Kinh tế học của di sản
TTCT - Bảo tồn các tòa nhà, địa điểm di sản văn hóa thường xuyên là vấn đề gây tranh cãi trong một xã hội văn minh. “Trong thế kỷ 21, những thành phố khôn ngoan sẽ tìm cách thích ứng giữ lại các giá trị lịch sử của nó, đồng thời vẫn đáp ứng được những đòi hỏi kinh tế, xã hội và văn hóa của người dân không chỉ ở hiện tại mà cả rất xa trong tương lai”.Tòa nhà Hayden, một trung tâm thương mại cũ kỹ ở Boston, được xây dựng năm 1875...
... Được bảo tồn, phục dựng gần như nguyên vẹn cho tới tận ngày nay (ảnh chụp năm 2004) - Ảnh: historicboston.org |
Có thể quy ra tiền giá trị của một di sản?
Hãy cùng lắng nghe nhận xét của Donovan D. Rypkema, giám đốc công ty chuyên bảo tồn các di tích lịch sử Heritage Stretagies International và là một thạc sĩ về khoa học bảo tồn bảo tàng của Đại học Columbia: “Trong thế kỷ 21, những thành phố khôn ngoan sẽ tìm cách thích ứng giữ lại các giá trị lịch sử của nó, đồng thời vẫn đáp ứng được những đòi hỏi kinh tế, xã hội và văn hóa của người dân không chỉ ở hiện tại mà cả rất xa trong tương lai”. |
Rất khó định lượng chính xác việc bảo tồn giá trị của một di sản. Một di sản văn hóa được bảo tồn chứa đựng rất nhiều giá trị tinh thần, văn hóa, thẩm mỹ, giáo dục, môi trường, xã hội, lịch sử..., nhưng đều là những tiêu chí muốn định lượng không hề dễ.
Chỉ khi định lượng được giá trị của một di sản, việc thuyết phục mọi người bảo tồn nó mới dễ dàng hơn. Trong một thời gian dài, những người bảo vệ di sản đã không củng cố cho lập luận của họ trên khía cạnh kinh tế, mà chỉ đơn giản khẳng định các giá trị tinh thần đó là “vô giá”.
Trong dài hạn có thể là như thế. Trong dài hạn, ảnh hưởng kinh tế của việc giữ lại một di sản rất có thể nhỏ bé hơn nhiều so với những giá trị giáo dục, thẩm mỹ, văn hóa, môi trường, xã hội...
Trong dài hạn, chúng ta có thể không quan tâm lắm tới số công ăn việc làm mà Angkor Wat tạo ra cho Campuchia, số thuế mà các kim tự tháp thu về cho Nhà nước Ai Cập, hay tiền vé thu được từ Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc. Xét cho cùng, đó là những kỳ quan vô song của nhân loại về mặt tinh thần, ai lại đi tính đếm!
Nhưng như nhà kinh tế học vĩ đại người Anh John Maynard Keynes từng nói: “Trong dài hạn, tất cả chúng ta đều sẽ chết”.
Trong ngắn hạn, rất nhiều người liên quan, có ảnh hưởng và có quyền quyết định với di sản như chủ bất động sản, các chính trị gia, các nhà đầu tư, các ban quản lý dự án hạ tầng... quan tâm tới giá trị kinh tế của nó.
Thực tế cho thấy chủ yếu qua góc nhìn kinh tế mà họ sẽ ra quyết định về việc có bảo tồn di sản đó hay không.
Vì thế, một chiến lược khôn ngoan với các tổ chức bảo vệ di sản là phải đưa ra luận chứng kinh tế của họ. Chẳng hạn, Europa Nostra, một hiệp hội liên châu Âu chuyên bảo tồn các di sản văn hóa, đã trích dẫn trong nghiên cứu “Thống kê di sản văn hóa châu Âu” của họ rất nhiều lợi ích kinh tế.
Có năm tiêu chí chính được đề cập trong nghiên cứu khi đo đếm vấn đề ảnh hưởng kinh tế của bảo tồn di sản: 1) công ăn việc làm và thu nhập cho các hộ gia đình; 2) giá trị giải trí của một di sản ở trung tâm thành phố; 3) giá trị từ du lịch; 4) giá trị của bất động sản trong dài hạn; và 5) lợi ích cho các doanh nghiệp nhỏ phục vụ di sản.
Với hầu hết nhà chính trị chuẩn tắc cũng như các chuyên gia kinh tế phát triển, việc làm và thu nhập của các hộ gia đình là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Việc giữ lại các tòa nhà và khu di tích có giá trị lịch sử rất hứa hẹn với mục tiêu này.
Một báo cáo của Cơ quan Phát triển quốc tế Thụy Điển với các di tích họ hỗ trợ kinh phí duy trì và bảo tồn ở Bờ Tây tại Palestine cho thấy cứ mỗi dự án 100.000 USD sẽ tạo ra 3.000-3.500 ngày công lao động, nếu tỉ lệ giá trị lao động đóng góp cho dự án là 70%.
Thông thường, những dự án bảo tồn di sản, vốn liên quan nhiều tới việc xây dựng, bảo trì, thu vé... có hàm lượng lao động rất lớn.
Một nghiên cứu khác của Bộ Thương mại Mỹ chỉ ra rằng tại bang Tennessee, cứ mỗi 1 triệu USD đầu tư vào ngành công nghiệp chế tạo sẽ tạo ra 28,8 việc làm, 1 triệu USD vào ngành xây dựng mới tạo ra 36,1 việc làm, còn cho việc phục dựng các tòa nhà lịch sử là 40 việc làm.
Tương tự, 1 triệu USD đầu tư cho công nghiệp chế tạo mang tới 604.000 USD thu nhập tăng thêm cho các hộ gia đình, trong khi với xây dựng mới là 764.000 USD và bảo tồn di sản là 826.000 USD.
Thêm vào đó, các công việc bảo tồn di sản gần như luôn đòi hỏi lao động địa phương, vì rõ ràng không thể mang những việc làm đó ra nước ngoài.
Một nghiên cứu năm 2005 ở Anh cho thấy để bảo tồn khoảng 4,5 triệu căn nhà được xếp loại lịch sử và 550.000 tòa nhà lịch sử vẫn được sử dụng cho mục đích thương mại, cần 86.000 chuyên gia về bảo tồn. Ở Pháp, con số đó là 40.000.
Bảo tồn di sản đô thị toàn quốc
Ảnh hưởng lớn thứ hai của việc bảo tồn di sản văn hóa ở trung tâm thành phố là tác động tới quy hoạch.
Cho tới nay, chương trình phát triển kinh tế hiệu quả nhất về mặt chi phí ở Mỹ, không chỉ với việc bảo tồn di sản mà là bất kỳ loại nào, là chương trình của Quỹ tín thác quốc gia bảo tồn các di tích lịch sử, một quỹ tư nhân và phi lợi nhuận: chương trình Main Street.
Chương trình này có quy mô toàn quốc nhắm vào việc tạo ra sức sống mới cho những khu vực trung tâm thương mại ở các thành phố lớn đi kèm với việc bảo tồn các giá trị lịch sử.
Bắt đầu ở các quận trung tâm của những thành phố nhỏ, trong 25 năm qua, khoảng 1.700 cộng đồng ở 50 bang của nước Mỹ đã tham gia các chương trình Main Street.
Theo thời gian, tổng số tiền tái đầu tư của cả nhà nước và tư nhân cho các cộng đồng Main Street đó là 23 tỉ USD, với 67.000 doanh nghiệp mới được thành lập, tạo ra gần 310.000 công ăn việc làm mới, phục dựng và bảo tồn 107.000 tòa nhà lịch sử.
Mỗi 1 USD đầu tư vào chương trình Main Street giúp tạo ra gần 27 USD cho nền kinh tế, và chi phí trung bình để tạo ra một việc làm của chương trình này là 2.500 USD, ít hơn 1/10 so với rất nhiều chương trình phát triển kinh tế ở cấp bang vẫn được ca ngợi (*).
Không có gì ngạc nhiên khi chương trình lớn thành công đầu tiên của Main Street là ở trung tâm Boston, cái nôi của cuộc cách mạng Mỹ và cũng là một trong những đô thị có nhiều di sản cần được bảo tồn nhất.
Từ đó tới nay, Main Street đã được mở rộng ra Baltimore, San Diego, Philadelphia, Milwaukee, Dallas, Detroit, Washington D.C. và nhiều thành phố khác.
Điều quan trọng là không chỉ các nước giàu hay những tổ chức phi lợi nhuận mới làm được. Có thể nêu vài ví dụ như các sáng kiến của Ngân hàng Phát triển liên Mỹ bảo tồn đồng thời phát triển khu trung tâm thủ đô Quito (Ecuador), hay chương trình di sản của thủ đô Tunis (Tunisia) cũng đạt được những thành công lớn.
Ngoài dân bản địa, du khách là một hi vọng lớn khác cho việc bảo tồn di sản. Nhiều nghiên cứu, thống kê cho thấy khách du lịch di sản thường là khách sộp của ngành du lịch.
Chẳng hạn, chính quyền bang Virginia, một vùng đất đậm chất lịch sử khác của Mỹ, đã tài trợ một nghiên cứu cho thấy các khách du lịch di sản thường lưu trú lâu hơn, thăm các địa điểm trong bang nhiều gấp đôi và chi tiêu gấp 2,5 lần so với khách đi tour.
Giá trị của chính khu bất động sản được bảo tồn là một vấn đề kinh tế khác cần nhắc tới. Những công trình kỳ vĩ như kim tự tháp hay đền Angkor Wat có thể quả thật vô giá, nhưng với các khu đất di sản lịch sử trong thành phố, giá đất sẽ tăng từng năm và thường tăng nhanh hơn xung quanh với một di sản nổi tiếng và thu hút nhiều du khách.
Một nghiên cứu của Eduardo Rojas, chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Phát triển liên Mỹ, chỉ ra rằng các tòa nhà di sản luôn là những bất động sản có giá bình quân cao hơn giá thị trường và ngay cả khi thị trường bất động sản đóng băng, giá đất của những khu di sản vẫn tăng đều đặn.
Cụ thể, các số liệu của Rojas từ Quito (thủ đô Ecuador) trong sáu năm cho thấy trong khi đất ở một di sản cụ thể tăng giá 44% thì đất xung quanh đó chỉ tăng 10%.
(*): Chi tiết về chương trình có thể được tìm thấy trên Mainstreet.org.
HẢI MINH
http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/cuoc-song-muon-mau/cau-chuyen-cuoc-song/20141123/kinh-te-hoc-cua-di-san/674883.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét