Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

Giáo dục nghề nghiệp: nên giao bộ nào?

Quá đơn giản, giao cho Bộ Công an; nước mình công an gồm toàn những nhân vật kiệt xuất, phương pháp làm việc thì siêu đẳng; gì họ chẳng làm được.

Giáo dục nghề nghiệp: nên giao bộ nào?
TT - Dù được thông qua tại kỳ họp Quốc hội thứ 8, nhưng Luật giáo dục nghề nghiệp vẫn để ngỏ cơ quan quản lý nhà nước chung cho hệ thống các trường cao đẳng (CĐ), CĐ nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề sau khi đã hợp nhất về một đầu mối.

Thí sinh dự thi vào Trường CĐ Kinh tế đối ngoại 
trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 - Ảnh: Như Hùng 
Chính phủ sẽ thống nhất quản lý giáo dục nghề nghiệp và phân công cơ quan đầu mối thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực này phù hợp với yêu cầu điều hành của Chính phủ từng thời kỳ.

Vậy tại thời điểm đang rất cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bộ GD-ĐT hay Bộ LĐ-TB&XH sẽ phù hợp hơn ở vai trò quản lý nhà nước với hệ thống này?

* ThS Lê Lâm (hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn): 

Mỗi bộ có thế mạnh riêng

Bộ nào quản lý giáo dục nghề nghiệp cũng được vì đều làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành giáo dục. Tuy nhiên mỗi bộ đều có những thuận lợi và khó khăn riêng.

Nếu Bộ LĐ-TB&XH quản lý thì có thể đạt được những đột phá và điểm mới thuận lợi trên nền tảng gắn kết về lao động, việc làm và phúc lợi xã hội.

Ngược lại thì với nền tảng mấy chục năm hình thành, quản lý và phát triển hệ thống trường CĐ và giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT hiểu rõ mặt mạnh, mặt yếu của mình cùng hệ thống văn bản pháp lý chặt chẽ trong quản lý nhà nước và chuyên môn.

Đã kiến nghị chưa trình Quốc hội

Trước thềm kỳ họp thứ 8 của Quốc hội diễn ra, Hiệp hội các trường CĐ, trung cấp kinh tế - kỹ thuật đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ GD-ĐT kiến nghị chưa trình dự thảo Luật giáo dục nghề nghiệp.

Trong nhiều lý do đưa ra để lý giải về việc dự thảo luật chưa đủ điều kiện, chưa “chín muồi” để trình Quốc hội, hiệp hội nhấn mạnh đến việc dự thảo Luật giáo dục nghề nghiệp chưa lấy ý kiến đóng góp rộng rãi từ những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của luật.

Theo đó, hiệp hội kiến nghị “dự thảo Luật giáo dục nghề nghiệp phải được lấy ý kiến rộng rãi của các sở GD-ĐT, LĐ-TB&XH, các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục và đào tạo nghề, đặc biệt là các trường CĐ, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề là những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của luật và thi hành luật ...”.

Cụ thể Bộ GD-ĐT có các đơn vị như Vụ Giáo dục ĐH, Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục...

Hàng loạt văn bản chính sách quy định rõ từ tuyển sinh đến cấp văn bằng quốc gia, các quy định quy chế về đào tạo, quản lý, điều lệ...

Các văn bản liên ngành với các bộ như Tài chính, LĐ-TB&XH, Công an, Quốc phòng hay các bộ khác về quản lý phát triển trường để đào tạo nhân lực cho đất nước và hỗ trợ người học về chế độ chính sách...

Xét về tính kế thừa và phát huy các vấn đề này thì rõ ràng Bộ GD-ĐT có nhiều thuận lợi. Nếu chuyển qua Bộ LĐ-TB&XH quản lý thì cần cân nhắc vì việc này sẽ gây tốn kém thời gian, công sức và lãng phí nền tảng hạ tầng gầy dựng bao năm nay.

Riêng với phân cấp quản lý theo nghị định 115 của Chính phủ thì hiện nay UBND cấp tỉnh và sở GD-ĐT các tỉnh đã thực hiện dần ổn định và phát huy quản lý về giáo dục như các sở đã thành lập phòng giáo dục chuyên nghiệp và đại học...

Quy định về liên thông đào tạo giữa hai bộ đối với các bậc học, quy định về giáo viên, giảng viên và hệ thống cán bộ quản lý chuyên môn còn chưa định hình và tất cả cho lộ trình này nếu chuyển giao là gian nan ở các cấp.

Luật giáo dục nghề nghiệp ở điều 20 có điểm mâu thuẫn về hoạt động đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp với hướng bỏ đào tạo cấp trung cấp trở xuống trong trường ĐH thì ở Luật giáo dục nghề nghiệp lại cho phép đào tạo, vậy có thống nhất giữa hai bộ hay các văn bản luật?

* Ông Vũ Văn Hòa (trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Kinh tế đối ngoại):


Ba hạn chế nếu giao cho Bộ LĐ-TB&XH

Quan điểm của tôi vẫn ủng hộ tiếp tục giao Bộ GD-ĐT quản lý các trường CĐ.

Thứ nhất, Bộ GD-ĐT là bộ chuyên môn với đội ngũ quản lý giàu kinh nghiệm trong việc xây dựng chương trình đào tạo. Trong thời gian qua, xuất phát từ nhu cầu của xã hội, Nhà nước giao một phần nghề cho Bộ LĐ-TB&XH đào tạo nhưng thực tế công tác đào tạo nghề vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác đào tạo của các trường nghề do Bộ LĐ-TB&XH quản lý vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, các doanh nghiệp phải đào tạo lại.

Thứ hai, hiện nay Bộ LĐ-TB&XH chỉ có Tổng cục Dạy nghề, nếu giao bộ này quản lý các trường CĐ sẽ phát sinh thêm bộ máy quản lý cồng kềnh.

Thứ ba, đội ngũ trí thức có học vị cao ở các trường CĐ nếu chuyển giao cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý thì họ sẽ chuyển sang các trường ĐH. Như vậy, rõ ràng việc chuyển giao các trường CĐ cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý sẽ nhiều hạn chế hơn so với việc vẫn để Bộ GD-ĐT tiếp tục quản lý các trường này.

* Ông Phan Văn Bảo (phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Vĩnh Phúc):


Muốn chuyển về Bộ LĐ-TB&XH để được đầu tư

Dù đang trực thuộc sự quản lý của Bộ GD-ĐT và tuyệt đối yên tâm về chương trình đào tạo được xây dựng theo sự quản lý này, nhưng thú thật, nếu được lựa chọn thì nên để các trường CĐ, trung cấp về với Bộ LĐ-TB&XH.

Lý do quan trọng nhất chính là đầu tư cho hệ thống trường trung cấp, CĐ thuộc quản lý của Bộ GD-ĐT lâu nay trì trệ quá. Nhìn sang bên cạnh sẽ không khỏi chạnh lòng khi thấy các trường nghề của Bộ LĐ-TB&XH được tham gia nhiều dự án lớn hơn, được đầu tư nhiều hơn.

Ngay từ khi nâng cấp lên CĐ năm 2007, Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Vĩnh Phúc đã xác định theo hướng đào tạo thực hành, nhưng nói thật điều kiện thực hành của sinh viên vẫn còn quá nhiều hạn chế. Trường hầu như không được hỗ trợ gì, chủ yếu tự thân lấy thu bù chi. Nhưng gắng gượng lắm cũng chỉ có thể đầu tư chừng 10 tỉ đồng cho trang thiết bị mỗi năm.

Trong khi đó, một loạt trường CĐ khác như CĐ nghề Cơ khí nông nghiệp, CĐ nghề Việt Đức được đầu tư nhiều hơn, trang bị cơ sở vật chất tốt hơn, có khi đầu tư cả trăm tỉ đồng mỗi năm. Với ngành cơ khí, trường ấp ủ và có chủ trương tiết kiệm để đầu tư thêm máy gia công cắt gọt cho sinh viên thực hành nhiều hơn, thạo việc hơn nhưng với giá thành vài tỉ đồng/chiếc thì đến nay cũng chỉ có 4-5 chiếc để sinh viên toàn trường thực hành.

Cũng phải nói thêm rằng chọn về Bộ LĐ-TB&XH để được đảm bảo điều kiện tài chính tốt hơn, nhưng không thể phủ nhận rằng nơi xây dựng chương trình đào tạo tốt hơn phải là Bộ GD-ĐT chứ không phải Bộ LĐ-TB&XH.

Mời bạn đọc tham gia thăm dò ý kiến
Kết quả từ phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về phương án giao cho Bộ LĐ-TB&XH hay Bộ GD-ĐT làm đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đều không có phương án nào nhận được trên 50% đại biểu Quốc hội nhất trí.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên quy định về vấn đề này như trong Luật dạy nghề hiện hành là: giao cho Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và phân công cụ thể cơ quan thay mặt Chính phủ chịu trách nhiệm làm đầu mối thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực này cho phù hợp với yêu cầu điều hành của Chính phủ trong từng thời kỳ.

Nên giao bộ nào quản lý? Tuổi Trẻ mở đợt thăm dò trên tuoitre.vn và tiếp nhận ý kiến của bạn đọc trên báo Tuổi Trẻ ra hằng ngày. Bài vở tham gia cộng tác xin vui lòng gửi về địa chỉ email: giaoduc@ tuoitre.com.vn.

TUỔI TRẺ
http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20141129/giao-duc-nghe-nghiep-nen-giao-bo-nao/677874.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét