VỤ “SỔ TIẾT KIỆM BỐC HƠI SAU 30 NĂM”:
VietinBank trả gốc và lãi cho bà Thủy... 4.385 đồng
TT - Ngày 24-11, đại diện Ngân hàng (NH) Công thương VN (VietinBank) cho biết sau khi rà soát hồ sơ lưu trữ, NH xác nhận sổ tiết kiệm của khách hàng Lê Thị Bích Thủy hiện được lưu trữ tại kho của VietinBank. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM - “Nhiệm vụ của NH Nhà nước là phải xử lý tất toán, chi trả đúng, đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền”.
Hai cuốn sổ tiết kiệm từ năm 1983 của bà Lê Thị Bích Thủy - Ảnh: T.T.D.
Theo quy định về tiền gửi và lãi suất của NH Nhà nước và VietinBank trong từng thời kỳ, VietinBank đã tính toán số tiền gốc (bà Thủy gửi 270 đồng vào năm 1983) và lãi của khoản tiền gửi tiết kiệm của bà Thủy tính đến thời điểm 30-11-2014 là 4.385 đồng.Theo đại diện VietinBank, con số này dựa trên cách tính tiền gốc và lãi suất trong từng thời kỳ. Theo đó, tiền gốc được đổi theo tỉ lệ quy định tại từng thời kỳ theo thông tư 08-NH/TT của NH Nhà nước, còn tiền lãi được hưởng lãi suất tiền gửi tiết kiệm của NH trong từng thời kỳ theo quy định của Nhà nước.
VietinBank cũng cho biết để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc giao dịch nhận lại số tiền gửi tiết kiệm, VietinBank chỉ định chi nhánh 7 thực hiện chi trả cho khách hàng khoản tiền gửi tiết kiệm. Đây cũng là chi nhánh NH mà bà Thủy từng đến thực hiện tất toán nhưng không thành công.
Ngày 24-11, bà Lê Thị Bích Thủy, chủ nhân của sổ tiết kiệm gửi từ năm 1983, cho biết đã nhận được thông báo của VietinBank về việc tất toán sổ tiết kiệm của bà cũng như số tiền lãi phải trả. Tuy số tiền nhận được khá thấp nhưng bà Thủy cho biết vẫn sẽ đến NH làm thủ tục.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, những khoản tiền gửi lâu năm trước đây chủ yếu là tiền gửi không có kỳ hạn nên lãi suất không cao.
Nhận xét về lãi suất tiền gửi của bà Thủy, ông Minh cho biết trừ những năm 1990 lãi suất có tăng cao, còn lại lãi suất tiền gửi về sau điều chỉnh theo lạm phát. Hiện NH Nhà nước chỉ quy định mức trần lãi suất tiền gửi VND kỳ hạn trên 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm, còn lãi suất tiền gửi không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn dưới 1 tháng thì tùy NH áp dụng, miễn là không quá 1%/năm.
Ông Minh cũng cho biết NH Nhà nước tiếp tục nhận được nhiều trường hợp có khoản tiền gửi tiết kiệm lâu năm như của bà Thủy gửi về nhờ giải quyết. “Nhiệm vụ của NH Nhà nước là phải xử lý tất toán, chi trả đúng, đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền” - ông Minh nói.
http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20141125/vietinbank-tra-lai-cho-ba-thuy/676041.html
-
- Giả dụ bà Thủy vay của NH thời điểm đó 10.000 nhưng vì lý do nào đó NH quên, nay lục lại thấy nên buộc bà Thủy phải trả, vây xin hỏi NH đòi bà Thủy trả bao nhiêu?THÍCH 308
-
- Hết chỗ nói, kỹ sư năm 1983 ra trường lương có 63 đồng thôi. Số tiền 270 đồng năm đó bằng bốn tháng lương kỹ sư đấy. Vậy sau hơn 30 năm gửi tiết kiệm còn lại chưa được hai cốc trà đá.THÍCH 231
-
- Qua sự việc này, tiền nhàn rỗi, tốt nhất là mua vàng bỏ tủ cất. Gửi ngân hàng Việt Nam sao thấy phập phù quá.THÍCH 226
-
- Gửi vào 1 con bò... rút ra mua được một cái chân gà.THÍCH 217
-
- 270 ngàn đồng năm 1983 tương đương với 3 tháng lương của một ông lãnh đạo phòng cấp sở ngành lúc bấy giờ. Chỉ tính tương đương với 3 tháng lương của lãnh đạo phòng hiện nay thì số tiền ấy khoảng 20 triệu đồng hiện tại. Rõ ràng ngân hàng chỉ tính lãi suất một cách máy móc mà không tính trượt giá làm cho người dân quá thiệt.THÍCH 135
-
- Qua đây mình rút ra bài học là không nên gửi tiết kiệm lâu năm!THÍCH 129
-
- Chuyện thật như bịa. Kiểu lãi suất "âm bậc thang" chỉ có ở ngân hàng Việt Nam.THÍCH 112
-
- Ngân hàng vừa phải thôi. Cho người dân sống với. Hơn 4000 đồng để làm gì? Phải quy ra 4000 đồng với lúc ấy.THÍCH 105
-
- Nhận làm gì mua được cuốn sổ không. 4 385 đồng? Chắc trả cho 4000 đồng thôi 385 đồng làm sao trả đây? Thôi giữ làm kỷ niệm đi. Lúc trước giá trị 2 chỉ vàng gởi mấy chục năm lấy ra mua không được gói xôi để ăn sáng.THÍCH 104
-
- Nhận tiền gửi ngân hàng trên 30 năm mà khi tất toán không mua nổi một ổ bánh mì.THÍCH 101
-
- Hãy nhận đúng và đủ số tiền ngân hàng chi trả, không lấy thừa cũng không nhận thiếu đồng nào cả. Ba mươi lăm đồng Việt Nam giờ là tiền cổ nên cứ yêu cầu chi trả đúng đủ.THÍCH 53
-
- Theo tôi bà Thủy nên giữ lại làm kỷ niệm. Biết đâu bà bán cuốn sổ này cho người khác còn được số tiền cao hơn cả trăm lần so với con số 4.385 đồng.THÍCH 32
-
- “Nhiệm vụ của NH Nhà nước là phải xử lý tất toán, chi trả đúng, đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền”. Vâng, chỉ xin các ông đản bảo quyền lợi cho người gửi tiền. 4.385 đồng chưa mua được 1 mớ rau muống đâu.THÍCH 30
-
- Theo tôi, trường hợp này nên được đưa vào người có công xây dựng đất nước. Bố tôi trước mua công trái, về ép treo khung kính làm kỷ niệm. Bán thóc đi hàng tấn để mua công trái, lúc lấy lại đổi ra chưa được ba kg gạo nhưng ông vẫn vui. Cái quan trọng, làm sao cho người ta thỏa đáng với công họ bỏ ra, bên cạnh đó còn tạo niềm tin và sự công bằng, không nên cứng nhắc quá.THÍCH 29
-
- Mấy chỉ vàng gửi ngân hàng mấy chục năm bây giờ lấy ra mua được ly nước mía uống.THÍCH 27
-
- 270 đồng năm 1983 là hơn 4 tháng lương của kỹ sư hết thời gian tập sự (63 đ/tháng)THÍCH 26
-
- Tôi muốn mua lại cuốn sổ này với giá gấp 100 lần (438.500đ) có được không?THÍCH 8
-
- Theo tôi bà Thuỷ nên yêu cầu Ngân hàng phải trả đúng số tiền gốc và lãi nói trên, không được thừa, không được thiếu đồng nào!THÍCH 7
-
- “Nhiệm vụ của NH Nhà nước là phải xử lý tất toán, chi trả đúng, đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền”. Hoan nghênh ngân hàng đã thực hiện xong nghĩa vụ một cách "vô cảm" với người dân.THÍCH 7
-
- Đầu tiên, xin chia buồn với Bà Bích Thủy. Chuyện thật như đùa, cười ra nước mắt. Tuy vậy, cần kiểm tra lại bài toán 270 đ thành 4.385 đ. Xin có lời đề nghị: quí vị nào biết rõ lãi suất tiền gửi, nghiệp vụ ngân hàng qua các thời kỳ, tính dùm xem Ngân hàng tính đúng không? Vị nào là chuyên gia kinh tế, cho thêm ý kiến. Nếu cần trợ giúp Bà, có thể nên đấu giá sớm mua lại sổ tiết kiệm này. Cám ơn.THÍCH 6
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét