Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

Hà Giang ơi Ta yêu Người mất rồi !

Hà Giang mến yêu ơi !
An Thanh Lương  Tôi đã hai lần đi Đồng Văn và từng ngây ngất trước vẻ đẹp hùng vĩ của đá, bạt ngàn những vách đá tai mèo, của cột cờ Lũng Cú, của nhà Vương, đã run rẩy khi đi qua con đèo Mã Pì Lèng mà một bên là vách núi cao, một bên là vực sâu thăm thẳm nhìn xuống đã thấy chóng mặt . Đây là lần thứ tư tôi đến đây chỉ để thưởng ngoạn vẻ đẹp của các ruộng Tam giác mạch khi mùa hoa trổ mà những lần đi trước không đúng dịp . Và không biết có lại một lần tự lái xe đi nữa không ? Hà Giang ơi Ta yêu Người mất rồi !



Những tin tức về việc các thửa ruộng hoa Tam giác mạch sắp tàn, những bức ảnh đẹp mê hồn về loài hoa còn xa lạ này trên các trang mạng đã kéo mọi người đặc biệt là các tay săn ảnh, các tay phượt ùn ùn rủ nhau vượt hàng trăm cây số đường đèo dốc hiểm trở để đến quê hương của cây hoa Tam giác mạch .


Ngày thứ năm(24-10) trên đoạn đường đèo dài 50 cây số từ Quản Bạ đến Yên Minh đã xảy ra tắc đường. Đoàn xe ô tô nối dài cả cây số sốt ruột chờ lăn bánh khi chiều đang buông xuống mà chỗ nghỉ ở Yên Minh chưa xác định. Các khách sạn đều hết chỗ từ lâu.

Ngày thứ bảy(26-10) lại là ngày của các tay phượt đến từ Hà Nội. Họ đi xe máy lên Hà Giang từ tối hôm trước và sáng ra khi sương mù còn giăng đầy các đỉnh núi , từng đoàn , từng tốp hai ba người, có khi cả hai ba chục người phóng xe trên quốc lộ 4C thẳng tiến về hướng Quản Bạ rồi Yên Minh để đến Đồng Văn nơi những cánh đồng hoa Tam giác mạch đang đón chờ.


Thật ra Hà Giang có quá nhiều cảnh đẹp và di tích đáng để chiêm ngưỡng : Quản Bạ có Núi Đôi như hai bầu vú khổng lồ của bà Nữ Oa đội đá vá trời , Yên Minh có những rừng thông mang dáng dấp của Đà Lạt,và mùa này những cây hồng ngâm ngọt lịm ròn tan đang cho quả chín , Đồng Văn có cao nguyên đá được công nhận là di sản địa chất của thế giới, có cột cờ Lũng Cú điểm địa đầu của Tổ Quốc mà ai cũng mơ ước một lần đặt chân đến, có dinh vua Mèo Vương Chí Sình mà người dân quen gọi là Nhà Vương được giữ gìn hầu như nguyên trạng , có phố cổ Đồng Văn mà bạn có thể thư giãn với li café đậm đặc chất Hà Nội , có đèo Mã Pì Lèng, con đèo nguy hiểm nhất nước và là bản hùng ca của ngành giao thông những năm 60 của thế kỉ trước . 

Từ trên đỉnh đèo có thể ngắm nhìn dòng sông Nho Quế mãi dưới thung sâu đẹp như một dải luạ xanh giữa núi rừng Mèo Vạc hùng vĩ . Và không thể không nhắc đến những thửa ruộng hoa Tam giác mạch ở ven các ngọn đồi bên đường hay trên những mảnh ruộng ở dưới các thung lũng hiếm hoi . Mà chính thứ hoa ma muội này đã hút khách vào tháng chín , tháng mười hàng năm.

Ta có thể bắt gặp những thửa ruộng hoa như thế ở Phố Cáo ven quốc lộ 4C, hoặc ở Lũng Cú, ở thị trấn Đồng Văn, hoặc trên đường từ Đồng Văn đi Lũng Cú … Nhưng nếu muốn ngắm nhìn những bãi hoa đẹp hơn, mập mạp hơn, bạn phải lặn lội vào Phố Là, Phố Bảng , Xủa Pả phải vượt qua một con đèo hiểm trở hơn cả Mã Pì Lèng . Đó là nơi dành cho các bạn trẻ, những phượt thủ dũng cảm đi săn ảnh đẹp với những trang bị chuyên nghiệp đầy đủ. Xe máy có công suất cao, quần áo mũ giầy tất , bảo hiểm khuỷu tay đầu gối đầy đủ . Balo, lương thực, nước uống …Tôi đã gặp ba bạn trẻ như thế ở Phố Là. Hai trai và một gái. Họ đã đến đây từ sớm và đang say sưa tác nghiệp. Chính cô gái trẻ xinh đẹp lại là người có nhiều kinh nghiệm đi phượt nhiều hơn hai anh bạn trai cùng đi cho dù cô chỉ sử dụng chiếc Honda 67 cổ lỗ nhưng rất khỏe.

Nhưng Tam giác mạch là cây gì, và tại sao người Mông trên cao nguyên đá Đồng Văn lại trồng nó. Xin thưa đó là một loại cây lương thực, một loại ngũ cốc, một loại mạch như ngô lúa . Lá của nó có hình tam giác và vì thế người ta gọi nó là Tam giác mạch . Mùa Hè, người ta gieo hạt, và mùa Thu, cây Tam giác mạch trổ hoa. Lúc đầu nó cho hoa màu trắng. Trải qua mưa nắng, hoa đổi màu hồng tím rồi màu tím sẫm . Cuối tháng 10, hoa tàn để lại hạt mạch săn chắc có thể dùng để ăn hoặc chăn nuôi gia súc . Tuy nhiên năng suất không cao , và đất đai hiếm hoi người dân dành để trồng lúa ngô nên sản lượng Tam giác mạch không nhiều và tất nhiên những vườn hoa Tam giác mạch cũng hiếm hoi . 

Nhưng nó cũng đủ thu hút sự ham thích khám phá cái đẹp của những bông hoa mỏng manh và nhỏ li ti mọc thành thảm lớn rực rỡ tại những vị trí đắc địa in hình núi đồi và những đụn thân ngô đã thu hoạch . Và đó là lí do từng đoàn xe ô tô, từng đoàn xe máy nối đuôi nhau vượt núi lên Đồng Văn . Muốn có chỗ nghỉ, họ phải đăng kí trước hàng tháng tại các khách sạn đang mọc lên ngày càng nhiều ở Thành phố Hà Giang, ở Quản Bạ, ở Yên Minh, ở Đồng Văn, ở Mèo Vạc , các huyện miền biên giới của Hà Giang đang biến lợi thế thiên nhiên thành sản phẩm du lịch độc đáo


Hà Giang cách Hà Nội 300 cây số. Đồng Văn cách Hà Nội khoảng 500 cây số. Khoàng cách là rào cản rất lớn . Đường đi khó khăn, núi cao và vực sâu với hàng trăm cua tay áo rất nguy hiểm . Nhưng đường xa và sự khó nhọc trong việc đi lại, ăn ở không cản được sự mơ ước khám phá của mọi người nhất là các bạn trẻ. 

Chỉ mong ngành giao thông sớm xây dựng tường hộ lan bằng tôn không rỉ ở mọi cung đường đèo dốc nguy hiểm . Một số “tường hộ lan” xây gạch sơn đỏ trắng trông có vẻ an toàn nhưng nếu đụng xe vào sẽ thấy nó vỡ vụn như bã đậu vì không có cốt thép và “ít” xi măng . Lắp đặt các gương cầu lồi ở những chỗ ngoặt khuất tầm nhìn nhất là rất cần nhưng không thấy . Đừng để xảy ra một vụ lật xe do mất phanh như ở Sapa mới gần đây thôi rồi mới “lo làm chuồng” bác Đinh La Thăng ạ !


P/S Tôi đã một lần đi Mèo Vạc, qua Khâu Vai để đến thăm nhà máy thủy điện Nho Quế khi đó đang gấp rút hoàn thành các công đoạn cuối cùng để đóng điện hòa vào lưới điện quốc gia . Tôi đã hai lần đi Đồng Văn và từng ngây ngất trước vẻ đẹp hùng vĩ của đá, bạt ngàn những vách đá tai mèo, của cột cờ Lũng Cú, của nhà Vương, đã run rẩy khi đi qua con đèo Mã Pì Lèng mà một bên là vách núi cao, một bên là vực sâu thăm thẳm nhìn xuống đã thấy chóng mặt . Đây là lần thứ tư tôi đến đây chỉ để thưởng ngoạn vẻ đẹp của các ruộng Tam giác mạch khi mùa hoa trổ mà những lần đi trước không đúng dịp . Và không biết có lại một lần tự lái xe đi nữa không ? Hà Giang ơi Ta yêu Người mất rồi !
An Thanh Lương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét