Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

Đưa “điểm nóng” Hoàng Sa ra thế giới

Đưa “điểm nóng” Hoàng Sa ra thế giới
TT - Ra đi lúc nửa đêm, con tàu cảnh sát biển số hiệu 4033 mang trên mình thêm một nhiệm vụ đặc biệt, khi chở theo rất nhiều phóng viên quốc tế ra Hoàng Sa tác nghiệp.
Phóng viên Hãng tin AFP tác nghiệp trên tàu cảnh sát biển VN - Ảnh: Thuận Thắng



 Kỳ 1: Ngày truy cản, đêm uy hiếp / Kỳ 2: Cuộc chạm trán sáng 12-5

“Trung Quốc bịa đặt!”

Đó là câu nói ngắn gọn của nhà báo Yatagai Toshihiro, trưởng phân xã Bangkok của Hãng tin Kyodo (Nhật), trên chuyến tàu trở về đất liền sau những ngày trực tiếp có mặt ở điểm nóng Hoàng Sa, nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981.

Chia sẻ với đồng nghiệp VN về những gì chứng kiến ở Hoàng Sa, anh Yatagai Toshihiro nói: “Người Nhật có câu “trăm nghe không bằng một thấy”. Những ngày qua tôi thấy các tàu VN chỉ sử dụng biện pháp tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan trái phép, rời khỏi vùng biển này. Tôi có khá nhiều tư liệu thực tế, khách quan về việc đâm va, xịt vòi rồng của các tàu Trung Quốc đối với tàu VN. Trung Quốc nói tàu VN cố tình đâm va tàu Trung Quốc là thông tin bịa đặt”.

Để có thông tin khách quan và tận mắt nhìn những gì diễn ra ở Hoàng Sa, đầu giờ chiều 12-5 đông đảo phóng viên của nhiều hãng tin, đài, báo nước ngoài đã có mặt ở Đà Nẵng để chuẩn bị lên tàu. Một vài nhà báo đi gấp nên chỉ có bộ quần áo trên người. Và nói như một phóng viên của báo Asahi (Nhật) thì đây là “chuyến tàu của sự thật”, bởi Hoàng Sa đến nay vốn vẫn là “điểm mù” của báo chí quốc tế. Bởi thế nhà báo Yatagai Toshihiro, khi biết cảnh sát biển VN sẽ tạo điều kiện cho phóng viên quốc tế ra Hoàng Sa, đã bay gấp từ Bangkok qua ngay trước giờ đoàn khởi hành. Bộ phận báo chí của Bộ Ngoại giao tạo mọi điều kiện để phóng viên các hãng, các báo lớn trên thế giới có mặt kịp ở Đà Nẵng.

Phóng viên Đinh Trần Trung Hậu, có 10 năm làm việc cho Hãng AP (Mỹ), nhận xét động thái lần này của VN với báo chí quốc tế là hết sức cần thiết, cho thấy một VN minh bạch thông tin ở Hoàng Sa. Phóng viên này cũng chia sẻ thêm rằng không đồng nghiệp nào của anh ở Bắc Kinh được theo các tàu hải giám Trung Quốc.

Danh sách đi Hoàng Sa có sáu hãng tin lớn trên thế giới là AP, Bloomberg của Mỹ, AFPcủa Pháp, Reuters của Anh, Kyodo của Nhật, DPA của Đức và bốn tờ báo, đài truyền hình lớn là Wall Street Journal, Asahi, NHK, Nikkei.

Những hình ảnh minh chứng cho sự thật

Việc các nhà báo quốc tế có mặt ở Hoàng Sa dường như phía Trung Quốc biết được, nên ở hướng tây nam của giàn khoan, nơi biên đội tàu cảnh sát biển VN làm nhiệm vụ chấp pháp, các tàu Trung Quốc tỏ ra bớt hung hăng hơn trước. Họ không còn tấn công bằng vòi rồng, đâm trực diện vào tàu, tuy nhiên ba bốn tàu hải cảnh Trung Quốc vây quanh uy hiếp, nòng pháo tàu hải cảnh 31101 luôn được mở bạt sẵn và hướng thẳng về phía tàu cảnh sát biển VN.

Nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc ngạo mạn chạy cắt mặt uy hiếp tàu cảnh sát biển VN. Việc làm này còn có mục đích dàn dựng để các tàu Trung Quốc khác đi phía sau chụp ảnh như thể tàu cảnh sát biển VN đâm tàu Trung Quốc. Trong khi đó, cùng thời gian này ở phía nam đông nam của giàn khoan Hải Dương 981, nơi không có các nhà báo quốc tế, tàu Trung Quốc vẫn không ngần ngại thể hiện sự hung hãn của mình. Họ bắn vòi rồng, đâm tàu kiểm ngư mà các đồng nghiệp của chúng tôi ghi nhận được và đã đăng tải trong các kỳ trước.

Khi ra đến vùng biển Hoàng Sa, nhóm phóng viên nước ngoài được chia lên hai con tàu khác nhau để có cái nhìn bao quát. Đại tá Võ Văn Kính, phó chính ủy cảnh sát biển Vùng 2, luôn quán triệt tinh thần là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, tạo điều kiện tác nghiệp tốt nhất cho phóng viên nước ngoài. Các nhà báo truyền thông tin và hình ảnh về tòa soạn bằng cách nào? Có hai cách. Hoặc là phóng viên nước ngoài sẽ sử dụng thiết bị họ mang theo để gửi trực tiếp về hãng/tòa soạn báo. Hoặc là sẽ thông qua vệ tinh Vinasat của tàu để truyền thông tin, hình ảnh về Bộ tư lệnh Cảnh sát biển VN tại Hà Nội, từ đó gửi về các hãng/tòa soạn báo. Mọi người đều nhanh chóng thống nhất cứ để các phóng viên nước ngoài chủ động truyền hình ảnh bằng thiết bị riêng, còn nếu muốn, họ có thể gửi qua hệ thống Vinasat của tàu để tốc độ nhanh hơn.

Và để đảm bảo việc này, các sĩ quan cảnh sát biển VN yêu cầu thuyền trưởng tìm mọi cách giữ độ ổn định của tàu để các thiết bị vệ tinh của phóng viên nước ngoài hoạt động tốt nhất. “Tất cả nhằm để những thông tin khách quan ở Hoàng Sa sớm tới với nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Trung Quốc” - một sĩ quan nói.

... Lúc 2g sáng 14-5 chúng tôi vẫn thấy phóng viên Yatagai Toshihiro của Hãng tin Kyodođang miệt mài truyền hình ảnh qua vệ tinh về hãng của mình. Toshihiro nói anh rất hoan nghênh việc VN “mở cửa” cho báo chí quốc tế ra chứng kiến tận mắt tình hình ở Hoàng Sa. “Việc làm này rất cần thiết, nhất là với một Trung Quốc hay tuyên bố ngang ngược. Những gì các tàu hải giám Trung Quốc gây ra với tàu VN cho thấy một Trung Quốc quá hung hăng và ngạo mạn” - Yatagai Toshihiro nói.

Khi về tới đất liền, chúng tôi đã tìm kiếm trên kho ảnh của các hãng thông tấn lớn, xem lại toàn bộ hình ảnh về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế của VN thì nhận thấy toàn bộ hình ảnh về sự kiện này đều xuất phát từ phía VN cung cấp hoặc do các nhà báo nước ngoài đi trên tàu cảnh sát biển VN chụp được.

Tất cả đều cho thấy các tàu hải cảnh Trung Quốc hung hãn uy hiếp, đâm vào tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển VN. Trong đó có hình được ba hãng thông tấn lớn nhất thế giới làAFP, AP, Reuters chọn làm nổi bật là hình tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 31101 bắn vòi rồng vào tàu kiểm ngư VN. Trung Quốc không cung cấp được hình ảnh nào chứng minh cho lời vu khống tàu VN đâm tàu Trung Quốc. Chỉ duy nhất Hãng AFP của Pháp có dùng lại một số hình của Tân Hoa xã Trung Quốc. Trong đó chỉ có một ảnh đáng chú ý đó là tàu kiểm ngư KN 762 đâm tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 46001. Đây là hình ảnh dàn dựng để vu cáo tàu VN tấn công tàu TQ. Nhưng nó không lừa được các nhà báo quốc tế đã tận mắt chứng kiến diễn biến tại “điểm nóng” này.

THUẬN THẮNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét