Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Nhà thơ sống bằng gì?

Nhà thơ sống bằng gì?
Với nhà thơ, quan trọng nhất vẫn là tác phẩm để lại cho đời khi quyền chức, thân xác không còn nữa trên cõi tạm này. Vậy nhưng, có nên gọi làm thơ là một nghề không, khi mà hiện nay thơ in sách chỉ để biếu/tặng/cho và các tờ báo gần như từ chối in thơ?

Minh họa: KHỀU
Từ khi có hội nhà văn các cấp thì hội này có chức năng được ghi rõ: “Tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp”. Tạm gác qua hai yếu tố kia, rõ ràng hội nhà văn là nơi sinh hoạt nghề nghiệp của những người làm nghề. Các nhà thơ luôn chiếm đại đa số trong khoảng 1.000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ở các hội tỉnh, thành cũng vậy, số lượng người làm thơ luôn chiếm đa số và nếu gộp luôn CLB huyện hay phường, xã… thì nhà thơ nhiều vô kể.

Nếu chỉ làm thơ thì không sống nổi!


Nhiều người nói đùa “thời chiến tranh ra ngõ gặp anh hùng còn giờ ra ngõ là gặp nhà thơ”. Người làm thơ nhiều vậy chắc chắn nghề này đang phát triển rất mạnh ở nước ta, đến độ một quan chức của Hội Nhà văn trung ương từng tuyên bố: Việt Nam là cường quốc thơ. Nhưng nếu hiểu theo nghĩa đen của từ sống, nhà thơ đâu phải sống nhờ làm thơ!

Vậy nhà thơ sống bằng gì? Xin thưa, nhà thơ sống bằng rất nhiều nghề khác nhau. Bây giờ gần như người Việt nào cũng biết đến Truyện Kiều và xưng tụng Nguyễn Du là đại thi hào của dân tộc. Song tầm cỡ đại thi hào như Nguyễn Du cũng đâu phải sống nhờ Truyện Kiều hay các bài thơ khác. Để có cơm áo theo nghĩa đời thường, Nguyễn Du cũng “ăn lộc” nhờ làm quan. Có thể nói, rất nhiều nhà thơ khi xưa thường là người học rộng, tài năng giúp dân giúp nước bằng nghề làm quan, như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ…; hoặc thấp nhất thì cũng đỗ tú tài như Trần Tế Xương (Tú Xương), mà thời ấy đỗ tú tài cũng đã là giỏi, chứ không “phổ cập” như bây giờ.

Thời Tú Xương học hành là vậy nhưng vận không đến người, ông làm thơ tự trào về mình như một kẻ “dài lưng tốn vải”: “Ta lên ta hỏi ông trời/ Trời sinh ta ở trên đời biết chi/ Biết chăng cũng chẳng biết gì/ Biết ngồi Thống Bảo, biết đi ả đầu…; để rồi thương vợ “quanh năm buôn bán ở mom sông” nuôi mình. Các nhà thơ một thời sống khá khốn khó, đến như Tản Đà còn than: “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”. Hoặc Nguyễn Vỹ trong bài gửi Trương Tửu: “Nhà văn An Nam khổ như chó/ Mỗi lần cầm bút viết văn chương/ Nhìn đàn chó đói ngậm trơ xương…”. Vả thực, một thời nếu chỉ sống bằng nghề làm thơ thì không nhà thơ nào sống nổi.

Làm vua, làm quan, viết báo, đạp xích-lô…

Thời nào cũng vậy, nếu người làm thơ không có thêm một nghề khác để kiếm sống và nuôi gia đình thì thật bi đát. Phổ biến nhất với các nhà thơ là làm báo. Hiện nay, gần như tờ báo nào cũng có các nhà thơ đang làm việc ở nhiều vị trí khác nhau. 

Ở Báo Nhân Dân có nhà thơ Thuận Hữu làm tổng biên tập, ông là tác giả bài Những phút xao lòng được nhiều người thuộc: “Có thể vợ mình xưa cũng có một người yêu/ (Người ấy gọi vợ mình là người yêu cũ)/ Cũng như mình thôi, mình ngày xưa cũng thế/ Yêu một cô, giờ cô ấy đã có chồng (…)/ Mà trách chi những phút xao lòng/ Ai cũng có một thời để yêu một thời để nhớ/ Ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ/ Đừng có trách chi những phút giây xao lòng”. 

Hoặc nhà thơ Dương Kỳ Anh từng làm tổng biên tập Báo Tiền Phong hay nhà thơ Hữu Ước cũng từng làm tổng biên tập Báo Công an Nhân dân… Nhà thơ Lê Minh Quốc hiện làm ở Báo Phụ Nữ TP HCM từng có thơ nói về mình và đồng nghiệp: “Thời tôi sống nhà thơ đi viết báo”.

Nhà thơ còn xuất hiện trong nhà trường với nghề nhà giáo, gần như thầy cô giáo dạy môn văn đều ít nhiều có làm thơ. Có thể do môi trường mỗi ngày lên lớp giảng dạy thơ văn cho học sinh, sinh viên nên các thầy cô cũng sáng tác cho riêng mình. Không chỉ dạy văn mới làm thơ, dạy môn khác ở các trường từ trung học đến đại học cũng có nhiều nhà thơ. Chẳng hạn như PGS Đặng Hấn dạy toán ở Trường ĐH Kinh tế TP HCM. Dạy toán nhưng thơ của ông không “công thức” chút nào: “Cầu nào cũng chữ I/ Nhưng chỉ là I ngắn/ Cầu quê em lạ lắm/ Giống hệt chữ Y dài (…)/ Ồ người đi trên chữ/ Chữ cõng người lên cao” (Bài Cầu chữ Y).

Làm thơ hay làm nhà báo, nhà giáo cũng đều gắn trực tiếp với chữ nghĩa nên cũng không có gì lạ song có nhiều nhà thơ phải kiếm sống bằng nghề khác nghe không thơ mộng chút nào. Chẳng hạn như Thanh Tùng, tác giả bài Thời hoa đỏ được Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc nổi tiếng, vừa làm thơ vừa làm thợ “quai búa” đóng tàu ở Hải Phòng. Nhiều bài thơ được ông sáng tác trong giờ giải lao khi áo còn đẫm mồ hôi. Hết làm thợ đóng tàu, nhờ vóc dáng cao to, ông chuyển sang làm nghề vệ sĩ áp tải hàng từ cảng Hải Phòng lên Hà Nội. Nhà thơ Trần Nhuận Minh có bài Nhà thơ áp tải tặng Thanh Tùng: “Bạn làm nghề áp tải/ Đường bộ và đường sông/ Thỉnh thoảng lại gặp cướp/ Còn trộm thì… mênh mông”. Trần Nhuận Minh là anh ruột của thần đồng thơ Trần Đăng Khoa. Ông Minh từng làm chủ tịch một hội văn nghệ ở tỉnh còn ông Khoa thì làm “sếp” kênh VOV có hình.

Nhà thơ cũng phải kiếm sống như người bình thường, do vậy Xuân Diệu từng thốt lên: “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Xưa, các nhà thơ thường học hành đỗ đạt làm quan lớn, ăn lộc triều đình, thậm chí làm vua, như Tự Đức. Nay, nhà thơ làm quan lớn vẫn nhiều, làm doanh nhân thành đạt càng nhiều. Tuy nhiên, cũng có nhà thơ đi bán vé số hay mở quán cóc lề đường hoặc quán nhậu bình dân. Họ phải làm mọi việc để kiếm sống, miễn là lương thiện. 

Nhà thơ Nguyễn Văn Phương ở Huế hết chạy xe đạp thồ rồi chạy xích-lô: “Ta xích-lô hề/ Ngươi xích-lô/ Từ đây thôi phải đạp xe thồ/ Trước chơi hai bánh chừ ba bánh (…)/ Còn ở trong ngành vận tải thô”. “Lên đời” hơn “Phương xích-lô”, Tạ Văn Sỹ ở tỉnh Kon Tum thì nổi tiếng vì nhà thơ chạy xe ôm…

TRẦN HOÀNG NHÂN
http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/nha-tho-song-bang-gi-20141122214705976.htm

1 nhận xét:

  1. Tác giả cho rằng "nhà thơ đâu phải sống nhờ làm thơ!" chỉ viết một nửa sự thật, mặt trái cần đặt câu hỏi vì sao không ít người cần làm thơ để làm gì, phải chăng cần cái mác Văn nghệ sĩ để được coi là trí thức và nhờ có mác ấy mà chạy sô kiếm sống... nhiều người cần họ muốn gần vì cũng muốn mình sang theo.
    Đơn cử, các cụ nhà thơ tiền bối, hổng phải sống nhờ nói chuyện thơ là gì? như tay Dương Kỳ Anh viết một loạt bài về đại gia đâu phải ít tiền, liên quan DKA là Hoàng Quang Thuận, không nhờ thơ thần thì mấy ai biết nhơn vật.

    Trả lờiXóa