Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Ai chịu trách nhiệm nếu DN nhà nước vỡ nợ?

Ai chịu trách nhiệm nếu DN nhà nước vỡ nợ?
- Cho dù DN nhà nước tự ý đi vay, nhưng ông chủ tịch HĐQT do bộ chủ quản bổ nhiệm, chứ không phải doanh nhân thuần tuý. Giả định ông ấy không có gì để bồi thường thì rốt cuộc người bổ nhiệm ông ta, tức bộ chủ quản vẫn phải chịu trách nhiệm. Đó là nghĩa vụ nợ tiềm ẩn mà chúng ta không thể trốn tránh – Ts Vũ Đình Ánh nêu quan điểm riêng.
nợ công, doanh nghiệp nhà nước, Vũ Đình Ánh
Ts Habib Rab, chuyên gia kinh tế cao cấp WB và Ts Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường - Giá cả, Bộ Tài chính. Ảnh: Lê Anh Dũng
Chuyên mục Bàn tròn trực tuyến giới thiệu giới thiệu góc nhìn của Ts Habib Rab, chuyên gia kinh tế cao cấp WB và Ts Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường - Giá cả, Bộ Tài chính.

"Đã uống chè thì đừng rửa mặt"
Nhà báo Việt Lâm:Trong bài viết trên VietNamNet, ông Habib Rab có nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giám sát hoạt động chi tiêu của các quỹ ngoài ngân sách và các doanh nghiệp nhà nước. Tại sao điều này lại trở nên quan trọng, thưa ông?
Ts Habib Rab: Khu vực công được tạo thành bởi nhiều bộ phận khác nhau: hệ thống chính quyền bao gồm chính quyền TƯ và chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhà nước. Ngay trong hệ thống chính quyền nói chung cũng có những hoạt động ngoài ngân sách và những quỹ tài chính công.
Muốn hiểu được chính sách tài khóa một cách tổng thể thì chúng ta phải nhìn vào một bức tranh toàn diện, xem xét tất cả các yếu tố cấu thành nên khu vực công. Nếu không, chúng ta không thể nắm rõ quy mô khu vực công như thế nào, cũng như không thể nhận định đúng về tính bền vững về tài chính của chính phủ, trong đó có tính bền vững về nợ công.
Hơn nữa, nếu thiếu một bức tranh đầy đủ thì làm sao nhận diện được những rủi ro tiềm ẩn với ngân sách nhà nước. Ý của tôi là ngân sách nhà nước có thể không phải chịu trách nhiệm về những hoạt động bên ngoài hệ thống chính quyền nhưng nó vẫn phải chịu trách nhiệm một cách ngầm ẩn, đặc biệt trong trường hợp có những cú sốc tác động đến toàn bộ nền kinh tế. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới đây, ở một số nước, chính phủ đã phải nhảy vào can thiệp để giải quyết những rủi ro.
Điểm tích cực là các bộ phận khác nhau trong khu vực công đều có chế độ báo cáo cụ thể. Nhưng chúng tôi cho rằng trong thời gian tới, chính phủ cần hợp nhất những báo cáo này để đưa ra một bức tranh toàn diện về toàn bộ khu vực công.
Ts Vũ Đình Ánh: Tôi hoàn toàn chia sẻ với ý kiến của ông Habib Rab. Chúng ta cần một cách tiếp cận hệ thống, không chỉ nhìn vào ngân sách nhà nước mà cần phải bao quát toàn bộ khu vực công. Thậm chí, tôi được biết cho tới nay, chưa một cơ quan, một cá nhân nào khẳng định được ở VN có bao nhiêu quỹ tài chính ngoài ngân sách chứ chưa nói đến chuyện các quỹ đó quy mô bao nhiêu, ai quản lý và họ sử dụng như thế nào.
Khi tiếp cận toàn bộ khu vực công, chúng ta cũng không thể bỏ qua các DNNN. Bởi hiếm có nước nào có khu vực kinh tế nhà nước chiếm xấp xỉ 40% GDP như ở VN.
Liên quan đến các quỹ tài chính ngoài ngân sách, tôi nhớ một cuộc trò chuyện khá thú vị với một chuyên gia Pháp cách đây 15 năm. Lúc đó, ông này đang giúp Bộ Tài chính về vấn đề ngân sách nhà nước. Ông ấy có trích dẫn một câu nổi tiếng của VN để minh họa cho vấn đề đánh đổi trong ngân sách: “Đã uống chè thì đừng rửa mặt mà đã rửa mặt thì đừng uống chè”!
Ý ông là nếu đã nằm trong ngân sách thì quỹ ngoài ngân sách sẽ không có. Ngược lại, nếu chúng ta đẩy khoản đó ra quỹ ngoài ngân sách thì khu vực sự nghiệp nhà nước sẽ thiếu tiền. Đấy là quy luật đánh đổi.
Tôi cười và lưu ý ông ấy rằng với sự sáng tạo, linh hoạt của người VN thì chúng tôi có thể thu xếp làm sao vừa có nước uống chè, vừa có nước rửa mặt. Chẳng hạn, tôi chấp nhận uống chè bẩn bằng cách rửa mặt trước rồi lấy nước đó pha chè. Hoặc tôi rửa mặt bằng nước chè, biết đâu lại tốt. Tôi dẫn một ví dụ minh họa như vậy để thấy rằng chúng ta hoàn toàn có thể vận dụng một cách linh hoạt. Quan trọng nhất là có một cách tiếp cận hệ thống.
Trong câu chuyện quỹ ngoài ngân sách, bên cạnh quy luật đánh đổi, giống như chuyện pha chè hay rửa mặt, còn có quy luật phối hợp. Để phối hợp được các bộ phạn khác nhau, cần một cách quản lý mang tính hệ thống, nói như ông Habib phải hợp nhất lại thì mới phát huy được hiệu quả tổng lực.
Nợ công sẽ lớn hơn nhiều nếu gộp nợ của DNNN
Việt Lâm: Nhân chuyện ông Ánh nói về doanh nghiệp nhà nước, tôi nhớ đến vừa rồi nhiều đại biểu QH lo lắng khi nợ công chưa tính đến nợ của các DNNN. Trong khi đó có lập luận ngược lại rằng hiện nay, các khoản nợ của các DNNN được chính phủ bảo lãnh hay là nợ vay về cho vay lại của chính phủ thì đã được tính trong phạm vi nợ công rồi. Còn các khoản vay nợ của DNNN không được tính trong nợ công bởi vì doanh nghiệp là người trực tiếp đi vay và họ phải tự chịu trách nhiệm về khoản vay của họ. Lập luận này có cơ sở không?
Ts Vũ Đình Ánh: Ba năm trở lại đây, khi vấn đề nợ công nóng lên thì bên cạnh những lo ngại về quy mô nợ công, khá nhiều chuyên gia trong nước và nước ngoài đã dẫn chứng các trường hợp cụ thể tại VN cũng như thông lệ quốc tế về chuyện nợ của DNNN có phải là nợ công hay không.
Trong bối cảnh nợ công nóng lên ba năm gần đây, đã có nhiều tranh luận về việc liệu nợ của DNNN có phải là nợ công hay không. Chúng ta cũng phải tính tới đặc thù là DNNN được khẳng định trong Hiến pháp 2013 là khu vực kinh tế chủ đạo, chứ không đơn thuần như DNNN ở các nước không khẳng định kinh tế nhà nước là chủ đạo.
Hiện tại, các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh đã được xếp trong phạm vi nợ công. Nhưng trên thực tế, để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, các DNNN, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty vẫn phải đi vay mượn thêm rất nhiều, kể cả trên thị trường tài chính trong nước hay ngoài nước. Do vậy, chắc chắn trong các khoản vay nợ của họ sẽ có những khoản họ tự ý vay, bởi DNNN có quyền chủ động nhất định.
Về nguyên tắc, ai vay người nấy trả. Có điều, ở đây lại phải quay về điểm xuất phát: DNNN đóng vai trò gì? DNNN nằm dưới quyền quản lý của các bộ chủ quản, mà các bộ chủ quản là cơ quan của chính quyền. Nếu DNNN trong chừng mực nào đó không trả được nợ thì ai sẽ là người trả nợ thay cho họ? Chúng ta có chấp nhận để một DNNN phá sản hay không? Nếu không chấp nhận để họ phá sản thì chúng ta sẽ không thể trốn tránh nghĩa vụ nợ. Rốt cuộc, bằng cách này hay cách khác, trực tiếp hay gián tiếp, công khai hay là ngầm ẩn thì chúng ta vẫn phải trả. Trong trường hợp này, những khoản nợ đó chính là nợ công tiềm ẩn.
Ngoài ra, phải nhớ rằng người đi vay nợ không phải người lao động trong các DNNN, mà là quyền của lãnh đạo DNNN, tức là ông chủ tịch hội đồng quản trị hay chủ tịch hội đồng thành viên và ông tổng giám đốc. Theo lẽ thường, nếu ông ấy quyết định đi vay và không trả được nợ thì ông ấy sẽ phải chịu trách nhiệm. Nhưng thực chất, ông ấy có phải thuần doanh nhân đâu. Bổ nhiệm ông ấy là bộ chủ quản cơ mà. Chúng ta đã chứng kiến không ít trường hợp chủ tịch hội đồng quản trị của DNNN chuyển ngang sang làm vụ trưởng, vụ phó, hay thứ trưởng, bộ trưởng một cơ quan nào đó. Nghĩa là ông ấy không phải là doanh nhân mà là công chức.
Giả định là ông ấy không có gì để bồi thường trách nhiệm vô cùng lớn về trả nợ, bởi ông ta không vay nợ cho bản thân, mà vay nợ cho cả DNNN, cho cả một tập đoàn. Cho nên rốt cuộc bộ chủ quản phải chịu trách nhiệm, người nào bổ nhiệm ông ta vào vị trí đó phải chịu trách nhiệm. Đó có phải là nợ công không? Xin lỗi, theo tôi hiểu đó là nợ công.
Phân tích vấn đề nợ của DNNN phải xét trong bối cảnh đặc thù của nước mình, chứ không thể lôi chuyện ở nước ngoài vào. Theo tôi, nếu đưa tất cả những khoản nợ của DNNN vào nợ công thì chắc chắn quy mô nợ công phải lớn hơn nhiều chứ không chỉ dừng lại ở con số 60% GDP như hiện nay.
Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh một điểm: nhiều chuyên gia, kể cả chuyên gia nước ngoài khi phân tích nợ của DNNN thường lôi toàn bộ nghĩa vụ nợ của DNNN gộp vào nợ công. Điều này hoàn toàn sai. Chúng ta phải phân biệt nợ bình thường của một DN mà chúng ta thường hay gọi là đòn bẩy nợ, tức là tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu.
Hiện nay, đòn bẩy nợ của DNNN đâu đó cỡ gấp 3 lần. Một số DNNN rơi vào nguy cơ phá sản có đòn bẩy nợ từ 10-30 lần. Cần phải rất rõ ràng, chi tiết khi xem xét nợ của DNNN: cái nào phải tính vào nợ công, cái nào thì phải phòng ngừa rủi ro nhỡ họ vỡ nợ làm ảnh hưởng đến nợ công và cái nào là nợ thuần tuý của DN. Tôi khẳng định là không có một doanh nghiệp nào hoạt động tử tế mà không đi vay nợ cả. Vì thế, không thể đem cả một đống vài triệu tỷ DNNN vay ngân hàng gộp vào bảo đó là nợ công.
Ts. Habib Rab: Tôi hoàn toàn đồng ý với cách nhìn của ông Ánh, đặc biệt là việc phải làm rõ nghĩa vụ nợ công hiển nhiên hay ngầm ẩn. Có một số khoản nợ bình thường của doanh nghiệp, do doanh nghiệp tự chủ đi vay thì không nằm trong cân đối tài sản của chính phủ mà thuần tuý là nợ của doanh nghiệp thôi. Thế nhưng cũng có những khoản nợ rõ ràng chính phủ cũng phải có nghĩa vụ. Thực tế thì chính phủ VN cũng đã có báo cáo những số liệu này.
Tôi muốn chia sẻ thêm kinh nghiệm của các quốc gia khác. Trong trường hợp xảy ra cú sốc kinh tế, các chính phủ này không chỉ bảo lãnh cho các DNNN đâu mà đôi khi họ còn phải bảo lãnh cho các DN tư nhân nữa. Bởi vậy, Chính phủ cần đưa ra những đánh giá tổng thể và có bước điều chỉnh phù hợp trong trường hợp có các cú sốc kinh tế ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế.
(còn tiếp)
• VietNamNet
http://vietnamnet.vn/vn/ban-tron-truc-tuyen/208899/ai-chiu-trach-nhiem-neu-dn-nha-nuoc-vo-no-.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét