Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

“Ăn nhậu vô tội vạ vẫn quyết toán được hết”

“Ăn nhậu vô tội vạ vẫn quyết toán được hết”
 – "Bất kể thu ngân sách có vượt vài chục phần trăm so với dự toán, thâm hụt ngân sách vẫn cứ đều đặn khoảng 5% mỗi năm. Nghĩa là chi ngân sách cũng phải vượt dự toán vài chục phần trăm. Có vô số ví dụ cho thấy kỷ luật chi ngân sách ở ta lỏng lẻo đến mức nào" - Ts Vũ Đình Ánh.
ăn nhậu, nợ công, ngân sách nhà nước
Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, Ts Habib Rab và Ts Vũ Đình Ánh. Ảnh: Lê Anh Dũng
VietNamNet giới thiệu phần tiếp bàn tròn "Ngân sách Nhà nước trước áp lực nợ công" với chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại VN và Ts Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường - Giá cả, Bộ Tài chính.

Lập dự toán thấp để được thưởng vì vượt thu cao
Nhà báo Việt Lâm:Đúng là nhà nghèo thì phải đi vay mượn. Nhưng nếu nhà nghèo mà vung tay quá trán thì rất đáng lo. Nhiều ĐBQH đã lên tiếng lo ngại về tình trạng kỷ cương ngân sách lỏng lẻo. Tôi xin trích lời phát biểu của ĐB Trần Du Lịch: “Tôi không thấy ở đâu sử dụng ngân sách tùy tiện như ở nước mình, có lần tôi đi thăm một nước vào cuối tháng 12 họ không mời được cơm vì ngân sách chưa có, còn nước ta thì ăn nhậu vô tội vạ, thậm chí quyết toán được hết”. Tại sao lại có tình trạng này, thưa ông?
Ts Vũ Đình Ánh: Là người làm trong lĩnh vực tài chính gần hai chục năm và quan sát cả cấp TƯ lẫn địa phương, tôi rất chia sẻ với lo ngại của ĐB Trần Du Lịch về kỷ luật ngân sách. Không những kỷ luật chi mà cả kỷ luật thu ngân sách của chúng ta đều có vấn đề.
Chúng ta thường xuyên kêu ca về nạn thất thu ngân sách, trốn lậu thuế. Nhưng vấn đề ở chỗ người ta thường xây dựng một dự toán thu ngân sách ở địa phương rất thấp để họ có thể vượt dự toán thu đó. Nhờ khoản vượt thu này mà họ được thưởng. Nói cách khác, họ cố tình kéo dự toán thu thấp hơn khả năng đạt được. Thêm vào đó, những địa phương này còn có dư địa rất lớn để đạt được dự toán cho năm sau. Dư địa này là khoản thất thu ngân sách và trốn lậu thuế mà các địa phương này chỉ cần tăng cường kỷ luật thì sẽ thu được rất cao.
Tình trạng bất cập này tạo ra một hiện tượng thú vị. Đó là, thu ngân sách nhà nước chưa bao giờ là không vượt dự toán, thậm chí có những năm vượt dự toán trên 30%. Thậm chí nếu bắt những nơi này vượt dự toán cả 50%, họ vẫn làm được và vẫn còn dư địa để năm sau tiếp tục vượt thu ngân sách. Rõ ràng kỷ luật thu ngân sách của chúng ta có vấn đề. Không chỉ về trình độ năng lực mà vấn đề là chúng ta tạo ra sự bất bình đẳng giữa những người nghiêm túc và không nghiêm túc nộp ngân sách nhà nước.
Điều đáng kinh ngạc là nếu giả định vượt thu ngân sách so với dự toán là thành tích, nỗ lực của các đơn vị thực thi, hay còn gọi là đơn vị hành thu theo thuật ngữ chuyên môn, thì tại sao chi ngân sách cũng vượt dự toán rất nhiều? Bất kể thu ngân sách có vượt vài chục phần trăm so với dự toán nhưng rốt cuộc thâm hụt ngân sách vẫn cứ đều đặn 4,8-5% GDP mỗi năm. Nghĩa là chi ngân sách cũng phải vượt dự toán vài chục phần trăm thì mới cho ra chênh lệch thu chi như vậy.
Ngay từ tổng chi ngân sách chúng ta đã không tuân thủ đúng kỷ cương như vậy. Nếu rà soát đến từng khoản chi cụ thể của từng đơn vị cụ thể, tôi tin chúng ta sẽ phát hiện vô số những ví dụ để thấy kỷ luật chi ngân sách lỏng lẻo đến mức độ nào.
Câu hỏi đặt ra là chúng ta không thiếu hệ thống để kiểm tra, kiểm soát chi tiêu công như hệ thống kho bạc nhà nước, hệ thống Kiểm toán trực thuộc Uỷ ban Thường vụ QH. Vậy tại sao tình trạng thất thoát, lãng phí các khoản chi cho đầu tư phát triển và chi thường xuyên vẫn diễn ra như các đại biểu QH phải lên tiếng
Vấn đề nằm ở đâu? Tôi cho rằng nó bắt nguồn từ bất cập trong chính việc xây dựng các định mức về kinh tế - kỹ thuật liên quan đến các khoản chi đầu tư phát triển cũng như chi thường xuyên.
Đơn cử một ví dụ: rất nhiều người nói với tôi, khi đi địa phương thì thông thường địa phương sẽ có một khoản chi lấy từ ngân sách. Nhưng vì định mức của tôi chỉ được từng này tiền nên tôi không thể ở khách sạn mà địa phương bố trí. Cho nên nếu tôi đi công tác một ngày thì họ sẽ phải làm giấy tờ cho tôi đi hai ngày để lấy tiền công tác phí một ngày dôi ra kia mới đủ trả cho một đêm khách sạn mà địa phương đã bố trí. Tương tự, định mức công tác phí chỉ đủ tiền cơm, nên nếu tôi muốn uống bia thì chỉ có cách khai thêm tôi ăn cơm hai lần để lấy một lần không ăn kia thanh toán cho tiền bia. Còn rất nhiều ví dụ minh hoạ nữa mà những người thụ hưởng ngân sách có thể nêu ra sinh động hơn nhiều.
Tóm lại, những chuyện này cuối cùng dẫn đến cái gọi là vô kỷ luật trong chi ngân sách mà chúng ta ai cũng biết, ai cũng làm nhưng không sao cả.
Siết kỷ luật ngân sách bằng cách nào?
Việt Lâm: Trong bài viết trên VietNamNet của ông Habib Rab, ông có khuyến nghị rằng dự luật ngân sách nhà nước sửa đổi lần này phải xem xét đến các biện pháp xiết chặt kỷ luật ngân sách. Theo ông thì có những giải pháp khả thi nào để siết lại kỷ cương ngân sách của VN?
Ts Habib Rab: Có nhiều khía cạnh khác nhau trong kỷ luật tài khóa, trong đó có chất lượng chi tiêu. Nhóm WB cũng đã thực hiện một số nghiên cứu cho thấy VN đã có kỷ luật chi ngân sách tốt hơn trong một số lĩnh vực, đảm bảo chi ngân sách sát với dự toán được phê duyệt. Nói cách khác, chất lượng chi đã cải thiện hơn.
Đối với dự luật ngân sách sửa đổi lần này, chúng tôi khuyến nghị về việc sử dụng nguồn vượt thu như thế nào. Một là, số vượt thu phải được dùng để giảm bớt thâm hụt ngân sách.
Hai là, số vượt thu phải đưa vào dự toán ngân sách chung để quốc hội phê duyệt cho năm sau. Còn trong trường hợp nửa đầu năm chúng ta thu ngân sách vượt dự toán mà nảy sinh thêm một số nhu cầu hoặc ưu tiên chi ngân sách thì chính phủ và Quốc hội phải cân nhắc có một quy trình dự toán ngân sách bổ sung vào giữa năm. Theo đó, chính phủ và quốc hội sẽ cân nhắc có phê duyệt những khoản chi bổ sung này hay không.
Ba là, nếu dự toán ngân sách có những thay đổi lớn trong năm thì cần phải đưa ra các cơ quan lập pháp để phê duyệt. Nếu không, chúng ta sẽ làm xói mòn trách nhiệm giải trình trước các cơ quan lập pháp, tức là quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp.
Tuy nhiên, điều căn bản là làm sao đảm bảo minh bạch trong ngân sách nhà nước, như ông Ánh đã phân tích. Nói cách khác, các khoản chi ngân sách cần được báo cáo rõ ràng và truyền đạt thông tin cho công chúng theo cách mà họ có thể hiểu được để họ có thể chất vấn.
Nói gì thì nói, chính phủ VN đã đạt được nhiều bước tiến về mặt công khai thông tin so với cách đây 10-15 năm. Giờ đây, khi VN bước vào một giai đoạn phát triển mới thì mức độ công khai thông tin cho công chúng cần phải cao hơn nữa.
Ts Vũ Đình Ánh: Những đề xuất của ông Habib Rab vừa hợp với thông lệ quốc tế, vừa giúp VN tăng cường kỷ luật ngân sách. Nhưng tôi cũng muốn nói thêm rằng trên thực tế VN có làm theo những thông lệ này, nhưng tiếc là chỉ làm một nửa.
Ví dụ, họ cũng quy định số vượt thu phải tính vào dự toán năm sau. Cụ thể trong dòng về dự toán cũng như quyết toán có một khoản gọi là thu kết chuyển, thể hiện khoản vượt thu so với dự toán. Làm vậy là đúng rồi, nhưng điều đáng nói là người ta bỏ quên mất vế đầu. Đáng ra, phần vượt thu cần được sử dụng để giảm thâm hụt ngân sách thì họ lại không làm.
Ý của ông Habib về việc tăng trách nhiệm giải trình trước Quốc hội và HĐND các cấp thì VN cũng đang vận động theo hướng tăng quyền lực cho các cơ quan dân cử. Đây là hướng đi rất đúng đắn, nhưng trên thực tế còn rất nhiều khó khăn. Trong hơn 10 uỷ ban của QH, chỉ có duy nhất UB Tài chính – Ngân sách chuyên trách về vấn đề ngân sách. Nhưng không phải tất cả các thành viên của UB Tài chính – Ngân sách đều am hiểu sâu sắc về lĩnh vực này, chưa kể rất nhiều đại biểu phải kiêm nhiệm. Thời gian, sức lực họ giành cho công việc khó khăn, quan trọng là giám sát điều hành ngân sách không hề dễ dàng. Vậy ai sẽ giúp họ? Chính là những chuyên viên. Theo tôi được biết, bộ phận giúp việc quan trọng nhất ở UB Tài chính ngân sách là Vụ Tài chính ngân sách, hiện có hơn 20 chuyên viên.
Tôi cho rằng với lực lượng như vậy, kết cấu như vậy, việc phối hợp giữa các cơ quan giám sát dân cử với các cơ quan chính phủ, thậm chí với tổ chức chính trị –xã hội là đại diện cho nhân dân còn rất lỏng lẻo. Chúng ta có gần mười cơ quan giám sát, thanh tra của VN, chuyên ngành và không chuyên ngành trong chừng mực mất định đều đụng chạm đến kỷ luật ngân sách. Nhưng bởi thiếu một hệ thống thông tin, một cơ chế phối kết hợp giữa những cơ quan này nên rốt cuộc vừa chồng chéo, trùng lặp, vừa hiệu quả không cao.
Đấy là một thực tại cần được nhìn nhận. Khi trao thêm quyền lực cho các cơ quan dân cử để giám sát kỷ luật ngân sách thì chúng ta phải làm gì để họ thực hiện tốt chức trách. Không thể vì khó làm mà bỏ. Tránh trường hợp như bây giờ QH đang bàn và lập luận rằng bỏ HĐND cấp quận huyện vì họ không làm được việc gì cả. Nếu đánh giá thực trạng như hiện tại thì đúng là họ gần như không làm được gì. Nhưng tại sao chúng ta không giả định nếu tăng thêm nguồn lực con người, tăng thêm khả năng trình độ cho họ thì họ sẽ làm tốt vai trò của mình. Đây là một bài toán nên được bàn bạc một cách sòng phẳng.
ăn nhậu, nợ công, ngân sách nhà nước
Ts Habib Rab, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB. Ảnh: Lê Anh Dũng
Việt Lâm: Có lẽ cũng nhờ độ minh bạch thông tin của Chính phủ về tình hình ngân sách tốt hơn nên công chúng quan tâm nhiều hơn. Nhưng rõ ràng như Ts Ánh đã đề cập, vấn đề ngân sách mang tính chuyên môn khá phức tạp, nên không phải ai cũng hiểu được, ngay cả với các ĐBQH. Muốn họ thực thi được vai trò giám sát kỷ luật ngân sách thì phải nâng cao năng lực các cơ quan dân cử, tức là cần nguồn đầu tư hay gì khác, theo anh?
Ts Vũ Đình Ánh: Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định rằng chúng ta đã có bước tiến vượt bậc về độ công khai ngân sách. Thậm chí, chúng ta đưa ra những quy định rất cụ thể. Ví dụ, cuối năm hoặc đầu năm sau cơ quan tôi dán một bảng công khai ngân sách. Tôi được biết nhiều UBND phường cũng dán bảng ngân sách này. Nhưng thú thực, tôi đọc bản công khai ngân sách đó mà không hiểu gì cả, dù đã có hai thập kỷ nghiên cứu về tài chính. Vậy đối với những người ít tiếp xúc với tài chính ngân sách thì họ làm sao hiểu được những bản công khai ngân sách này? Rốt cục, chúng ta đã biến một thông lệ rất hay trở thành hình thức.
Một cách sòng phẳng, dường như chúng ta mới công khai nhưng chưa minh bạch. Chẳng hạn, tôi muốn biết tại sao có khoản chi này thì người ta lại không trả lời tôi. Đây là một câu chuyện lớn về công khai minh bạch của VN.
Về năng lực của các cơ quan dân cử, tôi cho rằng không có gì đáng quan ngại bởi đó là đặc thù của VN. ĐBQH của VN đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, họ không phải đại biểu chuyên trách, không phải là những người cái gì cũng biết và đằng sau họ không có bộ máy khổng lồ vận hành phục vụ mục tiêu họ là một nghị sỹ quốc hội. Rất nhiều người là đại biểu kiêm nhiệm. Do đó, chúng ta không thể đòi hỏi tất cả đại biểu cũng như người dân VN phải thông thạo về tài chính ngân sách, một vấn đề khá phức tạp.
Vậy thì làm thế nào để cải thiện tình trạng này? Một mặt hãy tăng số lượng đại biểu chuyên trách lên. Mặt khác, họ phải có bộ máy giúp việc. Bộ máy này làm nhiệm vụ thu thập thông tin và phải có đủ trình độ xử lý những thông tin liên quan đến ngân sách.
Chúng ta hoàn toàn có thể làm được việc này thông qua việc sắp xếp lại bộ máy tổ chức. Chúng ta có cả một bộ máy đồ sộ gồm các cơ quan Đảng, chính phủ, nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội lớn như Mặt trận Tổ Quốc, Đoàn Thanh Niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ... Gần như bên chính phủ có gì thì bên các tổ chức chính trị –xã hội có cái đó. Nếu sắp xếp lại thì thừa sức tổ chức được bộ phận giúp việc cho các ĐBQH và sau đó là các đại biểu HĐND, đặc biệt là những người làm chuyên trách để họ nắm vững được và thực thi chức năng giám sát tối cao đối với vấn đề ngân sách nhà nước một cách hiệu quả hơn.
Tất nhiên là không thể ngày một ngày hai làm được việc này. Trong một số cuộc tiếp xúc với các các ĐBQH, khi tôi chia sẻ với họ những nhận định của tôi về vấn đề ngân sách, khá nhiều người bảo: Cậu nói hay đấy. Chỉ có điều tôi không biết liệu nhiệm kỳ tới tôi còn làm ĐBQH nữa hay không? Nên bây giờ tìm hiểu những vấn đề cậu nêu có khi chẳng để làm gì. Vậy đầu tiên đại biểu cần hiểu được tại sao họ phải hiểu về ngân sách đã. Khi đó, họ sẽ tự động đi tìm và không thiếu các kênh để họ tìm hiểu.
Chúng ta đừng lo ngại chuyện tốn kém chi phí để nâng trình độ ĐBQH lên. Bởi vì đây là sự đầu tư vô giá và thiết yếu cho đất nước hiện nay.
Dân đóng thuế nuôi bộ máy nên có quyền đòi Chính phủ giải trình
Ts. Habib Rab: Có 3 yếu tố chính để xem xét mức độ tiếp cận thông tin về ngân sách của Quốc hội và công chúng nói chung. Một là công khai thông tin, tức là cung cấp thông tin cho công chúng về ngân sách. Hai là mức độ tham gia của người dân vào quản lý ngân sách, nghĩa là họ sử dụng thông tin như thế nào, phản hồi ra sao về quản lý ngân sách của chính phủ. Ba là, đảm bảo trách nhiệm giải trình. Chính phủ sử dụng tiền thuế của dân để cung cấp các dịch vụ công, do đó, họ phải giải trình trước dân một cách minh bạch về các chi tiêu của mình.
Quan điểm của chúng tôi là VN đã đạt được những tiến bộ rất đáng kể trong khía cạnh công khai thông tin. Hiện thông tin về ngân sách đã công khai khá cụ thể so với trước đây.
Ở khía cạnh thứ hai, chính phủ cũng đã có nhiều nỗ lực và hành động để tăng mức độ tham gia của người dân. Có thể thấy người dân đã có nhiều thông tin hơn và họ bắt đầu đặt các câu hỏi chất vấn. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực cần có những bước tiến nhanh hơn nữa.
Vậy làm thế nào để đạt được những bước tiến nhanh hơn? Ngoài giải pháp nâng cao năng lực cho các cơ quan dân cử như ông Ánh đã nói, thì bản thân chính phủ phải có trách nhiệm cải thiện hiệu quả trong trao đổi, truyền đạt thông tin tới công chúng. Chúng ta cũng biết là tài liệu ngân sách rất dày và nhiều thuật ngữ phức tạp. Chính phủ phải làm sao để truyền đạt thông tin theo cách mà công chúng hay Quốc hội có thể hiểu được. Tất nhiên không phải là theo kiểu đơn giản hoá hay tầm thường hoá vấn đề.
(còn tiếp)
  • VietNamNet
http://vietnamnet.vn/vn/ban-tron-truc-tuyen/208695/-an-nhau-vo-toi-va-van-quyet-toan-duoc-het-.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét