống trọi ra sao với những cơn gió lạnh buốt xương trong căn phòng trống hơ trống hoác. Cảm nhận được điều đó, đại diện một doanh nghiệp cùng đi sau khi quyết định xây cho cái lớp mẫu giáo này một lớp học , đã quyết định xây thêm một phòng cho cô giáo . Rất vui khi được biết tin này.
Nhưng Bắc Yên còn bao nhiêu lớp học như thế, còn bao nhiêu đứa trẻ cần sự giúp đỡ như thế . Nhà nước đã cố gắng rất nhiều nhưng chỉ mới lo được cho các cháu tiểu học và trung học cơ sở. Mảng mẫu giáo hầu như để dân tự lo liệu mà sức dân miền núi thì chúng ta biết đấy. Lo có bát cơm cho con đi học đã là cố gắng lắm rồi.
Đến đây thấy các cháu ngoan ngoãn , hàng ngày đi bộ bốn năm cây số vượt dốc cao, đèo sâu đến lớp mà lòng thấy nhiều khi hổ thẹn với những gì người lớn đã làm khi hô to khẩu hiệu “ Tất cả vì tương lai con em chúng ta”.
Muốn xã hội tương lai tốt đẹp hơn phải xây dựng con người từ tấm bé. Muốn xây dựng miền núi tiến kịp miền xuôi phải chăm lo thế hệ trẻ bằng tất cả lương tâm và trách nhiệm. Nhà nước chưa lo được thì nhân dân phải xúm tay vào. Đó chính là lí do ngày càng có nhiều Đoàn thiện nguyện đến với các trường học vùng cao.
Chỉ xin lưu ý một điều; các trường ven đường quốc lộ thì đường dễ đi, được nhiều đoàn trao quà. Hãy đến các trường trên núi cao như Hua Nhàn , như Tà Xùa . Ở đó cây chè còn bị gió to thổi tước cả lá. Nhưng người dân thì vẫn vững vàng sản xuất trên các nương ruộng bậc thang, vẫn giữ cho cây chè Tà Xùa mang thương hiệu nổi tiếng của Bắc Yên bởi vị thơm nồng chát ngọt của nó.
Lần đầu tiên tôi đến Bắc Yên nơi cách đây gần sáu chục năm, nhà văn Tô Hoài đã sống cùng bà con và viết nên thiên tình sử nổi tiếng “ Vợ chồng A Phủ” . Khi tôi viết những dòng này , nhà văn đã yên nghỉ dưới suối vàng nhưng tình cảm của nhân dân Bắc Yên đối với ông vẫn rất sâu nặng bởi vì ông đã “ ba cùng” thật sự với nhân dân nên mới viết được câu chuyện thấm đẫm tình người như vậy và trong tôi vẫn vang lên câu hát của bài ca “Trên đỉnh núi “ trong bộ phim cùng tên tác phẩm của cố nhà văn Tô Hoài.
Lần này, chúng tôi mới đến được hai lớp mẫu giáo của hai ngọn núi cao mà để đến được phải có sức khỏe, có tay lái vững vàng và phải có tình yêu. Tình yêu đó lúc đầu chỉ là cảm tính với vùng đất anh hùng trong chiến đấu và kì vĩ bởi thiên nhiên trời cho , đã nhen nhúm và lớn dần lên cùng với những tình cảm thân thương chân chất mà các cháu học sinh, các cô giáo, và bà con dân bản cũng như chính quyền huyện, xã đã dành cho chúng tôi và hẹn lòng thế nào cũng quay trở lại với nhiều hơn những đoàn thiện nguyện.
An Thanh Lương
http://luongkhaulao.wordpress.com/2014/11/04/chinh-phu%CC%A3c-nhu%CC%83ng-di%CC%89nh-cao-huye%CC%A3n-bac-yen/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét