9,1 tỷ USD cho 100 máy bay của Vietjet “cất cánh” từ đâu?
Chiếc máy bay đầu tiên thuộc sở hữu của Vietjet mang biểu tượng của một ngân hàng lớn... Theo thông cáo phát đi, Vietcombank được nói đến trong sự kiện này là “ngân hàng dẫn đầu ở Việt Nam trong lĩnh vực tài trợ thuê và mua máy bay”.“Đôi bên cùng có lợi”
Trong việc này, có một tình tiết đáng chú ý. Đây là chiếc máy bay đầu tiên của Vietjet Air mang biểu tượng Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Theo thông cáo phát đi, Vietcombank được nói đến trong sự kiện này là “ngân hàng dẫn đầu ở Việt Nam trong lĩnh vực tài trợ thuê và mua máy bay”.
Ngoài Vietcombank, tham dự lễ ban giao này còn có đại diện của một số ngân hàng trong và ngoài nước. Đây cũng là đại diện cho những đầu mối tài trợ, thu xếp vốn cho Vietjet Air thực hiện gói hợp đồng trên.
Trước đó, vào đầu năm nay, tại triển lãm hàng không (AirShow) ở Singapore, Vietjet Air và Airbus đã ký hợp đồng triển khai đơn hàng hơn 100 máy bay để phục vụ kế hoạch mở rộng hoạt động trong tương lai.
Đây là hợp đồng mua bán dòng máy bay một lối đi mới và hiện đại nhất của Airbus, bao gồm 42 chiếc A320neo, 14 A320ceo và 7 A321ceo, cộng với quyền mua thêm 30 máy bay và thuê 7 chiếc Airbus khác.
Giá trị hợp đồng cho 63 chiếc máy bay là 6,4 tỷ USD và tổng giá trị hợp đồng cho 100 chiếc tàu bay là 9,1 tỷ USD. Những chiếc máy bay đầu tiên của hợp đồng này sẽ được giao hàng ngay trong năm 2014.
Để thu xếp nguồn tài chính để thực hiện hợp đồng trên, ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành Vietjet Air, cho biết hãng đã "bắt tay hợp tác với các ngân hàng và thể chế tài chính hàng đầu trong khu vực và thế giới".
“Đây là những cơ hội hợp tác đôi bên cùng có lợi”, ông Khánh nói.
Cần nói thêm, ngân hàng BNP Paribas hiện là đối tác tư vấn và thu xếp tài chính mua máy bay cho Vietjet Air.
Ông Khánh cũng đề cập đến một hướng đi dự kiến là thực hiện phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), dự kiến trong khoảng thời gian 2015-2016.
“Mỗi doanh nghiệp có các định hướng khác nhau và nhận được sự quan tâm khác nhau của giới đầu tư. Vietnam Airlines vừa cổ phần hóa là tín hiệu tốt cho một thị trường hàng không lành mạnh”, ông Khánh nói thêm về hướng đi sắp tới, mà việc cổ phần hóa cũng là một kênh để thu hút vốn trên thị trường, bên cạnh nguồn tài trợ của các ngân hàng thương mại.
Vì sao chọn A320?
Theo giới thiệu tại buổi lễ ngày 26/11, chiếc máy bay A320 đầu tiên của Vietjet Air mang số hiệu VJC6341, được sản xuất theo quy trình lắp ráp hiện đại của Airbus.
Đây là dòng máy bay thân hẹp một lối đi ăn khách nhất trên thế giới, nhờ khả năng tiết kiệm nhiên liệu thông qua việc áp dụng những công nghệ tiên tiến.
Hơn nữa, thiết kế trong khoang của A320 phù hợp cho những đường bay nội địa hay quốc tế gần. Đây cũng là một trong những lý do Vietjet Air chọn dòng máy bay này.
Trước khi thực hiện lễ bàn giao trên, Vietjet Air và Airbus đã tiến hành bàn giao kỹ thuật vào ngày 24/11/2014 và ký thỏa thuận bàn giao vào ngày 25/11/2014.
Đây là những công đoạn bắt buộc của chương trình thử nghiệm và chứng thực (test and certification programme) trong quy trình sản xuất máy bay của Airbus trước khi máy bay chính thức được xuất xưởng và bàn giao cho Vietjet Air.
Chiếc máy bay đầu tiên thuộc sở hữu của Vietjet Air sẽ chính thức nâng số lượng máy bay mà hãng đang khai thác lên con số 20 chiếc. Trong các năm tiếp theo, Vietjet Air sẽ lần lượt nhận thêm 6-12 máy bay, theo hợp đồng nói trên.
Minh Đức (VnEconomy)
http://vneconomy.vn/doanh-nhan/91-ty-usd-cho-100-may-bay-cua-vietet-cat-canh-tu-dau-2014112605553875.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét